LINH  MỤC  VÀ  LEGIO

          Về nguyên tắc, vai trò  của linh mục đối với Legio thật hết sức quan trọng và được ví như sự hiện diện của Chúa Giê Su giữa các tông đồ: “ Nhiệm vụ của linh mục được nhóm người tận tụy vây quanh, chia sẻ nỗi vất vả với người nhất là qua gương sáng của chính Chúa Cứu Thế. Người đã chuẩn bị cải tổ thế giới bằng cách quy  tụ quanh mình một nhóm người  để chính Người huấn luyện và cho họ hấp thụ tinh thần của Người” ( TB chương mười. C 125 ).

          Nguyên tắc là vậy nhưng thực tế cả về phía các linh mục cũng như hội viên Legio thì không hẳn là như vậy. Với các linh mục, Legio cũng chẳng có gì khác với các đoàn thể Công giáo khác như Huynh Đoàn Đa Minh, Hội Tận Hiến Đồng Công…Bởi là cha xứ, các ngài đương nhiên có bổn phận coi sóc họ thế thôi. Còn về phía các đoàn thể thì coi cha xứ tuy là linh hướng nhưng sự hiện diện của các ngài bất quá cũng chỉ giới hạn trong phạm vi…lễ quan thầy  hàng năm ?

          Riêng với Legio, như Thủ Bản trình bày thì cha linh giám không những chỉ coi sóc và trách nhiệm về mặt giáo lý cũng như đạo đức nhưng ngài còn là một Ủy Viên và tham gia các phiên họp hàng tuần của Pre’sidium một cách tích cực: Lần Chuỗi Mân Côi, ban huấn từ v.v…Thế nhưng đây cũng chỉ là nguyên tắc được đề ra còn trong thực tế có  lẽ cũng chẳng có cha linh giám nào làm được như vậy ? Lý do hoàn toàn dễ hiểu bởi vì con số các pre’sidia trong một giáo xứ ở đây có khi lên tới vài chục, làm sao các cha có thể đến với họ ?

          Như đã biết vai trò của cha linh giám đối với Legio là hết sức quan trọng được ví như Chúa Giê Su ở giữa các tông đồ. Có…ở giữa tức cùng ăn cùng làm việc như thế, Chúa mới có thể biết đến từng môn đệ và huấn luyện, dạy dỗ cho họ. Điều này quả là cần thiết trong việc đào tạo, huấn luyện nhưng không vì thế chúng ta có thể đòi hỏi các cha linh giám một điều bất khả kháng như  thế. Dẫu vậy, sự gắn bó giữa linh mục và Legio trong một chừng mực nhất định nào đó là điều bắt buộc. Nói tóm lại. linh mục hơn  nữa lại là Linh Giám thì không thể ở trên hay thậm chí…ở ngoài Legio ???

          Trong bất cứ công cuộc nào dù là thế tục hay tâm linh, để đi đến thành công thì vấn đề đào tạo nhân sự cũng phải đặt lên hàng đầu. Chính vì thế chúng ta không thể tưởng tượng Chúa Cứu Thế Giê Su khi được sai  đến thế gian mà chỉ một mình Ngài cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ và đến lượt các Tông Đồ cũng không khác: “ Mười hai vị tông đồ lạc lõng giữa một thế giới bao la, làm sao thâu đạt kết quả nếu không quy tụ quanh mình những cộng tác viên nam phụ lão ấu và mời họ: “ Chúng tôi mang kho báu của Trời, hãy giúp chúng tôi phân phát” – Huấn từ của đức Pio XI” ( TB chương mười C 125 ).

          Chúng ta nên hiểu “ Kho báu của trời” ở đây là gì ? Xin thưa đó chính là Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm nội tại “ Nước Trời ví như kho báu chôn trong ruộng mà có người gặp được thì yểm đi rồi vui mừng đi bán  tất cả những gì mình có rồi mua lấy thửa ruộng ấy” ( Mt 13, 44 ).

          Mục đích xuống thế của Đức Ki Tô là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời ( Lc 4, 42 ). Tuy nhiên đây là một Thực Tại Tâm mầu nhiệm không thể dùng ngôn ngữ khái niệm để diễn tả, vì thế Chúa chỉ dùng đến Dụ Ngôn: “ Tất cả những điều ấy, Chúa Giê Su đã dùng dụ ngôn để nói với đám đông và Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn hầu ứng nghiệm lời tiên tri: Ta sẽ mở miệng mà nói thí dụ, Ta sẽ thốt ra những điều đã được giấu kín từ thuở sáng thế” ( Mt 13, 34 -35 ).

          Điều giấu kín từ buổi sáng thế đó chính là Nước Trời mầu nhiệm ẩn giấu ở trong Tâm mỗi người nhưng chỉ  vì vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) che lấp nên không nhận ra. Nước Trời là một mầu nhiệm giấu kín nhưng đến thời, nó sẽ được mở ra cho những ai  tin cùng với  lòng  sám hối ăn năn: “ Thời đã mãn, Nước Trời đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

          Nước Trời là một mầu nhiệm giấu kín, rất khó để con người tiếp nhận, thế nên khi rao giảng về Thực Tại Tâm ấy, Chúa Giê Su rất cần đến các Tông Đồ gọi là Nhóm Mười Hai để cộng tác với Ngài. Cộng tác với Chúa để rao giảng Tin Mừng và như thế các Tông Đồ phải là những người nối tiếp sự nghiệp của Chúa chứ không thể…đi trệch con đường này:“ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị định tội” ( Mc 16, 15 ).

          Lệnh truyền đưa ra rất rõ ràng: Ai tin và sống theo Tin Mừng sẽ được cứu. Trái lại không tin sẽ bị luận phạt. Như vậy yếu tố tin vào Tin  Mừng của Đức Ki Tô  về Nước Trời mầu nhiệm  sẽ  quyết định cho việc được cứu thoát. Tất cả các Tông Đồ nối tiếp nhau trải qua bao thế hệ tất cả đều là những Linh Mục được gọi là những Ki Tô Khác ( AlteChristus ).

          Gọi là những “Ki Tô Khác” bởi vì các ngài nối tiếp sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô. Có nhận ra như thế mới thấy được vai trò của Linh Mục đối với Legio quan trọng như thế nào. Nếu trước đây Đức Ki Tô quy tụ các Tông Đồ quanh mình để thực thi sứ mạng thì ngày nay các linh mục cũng cần có cho mình những hội viên Legio có tinh thần tông đồ như vậy:

          “ Đức thánh giáo hoàng Pio X có lần họp với một số hồng y. Người hỏi: Hiện tại việc gì cần nhất để cứu xã hội ? Một vị đáp: Cần xây nhiều trường Công giáo. Vị thứ hai thưa: Không, phải cất nhiều nhà thờ. Vị thứ ba thưa: Chưa đúng, phải tăng thêm nhiều linh mục. Đức  thánh Pio đưa ra kết luận: Không, không phải, hiện tại việc cần nhất là mỗi họ đạo phải có một nhóm giáo hữu nhân đức, sáng suốt, cương quyết, dũng cảm và có tinh thần tông đồ thật sự” ( TB chương mười C. 126 ).

          Lý do khiến thánh giáo hoàng Pio X ( 1835 – 1914 ) nhấn mạnh  đến sự cần thiết phải có  những con người đạo đức, dũng cảm và có tinh thần tông đồ là  để đối phó với tình trạng sa sút đức tin  ngày càng lan rộng trước sự đánh phá của các trào lưu Duy Lý và não trạng sùng thượng khoa học thời đó…

          Nhất thiết cần có những con người có tinh thần tông đồ bởi chỉ  những con người ấy  mới có thể nhận biết và sống Tin Mừng của Đức Ki Tô. Ngược lại dù có xây nhiều trường Công giáo, nhiều nhà thờ và tăng thêm các linh mục  thì cũng chẳng ích lợi gì cho việc tìm kiếm Nước Trời: “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).

          Vì chưng Nước Trời là một Thực Tại Tâm thế nên trong việc tìm kiếm này không phải là tìm là kiếm cái gì đó ở bên ngoài mình nhưng là trở về với chính Bản Tâm hay còn gọi là  “Bộ Mặt Xưa Nay” ( Bản Lai Diện Mục ) ở nơi chính mình.

          Theo trình thuật Kinh Thánh ( Sách Sáng Thế Ký ) thì Bộ Mặt Xưa Nay ấy chính là Vườn Địa Đàng mà nguyên tổ sau khi phạm tội  đã phải rời bỏ. Đức Chúa Giehova truyền cho nguyên tổ phải rời khỏi Vườn Địa Đàng nhưng hứa sẽ cho trở về với điều kiện là trải qua cuộc giao tranh với rắn Sa Tan dưới quyền lãnh đạo tối cao của Người Nữ Maria ( St 3, 15 ).

          Nếu hiểu cuộc giao chiến giữa Người Nữ Maria và quỷ dữ Sa Tan là một cuộc chiến tâm linh thì cuộc chiến ấy  là của  hết thảy mọi người bất kể là linh mục hay giáo dân ! Tuy nhiên linh mục  có một vai trò đặc biệt trong cuộc chiến đó: “ Dầu đại đa số hội viên Legio là giáo hữu, Legio vẫn hành động liên kết  mật thiết với các linh mục dưới quyền hướng dẫn của Người và vì quyền lợi cao quý của hai bên. Vì thế Legio hết lòng giúp linh mục trong nhiệm vụ của Người và làm cho Người chiếm một chỗ rộng lớn trong đời sống nhân loại vì tiếp đón linh mục là tiếp đón chính Đấng đã sai Người đến” ( TB chương mười C. 124 )

          Tôn kính linh mục là tôn kính Đức Ki Tô thế nhưng các linh mục dẫu sao vẫn là những con người, các ngài vẫn phải chiến đấu trong mặt trận tâm linh hầu cứu rỗi linh hồn mình. Trong tư cách là một  ủy viên Legio, linh mục cũng có nhiệm vụ đọc kinh Catena hàng ngày như các hội viên hoạt động khác. Dù trong tư cách Linh Mục các ngài cũng không thể bỏ qua nhiệm vụ này bởi vì Kinh Catena được ví như sợi giây liên kết với Đức Mẹ.

          Mối giây liên kết với Đức Mẹ là vô cùng quan trọng đối với các linh mục dù các ngài có đạo đức và tài ba đến đâu nhưng nếu không có lòng tôn sùng Đức Maria thì cũng chẳng ích lợi gì cho giáo hội hiểu như Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô. Đức Maria là Mẹ Chúa Ki Tô thì cũng là Mẹ của các linh mục bởi các ngài là những Ki Tô Khác. Là con thì phải tùy thuộc và gắn bó mật thiết với Mẹ cách mật thiết thì mới nhận được  những ơn ích cần thiết. Ngược lại thì không.

          Cuộc khủng hoảng sâu sắc trong giáo hội hiện nay theo tôi bắt nguồn từ việc các linh mục chưa có lòng tôn sùng, quý mến Đức Maria cho đủ  và cũng chính vì thế mà đã không nhận ra quyền lực của Đức Ki Tô trong cuộc chiến tâm linh một mất một còn này. Chúa Giê Su nói với  dì Briege MC Kenna cách nay hơn năm mươi năm: “ Briege ơi, Đây là những vị Ta đã chọn để hướng dẫn dân Ta, để chăn dắt dân, đem can đảm lại cho họ. Nhưng các vị ấy đang mất niềm tin vào Ta, các vị ấy đi tìm sự khôn ngoan thế gian. Họ quay lưng lại với quyền lực của Ta để chọn quyền lực thế gian. Chúa  mạc khải cho tôi ( Briege ) biết rằng: Sắp có khủng hoảng lớn trong chức linh mục. Nhiều linh mục mất lòng tin vào Chúa Giê Su, không nhìn nhận quyền năng của Chúa nữa, quyền năng mà Chúa thông ban nơi các vị qua Bí Tích  Truyền Chức Thánh” ( Briege MCKenna O.S.C Quyền Năng Chúa Giê Su Thánh Thể ).

          Nguyên nhân sâu xa khiến  các linh mục, những người dẫn dắt Dân Chúa  không tin vào quyền lực của Chúa Ki Tô đó là vì Nước Trời mầu nhiệm đã bị hoàn toàn tục hóa để trở thành cái gọi là Thế Giới Đại Đồng kiểu CS: “ Người nghèo không còn nghèo. Kẻ bị áp bức không còn bị áp bức” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc – Đức Ki Tô Hôm Qua Hôm Nay và Mãi Mãi ).

          Với một thứ…Nước Trời bị tục hóa như thế thì thử hỏi Chúa Giê Su có quyền lực gì ? Quyền lực của Chúa chỉ có thể phát huy trong trận chiến tâm linh tức con đường trở về với Đấng Cha nội tại: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Trên con đường trở về với Đấng Cha ấy, Đức Maria đóng một vai trò vô cùng quan trọng bởi vì Ngài chính là Người Nử đạp giập đầu rắn Sa Tan. Đầu rắn tượng trưng cho Duy Lý còn gót chân người nữ tượng trưng cho sự khiêm  cung, thấp hèn.

          Legio Mariae đảm nhận cuộc chiến ấy dưới sự lãnh đạo của giáo quyền qua  sự hiện diện của các Linh Giám. Sự hiện diện của các cha Linh Giám vừa là một bảo chứng  cho sự tùng phục của Legio nhưng đồng thời các ngài cũng phải tích cực tham gia  vào cuộc chiến  giống như các hội viên, hết sức tin tưởng và đầy lòng cậy trông nơi Đức Maria: “ Đức Trinh Nữ quyền năng  đạp giập đầu con rắn. Đối với những tâm hồn liên kết với Mẹ, Chúa ban sức mạnh cho họ hầu  chiến thắng tội lỗi. Chúng ta phải tin điều này với một niềm tin không lay chuyển và một lòng cậy trông vững vàng” ( TB chương 5 C. 30 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts