Năm Đức Tin qua Tự sắc “Cánh cửa Đức tin”

TẬP MỘT
=========
BAN GIÁO LÝ GIÁO PHẬN CẦN THƠ
=========

Kinh Năm Đức Tin

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,/ chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin,/ nhờ đó chúng con được  nhận biết và thực hành những điều Chúa dạy, /hầu đem lại cho chúng con hạnh phúc đời này và đời sau.

Lạy  Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống./ Ai tin Chúa sẽ tìm thấy đường đi, tìm ra chân lý và tìm được sự sống./ Chúng con cảm tạ Chúa đã đến rao giảng Tin Mừng,/ dạy chúng con những điều phải tin, những việc phải làm, /để được sống và sống dồi dào./ Xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con,/ để chúng con luôn biết tín thác vào tình thương của Chúa, /sẵn sàng dấn thân loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, theo lệnh Chúa truyền.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn mọi loài,/ xin khơi lại cho chúng con những điều chúng con phải tin,/ những việc phải làm /để đức tin của chúng con mỗi ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn./ Xin ban cho chúng con biết can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người,/ biết ý thức cử hành đức tin trong các nghi lễ phụng vụ,/ thực hành đức tin trong cuộc sống hằng ngày, /để có thể thông truyền đức tin đó lại cho con cháu,/ và tất cả mọi người, đặc biệt là những người chưa nhận biết Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ được chúc phúc vì đã tin./ Xin giúp chúng con luôn tin những lời Chúa dạy và Hội Thánh truyền,/ biết phó thác mọi sự cho tình yêu quan phòng của Chúa,/ biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người anh chị em chung quanh chúng con,/ nhờ đó họ sẽ được nhận biết Chúa,/ để chính họ cũng nhận được ơn đức tin đem lại sự sống đời đời.

Lạy Thánh Cả Giuse, các Thánh Tử đạo Việt Nam cùng toàn thể các Thánh, các ngài là những những gương mẫu sống động về đức tin cho chúng con. Xin giúp chúng con biết sống và thực hành đức tin của chúng con trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong Năm Đức tin này. Chúc tụng Thiên Chúa vinh hiển muôn đời. Amen!

1. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã công bố Năm Đức Tin khi nào?

Đức Giáo hoàng đã công bố Năm Đức Tin trong Lễ Chúa Nhật 16-10-2011. Và qua Tự sắc1 “Cánh cửa Đức tin”, ngài ấn định: Năm Đức Tin được cử hành từ 11-10-2012 đến 24-11-2013.

2. Vì ý nào, Đức Giáo hoàng dùng hình ảnh “Cánh cửa Đức tin” để mở đầu tự sắc công bố Năm Đức Tin?

Đức Giáo hoàng dùng hình ảnh “Cánh cửa Đức tin”, để nhắc nhớ ta: đức tin chính là cánh cửa luôn mở rộng. Mọi tín hữu cần bước qua ngưỡng cửa đó, để được dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào trong Giáo Hội.

3. Ta có thể bước qua ngưỡng cửa đức tin khi nào (1; 3)?

Ta có thể bước qua ngưỡng cửa đức tin khi Lời Chúa được loan báo, và khi ta để cho tâm hồn được ơn thánh biến đổi.

4. Để “Lời Chúa được loan báo và để cho tâm hồn được ơn thánh biến đổi”, ta cần làm gì?

Để Lời Chúa được loan báo, và tâm hồn được ơn thánh biến đổi, ta cần “tìm lại sở thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và bằng Bánh Sự Sống”8.

5. Vì mục đích nào, Đức Giáo hoàng đã công bố Năm Đức Tin (Tự sắc 2; 3)?

Đức Giáo hoàng đã muốn công bố Năm Đức Tin:

1/ Để suy tư và khám phá lại cuộc hành trình đức tin, với niềm vui, nền tảng, sự vẹn toàn và rạng ngời của đức tin.

2/ Để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới, nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu.

3/ Để củng cố đức tin các tín hữu.

4/ Để trình bày, đào sâu Công đồng Vatican II và sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cách mới mẻ, hợp thời, hầu thực hiện cuộc canh tân Giáo Hội.

6. Tại sao phải suy tư và khám phá lại đức tin (4)?

Phải suy tư và khám phá lại đức tin:

1/ Để ý thức lại chính xác đức tin của ta, cho đức tin được thanh tẩy, sinh động lại, hầu ta có thể mạnh dạn tuyên xưng đức tin.

2/ Để đức tin cá nhân cũng như tập thể được củng  cố, tự do và ý thức hơn, trong nội tâm cũng như bên ngoài, cách khiêm tốn và chân thành.

7. Đâu là nền tảng đức tin Kitô giáo (1)?

Nền tảng đức tin Kitô giáo là tin nơi Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa duy nhất là Tình Yêu2.

8. Chúa Ba Ngôi đã yêu thương ta thế nào?

Chúa Ba Ngôi đã yêu thương ta thế này:

– Chúa Cha gửi con mình đến cứu độ chúng ta.- Chúa Con là Giêsu Kitô cứu chuộc trần thế, trong Mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Người.

– Chúa Thánh Thần dẫn đưa Giáo Hội qua dòng thời gian, đang khi chờ đợi Chúa ‘trở lại vinh quang’.

9. Vì sao Giáo Hội phải luôn canh tân?

Giáo Hội vừa thánh thiện, vừa phải luôn thanh tẩy, sám hối và canh tân, vì, tuy có Chúa Kitô, Đấng thánh vô tội là Đầu, nhưng trong cộng đoàn Giáo Hội vẫn có cả những tội nhân3.

10. Việc canh tân Giáo Hội tiến hành cách nào?

Việc canh tân Giáo Hội cũng tiến hành qua chứng tá về Lời Chân lý của Chúa Giêsu, trong cuộc sống giữa trần thế của các tín hữu.

11. Để canh tân đời sống, mỗi tín hữu cần làm gì (6)?

Để canh tân đời sống, mỗi tín hữu cần:

1/ Luôn trở về cùng Chúa cách chân thực và mới mẻ.

2/ Luôn bước đi trong “sự sống mới”.

3/ Để cho đức tin “hành động nhờ đức mến”4.

12. Bước  đi trong “sự sống mới” nghĩa là làm sao?

Bước đi trong “sự sống mới” nghĩa là sẵn lòng để cho các tư tưởng, tình cảm, tâm thức và thái độ con người của ta dần dần được thanh tẩy và biến đổi4b.

13. Tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động trong đời sống đức tin là gì?

Tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động trong đời sống đức tin, làm thay đổi toàn bộ đời sống con người, đó là “đức tin hành động nhờ đức mến”.

14. Để đức tin được tăng trưởng, vững mạnh, cần thiết nhất ta phải làm gì (7)?

Để đức tin được tăng trưởng, vững mạnh, cần thiết nhất ta phải liên tục tin tưởng, phó thác trong tay Thiên Chúa Tình Yêu.

15. Năm Đức Tin nhằm mục đích nào đối với việc truyền giáo (3; 7)?

Đối với việc truyền giáo, Năm Đức Tin là để các Kitô hữu:

1/ ý thức hơn nữa sứ mạng nên “muối mặn và ánh sáng trần gian”, hầu “tạo cơ hội cho nhiều người đang khao khát khám phá Thiên Chúa, lắng nghe và tin nơi Chúa Giêsu”5, con đường đạt tới ơn cứu độ vĩnh viễn.

2/ tái khám phá niềm vui đức tin, niềm hăng say thông truyền đức tin; hầu dấn thân xác tín hơn nữa, trong cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, bằng Tân Phúc Âm hoá.

16. Tân Phúc Âm hoá là gì?

Tân Phúc Âm hoá là việc canh tân hoạt động rao giảng Tin Mừng, để cống hiến Tin Mừng cách mới mẻ, cho những người không biết Tin Mừng, hoặc đã rời xa Hội Thánh6.

17. Vì sao Giáo hội phải Tân Phúc Âm hoá?

Giáo Hội phải Tân Phúc Âm hoá:

1/ vì Giáo Hội cần nhìn lại mình: để xác định rõ bản chất và lý do hiện hữu của mình; để canh tân, hầu có thể rao giảng Tin mừng hiệu quả hơn.

2/ vì đó là công cụ thích hợp, đúng lúc để đức tin tiếp tục sinh động, trước những thách thức của một thế giới đang biến chuyển quá mau lẹ7.

18. Đức tin và khoa học có xung đột không (12)?

“Giáo Hội không bao giờ sợ chứng minh rằng: đức tin và khoa học chân chính không hề xung đột nhau, vì cả hai đều hướng về sự thật, tuy là bằng những con đường khác nhau”.

19. Vì sao cần khám phá lại sự vẹn toàn của đức tin (2; 8; 12)?

Cần khám phá lại sự vẹn toàn của đức tin:

1/ vì ngày nay, trong phần lớn các lĩnh vực xã hội, các giá trị đức tin không còn được chấp nhận.

2/ vì đức tin nơi nhiều tín hữu đang bị khủng hoảng sâu xa, trước hàng loạt những vấn nạn, do trào lưu tục hoá9, duy lý trí, khoa học và kỹ thuật; do những biến động sâu xa của thời đại.

20. Đâu là những nét nổi bật trong đời sống đức tin của tín hữu Việt Nam10?

“Phần đông tín hữu Việt Nam vẫn trung thành giữ lễ Chúa Nhật, và cả ngày thường. Đa số gia đình Công giáo vẫn là nôi nuôi dưỡng, thông truyền đức tin cho con cái”.

21. Đâu là những thiếu sót trong đời sống đức tin của tín hữu Việt Nam?

Những thiếu sót trong đời sống đức tin của một số tín hữu Việt Nam là:

1/ Còn giữ đạo theo tập tục và thói quen; thiếu xác tín cá nhân11.

2/ Sống đức tin thiên về tình cảm, về một số thực hành nghi lễ và luân lý.

3/ Bị ảnh hưởng lối sống vật chất, hưởng thụ. Nhiều người trẻ bị lung lạc đức tin. Nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái.

22. Vì sao gọi là “cuộc hành trình đức tin” (1-2)?

Gọi là “cuộc hành trình đức tin”, vì sống đức tin chính là “cuộc lên đường” của toàn thể Giáo Hội; và mỗi tín hữu đều phải dấn thân vào một cuộc hành trình suốt đời.

23. “Cuộc hành trình đức tin” tiến bước thế nào?

Cuộc hành trình đức tin bắt đầu với Phép Rửa12, để được gọi Thiên Chúa là Cha; và kết thúc khi vượt qua cái chết, tiến vào đời sống sung mãn do Chúa Phục sinh thông ban, cho ta nên “bạn hữu” của Người.

24. Đâu là sự rạng ngời của đức tin (1)?

Đức tin rạng ngời, vì Đức tin chính là “Cánh cửa”13 dẫn ta vào hiệp thông với Thiên Chúa, cho ta được tham dự vinh quang rạng ngời của Chúa Kitô, nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần.

25. Việc dấn thân truyền giáo kín múc sức mạnh và năng lực nơi đâu (7)?

Việc dấn thân truyền giáo kín múc sức mạnh và năng lực trong sự khám phá, cảm nghiệm Tình Yêu của Chúa hằng ngày. Chính “tình yêu Chúa Kitô thúc bách”13b, sai chúng ta lên đường công bố Tin Mừng14.

26. Vì sao để dấn thân truyền giáo, cần khám phá và cảm nghiệm Tình Yêu của Chúa hằng ngày?

Để dấn thân truyền giáo, cần khám phá và cảm nghiệm Tình Yêu của Chúa hằng ngày, vì nhờ đó, đức tin của ta mới tăng trưởng và phong phú, qua kinh nghiệm sống ơn thánh, niềm vui, hy vọng, lắng nghe và đón nhận lời Chúa mời gọi.

27. Mỗi tín hữu phải đặc biệt quyết tâm điều gì trong Năm đức tin (11-12)?

Mỗi tín hữu phải đặc biệt quyết tâm:

– tái khám phá niềm vui, nội dung đức tin, được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện.

– suy tư về chính hành động đức tin.

28. Cần đặc biệt tái khám phá nội dung, cũng như suy tư về hành động đức tin nơi đâu (11-13)?

Cần đặc biệt tái khám phá nội dung, cũng như suy tư về hành động đức tin nơi Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, và qua việc duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta.

29. Đức Giáo hoàng mong muốn Năm Đức Tin sẽ giúp gì cho mỗi tín hữu (10)?

Đức Giáo hoàng mong muốn Năm Đức Tin:

1/ Sẽ khơi dậy khát vọng tuyên xưng đức tin trọn vẹn, với xác tín được đổi mới, trở về cùng Chúa Kitô.

2/ Sẽ là cơ hội thích hợp, để tăng cường cử hành đức tin trong phụng vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải.

3/ Sẽ tăng trưởng cuộc sống chứng tá của ta, với “đức tin hoạt động bởi đức mến”15.

4/ Sẽ khích lệ các tín hữu siêng năng tuyên xưng đức tin bằng việc đọc Kinh Tin Kính.

30. Vì sao trong Năm Đức Tin, cần đặc biệt cử hành Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải (4; 6; 9)?

Trong Năm Đức Tin, cần đặc biệt cử hành bí tích Thánh Thể và Hoà giải, vì:

– Bí tích Thánh Thể “là tột đỉnh của mọi hoạt động, và là nguồn mạch cho mọi năng lực của Giáo Hội”16.

– Bí tích Hoà Giải giúp ta hoán cải chân thành, trường kỳ, để được thanh tẩy và đổi mới, hầu trở về cùng Chúa cách chân thực và mới mẻ.

31. Vì sao cần siêng năng đọc kinh Tin kính (9)?

Cần siêng năng đọc Kinh Tin kính, vì kinh này “là những lời tin của Mẹ Giáo hội, được xây dựng vững chắc trên nền tảng vững bền là Chúa Kitô”17.

32. Đâu là những bước hành trình để hiểu sâu sắc hơn nội dung đức tin (10-15)?

Cuộc hành trình hiểu sâu sắc hơn nội dung đức tin gồm 3 bước:

1/ với con tim, ta tin.

2/ với môi miệng, ta tuyên xưng đức tin18.

3/ với lý trí, ta hiểu biết nội dung đức tin.

33. Vì sao phải tin với con tim (10)?

Phải tin với con tim, vì đức tin trước hết là hồng ân do Thiên Chúa, nên cần con tim ta rộng mở đón nhận ơn thánh tác động, biến đổi ta từ nội tâm18b.

34. Vì sao phải tuyên xưng đức tin bằng môi miệng?

Phải tuyên xưng đức tin bằng môi miệng, vì đức tin bao gồm việc làm chứng và dấn thân công khai.

35. Vì sao đức tin bao gồm việc làm chứng và dấn thân công khai?

Đức tin bao gồm việc làm chứng và dấn thân công khai, vì đức tin là hành vi tự do, đòi hỏi một trách nhiệm xã hội về những điều ta tin, đó là phải loan báo không chút sợ hãi niềm tin của chúng ta.

36. Nhờ ai, chúng ta có thể loan báo không chút sợ hãi niềm tin của chúng ta (10)?

Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể thi hành sứ mạng chứng tá cách thẳng thắn và can đảm.

37. Đức tin cá nhân là đức tin nào (10)?

Đức tin cá nhân, “tôi tin”, là đức tin của Giáo Hội, được mỗi tín hữu tự mình tuyên xưng, nhất là trong khi chịu Phép Rửa.

38. Đức tin cộng đoàn là đức tin nào (10)?

Đức tin cộng đoàn, “chúng tôi tin”, là đức tin của Giáo Hội, được các Giám mục họp nhau trong Công đồng, hoặc được Cộng đồng phụng vụ các tín hữu tuyên xưng.

39. Vì sao cần hiểu biết nội dung đức tin?

Cần hiểu biết nội dung đức tin:

– Vì hiểu biết đức tin là điều thiết yếu để có thể chấp nhận tin, nghĩa là tâm trí hoàn toàn gắn bó với những gì Giáo Hội đề nghị.

– Vì hiểu biết đức tin dẫn vào toàn bộ Mầu nhiệm Cứu độ, được Thiên Chúa mặc khải.

40. Ai bảo đảm những điều ta tin là  xác thực?

Chính Thiên Chúa bảo đảm những điều ta tin là xác thực, vì Người tự mặc khải, và cho phép ta được biết mầu nhiệm tình yêu của Người.

41. Trong bối cảnh văn hoá ngày nay, còn có thái độ nào khác đối với đức tin?

Trong bối cảnh văn hoá ngày nay, còn nhiều người, tuy không nhìn nhận hồng ân đức tin, nhưng chân thành tìm kiếm ý nghĩa chung kết, và chân lý chung cục về cuộc sống và thế giới.

42. Vì sao sự tìm kiếm này được gọi là “tiền đề” của đức tin (10)?

Sự tìm kiếm này được gọi là “tiền đề”, nghĩa là đi trước đức tin, vì nó thúc đẩy con người tìm đến Mầu nhiệm Thiên Chúa; bởi lẽ, lý trí con người được chính Thiên Chúa phú bẩm niềm khao khát đạt tới “điều giá trị và tồn tại mãi mãi”.

43. Đâu là những bước hành trình để suy tư về hành động đức tin (10-15)?

Hành trình để suy tư về hành động đức tin gồm 3 bước:

1/ Duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta.

2/ Tăng cường chứng tá bác ái.

3/ “Tìm kiếm đức tin”, với sự bền chí như hồi còn trẻ19.

44. Lịch sử đức tin chứa đựng mầu nhiệm nào (13)?

Lịch sử đức tin chứa đựng mầu nhiệm khôn lường giữa lịch sử thánh thiện và lịch sử tội lỗi.

45. Vì sao cần duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta (13)?

Cần duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta:

1/ vì “lịch sử thánh thiện” cho ta thấy những gương đức tin, những đóng góp lớn lao của những tín hữu, đã tăng trưởng và phát triển Giáo hội bằng chứng tá cuộc sống.

2/ còn “lịch sử tội lỗi” thúc giục ta hoán cải chân thành và trường kỳ, để kinh nghiệm lòng từ bi Chúa Cha, Đấng đến gặp mọi người.

46. Đức Giáo hoàng mời gọi ta trong Năm Đức Tin hướng nhìn về ai?

Đức Giáo hoàng mời gọi ta hướng nhìn về Chúa Giêsu Kitô, “nguồn gốc và tận điểm của đức tin”20.

47. Vì sao Chúa Giêsu Kitô là “nguồn gốc và tận điểm của đức tin”?

Chúa Giêsu Kitô là “nguồn gốc và tận điểm của đức tin”, vì:

– nơi Mầu nhiệm “Nhập thể – Làm người” của Người, mọi sóng gió và khát vọng của tâm hồn con người được hoàn tất20b.

– trong cái chết và phục sinh của Người, những tấm gương đức tin được tràn đầy ánh sáng, đã ghi dấu 2.000 năm lịch sử cứu độ.

48. Đâu là gương đức tin sáng ngời nhất trong lịch sử đức tin (13)?

Gương đức tin sáng ngời nhất là Mẹ Maria, Mẹ đã tin vững vàng, từ lúc Truyền Tin tới ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trong Nhà Tiệc Ly.

49. Trong cuộc hành trình đức tin, Mẹ Maria đã tín nhiệm cách riêng nơi ai?

Trong cuộc hành trình đức tin, tín nhiệm cách riêng nơi Thánh Giuse hôn phu, Mẹ Maria mang Chúa Giêsu sang Ai Cập để cứu con khỏi Hêrôđê bách hại21.

50. Đâu là những gương sáng đức tin trong lịch sử đã qua của Giáo Hội?

Những gương sáng đức tin trong lịch sử đã qua của Giáo Hội, là:

1/ các Tông đồ, những vị đã từ bỏ mọi sự để tin theo Chúa, và lên đường rao giảng khắp thế giới22.

2/ các môn đệ, đã họp thành cộng đoàn đức tin đầu tiên, tụ tập quanh giáo huấn các Tông đồ23.

3/ các vị tử đạo, đã hiến mạng sống làm chứng cho chân lý Phúc Âm24.

51. Đâu là những gương đức tin giữa lòng Giáo Hội hôm nay?

Những gương đức tin giữa lòng Giáo Hội hôm nay, chính là:

1/ Những tín hữu đã tận hiến cho Chúa Kitô, sống tinh thần Phúc Âm: vâng phục, thanh bần và khiết tịnh.

2/ Nhiều Kitô hữu đã thăng tiến những hoạt động bênh vực công lý, để cụ thể hóa Lời Chúa25.

3/ Những tín hữu thuộc mọi lứa tuổi26: đã tuyên xưng vẻ đẹp của việc theo Chúa Giêsu, trong gia đình, nghề nghiệp, đời sống công khai, đoàn sủng và sứ vụ.

52. Vì sao trong Năm Đức Tin, cần tăng cường chứng tá bác ái (14)?

Trong Năm Đức Tin, cần tăng cường chứng tá bác ái, vì:

1/ “Đức ái lớn nhất” trong 3 nhân đức27.

2/ “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”28.

3/ Đức tin không đức ái sẽ không hiệu quả; và đức ái không đức tin sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ.

53. Vì sao đức tin và đức ái cần nhau (14)?

Đức tin và đức ái cần nhau, vì cả hai giúp nhau thực hiện hành trình của mình:

– đức tin giúp ta nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh, nơi những người xin ta tình thương29.

– đức ái thúc đẩy ta cứu giúp Chúa, mỗi khi Người trở thành kẻ thân cận của ta trong cuộc sống.

54. Vì sao ta phải “tìm kiếm đức tin” (15)?

Phải “tìm kiếm đức tin”, với sự bền chí như hồi còn trẻ, để không ai trong chúng ta trở nên lười biếng trong đức tin30.

55. Vì sao phải luôn bền chí “tìm kiếm đức tin”?

Phải bền chí “tìm kiếm đức tin”, vì đức tin là bạn đồng hành suốt đời, đòi hỏi ta kiên trì:

1/ nhận thức cách luôn mới mẻ, về những kỳ công Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta.

2/ đón nhận những “dấu chỉ thời đại”.

3/ trở nên dấu chỉ hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh nơi thế giới.

4/ nên chứng tá đáng tin của những người được Lời Chúa soi sáng31.

56. Đức Giáo hoàng ước mong điều gì đối với Lời Chúa trong Năm Đức Tin (15)?

Đức Giáo hoàng ước mong “Lời Chúa hoàn tất hành trình của mình và được tôn vinh”32.

57. “Lời Chúa hoàn tất hành trình của mình và được tôn vinh” khi nào?

“Lời Chúa hoàn tất hành trình và được tôn vinh”, khi Lời Chúa làm cho mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa Kitô ngày càng vững chắc hơn.

58. Vì sao chúng ta cần quan hệ vững chắc với Chúa Kitô?

Chúng ta cần quan hệ vững chắc với Chúa Kitô, vì chỉ trong Người mới có sự chắc chắn để hướng nhìn về tương lai, và bảo đảm tình yêu chân thực, lâu bền.

59. Những dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ với Chúa Kitô vững chắc?

Mối quan hệ với Chúa Kitô vững chắc:

1/ Khi cuộc sống Kitô hữu “tràn đầy vui mừng, dù còn chịu ưu sầu, thử thách, để tôi luyện đức tin”.

2/ Khi qua đau khổ, bách hại33, ta hiểu biết, cảm nghiệm và tham gia mầu nhiệm Thập giá34, để có thể tuyên xưng: “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”35.

3/ Khi ta luôn vững tin: Chúa đã chiến thắng quyền lực sự ác và sự chết36; Người luôn hiện diện giữa chúng ta, cùng với Giáo Hội.

60. Đâu là thử thách nhiều Kitô hữu thường gặp trong đời sống đức tin (15)?

Thử thách nhiều Kitô hữu thường gặp trong đời sống đức tin, là “sự im lặng của Thiên Chúa, trong khi họ muốn được nghe lời an ủi của Người!”.

61. Đức Giáo hoàng mời gọi phó thác Năm Đức Tin cho ai?

Đức giáo hoàng mời gọi phó thác Năm Đức Tin cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, được tuyên dương là “Đấng diễm phúc vì đã tin”37.

62. Trong Năm Đức Tin, mỗi giáo xứ cần mời gọi các tín hữu làm những gì?

Mỗi giáo xứ cần mời gọi các tín hữu:

1/ canh tân đời sống; thực thi bác ái.

2/ chia sẻ đời sống và kinh nghiệm đức tin.

3/ đối thoại với anh chị em tôn giáo bạn, với những người vô thần, dửng dưng, và mọi người chung quanh.

4/ khám phá hồng ân đức tin và ý thức trách nhiệm truyền giáo.

63. Trong Năm Đức Tin, mỗi giáo xứ cần học hỏi những gì?

Mỗi giáo xứ cần:

1/ Giúp giáo dân đọc và suy gẫm tự sắc “Cánh cửa Đức tin”.

2/ Giúp giáo dân đọc, tìm hiểu Công đồng Chung Vatican II và Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.

3/ Phổ biến Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.

64. Trong Năm Đức Tin, mỗi giáo xứ cần thực hiện những gì nơi cộng đoàn?

Trong Năm Đức Tin, mỗi giáo xứ cần:

1/ Giúp cộng đoàn giáo dân tham dự Bí tích Thánh Thể tích cực và sống động.

2/ Phát huy sự tham gia của các hội dòng, các đoàn thể, các phong trào và các nhóm cơ bản.

3/ Tìm cách tuyên xưng Kinh Tin Kính cách công khai.

65. Mỗi gia đình cần làm gì trong Năm Đức Tin (x. Tông huấn Gia đình 51-54)?

Năm Đức Tin cũng là năm giáo phận chúng ta sống chủ đề “Thăng tiến Gia đình”, vì vậy, cần học hỏi và sống sứ mạng: xây dựng gia đình thành “cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng”.

66. Vì sao gia đình Kitô hữu được gọi là “Cộng đồng tin”?

Gia đình Kitô hữu được gọi là “Cộng đồng tin”:

1/ Vì đời sống hôn nhân – gia đình là một cuộc “hành trình đức tin”.2/ Vì qua Bí tích Hôn Phối, “chỉ trong đức tin, họ mới có thể khám phá và thán phục phẩm giá của hôn nhân – gia đình”.

3/ Vì gia đình Kitô hữu chính là “trường dạy đức tin”.

67. Vì sao đời sống hôn nhân-gia đình là một hành trình đức tin38?

Đời sống hôn nhân – gia đình là một hành trình đức tin, vì:

1/ Giai đoạn chuẩn bị hôn nhân là cơ hội khám phá, đào sâu đức tin.

2/ Cử hành Bí tích Hôn Nhân, với việc công bố Lời Chúa, chính là hành động tuyên xưng đức tin.

3/ Cuộc sống hôn nhân – gia đình chính là cuộc khám phá và tuân phục đức tin mỗi ngày.

68. Đâu là phẩm giá của hôn nhân – gia đình Kitô hữu trong đời sống đức tin (Tông huấn Gia đình, 51)?

Hôn nhân – gia đình Kitô hữu có phẩm giá cao quí trong đời sống đức tin, vì Thiên Chúa đã lấy đó làm dấu chỉ và môi trường của giao ước yêu thương, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và Hội Thánh, Hiền Thê của Người”.

69. Vì sao gia đình Kitô hữu là “trường dạy đức tin”39?

Gia đình Kitô hữu là “trường dạy đức tin”, vì nơi gia đình:

1/ Ông bà, cha mẹ là những nhà giáo dục, những giáo lý viên đầu đời, không ai thay thế được40.

2/ Từ ông bà, cha mẹ, đến con cháu, phải tạo thành một truyền thống đức tin, cha truyền con nối41.

3/ Cha mẹ không chỉ thông truyền, mà còn có thể nhận lại Tin Mừng được sống sâu sắc nơi con cái.

70. Vì sao gia đình Kitô hữu là một “cộng đồng rao giảng Tin Mừng”?

Là một “Cộng đồng rao giảng Tin Mừng”, vì gia đình Kitô hữu:

1/ tham dự vào sự sống và sứ mạng tiên tri, của một Giáo Hội không ngừng rao giảng Tin Mừng.

2/ có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và lan toả… tương lai Tin Mừng hoá tuỳ thuộc phần lớn nơi Giáo Hội tại gia.

3/ góp phần truyền giáo đặc biệt, khi biết vun trồng ơn gọi thừa sai nơi con cái.

71. Thừa tác vụ Tin Mừng hoá của cha mẹ Kitô hữu có đặc điểm thế nào?

Thừa tác vụ Tin Mừng hoá của cha mẹ Kitô hữu rất độc đáo, vì mang những đặc tính riêng của đời sống gia đình, dệt nên bằng tình yêu, sự giản dị, sự dấn thân phục vụ, bằng những làm chứng mỗi ngày, nhất là trong cầu nguyện.

72. Bí tích Hôn Phối biến đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu thành những chứng nhân đặc biệt cho điều gì?

Bí tích Hôn Phối biến đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu thành những chứng nhân, và thừa sai đích thực cho tình yêu và sự sống.

73. Các bạn trẻ cần làm gì trong Năm đức tin (8)?

Năm đức tin cũng là năm diễn ra Đại hội Giới trẻ Thế giới. Các bạn trẻ cần:

1/ học hỏi để thực hiện chủ đề “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”42.

2/ tuyên xưng đức tin nơi Chúa Phục Sinh trong các thánh đường, các gia đình, để mỗi người cảm thấy cần biết rõ hơn về đức tin ngàn đời, và thông truyền cho các thế hệ trẻ.

74. Các em thiếu nhi cần làm gì trong Năm Đức Tin?

Năm đức tin cũng kỷ niệm 20 năm công bố Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, và là năm “thăng tiến gia đình” của Giáo phận Cần thơ, vì vậy, các em thiếu nhi cần:

1/ siêng năng học Giáo lý.

2/ sống tốt nơi gia đình vì gia đình chính là trường dạy đức tin.

 

——————

1. Tự sắc (Motu proprio): “Văn kiện do ĐGH ký và công bố, thường được viết do chính Ngài, đọc, ký tên, không có ấn triện. Văn kiện thường có tính cách quản trị, ban một đặc ân riêng…” (x. Lm. Hồng Phúc, CSsR, “Điển Ngữ Đức tin Công giáo”, 1996. tr. 507).
2. x. 1 Ga 4,8.
3. Dt 7,26; x. 2 Cr 5,21; Dt 2,17.
4. Gl 5,6.
4b. Đây là “con đường không bao giờ được hoàn tất ở đời này”.
5. x. Ga 6,29.
6. x. Lineamenta /Đề cương THĐGM XIII: Tân Phúc Âm Hoá để truyền bá  đức tin Kitô giáo.
7. x. Bài giảng ĐTC Bênêđictô XVI: Khai mạc THĐ XIII về Tân Phúc Âm hoá.
8. x. Ga 6,51.
9. Trào lưu tục hoá, duy thế tục, là trào lưu phát sinh từ thế kỷ thứ tám, do sự quá tin tưởng nơi lý trí với những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, nên muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi mọi lĩnh vực đời sống: cá nhân, gia đình, xã hội, luân lý, khoa học, luật lệ quốc gia (x. “Trào lưu tục hoá”, Web. TGP. TP.HCN, CN 20.09.2009).
10. x. Thư Mục vụ Năm Đức Tin. HĐGMVN 2012.
11. Những xác tín cá nhân phải có để làm động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống.
12. x. Rm 6,4.
13. x. Cv 14, 27.13b; 2 Cr 5,14.
14. x. 2 Cr 5,14; Mt 28,19.
15. Gl 5,6.
16. x. Tự sắc, số 4: “Chúng ta phải tìm lại sở thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa được Giáo Hội trung thành truyền lại, và bằng Bánh Sự Sống, được trao ban để nâng đỡ các môn đệ của Chúa” (x. Ga 6,51).
17. Kinh Tin Kính đã được các Kitô hữu những thế kỷ đầu học thuộc lòng, và đọc như kinh nguyện hằng ngày.
18. Rm 10,10.
18b. “Nếu chỉ có ‘lý trí hiểu biết nội dung đức tin’ mà thôi thì chưa đủ”…
19. x. 1 Tm 2,22; 2 Tm 3,15.
20. Dt 12,2.
20b. “Niềm vui của tình yêu, lời đáp trả thảm trạng đau khổ, sức mạnh của tha thứ trước sự xúc phạm phải chịu, và chiến thắng của sự sống trước cái trống rỗng của sự chết, tất cả đều tìm được sự hoàn tất trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa, mầu nhiệm Chúa làm người, chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta để biến đổi nó bằng quyền năng phục sinh của Người”.
21. x. Mt 2,13-15.
22. x. Mc 10,28.
23. x. Cv 2,42-47.
24. x. Thư  Mục vụ HĐGMVN 2012, số 7: “Tại Việt Nam, làm sao chúng ta có thể quên tấm gương sống động của Các Thánh Tử Đạo và biết bao người “đã làm chứng cho Đạo yêu thương bằng đời sống thấm đẫm tinh thần cầu nguyện và bằng cả sự hiến dâng mạng sống”. Nhờ ôn lại lịch sử, chúng ta biết trân trọng hơn gia sản đức tin mà các bậc tiền nhân để lại, đồng thời can đảm giữ vững và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh”.
25. x. Lc 4,18-19.
26. x. Kh 7,9; 13,8.
27. 1 Cr 13,13.
28. Gc 2,14-18/ x. Gl 4,31b – 5,6.
29. x. Mt 25,40.
30. x. 1 Tm 2,22; 2 Tm 3,15.
31. “… có khả năng mở tâm trí của bao nhiêu người mong ước Thiên Chúa và sự sống chân thực”.
32. 2 Tx 3,1.
33. x. Didier Rance: “Thế kỷ chứng nhân – Những vị Tử đạo thế kỷ 20”; Le Sarment, 2000: Đức Gioan Phaolô II đã muốn việc tưởng niệm về các vị tử đạo, và về tất cả những người đã đau khổ vì đức tin, là một hướng lực chính cho Năm Thánh 2000: “Đừng lãng quên chứng tá của các ngài…thế kỷ này đã biết đến bao nhiêu là những vị tử đạo…thuộc nhiều thành phần xã hội, vì cớ  đức tin, họ đã trả bằng giá máu, để luôn gắn kết với Chúa Kitô và với Giáo hội…”.
34. x. Cl 1,24.
35. 2 Cr 12,10.
36. x. Lc 11,20.
37. Lc 1,45.
38. Việc chuẩn bị hôn nhân là cơ chế đặc biệt giúp những người đính hôn khám phá lại và đào sâu đức tin đã lãnh nhận trong phép rửa, và được nuôi dưỡng nhờ việc giáo dục Kitô giáo; việc cử hành Bí tích Hôn nhân tự nó là việc công bố Lời Chúa, về Tin Mừng của tình yêu hôn nhân, nên đó quả thực là việc “tuyên xưng đức tin” trong lòng Giáo Hội, và cùng với cộng đồng các tín hữu; việc sống đời hôn nhân gia đình cũng là lời tuyên xưng đức tin không ngừng của đôi bạn và gia đình, vì họ được Thiên Chúa mời gọi: với đức tin, khám phá ra và tuân phục ý định của Người, qua mọi biến cố vui buồn hằng ngày.
39. x. Tông huấn Gia đình, số 38-39; 52-53.
40. “Thừa tác vụ dạy giáo lý cần theo sát suốt đời, nhất là trong tuổi thanh thiếu niên, lúc con cháu thường hay phản kháng hoặc thẳng thừng từ chối đức tin”.
41. x. Thư Mục vụ Năm Đức Tin. HĐGMVN 2012: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức”.
42. Mt 28,19.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment