Đối thoại năm đức tin – Vấn đề 16: Tôn Giáo và Đức Tin

Tôn giáo chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Ai theo đạo là người ngu.

Tôn giáo dạy nhiều điều khó hiểu, vô lý và không thể chấp nhận được. Chẳng hạn: Một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong tấm bánh nhỏ, Đức Mẹ sinh con mà vẫn còn dồng trinh… Tóm lại là những điều huyên hoặc và không đáng tin !

GIẢI ĐÁP :

KARL MARX, một triết gia người Đức thuộc thế kỷ thứ 19 (1818-1883), đã rất bất mãn khi chứng kiến cảnh bất công của giai cấp tư bản Âu Châu bóc lột sức lao động của giới thợ thuyền thời bấy giờ. Ông quyết định phải làm một cuộc cách mạng để giành lại quyền làm chủ cho giai cấp công nhân, chấm dứt cảnh “người bóc lột người”. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giai cấp ấy, K. Marx cũng thấy một trở ngại lớn lao từ phía tôn giáo. Theo K. Marx: những giáo lý của tôn giáo dạy về cách ứng xử từ bi bác ái, nhẫn nại tha thứ, vâng phục quyền bính… sẽ làm nhụt nhuệ khí đấu tranh của giai cấp công nhân. Do đó, ông chủ trương: muốn tiêu diệt chế độ phong kiến thối nát bất công thì trước hết phải tiêu diệt tôn giáo. Từ đó, ông mở ra một chiến dịch tuyên truyền chống tôn giáo, coi tôn giáo như thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối, mị dân và mê tín dị đoan. Ông phi bác các mầu nhiệm của tôn giáo vì khó hiểu vô lý và không thể tin được …

Vậy sự thật thế nào ? Tôn giáo có phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là sự gian dối mị dân và mê tín dị đoan hay không ? Những mầu nhiệm của tôn giáo có đáng tin hay không ?

1) Tôn giáo phải chăng là thuốc phiện ru ngủ quần chúng ? :

-Lập luận để chống đối tôn giáo của K. Marx không dựa trên cơ sở lý luận vững chắc, mà chỉ là một phương thế đấu tranh, giúp cuộc cách mạng của giai cấp công nhân thành công mà thôi. Chính thái độ của một số giáo phẩm thời đó không dấn thân vào trần thế, không chú trọng tới việc cải thiện xã hội theo tinh thần Tin Mừng … là nguyên nhân khiến K. Marx lên án Giáo Hội, coi tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc quần chúng. Tổng giám mục Helder Camara đã lý giải về vấn đề này như sau: “Nếu Marx đã thấy chung quanh mình một Giáo Hội nhập thể và tiếp tục công trình nhập thế của Chúa Ki-tô. Nếu ông đã sống với những giáo dân biết sống giới răn yêu thương bằng lời nói và hành động như Chúa mời gọi. Nếu ông đã sống vào thời Công Đồng Va-ti-ca-nô II, theo đó giáo lý về những thực tại trần gian được chính thức công nhận, thì chắc ông đã không coi tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng và đã không lên án Giáo Hội là phản động mê hoặc dân đen” (Révolution dans la paix, Tr. 31).

-Thực vậy đức tin chân chính không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, mà trái lại, chính nhờ tin có Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, là Đấng công minh vô cùng, thưởng kẻ lành trên thiên đàng và phạt kẻ dữ xuống hỏa ngục sau khi chết… mà người tín hữu sẽ cố gắng sống lương thiện ngay ở đời này, sẽ thương yêu giúp đỡ và quên mình phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những kẻ nghèo hèn bất hạnh và bị bỏ rơi… Họ làm những việc ấy không do ai ép buộc, nhưng hoàn toàn tự giác tự nguyện … Cũng chính vì có đức tin mà người tín hữu nhìn thấy Chúa Giê-su hiện thân trong những người nghèo, để phục vụ họ như phục vụ chính Chúa (x. Mt 25,40). Cũng vì có đức tin mà rất nhiều người đã chọn nếp sống tu trì khổ hạnh, để dành trọn thời giờ sức lực phục vụ cho người bất hạnh trong các trại mồ côi, dưỡng lão, trại cùi… Như vậy thì tôn giáo ru ngủ quần chúng ở chỗ nào ?

2) Đức Tin phải chăng đồng nghĩa với mê tín ? :

– Mê tín là tin cách mù quáng và vô lý: Còn đức tin là tin có cơ sở và hữu lý. Thực vậy, một viên chức điều tra vụ án, phải dựa vào các bằng chứng tìm thấy ở hiện trường rồi tìm hiểu suy luận mới hy vọng tìm ra thủ phạm giấu mặt. Cũng vậy, người tín hữu cũng áp dụng nguyên tắc nhân quả: dựa vào các bằng chứng xác thực, để tin có Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật và an bài cho chúng tồn tại và ngày càng tiến hóa tốt hơn. Tin như thế đâu phải mê tín, nhưng chứng tỏ là người khôn ngoan biết suy nghĩ sáng suốt.

– Trái lại những ai cố chấp khi bịt tai nhắm mắt trước thực tế hiển nhiên, tiên thiên phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa mới là người mê tín thực sự. Mê tín vì tin theo một lý thuyết không hợp lý chút nào !

3) Về những mầu nhiệm trong tôn giáo: phải chăng các chân lý mầu nhiệm đức tin đều khó hiểu và khó chấp nhận, là sự dối trá nhằm lừa gạt những người nhẹ dạ dễ tin ?

– Phải thừa nhận rằng: trong tôn giáo có những mầu nhiêm đức tin: Đây là những chân lý do Thiên Chúa vì tinh yêu thương đã mặc khải cho loài người để họ tin theo hầu được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã viết như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Đức Giê-su Ki-tô chính là Thánh Tử của Thiên Chúa, từ trời đến dạy loài người con đường lên trời. Người cũng mặc khải các điều mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta mà phải chờ khi Thần Khí Sự Thật đến, chúng ta mới lãnh hội được, như Đức Giê-su đã nói với các môn đệ trước cuộc khổ nạn như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13a). Một số mầu nhiệm chúng ta khó lãnh hội được như: Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm biến thể trong bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Đức Mẹ đồng trinh sinh con…(xem phụ chú).

– Tuy nhiên, cũng như một em nhỏ trình độ tiểu học sẽ đánh giá các định lý toán học, công thức lý hóa của bậc trung học đại học là những mầu nhiệm khó hiểu. Nhưng không vì thế mà các định lý công thức ấy không có giá trị. Về sau, khi học lên cao em bé ấy sẽ có thể lãnh hội được những điều khó hiểu bây giờ. Cũng vậy, những điều mầu nhiệm trong giáo lý Công giáo tuy vượt quá tầm hiểu biết của con người chúng ta, nhưng lại đáng tin vì do chính Thiên Chúa đã mặc khải để ban ơn cứu độ cho loài người. Khi được Thánh Thần tác động, chắc chắn chúng ta sẽ lĩnh hội được những mầu nhiệm ấy.

– Sở dĩ những mầu nhiệm đức tin có giá trị và đáng tin vì những lý do như sau:

+Khác với những chân lý khoa học không mấy bền vững: Hôm qua được mọi người công nhận, đến nay có thể lại bị phủ nhận nếu có những kham phá khác có cơ sở hơn thay thế… Còn các chân lý đức tin do Thiên Chúa mặc khải sẽ luôn có giá trị bền vững muôn đời.

+Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng nên sẽ không bao giờ lừa dối chúng ta. Do đó, các chân lý đức tin mặc khải, tuy vượt quá tầm hiểu biết của con người, vẫn đáng tin và có giá trị cứu độ cho những ai biết tin nhận và sống theo các mầu nhiệm ấy.

+Đàng khác, chính nhờ có những mầu nhiệm này, mà Thiên Chúa giáo được các triết gia đánh giá là một tôn giáo bắt nguồn từ trời, chứ không phải chỉ là sản phẩm của con người. SÁC-LƠ NI-CÔN (Charles Nicolle) đã phát biểu như sau: “May mắn thay trong Thiên Chúa giáo có những điều mầu nhiệm, nếu không thì tôi sẽ hoài nghi tôn giáo ấy là do trí óc loài người tạo ra. Chính mầu nhiệm đã làm cho tôi vững tâm vì mầu nhiệm chính là dấu hiệu của Thiên Chúa”.

TÓM LẠI: Do quan niệm sai lạc về tôn giáo: tưởng rằng tôn giáo chỉ gồm các vị chức sắc không sống theo tinh thần khiêm nhường phục vụ của Tin Mừng, hoặc đánh giá thấp về tôn giáo: coi tôn giáo chỉ là một mớ lý thuyết mang tính giáo điều, là phương cách để các người làm việc tôn giáo lợi dụng trục lợi từ các tín hữu mê tín… Hoặc do chỉ nhìn tôn giáo ở dạng thấp kém, bệnh hoạn, mê tín… cản trở con đường cách mạng của mình, nên K. Marx đã có thái độ quyết liệt đối với tôn giáo. Nhưng tất cả những điều Marx đã kích về tôn giáo đều không chính xác. Tôn giáo chân chính hay Thiên Chúa giáo không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng nhưng là động lực giúp các tín hữu quên mình phục vụ tha nhân. Đức Tin tôn giáo gồm những điều hợp lý chứ không phải là sự mê tín cần phải dẹp bỏ; Những mầu nhiệm đức tin là những chân lý mặc khải có cơ sở chắc chắn chứ không phải là những điều huyền hoặc mê tín… Từ đó chúng ta có thể quả quyết như sau: Những lời đả kích tôn giáo của Karl Marx thực sự không phương hại đến Thiên Chúa giáo, là một tôn giáo chân chính và có giá trị mang lại hạnh phúc cho con người.

PHÚT HỒI TÂM:

– Lời Chúa: Đức Giê-su nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13a).

– Lời Cầu:

LẠY CHÚA GIÊSU. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những con người bất hạnh, nhờ đó con sẽ năng đến viếng thăm và quảng đại chia sẻ cơm áo gạo tiền cho họ… tận tình giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần đến đổi mới tâm can con và động viên giúp con chu toan được sứ vụ làm chứng cho Chúa và đưa được nhiều người về làm con Chúa trong Hội Thánh Công giáo.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM.

PHỤ CHÚ:

I. VỀ MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI

Với trí khôn tự nhiên, lòai người chúng ta chỉ nhận biết có Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật thiên nhiên và an bài mọi sự trật tự và ngày càng tiến hóa nên hòan thiện hơn. Tuy nhiên chính nhờ Lời Chúa mặc khải mà lòai người chúng ta mới biết về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Vậy mặc khải nói gì về mầu nhiệm này? Vai trò của mỗi Ngôi thế nào trong công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và ban ơn cứu độ lòai người? Các nhà thần học đã dùng những hình ảnh nào để diễn tả về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hầu giúp chúng ta lãnh hội được phần nào về mầu nhiệm quan trọng này? Cuối cùng các tín hữu chúng ta phải sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào?

1) MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI TRONG THÁNH KINH:

1-Cựu Ước nhấn mạnh về một đức tin độc thần: Chỉ một Đức Chúa là Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và là Đấng ban ơn cứu độ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chưa mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Điều răn trọng nhất trong mười điều răn được Đức Chúa ban cho Ít-ra-en qua ông Mô-sê như sau:: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Ngôn sứ I-sai-a cũng tuyên sấm lời Thiên Chúa: “Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành. Và sau Ta cũng vậy. Chính Ta đây là Đức Chúa. Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ” (Is 43,10-11).

2-Tân Ước mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:

+Tin Mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện Đức Giê-su chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, trong đó bắt đầu đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, thì các tầng trời mở ra. Người thầy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16). Tiếng phán từ trời là lời của Chúa Cha (Ngôi I), Đức Giê-su đang đứng dưới lòng sông là Chúa Con (Ngôi II) và chim bồ câu ngự trên Người là biểu tượng Chúa Thánh Thần (Ngôi III).

+Thánh Lu-ca trong Công vụ Tông đồ đã thuật lại bài giảng của Tông đồ Phê-rô nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: “Thiên Chúa Cha (Ngôi I) đã ra tay uy quyền nâng Người lên (Ngôi II), trao cho Người (Ngôi II) Thánh Thần (Ngôi III) đã hứa, để Người (Ngôi II) đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33).

+Tin Mừng Gio-an nhiều lần đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Thầy (Ngôi II) sẽ xin Chúa Cha (Ngôi I), và Người (Ngôi I) sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác (Ngôi III), đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16)…

+Thánh Phao-lô diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong lời chào như sau: “Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II), tình yêu của Chúa Cha (Ngôi I) và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (Ngôi III) ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13)…

2) NỘI DUNG MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

1-Chỉ có Một Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn.

2-Về vai trò của Ba Ngôi:

+Chúa Cha sáng tạo: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.

+Chúa Con cứu chuộc: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ vụ Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9).

+Chúa Thánh Thần thánh hóa: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ vụ của Chúa Giê-su: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ cử hành các phép bí tích do Chúa Giê-su thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao… Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, là Chúa Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.

3) MỘT SỐ CÁCH DIỄN TẢ MẦU NHIỆM BA NGÔI KHI DẠY GIÁO LÝ:

Một Chúa Ba Ngôi là chân lý đức tin do Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người đã dạy, nhưng lại khó hiểu đối với trí khôn hữu hạn của lòai người. Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết phần nào về mầu nhiệm này, các nhà thần học đã cố gắng diễn giải bằng các hình ảnh có trong thực tế đời thường dù chỉ là bất tòan như sau:

1-Thánh Pa-trick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo”: tuy chỉ có một lá, nhưng do ba lá nhỏ dính liền với nhau.

2-Thánh I-nha-xi-ô dùng hình ảnh một hợp âm trên dòng nhạc, gồm ba nốt nhạc chồng lên nhau.

3-Ngoài ra, chúng ta có thể diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng mấy hình ảnh đời thường như:

+Nước tuy chỉ là vật chất nhưng có thể xuất hiện dưới ba dạng là: Thể hơi, thể đặc và thể lỏng;

+Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc và ba cạnh bằng nhau.

+Một người đàn ông trong gia đình tuy chỉ là một người nhưng có 3 vai trò: là “cha” đối với con cái, là “con” đối với bố đẻ, là “chồng” đối với vợ.

+Một cây viết chì tượng trưng một Thiên Chúa. Phần thân cây viết có ba mặt đều nhau, mỗi mặt tượng trưng cho một Ngôi vị Thiên Chúa.

4) SỐNG HIỆP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI:

1-Hiệp thông bằng việc năng tuyên xưng đức tin Một Chúa Ba Ngôi: Mỗi lần làm dấu thánh giá và đọc kinh Sáng Danh, người tín hữu tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

2-Hiệp thông bằng việc năng cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi: Người tín hữu cần năng cầu nguyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha như Chùa Giê-su đã dạy (x Mt 6,9-13). Năng thưa chuyện với từng Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần, ít nhất 5 lần mỗi ngày: buổi sáng khi vừa thức giấc, trước ba bữa ăn và trước lúc nghỉ đêm.

3-Nội dung những lời cầu nguyện với Thiên Chúa: có thể quy về 5 điều chính sau:

+Một là ngợi khen chúc tụng Chúa Cha

+Hai là tri ân cảm tạ Cha về những ơn lành hồn xác.

+Ba là sám hối xin lỗi Cha vì những sai phạm thiếu sót.

+Bốn là phó thác xin vâng ý Cha về mọi điều may rủi xảy đến.

+Năm là khiêm tốn cầu xin Cha ban ơn lành hồn xác cho mình cũng như tha nhân.

4-Sống yêu thương tha nhân noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Người ta thường ví Chúa Ba Ngôi giống như một gia đình với ba Ngôi vị là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương nhau làm khuôn mẫu cho các thành viên trong gia đình tín hữu, và tình yêu vị tha mở rộng đến hết mọi người không trừ ai. Thánh Gio-an trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21).

II. MẦU NHIỆM THÁNH THỂ:

Đây cũng thực là một điều khó hiểu đối với tầm hiểu biết có giới hạn của con người: một tấm bánh và một chén rượu nho sau lời truyền phép “ Này là mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy…” của linh mục chủ tế trong thánh lễ, sẽ không còn là bánh rượu nữa, mà đã thực sự biến đổi trở thành Thịt Máu Chúa Giê-su. Vậy Đức Giê-su thiết lập bí tích Thánh Thể để làm gì ? Và đâu là bằng chứng cho thấy Người hiện diện thực sự trong hình bánh rượu ?

1.Mục đích lập phép Thánh Thể:

Phép Thánh Thể chính là một bằng chứng của tình yêu vô biên của Đức Giê-su. Khi yêu ai, người ta thích ở gần người ấy, muốn được nghe những lời tâm sự của người mình yêu, muốn kết hiệp nên một với người yêu và muốn cho người yêu tất cả những gì mình có. Đức Giê-su cũng yêu thương các môn đệ tới tột cùng (Ga 15,12-13), nên đã chứng tỏ tình yêu bằng việc thiết lập bí tích Thánh Thể nhằm mục đích như sau:

a)Để có thể ở gần các tín hữu: Đức Giê-su đã nói: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

b)Để nghe những lời tâm sự và an ủi nâng đỡ những ai chạy đến với Người: Chúa phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30)

c)Trao ban chính thân mình Người làm của ăn nuôi sống linh hồn tín hữu: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 23-24). “Đây là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này sẽ không phải chết… nhưng sẽ được sống đời đời. và bánh tôi sẽ ban chính là Thịt tôi để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51).

2.Những bằng chứng Đức Tin về phép Thánh Thể:

Đây thuộc lãnh vực đức tin nên không thể chứng minh được bằng khoa học. Chúng ta tin không phải vì xem thấy, sờ nếm thấy, nhưng vì biết Chúa là Đấng toàn năng và chính Chúa đã phán dạy như vậy trong Tin Mừng.

a)Chúa dọn lòng người ta trước: Đức Giê-su biết việc Người sắp thiết lập bí tích Thánh Thể, để biến bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh của Người, đối với loài người là điều không thể và rất khó chấp nhận, nên Người chỉ đề cập đến và thiết lập bí tích này sau khi đã làm nhiều phép lạ như: cho kẻ què được đi (x. Mt 9,6-8), kẻ câm nói được (x. Mt 9,32-33), kẻ mù được thấy (x. Mt 9,27-30), người chết sống lại (x. Ga 11,38-46)… Tất cả những phép lạ ấy chỉ chuẩn bị người ta để đón nhận một phép lạ khác lớn lao hơn mà người ta không nghĩ đến. Đó là việc Người sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt Qua sau này.

b)Chúa tiên báo trước việc Ngài sẽ làm: Một hôm sau khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều nuôi 5000 người ăn no tại một khu rừng vắng, Đức Giê-su bắt đầu hé mở về việc sẽ lập bí tích này như sau: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn bánh thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,48-51).

Đức Giê-su vừa nói như vậy thì đã có nhiều người tỏ vẻ phản đối, cho rằng lời đó chướng tai khó nghe. Có môn đệ còn bỏ Người mà đi. Thấy vậy Đức Giê-su không những không cải chính mà còn hỏi các Tông đồ: “Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ?” Nếu không có ý định lập bí tích Thánh Thể, mà chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, khi thấy môn đệ hiểu sai ý mình và bỏ đi, thì Người đã phải cải chính. Nhưng ở đây, không những không cải chính mà Người còn nhấn mạnh hơn về bí tích Thánh Thể mà Người sắp thiết lập. Cuối cùng Tin Mừng cho biết: “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).

c)Chúa lập thực sự: vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh khi Đức Giê-su biết sắp tới giờ Người phải xa lìa các môn đệ, Người đã thương yêu họ đến tột cùng, nên Người đã thực hiện ý định đã tiên báo trước đó là thiết lập bí tích Thánh Thể để ở với họ luôn mãi. Tin Mừng Mát-thêu thuật lại việc thiết lập bí tích Thánh Thể như sau: ”Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy., Máu giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26–28).

Để việc này đươc tiếp tục cử hành cách vững bền sau này, Đức Giê-su truyền cho các Tông đồ: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Từ đó, các Tông đồ và các đấng kế vị đã thi hành lệnh cử hành Thánh Thể cho tới khi Chúa lại đến.

TÓM LẠI: Đây là một mầu nhiệm đức tin, một sự thật vượt quá giới hạn của giác quan con người. Tuy khó hiểu, nhưng lại hợp lý, vì Chúa là Đấng toàn năng và chân thật vô cùng. Người đã có thể biến nước lã thành rượu nho tại tiệc cưới Ca-na (x. Ga 2,1-11) và đã nhân năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn người ăn no (x. Ga 6,11)… thì Người cũng làm được cho bánh rượu trở nên Thịt Máu của Người sau lời truyền phép trong thánh lễ, và truyền Hội thánh cử hành vào ngày Thứ Nhất hằng tuần để tưởng nhớ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người (Lc 22,19).

III. MẦU NHIỆM ĐỨC MẸ SINH CON MÀ CÒN ĐỒNG TRINH:

Theo thường tình, đứa con trong bụng mẹ là kết quả của tình yêu giao hợp vợ chồng. Nhưng nơi Thiên Chúa, Ngài muốn làm một công việc phi thường là dùng quyền năng để làm cho Đức Ma-ri-a sinh con mà còn đồng trinh như lời ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Khi truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a, sứ thần Gáp-ri-en còn nói về việc thụ thai cách đặc biệt như sau: ”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

1) Những bằng chứng về sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a

Về sự thụ thai đồng trinh của Đức Mẹ, công đồng La-tê-ra-nô đã khẳng định như sau : ”Đức Ma-ri-a sinh nở chẳng nhơ nhớp, thân mình vốn tinh tuyền, và sau khi sinh nở vẫn đồng trinh trọn đời”. Đức Giáo Hoàng Phao-lô IV cũng nói: “Đức Mẹ vốn luôn tinh trong tuyền vẹn, nghĩa là đồng trinh trước, đang và sau khi sinh”. Vậy đâu là bằng chứng ?

a) Bằng chứng về phía Đức Mẹ :

+Đức Ma-ri-a không sống theo thói trưng diện của người đời, trái lại Người luôn sống trầm lặng, ưa thích yên tĩnh, một mình ở nơi thư phòng vắng vẻ hầu dễ dàng kết hợp với Chúa (x. Lc 1,28). Người có thói quen chiêm niệm về các biến cố xảy ra như Tin Mừng đã ghi nhận: “Còn Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

+Ngoài ra, Ma-ri-a còn chứng tỏ quí trọng nhân đức trong sạch qua thái độ “bối rối” khi thấy sự hiện diện đột ngột của Thiên sứ dưới hình dạng một nam nhân trong thư phòng của mình. Sự bối rối đó là dấu chứng tích cực về một tâm hồn có lòng yêu quí đức trinh khiết.

b) Bằng chứng về phía Thiên Chúa :

Tin Mừng thuật lại việc Đức Ma-ri-a đã thụ thai hài nhi Giê-su cách lạ lùng do quyền năng của Chúa Thánh Thần: Việc Chúa Cứu Thế giáng sinh xảy ra như sau: “Bà Ma-ri-a Mẹ Người đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18;x. Lc 1,26-38). Thiên Chúa là Đấng toàn năng, đã có thể sáng tạo mọi sự từ hư không, thì cũng có thể bảo toàn sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a khi sinh con như lời sứ thần đã nói: “Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Nhưng có người thắc mắc:Tại sao Thiên Chúa lại làm công việc ngược đời: cho Đức Ma-ri-a thụ thai mà còn đồng trinh làm chi ?

Các nhà thần học công giáo đã lên tiếng như sau:

+Để chứng tỏ Đấng Cứu Thế có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Là con Thiên Chúa toàn năng, nên Người không phải theo cách đầu thai thông thường như loài thụ tạo.

+Để Ngôi Hai Thiên Chúa thỏa mãn sự quí trọng đức trong sạch của Đức Ma-ri-a (Lc 1,34).

+Để bản tính nhân loại của Đức Giê-su khỏi mắc tội tổ tông truyền, vì Người không đầu thai giống như người phàm, không bị lệ thuộc theo dòng máu tội lỗi của con cháu A-đam E-và như bao người khác.

2) Một số nghi vấn về sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a:

a) Nếu Đức Ma-ri-a đã sinh con thì sao còn có thể đồng trinh được?

Bình thường, theo khoa học thì người nữ không thể vừa sinh con lại vừa đồng trinh được. Nhưng trong trường hợp của Đức Ma-ri-a do chịu thai và sinh con cách đặc biệt nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần nên ngài vẫn còn đồng trinh sau khi sinh con, như lời sứ thần đã giải thích với Ma-ri-a: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Chính vì sinh con cách đặc biệt, nên Ma-ri-a sinh con mà không cần phải có bà đỡ, và ngay sau đó đã tự mình bọc con trong khăn vải rồi đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7).

b) Dựa vào Tin Mừng, một số người cho rằng: sau khi sinh Chúa Giêsu, Đức Ma-ri-a đã ăn ở với ông Giu-se nên đã sinh ra nhiều người con khác như sau: “Khi tỉnh giấc, Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (Mt 1,24-25). – “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7). – “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xép, Si-mon và Giu-đa sao ? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?” (Mt 13,55-56).

-“Cho đến khi”: Thoạt mới nghe, người ta có cảm tưởng Đức Ma-ri-a đã không giữ đức đồng trinh nữa, sau khi sinh hài nhi Giê-su. Nhưng nếu xét kỹ, thì mấy chữ “cho đến khi” ở đây chỉ diễn tả một sự việc đang xảy ra, chứ không đặt ra giới hạn nào cả. Thánh Mát-thêu mô tả sự việc xảy ra như sau: Sau khi được sứ thần hiện ra trong giấc mơ và giải thích về thai nhi do Ma-ri-a đang cưu mang là do quyền năng Thánh Thần. Rồi sư thần truyền cho Giu-se làm ba điều: Một là tiến hành làm lễ cưới để đón vợ về nhà. Hai là cho biết Ma-ri-a đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua việc thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần. Ba là Giu-se sẽ làm cha của hài nhi khi đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Sau khi thức dậy, Giu-se đã thi hành đúng ba lệnh truyên ấy: Ông tổ chức lễ cưới để đón Ma-ri-a về nhà mình (Điều 1), Ông không ăn ở với bà như các đôi vợ chồng khác (Điều 2). Cho đến khi Ma-ri-a sinh con trai đầu lòng thì Giu-se đặt tên cho con trẻ là Giê-su (Điều 3). Tin Mừng không viết : cho đến khi Ma-ri-a sinh con trai thì Giu-se lại ăn ở với Ma-ri-a như có người lầm tưởng.

-“Con trai đầu lòng”: Tiếng “con đầu lòng” theo ý nghĩa của La ngữ: Primogenitus nghĩa là “được sinh ra trước hết”. Đức Giê-su được gọi là Con Đầu Lòng không phải vì Đức Ma-ri-a Mẹ Người sẽ sinh thêm nhiều người con khác nữa. Ở đây, sở dĩ Lu-ca nhăc đến “con đầu lòng” vì muốn chuẩn bị sẽ tường thuật tiếp việc dâng con trong Đền Thờ theo Luật Mô-sê ấn định như sau: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,23). Đàng khác: có “con đầu lòng” không nhất thiết phải có đứa con thứ hai, thứ ba. Chẳng hạn: bà X mới sinh một cậu con trai, một bà bạn hỏi: “Đứa này là con thứ mấy của chị ?” – Bà ta trả lời: “Nó là con đầu lòng của tôi đấy”. Rõ ràng bà X chưa có đứa con thứ hai mà cũng nói đưa con đó là con “đầu lòng” của mình. Vậy tiếng “đầu lòng” ở đây chỉ có nghĩa là “đầu tiên”, chứ không hàm ý sẽ còn nhiều người con khác nữa.

-“Anh em” Chúa Giê-su: Có nhiều thứ anh em như anh em cùng lý tưởng, anh em họ hang bà con… chứ không nhất thiết phải là anh em ruột thịt. Về các anh em Đức Giê-su được nói tới trong Tin Mừng Mát-thêu cũng chỉ là những anh em họ hàng, giống như “anh em con chú con bác” theo tục lệ người Việt Nam chúng ta.

Theo Tin Mừng thì về họ nội, Đức Giê-su có 4 anh em là các ông: Gia-cô-bê, Giô-xép, Si-mon và Giu-đa (tất cả là anh con ông bác). Còn bên họ ngoại thì Tin Mừng cho biết Đức Giê-su có anh họ là ông Gio-an Bao-ti-xi-ta (x. Lc 1,36.59-63).

Đàng khác, chúng ta đừng quên Tin Mừng đã đề cao nhân đức của thánh Giu-se: “Ông Giu-se chồng bà là người công chính” (Mt 1,19). Công chính nghĩa là luôn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, ăn ở theo đường lối của Ngài. Vậy một khi biết Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu thế, đã thuộc trọn về Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn, thì chẳng lẽ Giu-se lại không tôn trọng điều ấy. Và nếu thực sự Đức Ma-ri-a còn có mấy người con khác ngoài Đức Giê-su, thì tại sao khi sắp chết trên thập giá, Đức Giê-su lại trối Mẹ của Người cho môn đệ Gio-an để phụng dưỡng thay mình như Tin Mừng viết: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,26) ?

TÓM LẠI: Với những bằng chứng rõ ràng trong Thánh Kinh, những người có đức tin đều chấp nhận sự thật này là Đức Ma-ri-a đã được Thiên Chúa toàn năng ban cho đặc ân: Sinh con mà vẫn bảo toàn được đức khiết tịnh: “Đồng trinh trước khi, đang khi và sau khi sinh con”.

LM ĐAN VINH -HHTM

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment