Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 31: Điều Răn Thứ Nhất

MƯỜI ĐIỀU RĂN
ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
“NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC ĐỐI NGHỊCH VỚI TA” (Xh 20,3)

=========

Sau những bài dẫn nhập về luật Thiên Chúa, cách riêng là luật yêu thương của Tân ước với hai lệnh truyền mến Chúa yêu người, từ bài hôm nay, Thánh Tôma giải thích nội dung Mười Điều Răn. Nên lưu ý là trong tiếng Việt “điều răn” xem ra như là những lời khuyên răn dạy bảo, còn trong tiếng Latinh, praeceptum có nghĩa là “lệnh truyền, mệnh lệnh”, mang tính bắt buộc.

Bài hôm nay giải thích điều răn thứ nhất. Thường Thánh Tôma bàn đến tội lỗi sau khi đã trình bày nhân đức, nhưng lần này tác giả kê ra 5 cách thức vi phạm điều răn thứ nhất, rồi kế đó mới nói đến các lý do vì sao ta phải thờ phượng duy một mình Thiên Chúa.

Lỗi phạm chính yếu nghịch với điều răn thứ nhất là tội thờ ngẫu tượng, được phân thành 4 đối tượng: ma quỷ, các thiên thể, sức mạnh thiên nhiên, con người (mà có thể đặt tên là: quỷ thần, thiên thần, thổ thần, nhân thần). Tác giả cũng cho thấy rằng những hình thức thờ ngẫu tượng không chỉ xảy ra vào thời xa xưa mà còn tiếp tục ở bất cứ thời đại nào.

Tiếp theo, tác giả kể ra 5 lý do vì sao ta phải thờ phượng duy một mình Thiên Chúa mà thôi, đó là: 1/ Phẩm giá Thiên Chúa, đặc biệt là ngài thông biết mọi sự; 2/ Lòng đại lượng của Thiên Chúa; 3/ Lời thề hứa lúc lãnh Bí tích Rửa Tội; 4/ Ách thống trị tàn bạo của ma quỷ; 5/ Phần thưởng bội hậu.

Nên lưu ý là trong các tiếng Tây phương, cùng một từ ngữ có thể áp dụng cho “Chúa” và “thần” (deus tiếng Latinh, dieu tiếng Pháp, god tiếng Anh); vì thế Cựu ước đã nhấn mạnh rằng chỉ có Giavê mới là “thần duy nhất”, và dân Do Thái không được thờ thần nào khác (x. Xh 20,3).

***

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT:

“NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC ĐỐI NGHỊCH VỚI TA” (Xh 20,3)

Như đã nói, toàn bộ lề luật của Đức Kitô dựa trên tình yêu. Và tình yêu này lại dựa trên 2 mệnh lệnh, một mệnh lệnh liên quan đến yêu mến Thiên Chúa, và mệnh lệnh kia  liên quan đến việc yêu thương người thân cận. Chúng ta đã nói đến 2 mệnh lệnh ấy rồi. Bây giờ cần biết rằng khi trao ban lề luật cho Môsê, Thiên Chúa đã cho ông 10 điều răn được viết trên hai bia đá: 3 điều răn viết trên bia đá thứ nhất nói đến yêu mến Thiên Chúa; và 7 điều răn viết trên bia đá thứ hai nói đến yêu thương người thân cận. Do đó, toàn bộ lề luật được xây dựng trên haimệnh lệnh của đức ái.

I. Những lỗi lầm

Điều răn thứ nhất liên quan lòng mến Chúa là: “Ngươi không được có thần lạ nào khác”. Để hiểu rõ điều răn này cần biết những hình thức mà người xưa đã vi phạm.

1/ Những người thờ phượng ma quỷ

Một số người thờ lạy ma quỷ, bởi vì Thánh vịnh 95 (câu 5) đã nói: “Tất cả các vị thần của Dân ngoại là ma quỷ” (Tv 95,5)[1]. Đây là tội lớn nhất và kinh tởm nhất. Ngày nay cũng có nhiều người lỗi phạm điều răn này qua việc bói toán và ma thuật. Theo Thánh Augustinô, người ta không thể làm những thứ như vậy nếu không có một hiệp ước nào đó với ma quỷ. Điều này được Thánh Phaolô nói rõ trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Tôi không muốn anh em thông đồng với ma quỷ” (1 Cr 10,20), và ngài nói tiếp: “Anh em không thể nào chia sẻ bàn tiệc của Chúa với bàn tiệc của ma quỷ (câu 21).

2/ Thờ lạy các thiên thể

Một số người thờ phượng các thiên thể, và tin rằng các ngôi sao là thần linh: “Họ đã tưởng tượng mặt trời và mặt trăng là những vị thần cai quản vũ trụ” (Kn 13,2). Vì lý do này, ông Môsê đã cấm người Do Thái đừng đừng lại ngắm nhìn trời quá lâu, vì sợ rằng họ sẽ tôn thờ mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao: “Vậy, anh em hãy cẩn thận giữ mình… vì sợ rằng khi anh em ngước mắt lên trời và thấy mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, toàn thể thiên binh, thì anh em bị lôi cuốn mà sụp xuống lạy và phụng thờ chúng. Bởi lẽ, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã tạo dựng chúng để phục vụ mọi dân thiên hạ” (Đnl 4,15b.19). Ông lặp lại điều này ở Đnl 5,8. Các nhà chiêm tinh phạm tội chống lại điều răn này bởi vì họ nói rằng các thiên thể cai quản các linh hồn. Thật ra, chúng đã được dựng nên để phục vụ con người. Con người chỉ có một chủ tể duy nhất là Thiên Chúa.

3/ Thờ lạy các sức mạnh thiên nhiên

Có những người khác lại tôn thờ các sức mạnh thiên nhiên thấp bé hơn: “Họ lại coi lửa hoặc gió là những vị thần” (Kn 13,2). Người ta cũng có thể rơi vào tội này khi sử dụng sai lệch những của cải trên trần gian và bám víu chúng quá mức, tựa những kẻ tham lam tiền bạc, như Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Kẻ tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Ep 5,5).

4/ Thờ con người, thờ chính mình, thờ các thụ tạo

Một số người cũng đã rơi vào sai lầm khi thờ lạy những con người, hoặc các chim chóc, hay những thụ tạo khác, hoặc chính mình. Sự lệch lạc này phát sinh từ 3 nguyên cớ.

a) Thứ nhất là do cảm xúc quá độ, như sách Khôn ngoan kể lại: “Một người cha phiền muộn khóc thương đứa con chết yểu, nên đã tạc tượng của nó; thế là kẻ vốn chỉ là sinh linh phải chết thì lại được tôn kính như một vị thần. Ông ta còn thiết lập những nghi thức lễ bái và bắt các gia nhân phải tuân hành.” (Kn 14,15)

b) Thứ hai là do thói nịnh bợ. Có những người tôi tớ thờ lạy các vua chúa ngang hàng với Thiên Chúa, không những khi bệ kiến những vị ấy, mà thậm chí còn tạc ra những hình tượng của những vị ấy để tôn thờ, như sách Khôn ngoan đã tả: “Những người vì ở xa không thể diện kiến long nhan để thờ kính, thì từ xa đã hoạ lại dung nhan, làm ra ảnh tượng vua chúa mình thờ kính, rồi xum xoe tâng bốc ông vua vắng mặt, như thể ông có mặt ở đó.” (Kn 14,17) Họ quy tụ những kẻ ngưỡng mộ các vĩ nhân, và tôn vinh những người ấy hơn cả Thiên Chúa. Trái lại, Chúa Giêsu dạy: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Ta, thì không xứng với Ta” (Mt 10,37). Thánh vịnh gia cũng đã từng nhắc nhở: “Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.” (Tv 145,3)

c) Thứ ba là do kiêu căng ngạo mạn. Một số người có tính kiêu ngạo tự phong cho mình làm thần minh, ví dụ như đại đế Nabucôđônôxo (x. Gđt 3), hoặc như một ông vua xứ Tyrô mà sách Edekiel kể lại. “Vì ngươi đem lòng tự cao tự đại nên ngươi đã nói: Ta là chúa tể” (Ed 28,2). Thái độ tương tự như vậy là những ai đặt tin tưởng vào ý tưởng của mình hơn là tin vào những mệnh lệnh của Thiên Chúa. Họ tôn thờ thân thể mình như là các vị thần, bởi vì khi tìm kiếm những thú vui của xác thịt thì họ tôn thờ thân thể của mình thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa của họ là cái bụng” (Pl 3,19).

