THÀNH THỰC TÔN SÙNG ĐỨC MARIA QUA ĐƯỜNG LỐI CỦA THÁNH MÔNG PHO

            Cách nay hơn 03 thế kỷ, thánh Louis Maria  Grignon De Monfort ( 1673 -1716 ) trong cuốn sách có tựa đề “ Bí Mật Của Đức Maria” đã tiên báo về sự xuất hiện của Legio Mariae và cuộc chiến của nó: “ Tôi đã thấy trước rằng cuốn sách nhỏ bé này do Chúa Thánh Thần soi sáng cho người viết sẽ bị thú dữ cắn xé tan tành và đem giấu nơi tăm tối  để cuốn sách này đừng xuất hiện. Quái vật sẽ tấn công những ai đọc và đem thực hiện những điều viết trong sách. Viễn tưởng này làm tôi phấn khởi và tin tưởng vào sự thành công của  một hội đoàn phục vụ dưới bóng cờ Chúa Ki Tô  và Mẹ Maria. Các chiến sĩ nam nữ sẽ chống lại ma quỷ, thế gian và xác thịt trong khoảng thời gian suy đồi sắp tới” ( TB chương 24. Câu 262 ).

          Thời gian suy đồi mà thánh  Mong Pho tiên báo chính là thời Tục Hóa hiện nay. Vào thời này cái khát vọng tâm linh dường như không còn nữa để nhường chỗ cho những nhu cầu thỏa mãn xác thân. Tuy nhiên, con người vì được dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ) thế nên niềm khát khao muôn thuở của nó như lời nguyện cầu của thánh Augustino là để trở về: “ Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa  vì vậy con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong  Ngài” ( Tự Thú ).

          Được nghỉ an trong Chúa đó là nỗi khát  vọng khôn nguôi của  con người. Thế nhưng sự nghỉ an ấy chỉ có thể có  được khi ta biết bỏ mình theo Chúa Ki Tô “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Tại sao Chúa nói cần phải Bỏ Mình  tức bỏ đi “ Cái Tôi” thì mới có thể theo Chúa ?  Bởi vì “ Cái Tôi”  đó chỉ là  một thứ ảo tưởng  được hình thành bởi hai cái chấp. Một là chấp xác thân này  là mình, hai là chấp tâm tưởng này là mình. Chẳng những người đời không ai lại không vướng phải hai cái chấp đó nhưng ngay cả thần học cũng vậy. Trước đây thần học đưa ra quan niệm con người có xác và hồn  nhưng nay lại nói con người Là xác và hồn.  Chính cái quan niệm…Là Xác  ấy mà giáo hội  đã không thể không bước vào Con Đường Tục Hóa ( Se’cularisme ) như hiện nay đang thấy.

          Một khi đã bước vào Con Đường Tục Hóa thì tất cả những việc phụng thờ Thiên Chúa  chỉ còn là một thứ hình thức chẳng chuyên chở được gì ngoài tính phô trương, chiếu lệ  và thánh Mong Pho cho đó là do  mưu mô  thâm độc của Sa Tan. Có hai lối tôn sùng giả dối  đã đánh lừa được rất nhiều người. Một là với Phép Thánh Thể, người ta có thể…ùn ùn kéo nhau lên Rước Lễ tỏ ra rất nghiêm trang sốt sắng nhưng trong lòng lại không hề…có Chúa ! Hai là với phép lần hạt Mân Côi, có người lần hết chuỗi này chuỗi khác một ngày  nhưng chỉ cốt sao cho được nhiều mà không bỏ được ý riêng v.v…

          Phụng thờ cách giả dối, chẳng những không được ơn ích  mà còn bị Thiên Chúa quở trách: “ Dân này chỉ thờ kính Ta ngoài môi miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm, chúng tôn thờ Ta luống công” ( Mc 7, 6 -7 ). Tại sao nếu phụng thờ Thiên Chúa chỉ có ở ngoài môi miệng thì còn xa cách Chúa ? Đó là vì  Thiên Chúa là Đấng hiện hữu ở nơi mỗi người chớ chẳng ở đâu xa ! Chúng ta chỉ có thể hiểu và sống đạo lý Bỏ Mình của Đức Ki Tô  với một Đấng Thiên Chúa…nội tại và là chính Bản Thể Tình  Yêu ở nơi mình !

          Thánh Mong Pho phân biệt có hai thứ phụng thờ  Thiên Chúa một là giả dối hai là chân chính và lối chân chính chỉ có được ở nơi những ai biết Bỏ Mình tức  tận hiến cuộc đời mình cho Đức Maria:

          “ Cách tôn sùng này đòi chúng ta chính thức giao kết  với Đức Maria để dâng toàn thân, tất cả tư tưởng, hành động và tài sản thiêng liêng  cũng như vật chất cả dĩ vãng, hiện tại, tương lai, không giữ lại một phần bé nhỏ nào nghĩa là người tận hiến  tự đặt mình  vào hàng tôi  đòi  không một chút của riêng. Lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Maria để Người hoàn toàn sử dụng” ( TB chương sáu. C 62 ).

          Tận hiến  bằng cách Dâng Mình cho Đức Mẹ, tuy nhiên đó vẫn chỉ là một thứ nghi thức nếu  người ta không biết mình phải…dâng cái gì cho Đức Mẹ ? “ Thành thực tôn sùng mở đầu bằng lễ chính thức Dâng Mình và công việc chính là cuộc sống sau sự tận hiến này. Thành thực tôn sùng không phải là một cử chỉ nhưng là một tâm trạng. Nghĩa là nếu Đức Mẹ không làm chủ tất cả cuộc sống của chúng ta với tất cả mọi giây phút của cuộc đời chúng ta thì có làm bao nhiêu Lễ Dâng Mình cũng chỉ đáng giá như một kinh thường đọc chứ chưa phải là tận hiến, giống như cây trồng không bao giờ đâm rễ” ( TB chương sáu. C. 64 ).

          Tại sao cần phải để cho Đức Maria làm chủ cuộc sống mình trong từng giây phút ? Lý do là vì trong bấy lâu nay hay nói đúng hơn từ muôn kiếp trước chúng ta đã để cho tư tưởng  làm chủ, dẫn dắt mình mà không hề hay biết ! Người đời ai cũng nghĩ mình sống là sống bằng thân xác và cho thân xác  nhưng thực sự thì con người ta sống bằng tư tưởng hay như giáo sư tâm lý học William James nói: “ Chính tư tưởng là người tư tưởng”.

          Tư tưởng dẫn dắt tất cả: “ Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau như xe chân vật kéo” ( Phẩm Song Yếu – Kinh Pháp Cú ).

 Ý ở đây chính là Tác Ý,  nghĩa là tư tưởng có chủ ý sẽ tạo thành Nghiệp. Chất chứa tư tưởng thiện ( Thiện tưởng ) sẽ tạo nghiệp thiện và  tạo nghiệp thiện sẽ được sống an vui hạnh phúc. Trái lại  chất chứa  tư tưởng ác ( Ác tưởng )  sẽ tạo nghiệp ác và tạo nghiệp ác sẽ phải sống trong bất hạnh, khổ đau.

Nghiệp là do tác ý nhưng vì bản chất vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) thế nên con người không thể tạo lấy nghiệp thiện cho mình để hưởng hạnh phúc, điều này thánh Phao Lô đã nói rất rõ: “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này: Khi tôi muốn làm điều thiện  thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong  tôi vẫn vui thích luật pháp của ĐCT nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu  với luật trong tâm trí tôi bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi vẫn ở trong chi thể tôi. Ôi, tôi là kẻ khốn nạn dường nào ! Ai sẽ giải cứu tôi  khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ ĐCT, nhờ Đức Giê Su Ki Tô Chúa chúng ta. Như vậy chính mình tôi lấy tâm trí phục luật pháp của ĐCT nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi” ( Rm 7, 21 -25 ).

Trong cuộc tranh chiến giữa luật của Thiên Chúa tức lương tâm và luật của  Bản Năng tức  ngã chấp này, thánh Phao Lô đã cho thấy  phần thắng chỉ có thể nghiêng về những ai biết cậy nhờ vào Đức Ki Tô qua trung gian cầu bầu của Đức Maria cũng là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan ( St 3, 16 ).

Ý nghĩa sâu xa của việc sống đạo là sống cuộc chiến đấu cam go giữa Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và  quỷ Sa Tan. Cuộc chiến ấy chỉ đưa đến kết quả cho những ai sống đời tận hiến bằng cách thành thật tôn sùng Đức Maria, nguyện hết lòng Xin Vâng như Ngài.

Xin Vâng như Đức Maria mặc dầu là rất khó, thế nhưng nếu có Ơn Chúa thì việc ấy lại chẳng có gì khó: “ Đừng cho rằng lúc nào chúng ta cũng phải nhớ đến việc mình đã tận hiến. Ví như sự sống của thể xác được điều hòa nhờ hơi thở và tim đập dù ta không để ý tới, đời sống tận hiến cũng thế. Dù chúng ta không ngờ, nó vẫn xây dựng  cho đời sống linh hồn của chúng ta. Để nhắc nhở chúng ta  lệ thuộc Mẹ chúng ta nên Dâng Mình  bằng một câu nguyện tắt trong ngày làm sao cho trí nhớ mình liên lỷ thuộc về Đức Mẹ, ít ra cũng nhớ cách chung  về việc chúng ta lệ thuộc vĩnh viễn này để hành động trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống” ( TB chương sáu – C. 65 ).

Hội viên Legio dĩ nhiên vẫn sống  cuộc sống như mọi tín hữu  nhưng có điều khác  đó là luôn nhớ mình là người Tận Hiến bằng cách sớm tối năng nhắc lại câu dâng mình: “ Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”. Trong cuộc sống nếu như ta có thể Nhớ được rằng toàn thân con thuộc về Mẹ thì  sẽ thoát khỏi mọi nỗi lo âu phiền muộn. Còn như nếu  nhận biết mọi sự của con là của Mẹ thì chính Mẹ sẽ lo lắng phần rỗi cho ta:

“ Có người sống đạo theo lối ích kỷ, tính lời tính lỗ. Họ bỡ ngỡ  khi nghe bảo nên giao hết tài sản  cho Bà Mẹ của các linh hồn. Họ thắc mắc: Nếu giao  tất cả cho Đức Maria, giờ chót với hai bàn tay trắng tôi phải ra trước Tòa Chúa và biết đâu phải ở mãi trong luyện hình ? Một nhà bình luận đã  có câu trả lời xuất sắc: Không, không hề vì Đức Maria có mặt trong phiên xử” ( TB chương sáu. C 69 )./.

Phùng  văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts