Kinh nghiệm học hỏi tài liệu Công Đống Vatican II

Công đồng Vatican II đã ban hành số tài liệu phong phú nhất trong lịch sử các Công đồng, bao gồm 16 văn kiện, trong đó có 4 hiến chế, 9 sắc lệnh, và 3 tuyên ngôn. Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, những tài liệu này vẫn là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống Giáo Hội. Trong Năm Đức Tin, ngài mời gọi chúng ta học hỏi tài liệu Công đồng để cử hành thời gian đặc biệt này và để cùng hiệp thông với Giáo Hội. Vậy chúng ta phải đọc những tài liệu này thế nào? Có tiêu chuẩn nào hướng dẫn chúng ta tìm hiểu những nội dung này tốt hơn không? Tôi xin chia sẻ một số điểm vắn tắt sau đây.

1. Cần chú ý tới văn từ của Công đồng. Công đồng Vatican II đã chủ ý loại bỏ lối văn khô cứng và duy luật của các công đồng trước. Thay vào đó, các nghị phụ đã dùng một lối văn mang tính khuyến dụ và thuyết phục. Các tài liệu này đều ưu tiên sử dụng nhiều hình ảnh Kinh Thánh thay cho những định nghĩa khô khan và cứng ngắc của triết học kinh viện. Những tài liệu này đọc lên chúng ta thấy âm giọng của một bài giảng đậm đà tâm tình giáo huấn hơn là một văn bản pháp quy thuần tuý. Như những bài giảng tuyệt phẩm, những tài liệu này tìm cách khơi gợi, truyền đạt và thôi thúc sự hoán cải, sự canh tân vừa mang chiều kích thiêng liêng vừa chứa đựng nội dung tri thức phong phú cho người đọc.

2. Nên chú ý tới thái độ dung nạp hơn là loại bỏ. Trong một nỗ lực tối đa tìm sự đồng thuận chung, các nghị phụ Công đồng Vatican II đã chủ tâm chọn một quan điểm là dung nạp nhiều ý kiến khác nhau, có khi đối lập nhau, hơn là loại bỏ một vài khía cạnh, một vài tiểu tiết này hay một vài dị điểm nọ. Vì vậy, một số nhà chú giải đã phàn nàn là các văn kiện Công đồng như có những sự sắp xếp bên trong không được chặt chẽ lắm, và có những nội dung lại “vênh nhau như bánh đa phải lửa!” Tuy nhiên, mỗi nội dung đều được thông qua với một đa số thuyết phục thôi, chứ không phải tất cả đều theo tiêu chuẩn quá bán với số lượng ít hơn 10 phiếu chống. Vì thế, Công đồng cho phép nhiều ý kiến khác nhau được bày tỏ.

3. Cần để ý tới lộ trình của Công đồng. Sự kiện có nhiều quan điểm khác nhau trong các tài liệu Công đồng không có nghĩa là các tuyên bố đều quan trọng như nhau đối với tất cả các tham dự viên Công đồng. Việc nắm hiểu các nội dung văn kiện, nhất là việc chú giải Công đồng đòi hỏi chúng ta phải hết sức cố gắng tìm ra ý định nền tảng của những tác giả chấp bút cho các tài liệu này. Các ngài có ý nói gì qua văn bản này? Những đề xuất nào của các chuyên viên thần học phụ giúp các nghị phụ, đã giúp các ngài thêm vào bản văn những ý tưởng mới? Những nội dung nào đã bị loại bỏ? Những vấn đề nào còn được mở rộng thêm? Nêu lên những câu hỏi này cho phép chúng ta nhận định rằng suy nghĩ và quyết định của các giám mục đã trải qua một quá trình nghị bàn trong bầu khí tập trung chú ý cao độ, với thời gian kéo dài 4 năm. Một số chủ đề và quan niệm lúc đầu được coi là tối quan trọng, nhưng sau đó giảm dần tính nghiêm trọng theo quá trình làm việc. Vì thế, ẩn khuất sau những tiếng nói khác nhau xuất hiện trong bản văn cuối cùng đó, người ta dò thấy đường hướng mục vụ mà các nghị phụ chọn, đó là chú tâm hướng về thế giới hơn, các ngài muốn mở rộng tương quan với cộng đồng các anh chị em Kitô hữu khác, muốn xác định sự bình đẳng và giá trị của Bí tích Rửa Tội trong các Giáo hội Chúa Kitô.

4. Cần chú tâm đặc biệt đến 4 hiến chế. Các tài liệu của Công đồng gồm 16 văn kiện, nhưng chúng ta cần tập chú đặc biệt vào 4 hiến chế. Những hiến chế này trình bày những vấn đề giáo lý nền tảng, thuộc về chính bản tính của Giáo Hội. Còn các sắc lệnh và tuyên ngôn bàn đến những vấn đề thực tiễn hơn, cụ thể hơn, hoặc những lĩnh vực khác nhau liên quan đến mục vụ. Chúng ta sẽ thấy rằng giáo huấn của các sắc lệnh và tuyên ngôn này hầu như đã nằm trong bốn hiến chế. Như vậy, các hiến chế (về Phụng vụ, về Mặc khải, về Giáo hội, về Giáo hội trong Thế giới ngày nay) cung cấp cho chúng ta chìa khoá để giải thích các văn kiện khác, đồng thời là mấu chốt để hiểu toàn bộ nội dung Công đồng.

5. Cần hết sức tránh thái độ quá chú tâm tới tính liên tục hoặc sự cải tổ mà nhiều người muốn tách ra từ các văn kiện. Hai từ ngữ bao quát hai chiều hướng chủ đạo của Công đồng là: Cập nhật (tiếng Ý: Aggiornamento) và Trở về nguồn (tiếng Pháp: Ressourcement). “Aggiornamento” là từ ngữ tiếng Ý được chính Đức Giáo hoàng Gioan XXIII dùng để trình bày quan điểm của ngài về công cuộc canh tân Giáo Hội. Ngài mong muốn Giáo Hội luôn cập nhật để có thể đáp ứng những đòi hỏi và những thách đố của thế giới hiện đại. Còn “Ressourcement” lại xuất hiện trong các công trình của các nhà thần học nghiên cứu về Kinh Thánh, về việc canh tân Phụng vụ, và về những lập trường của các nhà thần học nổi tiếng về Giáo Hội xuất hiện những thập kỷ trước Công đồng. Điều mà Công đồng Vatican II thực hiện một cách hoàn hảo chính là phối hợp 2 chiều hướng này trong các giáo huấn của mình. Đường hướng tốt nhất mà Giáo Hội chọn để tiếp cận với những vấn đề nóng bỏng thời hiện đại, đó là trở về nguồn mạch phong phú truyền thống của mình. Và sự canh tân mà Công đồng Vatican II thực hiện không phải là đoạn tuyệt với truyền thống Kitô giáo lâu đời, nhưng là thay đổi cách Giáo Hội nhìn vào chính mình cũng như sứ vụ của mình trong thế giới.

6. Cần kết hợp cả tinh thần lẫn mặt chữ của bản văn với nhau. Phải nắm vững nguyên tắc này khi đọc các tài liệu của Công đồng Vatican II. Dù chúng ta có những sách hướng dẫn hoặc các tài liệu chú giải sâu sắc giúp tìm hiểu những nội dung văn kiện khác nhau thì điều quan trọng nhất vẫn là phải chú tâm đọc chính bản văn Công đồng, và phải cố tìm ra ý nghĩa sâu xa mà các nghị phụ muốn trình bày qua các hình thức ngôn ngữ truyền đạt.

7. Hãy đặt mình vào giữa lòng Giáo Hội để đón nhận các giáo huấn của Công đồng. Chúng ta không thể thoát khỏi vị trí và hoàn cảnh cụ thể của mình để có thể đánh giá đúng mức về Công đồng Vatican II, cũng như về những giáo huấn mà các nghị phụ muốn gửi tới chúng ta. Vì thế, có lẽ chúng ta chưa có thái độ đón nhận thích hợp. Muốn hiểu thấu những giáo huấn này trước hết chính chúng ta phải sống các thực tại Giáo Hội. Càng yêu mến Giáo Hội và càng tha thiết với các vấn đề của Giáo Hội, chúng ta càng hiểu rõ nội dung văn kiện Công đồng hơn. Thực tế, chúng ta thường nghĩ rằng Giáo Hội địa phương này còn bao nhiêu vấn đề cấp bách hơn là chú tâm đến Công đồng, vốn đã cách xa chúng ta khá lâu rồi, lại chẳng mấy ảnh hưởng tới chúng ta! Đứng trước kho tàng thiêng liêng nguy nga đồ sộ này, chúng ta thường chọn một thái độ nhẹ nhàng là “chỉ cần tin thôi!” Tin ở đây hiểu theo nghĩa thụ động thoái thác. Cảm thức của chúng ta về Giáo Hội chỉ phảng phất mờ nhạt thì chúng ta không thể hiểu Giáo Hội một cách sáng tỏ được. Cần bước ra khỏi khung cảnh cố hữu để hoà nhập vào bầu khí chung mà toàn thể Giáo Hội đã sống biến cố Công đồng, biến cố của một Lễ Hiện Xuống mới!

***

Trên đây là những chia sẻ vắn tắt về một kinh nghiệm học hỏi các tài liệu Công đồng Vatican II. Chắc chắn đây chỉ những phác thảo hết sức giới hạn của một cá nhân, mà mục đích chủ yếu là để giúp nhau cử hành Năm Đức Tin qua một trong nhiều hoạt động khác nhau đang được thực hiện trong các cộng đoàn. Thiết tưởng đây chỉ là những ý kiến mở đường với hi vọng còn có nhiều đóng góp khác phong phú hơn, sâu sắc hơn.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment