Năm Đức Tin đã khai mạc ngày 11-10 vừa qua tại Rôma nhắm mục đích kêu gọi mọi tín hữu trong Giáo Hội nhìn lại đời sống đức tin của mình để canh tân và đào sâu thêm nữa hầu thêm yêu mến Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người, đã mặc khải Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho chúng ta và nhất là đã hy sinh chịu chết trên thập giá để đền tội cho nhân loại và cho chúng ta hy vọng được cứu rỗi để hưởng hạnh phúc vinh cửu với Chúa trên Nước Trời mai sau.
Nhưng muốn sống đức tin cách hữu hiệu và chân thật, không ai có thể coi nhẹ một trở ngại lớn lao, đó là tội lỗi, một nguy cơ không những đe doạ cách nặng nề đức tin có Chúa mà còn có thể làm mất hy vọng được cứu rỗi nữa.
Thật vậy, tội là một thực tế (reality) không ai có thể chối cãi hay phủ nhận được trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và trong cộng đồng thế giới; nhất là trong thời buổi hiện nay, khi các nhóm Hồi giáo quá khích chủ trương bạo động, “thánh chiến=jihad” để đánh phá và giết hại những ai họ cho là thù nghịch của họ. Đây là một tội lớn mang màu sắc tôn giáo vì người ta đã nhân danh tôn giáo để tiêu diệt người khác. Và chắc chắn điều này không phù hợp với mục đích của bất cứ vị sáng lập tôn giáo nào, vì không tôn giáo nào có thể chấp nhận hay khuyến khích tín đồ của mình giết hại người khác để độc tôn tín ngưỡng của mình.
Mặt khác, các chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tương đối (relativism) và chủ nghĩa tôn thờ khoái lạc (hedonism) và tiền bạc vật chất cũng góp phần không nhỏ gây ra tội lỗi cho con người ở khắp mọi nơi.
Nhưng trước hết, cần biết vì đâu tội lỗi có mặt trong trần gian như một thách đố lớn lao cho những ai có niềm tin Thiên Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương, nhưng rất công bình và thánh thiện.
Thánh Kinh đã cho ta biết nguồn gốc của tội:
“Vì một người duy nhất (Adam) mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới hết mọi người bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rm 5,12)
Tội xâm nhập trần gian và lan tràn đến hết mọi người với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.Tội là điều trực tiếp xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, công minh, chính trực, nên Ngài không thể dung tha cho bất cứ loại tội nào mà con người có thể phạm vì cố ý hay vì yếu đuối. Tuỳ theo mức lỗi phạm mà tội mang lại hậu quả nặng hay nhẹ cho người có tội.
Trước tiên, Thiên Chúa đã nói rõ cho Adam và Eva biết về hậu quả của tội như sau, nếu họ ăn trái cấm:
“Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn người sẽ phải chết.” (St 2,17)
Cái chết mà Thiên Chúa nói trên đây là cái chết về mặt linh hồn, chứ không phải chết ngay về thể xác. Cho nên con Rắn đã nói với bà Eva rằng “chẳng chết chóc gì đâu” (St 3,4).
Rắn Satan nói thể để phỉnh gạt Eva vì biết là Thiên Chúa không phạt nhãn tiền bằng cái chết về thể lý cho ai từ xưa đến nay. Bằng cớ là có biết bao kẻ gian ác, độc tài tàn bạo, vô tâm vô đạo đã giết hại không biết bao nhiêu người chỉ vì muốn củng cố địa vị cá nhân hay bảo vệ các thể chế độc tài, độc đảng, độc tôn gây đau khổ và chết chóc cho biết bao triệu người dân lành từ Đông sang Tây chẳng may rơi vào ách thống trị độc ác của chúng. Nhưng chúng vẫn sống phây phây, làm giàu và hưởng thụ, cha truyền con nối với chế độ tàn bạo không biết đến bao giờ mới sụp đổ.
Mặt khác, những kẻ có tâm địa độc dữ, với lòng tham vô đáy, và say mê những vui thú vô luân vô đạo cũng vẫn sống nhởn nhơ trong giầu sang nhờ gian manh, bất công và lường gạt, trong khi người lành lương thiện lại nghèo khó và đau khổ, vì xã hội bất công, dung dưỡng cho kẻ có nhiều tiền bạc và lắm mưu kế gian xảo lèo lái.
Như thế, không phải vì Thiên Chúa bất lực, hay không nhìn thấy những tội ác của họ.Thiên Chúa biết nhưng vẫn làm ngơ cho chúng sống để hy vọng chúng hoán cải để được tha thứ, vì Người gớm ghét tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết sám hối, xin tha. Ngược lại, nếu chúng cứ ngoan cố tiếp tục con đường gian ác thì Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng như chủ ruộng kia đã làm ngơ cho cỏ lùng mọc xen lẫn với cây lúa tốt. Và đợi đến mùa gặt, chủ sẽ bảo thợ gặt: “Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho ta.” (Mt 13,20)
Dụ ngôn trên cũng áp dụng thích đáng cho người tín hữu Chúa Kitô đang sống đức tin trên trần gian này, giữa bao kẻ gian ác đang phạm biết bao tội nghich cùng Thiên Chúa và gây đau khổ cho bao người khác. Kẻ gian ác cứ sống trong tội ác của chúng như có lùng mọc xen với cây lúa. Và chắc chắn đến mùa gặt, tức ngày Phán Xét, chúng sẽ bị quăng vào nơi “tối tăm, khóc lóc và nghiến răng” (Lc 13,28).
Thật vậy, do hậu quả của tội nguyên tổ, bản chất thiện hảo ban đầu của con người đã bị thương tổn nặng nề đến nỗi dù đã được tái sinh qua Phép Rửa và trở thành tạo vật mới, con người vẫn không lấy lại được bản chất thiện hảo ban đầu (Original Innnocence) đã mất đi sau khi nguyên Tổ loài người đã phạm tội. Vì thế, con người ngày nay vẫn hoàn toàn yếu đuối và dễ nghiêng chiều về sự xấu, sự tội bao lâu còn sống trên trần gian và trong thân xác có ngày phải chết này.
Mặt khác, ma quỷ ví như “sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắc xé” (1 Pr 5,8) luôn rình rập quanh ta để cám dỗ, lôi kéo ta vào đường tội lỗi dẫn đến hư mất đời đời. Cho nên “anh em phải đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (St 5,9) đúng theo lời khuyên dạy của Thánh Phêrô cách nay đã trên 2.000 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị thực hành trong hoàn cảnh sống của con người ngày nay.
Ngoài ma quỷ là kẻ thù chính ra, thế gian hay môi trường sống của mỗi người chúng ta là kẻ thù thứ hai cộng tác đắc lực với ma quỷ để xúi giục ta phạm tội vì gương xấu đầy rẫy ở khắp nơi. Nào phim ảnh sách báo dâm ô, đồi truỵ, bạo động, nào sòng bạc lớn nhỏ và nơi ăn chơi sa đoạ công khai quảng cáo trên truyền thông để lôi cuốn con người thuộc mọi lớp tuổi tìm đến để thoả mãn dục vọng và lòng ham mê tiền của, bắt chấp mọi hậu quả tai hại cho linh hồn, nếu ta tin con người có hồn và xác, có sự thưởng phạt sau khi chết.
Thánh Phaolô đã nói đến các giống tội do xác thịt yếu đuối gây ra và hậu quả của tội:
“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã thường bảo: Những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (Gl 5,19-21).
Như thế, người ta phạm tội vì bản chất yếu đuối, vì ma quỷ tinh quái cám dỗ và vì gương xấu của người khác.
Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh cáo về các dịp tội và gương xấu:
“Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã. Nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này phải vấp ngã.” (Lc 17,1-2)
Như vậy, muốn tránh tội, ta phải ý thức đây đủ về những nguy cơ đưa đến phạm tội để từ đó quyết tâm xa tránh với ơn Chúa nâng đỡ để đứng vững, vì “không có Thầy anh em sẽ chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Nghĩa là nếu không có ơn Chúa giúp sức thì ta không thể đứng vững trước mọi cám dỗ nặng nề của ma quỷ, gương xấu đầy rẫy của thế gian và những khuynh hướng xấu còn tồn tại trong ta.
Cứ nhìn quanh ta thì đủ biết tội lỗi đang thống trị con người và thế giới như thế nào.
Tại sao người ta đang làm những sự dữ như giết người, cướp của, ăn gian nói dối, cờ bạc, dâm ô, phóng đãng, hiềm thù, ghen ghét, bỏ vạ cáo gian, thay chồng đổi vợ, chiến tranh, khủng bố?
Câu trả lời đúng nhất là vì người ta không có niềm tin nào, hay có mà không có can đảm sống niềm tin ấy cách sống động và cụ thể để đẩy lui bống tối của sự dữ, sự tội đang lan tràn ở khắp nơi.
Trước thực trạng trên đây, là người có đức tin vào Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, mọi tín hữu chúng ta đều được mong đợi sống đức tin của mình cách cụ thể là phải xa tránh mọi sự xấu, sự tội, vì chỉ có tội lỗi mới làm ngăn cách con người với Thiên Chúa là tình thương nhưng gớm ghét mọi thứ tội lỗi. Nói khác đi, sống đức tin Kitô giáo đòi hỏi chúng ta phải ý thức sâu xa về nguy cơ của tội lỗi đến từ ma quỷ, từ thế gian và từ bản chất yêu đuối của chính mình.
Trong thời đại văn minh vật chất và điện toán hiện nay, rất nhiều người đã mất hết ý thức về tội. Chủ nghĩa tương đối (relativism) đã góp phần không nhỏ vào việc lừa dối rất nhiều người tin là không có giá trị nào tuyết đối về luân lý, đạo đức cả. Vì thế, người ta đã mặc sức làm những sự dữ, thí dụ, làm luật để bảo vệ cho súc vật như chó, mèo, chim, rùa ngoài biển. Nhưng lại hợp thức hoá việc phá thai khiến hàng năm ở Mỹ có trên 1 triệu thai nhi bị giết ngay trong lòng mẹ mà luật pháp quốc gia chính thức cho phép khiến không ai gặp khó khăn nào với luật pháp khi trực tiếp hay gián tiếp ra tay giết hại một hài nhi tức một nhân mạng! Ngoài ra, người ta cũng đang tìm cách định nghĩa lại hôn nhân, vốn là một định chế bắt nguồn từ Thiên Chúa khi Người tạo dựng con người có nam có nữ và truyền cho họ sứ mệnh: “Hãy sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều, cho đầy mặt đất và thông trị mặt đất.” (St 1,28)
Vậy mà bây giờ người ta đang hợp thức hoá những cặp hôn nhân đồng tính (same sex marriage), để công khai nhìn nhận việc sống chung của những cặp nam nữ bệnh hoạn tâm sinh lý này. Chúng ta cảm thông hoàn cảnh của họ nhưng không thể tán thành việc cho họ kết hôn để đạp đổ truyền thồng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ như Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu.
Mặt khác trên bình diện quốc tế, cộng đồng thế giới vẫn làm ngơ cho các chế độ tàn ác của Assad ở Syria, của Bắc Hàn, của Cuba… và nhiều nơi khác nữa đã giết hại hàng triệu người dân vô tội, vì dám chống lại chế độ cai trị tàn ác của kẻ cầm quyền… Đây là một tội ác chống lại con người của các kẻ độc tài độc đảng mà các nước có thể lực lớn trên thế giới phải chịu trách nhiệm vì đã không dám hành động thích đáng để bảo vệ cho quyền sống của con người.
Trước thực trạng tội lỗi của cá nhân, xã hội và cộng đồng quốc tế, người tín hữu Chúa Kitô thuộc mọi thành phần trong Giáo Hội hơn bao giờ hết phải sống niềm tin của mình cách cụ thể và thuyết phục để làm nhân chứng cho Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian để “hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).
Nói rõ hơn, nếu người tín hữu mà cũng ăn gian nói dối, cũng lường gạt, bóc lột người khác để trục lợi, cũng lui tới những sòng bạc lớn nhỏ, cũng đi du hí ở những nơi tội lỗi, cũng nhảy nhót cuồng loạn mất nết, cũng cấu kết hay làm tay sai cho những thế lực, hay chế độ phi nhân bóc lột đàn áp người dân vô tội, thì chắc chắn đã chà đạp lên hay chối bỏ niềm tin của mình và cùng lớn tiếng hô to với những kẻ vô thần, vô luân vô đạo là KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA, KHÔNG CÓ SỰ SÔNG ĐỜI SAU để mặc sức ngụp lặn ở hiện tại trong vũng bùn nhơ của tội lỗi vì đam mê của cải, chuộng hư danh và tôn thờ mọi thú vui vô luân vô đạo, là bộ mặt rõ nét nhất của “văn hoá sự chết” đang lộng hành ở khắp nơi trên thế giới ngày nay.
Quan trọng hơn nữa, nếu người tín hữu không quyết tâm từ bỏ mọi giống tội và nương nhờ ơn Chúa phù giúp để đứng vững trong đức tin thì không ai có thể đạt được mức hoàn hảo để được cứu rỗi. Sở dĩ thế là vì con người còn có tự do để chọn lựa giữa sự tốt và sự xấu, giữa ánh sáng và bóng đêm bao lâu còn sống trên trần gian này. Và Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do đó của con người. Nghĩa là nếu con người chọn con đường gian tà vì mê đắm sắc dục, để lui tới những nơi ăn chơi sa đoạ, thay chồng đổi vợ, hoặc vì đam mê tiền của để trộm cướp, bóc lột người khác thì Thiên Chúa sẽ không ngăn cản và con người sẽ phải hoàn toàn chiu trách nhiệm về chọn lựa của mình. Đó là lý do thưởng phạt của Thiên Chúa dành cho những kẻ chối bỏ Người bằng tư tưởng và hành động, hay yêu mến và quyết tâm thi hành ý muốn của Người để được vào Nước Trời như Chúa Giêsu đã nói rõ với các môn đệ xưa:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Thi hành ý muốn của Cha trên trời có nghĩa là phải cương quyết từ bỏ mọi tội lỗi, mọi sự dữ và “hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì Tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,24).
Cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói trên đây, chính là cửa công chính để tránh đi vào con đường của kẻ gian ác, giết người, cướp của, bóc lột, dâm đãng và bất công với người khác. Cửa hẹp cũng là cửa bác ái để mở lòng cảm thương anh chị em nghèo khó, bệnh tật, cô thân cô thế. Sau nữa, cửa hẹp cũng là cửa trong sạch để không đi vào con đường dẫn đến những nơi xú uế vì cờ bạc vui chơi dâm ô khốn nạn. Người tín hữu Chúa Kitô mà đi vào những con đường nói trên thì chắc chắn sẽ không gặp được Chúa là cội nguồn của mọi giàu sang, phú quý và hoan lạc; mà ngược lại, chắc chắn sẽ rơi xuống hố diệt vong vì phải vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa là cùng đích của niềm tin và hy vọng của người có đức tin chân chính.
Tóm lại, Năm Đức Tin mời goi và nhắc nhở mọi tín hữu sống đức tin cách chân thật và sống động để minh chứng mình thực sự tin Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá để cho chúng ta hy vọng được gặp Thiên Chúa là Cha và được sống hạnh phúc đời đời với Người trên Thiên Quốc, sau khi chấm dứt hành trình con người trên trần thế này.
Nói khác đi, chúng ta phải thể hiện đức tin của mình cách cụ thể trước mặt người đời để làm nhân chứng cho Chúa Kitô với mục đích mời gọi thêm nhiều người nữa nhận biết và tin Chúa để cùng được cứu độ, vì Thiên Chúa, “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).
Nhưng – cần nhấn mạnh thêm một lần nữa – muốn sống đức tin cách hữu hiệu, vững vàng đẹp lòng Chúa và có sức thuyết phục người khác thì ta phải ý thức đầy đủ nguy cơ của tội lỗi để quyết tâm xa tránh không làm những gì phương hại hay mâu thuẫn với đức tin có Chúa là Đấng thánh thiện, nhân từ, công bình, yêu thương và tha thứ (tha thứ cho kẻ có tội biết ăn năn xin tha chứ không được lợi dụng tha thứ để cứ tiếp tục phạm tội nữa!)
Tóm lại, sống đức tin không những để biết thờ lạy, ngợi khen, yêu mến và cảm tạ Chúa ngày một hơn, mà quan trọng không kém là đoạn tuyệt với tội lỗi, vì “ai phạm tội là người của ma quỷ” (1 Ga 3,8) như Thánh Gioan Tông Đồ đã dạy.
Lm. P.X. Ngô Tôn Huấn