Vì thế, chúng ta phải tránh tất cả những tật xấu vừa nói.

II. Những lý do thúc giục phải thờ phượng duy một Thiên Chúa mà thôi

“Ngươi không được có thần lạ nào khác đối nghịch với ta”. Như đã nói, điều răn thứ nhất là cấm chúng ta thờ phượng bất kỳ ai khác ngoại trừ Thiên Chúa duy nhất. Bây giờ chúng ta hãy xét 5 lý do của mệnh lệnh này.

1/  Phẩm giá của Thiên Chúa

Lý do đầu tiên là phẩm giá của Thiên Chúa. Nếu chúng ta tước mất phẩm giá Thiên Chúa thì chúng ta xúc phạm Ngài. Ta có thể nhận thấy điều này khi đối chiếu với phong tục loài người. Phẩm giá đòi hỏi một sự tôn kính; do đó, ai không bày tỏ lòng tôn kính nhà vua thì bị kết tội khi quân. Vậy mà có những người đã cư xử như thế đối với Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết” (Rm 1,23). Điều này xúc phạm Thiên Chúa rất nặng, vì ngài đã phán: “Vinh quang của Ta, Ta không nhường cho ai khác; lời tán tụng dành cho Ta, Ta không để các tượng thần tước đoạt” (Is 42,8).

Một trong những điều tạo nên phẩm giá củaThiên Chúa là Ngài biết tất cả mọi sự. Trong tiếng Hylạp, từ “Thiên Chúa” (theos) gốc bởi từ “thấy” (theoria)[2]: thật vậy, một trong những đặc tính của thần minh là hiểu biết mọi sự.  Vì thế, Thiên Chúa đã thách thức các thần hư ảo: “Hãy nói lên đi những gì sẽ xảy đến sau này, để  cho chúng tôi nhận ra quý vị là thần, là chúa” (Is 41,23), và Thánh Tông đồ viết: “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,13). Thế nhưng, những kẻ bói toán đã tước đoạt phẩm tính ấy. Ngôn sứ Isaia nói: “Dân lại chẳng phải thỉnh ý Thiên Chúa của mình sao? Chẳng lẽ lại thỉnh ý kẻ chết cho người sống sao?” (Is 8,19).

2/ Lòng đại lượng của Thiên Chúa

Lý do thứ hai phải tôn thờ duy một mình Thiên Chúa là lòng đại lượng của ngài. Thật vậy, chúng ta nhận lãnh tất cả mọi điều tốt lành từ Thiên Chúa, và điều này cũng làm nên phẩm giá của ngài, bởi vì ngài là Đấng Sáng Tạo và ban phát tất cả mọi điều tốt lành: “Lạy Chúa, ngài mở tay, thì mọi loài thoả thuê ơn phước” (Tv 103,28). Và điều này cũng được ngụ ý trong danh từ Thiên Chúa trong tiếng Hylạp theos bởi thein (= trù liệu mọi sự) nghĩa là phân phát, bởi vì ngài  lấp đầy vạn vật với lòng nhân từ của Người. Vì vậy, bạn đang thật là vô ơn bạc nghĩa nếu bạn không biết nhìn nhận những gì Chúa đã ban cho mình, và tệ hơn nữa, khi bạn tự tạo ra một vị thần nào khác, giống như con cái của Israel sau khi được đưa ra khỏi đất Ai Cập đã làm ra một thần tượng (Hôsê viết về họ: “Tôi sẽ đi theo những người tình của tôi” – Hs 2,5). Điều này cũng xảy ra khi kẻ nào đặt niềm tin tưởng vào ai đó hơn là vào Thiên Chúa, nghĩa là khi họ cầu cứu ai khác ngoài Thiên Chúa. Thánh vịnh gia nhắn nhủ chúng ta: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào danh Đức Chúa” (Tv 39,5). Thánh Phaolô Tông đồ cảnh báo: “Nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy…? Anh em cẩn thận giữ ngày, giữ tháng, giữ mùa, giữ năm” (Gl 4,9-10).

3/ Lời hứa của ta

Lý do thứ ba là lời hứa long trọng của chúng ta. Thật vậy, (trong Bí tích Rửa Tội) chúng ta đã từ bỏ ma quỷ,và đã hứa trung thành với một mình Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta không được lỗi lời thề, bởi vì Thánh Tông đồ đã viết: “Ai khinh thường luật Môsê, theo lời chứng của hai hay ba người, thì sẽ bị xử tử thẳng tay. Phương chi kẻ đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy!” (Dt 10,28-29), và ngài cũng viết: “Bao lâu chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì sẽ bị gọi là kẻ ngoại tình” (Rm 7,3) và đáng xử tử. Hình phạt tương tự cũng sẽ dành cho kẻ nào vi phạm lời hứa với Thiên Chúa. Vì thế, khốn cho kẻ tội lỗi khi còn trên đời này mà cứ “khập khiễng giữa hai bên” (1 V 18,21).

4/ Ách nô lệ của ma quỷ

Lý do thứ tư là vì ách nặng nề của việc làm tôi ma quỷ. Như Tiên tri Giêrêmia đã nói: “Các ngươi sẽ phụng thờ các thần khác suốt đêm ngày, mà chúng sẽ không cho các ngươi yên nghỉ” (Gr 16,13). Thật vậy, ma quỷ không để yên khi hắn đã xúi giục ai phạm một tội; hắn sẽ lôi kéo phạm thêm tội khác nữa: “Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8,34). Do đó, không dễ dàng gì thoát ra khỏi tội lỗi. Vì thế, Thánh Grêgôriô cho rằng: “Tội nào mà không được xoá bỏ bằng sự sám hối thì sẽ sớm lôi kéo tội khác bằng sức nặng của mình” (SuperEzech. 11).

Khi Chúa làm chủ thì ngược hẳn lại. Các lệnh truyền của Ngài không nặng nề, như Chúa Giêsu đã nói: “Ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Thật vậy, một người được coi là đã làm đủ bổn phận nếu họ làm cho Thiên Chúa ngang bằng với điều như họ đã làm khi phạm tội. Thánh Phaolô cũng nói: “Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện” (Rm 6,19). Còn những kẻ làm nô lệ cho ma quỷ thì tự nhủ: “Chúng ta đã thoả thuê trong những nẻo đường tội lỗi, những nẻo đường dẫn tới diệt vong, đã băng qua những sa mạc không đường lối” (Kn 5,7). Và Tiên tri Giêrêmia viết về họ: “Họ đã vất vả khó nhọc để làm điều xấu xa” (Gr 9,5).

5/ Phần thưởng trọng đại

Lý do thứ năm để phụng sự duy một mình Chúa là phần thưởng trọng đại. Không có luật nào hứa ban phần thưởng lớn lao như là luật của Chúa Kitô. Hồi giáo hứa những dòng sông chảy sữa và mật; Đạo Do Thái hứa hẹn miền đất hứa, nhưng lời hứa cho các Kitô hữu là vinh quang của các Thiên sứ: “Trong ngày sống lại, người ta sẽ giống như các Thiên sứ trên trời” (Mt 22,30). Nghĩ tới vinh quang ấy, Thánh Phêrô thốt lên: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

—————-

[1]Bản dịch Vulgata “Omnes dii gentium daemonia” (các thần linh của chư dân là ma quỷ). Bản dịch của bản Tân Vulgata đã sửa lại cho hợp với nguyên bản: “Omnes dii gentium inania” (Các thần linh của chư dân đều hư ảo).
[2]Trong tiếng Hylạp theos vừa ám chỉ Thiên Chúa vừa ám chỉ các thần linh, cũng tương tự như trong tiếng Latinh (deus), Pháp (dieu), Tây Ban Nha (dios). Tác giả truy nguyên từ theos, và móc nối với theoria: nhìn thấy.

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment