KINH LẠY CHA
XIN CHO DANH CHA ĐƯỢC NÊN THÁNH
Sau những lời dẫn nhập giới thiệu Kinh Lạy Cha, cũng như giải thích những lời mở đầu, Thánh Tôma bước sang phần chú giải 7 lời cầu xin.
Một đặc trưng của bản chú giải này là móc nối mỗi lời cầu xin với một ơn Chúa Thánh Thần và một phúc thật. Như vậy là chúng ta gặp lại quan điểm của Thánh Tôma về đời sống luân lý của Kitô hữu. Thật vậy, trong sách Tổng luận Thần học, luân lý Kitô giáo được trình bày dựa theo 7 nhân đức (chứ không dựa theo 10 giới răn); các nhân đức được móc nối với các ơn Chúa Thánh Thần và các mối phúc thật. Thánh Tôma có dụng ý gì ở đây? Người ta giải thích rằng thánh nhân quan niệm rằng luân lý nhắm đến việc trở nên đức hạnh (các nhân đức) chứ không dừng lại ở việc thi hành các lệnh truyền hoặc tránh những điều cấm. Hơn thế nữa, trong đời sống luân lý, chúng ta không hành động lẻ loi, nhưng Chúa Thánh Thần đến trợ lực cho chúng ta bằng các linh ân, để dẫn đưa chúng ta đạt đến hạnh phúc đích thực (chân phúc).
Khi chú giải Kinh Lạy Cha, Thánh Tôma cũng móc nối 7 lời cầu xin với 7 ơn Chúa Thánh Thần có lẽ cũng trong chiều hướng ấy: đường nên thánh không chỉ là kết quả của nỗ lực của ta, nhưng còn là hồng ân Thiên Chúa: hồng ân được Thánh Thần ban cho chúng ta khi chúng ta thành tâm cầu khẩn.
Sau đây là sơ đồ liên kết giữa 7 lời cầu xin với các linh ân và chân phúc:
2/ Nước Cha trị đến. Ơn sùng hiếu. Chân phúc hiền lành
3/ Ý Cha thể hiện. Ơn minh luận. Chân phúc khóc lóc
4/ Xin ban lương thực hằng ngày. Ơn dũng cảm. Chân phúc đói khát công chính
5/ Xin tha nợ chúng con. Ơn chỉ giáo. Chân phúc xót thương
6/ Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Ơn thâm hiểu. Chân phúc tâm hồn trong sạch
7/ Nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Ơn cao minh. Chân phúc xây dựng hòa bình
Chúng ta sẽ nghe những lời giải thích lý do khi đi vào chi tiết của từng điều cầu xin.
Hôm nay, chúng ta bắt đầu lời cầu xin thứ nhất: Nguyện cho Danh Cha được cả sáng.
Nhiều thủ bản thiếu lời cầu xin này, vì thế người ta phải bổ sung với lời chú giải của Aldobrandini de Toscanella.
Nếu muốn dịch sát nguyên bản thì lời cầu xin thứ nhất phải được phát biểu như thế này: “Xin cho Danh của Cha được thánh hoá”. Vì vậy, Thánh Tôma suy niệm 2 điểm trong bài chú giải: 1/ Danh Thiên Chúa (4 ý nghĩa). 2/ Thánh (3 ý nghĩa); nên biết là về điểm này, tác giả dựa trên tầm nguyên của từ sanctus trong tiếng Latinh, do động từ sancire, (sancitus, sanctus) nghĩa là ấn định, xác định.
XIN CHO DANH CHA ĐƯỢC NÊN THÁNH
Đây là lời cầu xin thứ nhất do Chúa Giêsu dạy chúng ta: chúng ta xin cho danh Thiên Chúa được tỏ lộ và chiếu sáng nơi chúng ta.
I. Danh Thiên Chúa
1/ Trước hết, Danh Thiên Chúa thật kỳ diệu, bởi vì Ngài đã thực hiện nhiều việc kỳ diệu nơi muôn loài muôn vật. Thật vậy, trong Tin mừng, Đức Giêsu Kitô đã nói với các môn đệ: “Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao” (Mc 16,17-18).
2/ Thứ hai, Danh Thiên Chúa rất đáng yêu mến. Thánh Phêrô đã nói: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Và tất cả chúng ta đều phải yêu mến ơn cứu đó. Thánh Inhaxiô tử đạo cho chúng ta một mẫu gương về lòng yêu mến cách mãnh liệt Danh Thánh Đức Kitô. Khi hoàng đế Trajanô ép buộc ngài phải chối bỏ Danh Thánh Chúa thì ngài đã trả lời: “Ông không thể nào lấy Danh Người ra khỏi môi miệng tôi được”. Rồi vị bạo chúa doạ sẽ chặt đầu ngài để cho miệng lưỡi không còn kêu tên Danh Chúa nữa, thì ngài đáp lại: “Cho dù ông cất danh Chúa khỏi miệng tôi đi nữa, nhưng ông sẽ lấy khỏi trái tim tôi được; vì Danh Chúa đã khắc ghi trong trái tim tôi nên tôi sẽ không ngừng cầu khẩn Danh Người”. Hoàng đế Trajanô ra lệnh chặt đầu vị tôi tớ trung thành của Chúa và moi tim của ngài, thì quả thật đã thấy Danh Thánh Kitô bằng chữ vàng được ghi trên đó. Quả thực thánh nhân đã đặt Danh Chúa trong tim mình như một dấu ấn vậy.
3/ Thứ ba, Danh Thiên Chúa thật đáng tôn kính. Thánh Tông Đồ khẳng định: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,9-10). Các loài trên trời là những thiên thần và các thánh nhân: họ bái phục vì lòng yêu mến; các loài dưới đất là những người sống trên thế gian: họ bái phục vì mong muốn đạt được vinh quang và tránh xa hình phạt; các loài dưới âm phủ là những kẻ bị đoạ đày: họ bái phục vì sợ hãi.
4/ Thứ tư, Danh Thiên Chúa không thể diễn tả, bởi vì không một ngôn từ nào có khả năng diễn tả trọn vẹn. Vì thế Kinh thánh nhiều lần phải sử dụng những hình ảnh lấy từ các thụ tạo để trình bày trình bày Thiên Chúa. Chẳng hạn khi nói Thiên Chúa là đá tảng, thì có ý so sánh sự vững chắc của Thiên Chúa với tảng đá, cũng tương tự như khi Đức Giêsu muốn đặt Simôn là nền tảng của Hội Thánh thì Người đã đặt tên cho Simon là “Phêrô” (petrus) nghĩa là “đá” (Mt 16,18). Cũng vậy, khi muốn nói đến sức mạnh thanh luyện của Thiên Chúa thì người ta ví Ngài như ngọn lửa, bởi vì cũng giống như lửa tinh luyện kim loại thế nào thì Thiên Chúa cũng sẽ tinh luyện tâm hồn của các tội nhân như vậy. Cho nên sách Đệ Nhị Luật có chép: “Thiên Chúa của anh (em) là một ngọn lửa thiêu” (Đnl 4,24). Thiên Chúa được gọi là ánh sáng do bởi sức mạnh chiếu sáng: cũng giống như ánh sáng chiếu soi vào đêm tối vật chất, thì Thiên Chúa cũng chiếu sáng vào đêm tối của tinh thần. Vì thế, Thánh vịnh gia đã thưa với Thiên Chúa: “Vâng, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa làm cho ngọn đèn của con sáng tỏ, Ngài soi chiếu vào đời con tăm tối mịt mù” (Tv 18,29).
Vì những lý do ấy mà chúng ta cầu xin cho Danh Thiên Chúa được tỏ bày cho tất cả mọi người và được mọi người nhận biết và tôn kính là Thánh.
II. Thánh
Hạn từ “thánh” có 3 ý nghĩa sau:
1/ Thứ nhất, “thánh” (sanctus) ám chỉ cái gì xác định (sancitus), nghĩa là bền vững, kiên trung, không thay đổi. Vì thế, các phúc nhân ở trên trời được gọi là các thánh, bởi vì các ngài đã được vững bền trong hạnh phúc vĩnh cửu. Còn ở dưới trần gian này, chúng ta không thể là thánh xét vì tình trạng bấp bênh, hay thay đổi của chúng ta, như Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, con đã lìa xa Ngài và con đã đi lạc đường, con luôn thay lòng đổi dạ, khác với Chúa là Đấng vững bền”.
2/ Thứ hai, “thánh” có thể hiểu là “không thuộc về đất”. Các thánh trên trời không còn quyến luyến với những sự thuộc thế gian này. Thánh Phaolô đã viết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8). Nên biết rằng ở đây “đất” được hiểu về những người phạm tội, vì có ba điều tương tự:
a) Trước tiên, người tội lỗi giống như đất đai vì hoa trái của nó. Đất không được chăm sóc thì chỉ sinh ra gai góc và cỏ dại, như Kinh thánh đã viết: “Đất sẽ sản xuất cỏ gai cho ngươi” (St 3,18). Linh hồn của tội nhân cũng giống như vậy: nếu không được chăm sóc nhờ ân sủng, thì linh hồn tội lỗi chỉ sinh ra gai góc và cỏ hoang là các tội lỗi.
b) Thứ đến, “đất” ám chỉ các tội nhân vì lý do âm u tăm tối như sách Sáng Thế chép: “Bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1,2).
c) Cuối cùng, “đất” là hình ảnh của các tội nhân do sự khô khan cằn cỗi. Bởi vì, đất là một chất khô khan cằn cỗi nếu nó không được tưới nước; vì thế thiên nhiên đã thiết định để cho đất gần với nước, theo lời Thánh vịnh: “Ngài trải mặt đất này trên làn nước bao la” (Tv 136,6), ngõ hầu nước loại trừ sự khô khan cằn cỗi. Một cách tương tự, linh hồn của người tội lỗi thì khô khan cằn cỗi, như vịnh gia đã nói: “Hồn con khát Chúa như miền đất khô” (Tv 143,6).
3/ Thứ ba, “thánh” có nghĩa nhuộm rửa trong máu. Vì thế, các thánh ở trên trời được gọi là thánh bởi vì họ đã được nhuộm trong máu, theo như sách Khải Huyền: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Và họ có thể nói về Chúa Giêsu: “Người đã yêu mến chúng tôi và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng tôi” (Kh 1,5).
Tương ứng với lời cầu xin thứ nhất hướng lên Chúa Cha là chân phúc: “Phúc cho kẻ nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3) và ơn kính sợ.
Nguồn: Đaminh VN