DẪN NHẬP VÀO LUẬT TÌNH YÊU
Như đã giới thiệu lần trước, Thánh Tôma đã giải thích Mười Điều Răn của Thiên Chúa theo chiều hướng tình yêu: yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân. Vì thế, để mở đầu cho loạt bài huấn giáo này, thánh nhân muốn trình bày về ý nghĩa của luật tình yêu trong kế hoạch cứu độ. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng nên ôn lại quan niệm của tác giả về “luật”. Thật vậy, chúng ta thường quan niệm luật như một sự bó buộc do nhà cầm quyền áp đặt, hạn chế sự tự do của công dân. Nhưng trong sách Tổng luận Thần học, Thánh Tôma mời gọi hãy thay đổi quan niệm khi nghĩ đến “luật Chúa”: Thiên Chúa ban hành luật cho chúng ta không phải để biểu dương uy quyền, nhưng là để hướng dẫn chúng ta đến hạnh phúc. Luật mang tính cách giáo dục. Ngài dùng luật để “dạy dỗ” chúng ta cho biết con đường đạt tới cứu cánh tối hậu, giúp chúng ta thể hiện phẩm giá của mình là “hình ảnh Thiên Chúa”.
Tác giả lần lượt trình bày 4 thứ luật, dựa theo sự tiến triển của các giai đoạn mạc khải trong lịch sử cứu độ: lúc tạo dựng, sau khi con người sa ngã, Cựu ước, Tân ước. Trước hết, vào lúc tạo dựng, Thiên Chúa ban cho chúng ta luật tự nhiên, nghĩa là ánh sáng lý trí để biết điều tốt điều xấu. Sau khi con người sa ngã vì bất tuân Thiên Chúa, nội tâm con người bị xáo trộn vì dục vọng khống chế lý trí: từ đó gọi là luật dục vọng. Để cứu vớt con người, con người nhận được luật Môsê để làm lành lánh dữ vì sợ hãi hình phạt: đó là luật thứ ba. Sau cùng, con người nhận được luật Chúa Kitô, luật tình yêu. Thánh Tôma đã lấy mô hình này từ các giáo phụ, mà Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cũng trưng dẫn lại khi nói đến “các giai đoạn mạc khải” (số 54-65) và “luật luân lý” (số 1952-1974, được tóm lại ở các số 1975-1986).
Trong bài dẫn nhập, tác giả trình bày sơ lược bốn luật, để cho ta một khái niệm về luật yêu thương.Lần tới, tác giả sẽ cho thấy những lợi ích của tình yêu Thiên Chúa.
(Bản dịch của tu sĩ Giuse Nguyễn Hữu Phúc, O.P.)
Có 3 điều mà con người cần biết để được cứu độ: (1) biết những chân lý cần phải tin; (2) biết những điều thiện cần khao khát; (3) biết những việc cần chu toàn.
Ta học được điều thứ nhất trong Kinh Tin Kính, bởi vì kinh này cho ta biết đạo lý đức tin; điều thứ hai được truyền thụ nhờ Kinh Lạy Cha; điều thứ ba thì nhờ Lề Luật. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu những việc cần phải chu toàn. Để được vậy, cần phải bàn đến 4 luật chi phối các hành vi của chúng ta.
A. Luật tự nhiên
Thứ nhất là luật tự nhiên. Nó chẳng là gì khác ngoài ánh sáng lý trí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta, nhờ đó chúng ta biết được điều gì phải làm và điều gì phải tránh. Thiên Chúa ban cho loài người ánh sáng và luật này vào lúc tạo dựng. Nhưng nhiều người cho rằng họ được miễn tuân giữ bởi vì họ không biết đến. Tuy nhiên, sau khi đặt trên môi miệng họ lời chất vấn ra như để tự bào chữa: “Biết bao kẻ nói rằng: Ai sẽ cho ta thấy những điều thiện hảo?” (Tv 4,6), thì ngôn sứ đã đáp lại: “Chúa đã toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con” (câu 7), nghĩa là ánh sáng của lý trí, nhờ đó chúng ta biết được việc gì phải chu toàn. Thật vậy, chẳng có ai không biết rằng mình không được làm cho người khác điều mà mình không muốn họ làm cho chính mình, và những luật luân lý khác tương tự.
B. Luật dục vọng
Mặc dù vào lúc tạo dựng, Thiên Chúa ban cho con người luật tự nhiên nhưng ma quỷ đã gieo vào con người một luật khác, đó là luật dục vọng. Thật vậy, bao lâu, linh hồn của con người đầu tiên còn suy phục Thiên Chúa bằng cách tuân hành những mệnh lệnh của Ngài, thì thân xác của nó cũng suy phục linh hồn và lý trí. Nhưng sau khi ma quỷ đã quyến rũ con người bất tuân những mệnh lệnh của Chúa thì đến lượt thân xác cũng chẳng tùng phục lý trí nữa. Kết quả xảy ra là, mặc dù con người có muốn điều tốt phù hợp với lý trí, nhưng dục vọng có khuynh hướng lèo lái con người theo chiều trái ngược. Điều này được Thánh Phaolô Tông đồ diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Rôma (7,23): “Trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác, luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí.” Vì vậy, luật dục vọng thường hướng đến việc phá hủy luật tự nhiên và trật tựcủa lý trí. Vì thế, Thánh Phaolô nói thêm: “Luật dục vọng giam hãm tôi trong luật của tội, luật này vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.”
C. Luật của Kinh Thánh hoặc luật kính sợ
Luật dục vọng đã phá hủy luật tự nhiên; vì thế, con người cần được lôi kéo ra khỏi sự dữ và dẫn về việc thực hành nhân đức. Vì vậy, cần có luật của Thánh Kinh. Nhưng để lôi kéo ra khỏi tội lỗi và dẫn đến điều lành thì cần đến 2 phương thế.
Trước hết, phải có lòng kính sợ. Bởi vì động lực tiên quyết và mạnh mẽ nhất để xa tránh tội lỗi là suy xét những hình khổ hỏa ngục và sự chung thẩm. Vì vậy, sách Huấn ca (1,16) nói: “Đầu mối của khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa,” và “Lòng kính sợ Thiên Chúa dạy ta tránh xa tội lỗi” (Hc 1,27). Trên thực tế, tuy rằng sự sợ hãi khiến cho con người tránh xa được tội lỗi thì chửa đủ để làm cho nó nên công chính, nhưng chính nhờ sự sợ ấy mà việc công chính hoá được khởi sự. Vì thế, luật Môsê đã lôi kéo con người ra khỏi sự xấu và đưa nó đến điều tốt nhờ sự sợ hãi, và những ai vi phạm Lề Luật thì bị mang án tử: “Ai khinh thường luật Môsê, theo lời chứng của hai hoặc ba người, thì sẽ bị xử tử thẳng tay” (x. Dt 10,28).
D. Luật Tin Mừng hay luật yêu thương
Nhưng phương thế sợ hãi không đủ, vì thế, luật Môsê cũng không đủ, bởi vì luật này lôi kéo con người ra khỏi sự xấu bằng sợ hãi: nó hãm tay lại nhưng không hãm được trái tim. Bởi vậy, cần có một phương thế khác để đưa con người ra khỏi sự xấu và đưa nó đến điều tốt, và phương thế ấy yêu thương. Và theo phương thế ấy mà luật của Đức Kitô được ban, đó là luật Tin Mừng chứa đựng luật yêu thương.
Có 3 điều khác biệt giữa luật kính sợ và luật yêu thương.
1/ Trước hết, luật kính sợ làm cho ai tuân giữ nó trở nên nô lệ; còn luật yêu thương làm cho họ trở nên người tự do. Bởi vì những ai hành động chỉ vì sợ thì họ hành động như người nô lệ; trái lại, những ai hành động vì tình yêu thì họ hành động như người tự do và như người con cái trong gia đình. Vì thế, Thánh Phaolô Tông đồ đã nói trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô: “Ở đâu có Thần Khí Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17), nghĩa là nơi những người có Thần Khí Chúa ngự thì có tự do bởi vì họ hành động vì tình yêu như là những con cái.
2/ Sự khác biệt thứ hai ở chỗ ai giữ luật kính sợ thì được thưởng bằng những của cải thế tạm, theo như sách Ngôn sứ Isaia đã nói: “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa màu trong xứ” (Is 1,19). Còn những kẻ giữluật yêu thương thì được thưởng bằng việc chiếm hữu những của cải trên trời. Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17), và “anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).
3/ Sự khác biệt thứ ba ở chỗ là luật kính sợ thì nặng nề, như Thánh Phêrô đã nói: “Sao anh em lại quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?” (Cv 15,10). Trái lại, luật yêu thương của Chúa Giêsu thì nhẹ nhàng, như chính Người đã tuyên bố: “Ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,30); Thánh Phaolô Tông đồ viết trong thư Rôma (8,15): “Anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử.”
Như đã nói, có 4 luật: thứ nhất, luật tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc vào con người khi tạo dựng; thứ hai, luật dục vọng; thứ ba, luật Thánh Kinh; thứ tư, luật bác ái và ân sủng, đây là luật của Đức Kitô.
Nhưng rõ ràng là không phải ai ai cũng có khả năng dày công nghiên cứu để hiểu biết kiến thức. Vì thế, Đức Kitô đã ban hành một luật ngắn gọn mà ai ai cũng có thể biết được, và không ai được lấy cớ là không biết để miễn khỏi tuân hành. Đó là luật yêu mến Thiên Chúa. Thánh Phaolô Tông đồ đã nói trong thư Rôma (9,28): “Thiên Chúa sẽ tóm tắt lời của Ngài trên mặt đất.” Chính luật mến Chúa phải là quy chuẩn cho hết mọi hành động con người. Thật vậy, cũng như chúng ta nói rằng một nghệ phẩm thì tốt và đẹp khi nào nó phù hợp với những quy chuẩn của nghệ thuật, thì một công việc của con người được xem là tốt lành và đức độ khi nó phù hợp với chuẩn mực của lòng mến Chúa. Nếu một công việc không hợp với quy chuẩn ấy, thì nó không còn là tốt lành, ngay thẳng hay hoàn hảo nữa. Vì thế, để những hành vi nhân linh trở nên tốt, thì chúng cần phải hài hoà với chuẩn mực của lòng mến Chúa.
Nguồn: Đaminh VN