Đời hoạt động của người Legio diễn ra cách bình lặng hết tuần này sang tuần khác, quanh năm suốt tháng cũng chỉ những kinh nguyện ấy, những công tác ấy. Thế nhưng để sống cho trọn vẹn cuộc đời Tông Đồ đó quả thật không dễ chút nào. Lý do là bởi để sống như thế “ Legio đòi hỏi phải phục vụ triệt để nghĩa là không giới hạn nào cả. Điều này không phải chỉ là một lời khuyên để nên hoàn hảo mà chính là một điều kiện khẩn thiết vì nếu không nhắm đến chỗ hoàn hảo thì không thể gia nhập Legio lâu dài được” ( TB chương 4 câu 12 ).
Không nhắm đến chỗ hoàn hảo thì không thể gia nhập Legio lâu dài được. Đòi hỏi này xem ra có vẻ quá ư lý tưởng nhất là trong thời mà sự tục hóa tôn giáo được coi như xu thế thời đại không thể tránh. ? Tục hóa hay còn gọi là giải thiêng ( desacralisation ), nói cách đơn giản dễ hiểu là người ta không nhìn nhận con người có linh hồn mà chỉ còn là cái thân xác này thôi. Một khi không nhìn nhận có linh hồn thì rút cục toàn bộ đời sống tôn giáo nếu còn duy trì đó cũng chỉ là một thứ hình thức trống rỗng tẻ nhạt. Đang khi đó tôn giáo đích thực phải là hành vi hoàn thiện bản thân của mỗi người đến chỗ tuyệt đối “ Vậy thì các ngươi hãy nên hoàn thiện như Cha các ngươi là Đấng Thoàn Thiện” ( Mt 5, 48).
Phải nên hoàn thiện như Thiên Chúa, điều này quả thật khó…mà nghĩ đến chứ đừng nói chi đến việc thực hiện. Mặc dầu vậy lời Chúa là chân lý không bao giờ nói chỉ để mà nói. Đức Kito truyền dạy phải nên hoàn thiện để rồi từ đó đã có không biết bao là con người trong đủ mọi thứ sắc dân, chủng tộc, đủ mọi thứ tầng lớp đấng bậc đã được nên Thánh, tức hoàn thiện. Sở dĩ con người có thể hoàn thiện là bởi trong ý nghĩa sâu xa của hoàn thiện tức là trở về với tính thiện hảo ở nơi mình ( Nhân chi sơ tính bản thiện ). Tính thiện hảo vốn luôn có đấy bởi chưng con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống Hình Ảnh Ngài ( St 1, 26 ). Là Hình Ảnh của Thiên Chúa cũng có nghĩa tất cả mọi người dù thuộc bất cứ chủng tộc sắc dân nào, dù giàu nghèo sang hèn…Ngay cả những kẻ vô thần chống báng Thiên Chúa từ trong thâm sâu bản tính cũng không khác với Chúa Giesu chút nào “ Đức Kito Phục Sinh nói với bà Maria Madalena = Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi” ( Ga 20, 17 ).
Con người không khác với Chúa Giesu về bản tính nhưng khác về nhận biết “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài, nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài cũng giữ Đạo Ngài” ( Ga 8, 35 ). Chúa “ Biết” còn phàm nhân chúng ta thì không. “ Biết” ở đây là nhận biết và cũng là yêu mến Đấng Cha ở nơi Ngài. Bởi không biết thế nên con người đã phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa để rồi đi đến chỗ chống báng kiêu căng phản loạn với Ngài. Đức Kito xuống thế mục đích là để giải gỡ cho chúng ta ra khỏi sự mê muội ấy “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con, ngoài Con và người nào mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Ga 10, 22).
Mạc khải nghĩa của nó là chỉ thẳng ( trực chỉ )cho biết về Đấng Cha. Tuy nhiên Chúa mạc khải không chỉ bằng lời nói nhưng bằng chính Tình Yêu hiến dâng của Ngài “ Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe biết nơi Cha Ta” ( Ga 15, 15 ). Một khi Đức Kito đã hiến dâng chính mạng sống mình thì Ngài cũng đòi buộc chúng ta cũng phải có hành vi phục vụ tương xứng có nghĩa phải vô giới hạn. Hội viên Legio là người đã được ơn gọi để nên trọn lành vì thế cũng phải noi theo con đường của Chúa “ Mỗi người trong chúng ta hãy ghi tạc vào lòng những lời Hội Thánh nói về Đức Mẹ = Tâm tính tôi dịu ngọt hơn mật ong. Tất cả con người của tôi còn ngọt hơn mật và hơn cả một áng mật ( Gv 24, 20 ). Dù ai có làm việc lành theo lối cứng rắn, Legio nhất định theo một con đường dịu dàng dễ yêu để làm việc Chúa. Dù trong tình trạng nào cũng đừng bắt Legio phải theo lối khác” ( TB chương 39 câu 466 ).
Làm việc lành theo lối cứng rắn tức là chấp nhận có sự trách mắng quở phạt đối với những ai cần sửa dạy. Nhưng với Legio thì không thể như thế bởi vì cần noi gương Chúa hiến thân trong Tình Yêu bằng việc phục vụ vô giới hạn. Hơn nữa đối tượng phục vụ ấy chẳng phải con người thân xác mà là chính Chúa Giesu ở nơi họ. Legio xác tín điều này là càng với người tội lỗi thì việc phục vụ lại càng khẩn thiết “ Còn một lý do nữa khiến chúng ta với giá nào cũng phải đeo đuổi người tội lỗi như trình bày rất linh động của đức giám mục Benson = Nếu tội nhân lúc phạm tội họ chỉ đuổi xua Chúa mà thôi chúng ta còn có thể để mặc họ làm chi thì làm. Nhưng theo lời kinh khủng của thánh Phaolo cho biết họ còn bắt, đóng đinh Chúa lại và thi đua lăng mạ Chúa ( Dt 6, 6). Do đó chúng ta không thể để mặc họ” ( TB chương 39 Câu 468 ).
Nói đến Legio là nói đến sự kết hợp với Đức Maria. Thế nhưng trong tư cách kết hợp ấy làm sao chúng ta có thể bỏ mặc không cứu giúp kẻ tội lỗi vì chưng những con người ấy cũng chính là Chúa Giêsu Con Mẹ ./.
Phùng Văn Hóa