“Đức Tin là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người”
Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ hai của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô hôm thứ tư 24 tháng 10, 2012. Hôm nay ĐTC dạy về ý nghĩa của Đức Tin.
* * *
Anh chị em thân mến, Thứ Tư tuần trước, với việc khai mạc Năm Đức Tin, tôi đã bắt đầu một loạt bài giáo lý về đức tin. Và hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về một câu hỏi cơ bản: đức tin là gì? Đức tin còn có ý nghĩa gì không trong một thế giới mà khoa học và kỹ thuật đã mở ra những chân trời mới, những chân trời mà từ trước đến giờ không ai có thể tưởng tượng nổi? Hôm nay tin có nghĩa là gì? Thực ra, thời đại chúng ta rất cần một nền giáo dục về đức tin được đổi mới, trong đó chắc chắn phải bao gồm sự hiểu biết về những chân lý và những biến cố của đức tin, nhưng trên hết nó phải phát sinh từ một cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô, từ việc yêu Người, tin tưởng vào Người, để nó dính lứu đến trọn cuộc đời.
Ngày nay, giữa nhiều dấu hiệu của sự tốt lành, cũng phát triển một loại sa mạc tinh thần chung quanh chúng ta. Đôi khi, chúng ta cảm nhận từ những biến cố mà chúng ta nghe thấy mỗi ngày rằng thế giới sẽ không đi đến việc xây dựng một cộng đồng huynh đệ và hòa bình hơn. Chính những tư tưởng về tiến bộ và hạnh phúc cũng tỏ lộ những bóng tối của chúng. Mặc dù sự vĩ đại của những khám phá khoa học và những thành công của kỹ thuật, ngày nay người ta có vẻ không thực sự trở nên tự do và nhân đạo hơn. Vẫn còn nhiều hình thức khai thác, thao túng, bạo lực, áp bức và bất công … Thêm vào đó, một loại văn hóa nào đó đã dạy con người chỉ di chuyển trong phạm vi các sự vật, phạm vi khả thi, chỉ tin vào những gì mình nhìn thấy và sờ mó được. Tuy nhiên, trái lại, số người cảm thấy mất định hướng cũng cũng gia tăng, và những người ấy trong cố gắng tìm cách vượt qua một viễn tượng hoàn toàn nằm trong phạm vi cùa thực tại, lại sẵn sàng tin vào tất cả mọi thứ và sự trái ngược của chúng. Trong bối cảnh này, tái xuất hiện một số vấn đề cơ bản, là những điều cụ thể hơn những gì chỉ có vẻ khi thấy lần đầu: Ý nghĩa cuộc đời là gì? Có một tương lai nào cho con người, cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai không? Phải hướng dẫn sự lựa chọn tự do của chúng ta theo chiều hướng nào để có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc? Cái gì đang chờ đợi chúng ta bên kia ngưỡng cửa sự chết?
Những vấn đề hấp dẫn này cho thấy rằng thế giới của việc lập kế hoạch, tính toán chính xác và thử nghiệm, nói tóm lại là thế giới của kiến thức khoa học, mặc dù quan trọng đối với đời sống con người, chưa đủ. Chúng ta không những chỉ cần bánh vật chất, mà còn cần tình yêu, ý nghĩa và hy vọng, một nền tảng vững chắc, một mảnh đất vững vàng giúp chúng ta sống với một ý nghĩa đích thực ngay cả trong những cuộc khủng hoảng, trong bóng tối, trong những khó khăn và trong những vấn đề thường nhật. Đức tin ban cho chúng ta chính đều ấy: đó là một lòng phó thác đầy tin tưởng vào “Ngài” là Thiên Chúa, Đấng mang lại cho tôi một điều chắc chắn khác, nhưng không kém vững chắc hơn điều đến từ tính toán chính xác của khoa học.
Đức tin không đơn thuần là một sự đồng ý của trí tuệ con người với những chân lý cụ thể của Thiên Chúa. Đó là một hành động mà qua đó tôi tự do phó thác chính mình cho một Thiên Chúa, Đấng là Cha tôi và yêu thương tôi; là gắn bó với “Ngài” là Đấng ban cho tôi niềm hy vọng và tin tưởng. Chắc chắn rằng, việc gắn bó với Thiên Chúa này không phải là không có nội dung: nhờ nó mà chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho chúng ta trong Đức Kitô, đã cho chúng ta thấy dung nhan Ngài và thực sự trở nên gần gũi mỗi người chúng ta. Và thậm chí, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho con người, cho mỗi người chúng ta, tình yêu khôn lường: trên Thánh Giá, Chúa Giêsu Thành Nazareth, Con Thiên Chúa làm người, đã cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nhất rằng tình yêu này đi đến mức nào, đến tận mức tự hiến hoàn toàn.
Với Mầu Nhiệm Cái Chết và Phục Sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa tự hạ xuống chỗ tột cùng cùa bản tính nhân loại của chúng ta để đưa nó lên với Người, để nâng nó lên cao bằng Người. Đức tin là tin vào tình yêu của Thiên Chúa, là điều không thuyên giảm trước sự gian ác của con người, biến đổi tất cả các hình thức nô lệ, bằng cách ban cho khả năng có thể được cứu độ. Như thế, có đức tin nghĩa là gặp gỡ “Ngài” là Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ tôi và ban cho tôi lời hứa của một tình yêu không thể hủy diệt được, một tình yêu không những chỉ khao khát sự vĩnh cửu, nhưng còn ban tặng nó. Nó có nghĩa là tín thác vào Thiên Chúa với thái độ của một trẻ nhỏ, biết rõ rằng tất cả những khó khăn, tất cả những vấn đề của mình đều được an toàn trong “Ngài” của người mẹ.
Và khả năng có thể được cứu độ này là một hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người qua đức tin,. Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc trưng bằng những vấn đề và những hoàn cảnh đôi khi bi thảm, chúng ta phải suy niệm thường xuyên hơn về việc tin cách Kitô giáo có nghĩa là từ bỏ mình, phó thác cho ý nghĩa sâu xa, là điều nâng đỡ tôi và nâng đỡ thế giới, ý nghĩa này là điều chúng ta không thể tự cung cấp cho mình, nhưng chỉ lãnh nhận như một hồng ân, và là nền tảng mà trên đó chúng ta có thể sống mà không sợ hãi. Và chúng ta phải có khả năng rao giảng sự chắc chắn giải thoát trấn an này của đức tin bằng lời nói, và chứng tỏ nó bằng đời sống Kitô hữu của mình.
Nhưng hằng ngày chúng ta thấy chung quanh mình nhiều người đang dửng dưng hay từ chối chấp nhận lời rao giảng này. Hôm nay ở cuối của Phúc Âm Thánh Marcô, chúng ta đã được nghe lời nghiêm khắc của Chúa Phục Sinh rằng, “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị luận phạt.” (Mc 16:16), người ấy sẽ bị sẽ hư mất. Tôi muốn mời anh chị em suy niệm về điều này. Lòng tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần phải luôn luôn thúc đẩy chúng ta đi rao giảng Tin Mừng và can trường làm chứng của đức tin. Nhưng ngoài khả thể tích cực đáp trả hồng ân đức tin, cũng có nguy cơ chối từ Tin Mừng, không chấp nhận cuộc gặp gỡ sống còn với Đức Kitô.
Thánh Augustinô đã nêu lên vấn đề này trong chú giải về dụ ngôn người gieo giống, ngài nói: “Chúng ta nói, chúng ta gieo hạt giống, chúng ta trải hạt giống. Có những kẻ coi thường, có những người chỉ trích, những kẻ chêcười. Nếu chúng ta sợ họ thì chúng ta không còn gì để gieo nữa, và ngày thu hoạch chúng tasẽ không có gìđể gặt. Vì vậyxin cho hạt giống mọc lên từ đất tốt”(Bài giảng về kỷ luật Kitô giáo, 13,14: PL 40, 677-678).
Do đó, việc chối từ không có thể làm cho chúng ta thất đảm. Là Kitô hữu, chúng ta là nhân chứng của thửa đất màu mỡ này: đức tin của chúng ta, ngay cả trong giới hạn của mình, chứng tỏ rằng có những thửa đất tốt, mà trên đó các hạt giống của Lời Chúa sinh hoa trái dồi dào công lý, hòa bình, và tình yêu, một nhân loại mới, ơn cứu độ. Và toàn thể lịch sử Hội Thánh, với tất cả những vấn đề, cũng cho thấy rằng có thửa đất tốt, có hạt giống tốt, và hạt sinh hoa trái.
Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: con người nhận được sự mở rộng lòng trí này từ đâu để tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tự tỏ hiện trong Đức Chúa Giêsu Kitô, đã chết và đã sống lại, để nhận được ơn cứu độ của mình, để Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người thành sự hướng dẫn và ánh sáng của cuộc đời mình? Câu trả lời là: chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa bởi vì Ngài đến gần chúng ta và chạm đến chúng ta, bởi vì Chúa Thánh Thần, là hồng ân của Chúa Phục Sinh, giúp cho chúng ta có thể đón nhận Thiên Chúa hằng sống. Như thế đức tin trước hết là một ân huệ siêu nhiên, một món quà của Thiên Chúa.
Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Để có được, đức tin này cần phải có ân sủng đi trước và trợ giúp của Thiên Chúa, cùng với nhữngsự giúpđỡ bề trong của Chúa Thánh Thần, Đấng chạm đến tâm hồn và hướng nó về Thiên Chúa, mở mắt tâm trí và ban cho ‘tất cả mọi người niềm vui ngọt ngào để chấp nhận và tin vào chân lý’”(Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 5). Nền tảng của cuộc hành trình đức tin của chúng ta là Phép Rửa, bí tích ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, và đánh dấu việc gia nhập vào cộng đồng đức tin, vào Hội Thánh: Chúng ta không tin một mình mà không có sự đi trước của ân sủng Chúa Thánh Thần; và chúng ta không tin một mình, nhưng cùng tin với các anh chị em của mình. Từ khi chịu Phép Rửa, mỗi tín hữu được mời gọi để sống trở lại và biến lời tuyên xưng đức tin này thành của riêng mình, cùng với các anh chị em của mình.
Đức tin là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rõ rằng: “Chỉ có thể tinnhờ ân sủng và những sự trợ giúp bề trong của Chúa Thánh Thần. Nhưng không kém đúng rằng tin là một hành động đích thực của con người. Nó không ngược lại với sự tự do hay lý trí của con người”(số 154). Thực ra, nó liên hệ với chúng và nâng cao chúng, trong một canh bạc cuộc đời như một cuộc xuất hành, như một việc thoát ly chính mình, thoát ly những sự chắc chắn riêng, những mô thức suy nghĩ riêng của mình, để phó thác cho hành động của Thiên Chúa, là Đấng chỉ cho chúng ta thấy cách đạt được sự tự do thật, căn tính con người, niềm vui thật sự của tâm hồn và sự hòa thuận với mọi người. Tin là tự do và vui vẻ phó thác cho kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử, như tổ phụ Abraham đã làm, cũng như Đức Maria thành Nazareth. Như thế, đức tin là một sự ưng thuận mà qua đó lòng trí chúng ta thưa “Vâng” cùng Thiên Chúa qua việc tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa. Và lời “Vâng” này biến đổi cuộc đời, mở ra cho nó con đường hướng tới một sự viên mãn đầy ý nghĩa, làm cho nó nên mới, tràn đầy niềm vui và hy vọng đáng tin cậy.
Các bạn thân mến, thời đại chúng ta cần những Kitô hữu là những người đã được Đức Kitô chiếm hữu, đang lớn lên trong đức tin nhờ quen thuộc với Thánh Kinh và các Bí tích. Những người ấy phải như một cuốn sách mở ra kể lại kinh nghiệm về cuộc đời mới trong Chúa Thánh Thần, về sự hiện diện của Thiên Chúa này là Đấng nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình và mở cho chúng ta con đường đến cuộc sống không bao giờ cùng. Xin cảm ơn anh chị em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