Năm Đức Tin với Thánh Tôma – Bài 34: Hãy tôn kính cha mẹ

MƯỜI ĐIỀU RĂN
ĐIỀU RĂN THỨ BỐN
“HÃY TÔN KÍNH CHA MẸ
ĐỂ NGƯƠI ĐƯỢC HƯỞNG ĐỜI SỐNG LÂU DÀI TRÊN ĐẤT MÀ GIAVÊ CỦA NGƯƠI ĐÃ BAN”
(Xh 20,12)

=========

Sau 3 điều răn liên quan đến luật truyền mến Chúa, chúng ta bước sang 7 điều răn liên quan đến luật truyền yêu tha nhân, mở đầu là điều răn liên quan đến việc thảo kính cha mẹ. Có thể chia bài huấn giáo thành 3 phần.

1. Trước hết, tác giả giải thích lý do của nghĩa vụ thảo kính cha mẹ. Cha mẹ đã ban cho ta ba điều thiện hảo, đó là: a) sự sống; b) sự nuôi dưỡng; c) giáo dục.

2. Kế đến, tác giả mô tả những hành vi mà con cái phải làm để đền đáp công ơn đó. Tương ứng với 3 điều đã nhận lãnh, con cái phải: a) tôn kính; b) cấp dưỡng; c) vâng lời.

3. Sau cùng, tác giả chú giải những phần thưởng Chúa hứa cho kẻ tôn kính cha mẹ.

Trong phần kết luận, tác giả nới rộng ý niệm “cha” sang những bậc lãnh đạo, các ân nhân mà ta cũng có bổn phận tôn kính.

Nên biết là trong sách Tổng luận Thần học, Thánh Tôma bàn đến nhân đức thảo hiếu (pietas) liền sau nhân đức thờ phượng (II-II, q.101).

***

Sự trọn lành hệ tại yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Liên quan đến lòng mến Chúa là ba điều răn được ghi trong tấm bảng thứ nhất; liên quan đến lòng mến tha nhân là bảy điều răn được khắc trong tấm bảng thứ hai. Thế nhưng chúng ta không nên yêu bằng lời nói nhưng là bằng việc làm và trong sự thật, như Thánh Gioan đã nói (1 Ga 3,18). Để yêu như vậy, ta phải làm 2 điều: tránh điều xấu và làm điều tốt. Vì vậy, trong các điều răn có vài điều dẫn tới điều tốt và những điều khác ngăn cấm điều xấu.

Nên biết rằng việc tránh làm điều xấu thì nằm trong tay chúng ta; nhưng chúng ta không thể làm điều tốt cho bất kỳ ai. Vì thế, Thánh Augustinô nói rằng tuy chúng ta buộc phải yêu thương hết mọi người nhưng chúng ta không buộc phải làm điều tốt cho tất cả mọi người. Trong số những người này, chúng ta phải làm điều tốt cho những người thân cận, bởi vì như Thánh Phaolô nói (1 Tm 5,8), nếu ai không chăm sóc người thân, và nhất là những người sống trong cùng một nhà, thì kẻ ấy là một người không có đức tin. Thế nhưng, trong số những người thân thì cha mẹ là những kẻ gần gũi hơn hết, vì vậy Thánh Ambrôsiô nói: “Tiên vàn chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa rồi đến cha mẹ chúng ta.” Đó chính là điều răn thứ bốn: “Hãy tôn kính cha mẹ.”

Triết gia Aristote đã giải thích lý do của điều răn này khi nói rằng “đối với ân huệ lớn lao mà chúng ta nhận được bởi cha mẹ, chúng ta không thể nào đáp lại cân xứng; vì vậy, một người cha bị xúc phạm có thể đuổi đứa con ra khỏi nhà, tuy nhiên không thể nào được làm ngược lại.

I. Cha mẹ ban cho con cái 3 điều thiện hảo

Cha mẹ ban cho con cái 3 điều thiện hảo.

1. Thứ nhất là sự hiện hữu. “Hãy tôn kính cha của ngươi và đừng quên những rên siết của mẹ người. Hãy nhớ rằng nếu không có các ngài thì người chẳng được sinh ra.” (Hc 7,29).

2. Thứ hai, cha mẹ ban cho con cái lương thực và những điều khác cần để sinh sống. Thật vậy, đứa con ra đời trần truồng, như Gióp (1,21), và cha mẹ đã nuôi dưỡng nó.

3. Thứ ba, cha mẹ ban cho con cái sự giáo dục. Thánh Phaolô đã nói với người Dothái (12,9): “Chúng ta có những người cha theo xác thịt để giáo dục chúng ta.” Sách Huấn ca viết: “Ngươi có con cái ư? Hãy dạy dỗ chúng.” (7,25). Cha mẹ cần phải sớm giáo dục con cái 2 điều, như sách Châm ngôn (22,6) đã viết, “người trẻ khi đã vào con đường nào thì không bao giờ bỏ nữa, ngay cả khi đã già nua”, và sách Ai ca (3,27) cũng nói rằng “con người mà mang cái ách của thời còn trẻ là điều tốt”. Hai điều mà cha mẹ phải giáo dục con cái giống như ông Tobit (4,6) là: lòng kính sợ Thiên Chúa và xa tránh tội lỗi. Điều này hàm ngụ rằng những cha mẹ nào thích thú vì tội ác của con cái mình thì sẽ bị trừng phạt, như sách Khôn ngoan (4,6) đã nói, “những đứa con nào sinh ra bởi những hành vi tội lỗi của cha mẹ thì sẽ trở thành những người chứng tố cáo họ”. Vì thế, Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi cha mẹ trên con cái (x. Xh 20,5).

II. Con cái phải tôn kính cha mẹ

1. Con cái đã nhận bởi cha mẹ sự hiện hữu, sự dưỡng nuôi và giáo dục. Bởi vì chúng ta đã mang ơn cha mẹ về sự sống, cho nên sau Thiên Chúa là Đấng đã ban linh hồn cho ta, chúng ta phải tôn kính các ngài hơn các thầy dạy là những kẻ chỉ cho chúng ta một vài điều thiện hảo: “Ai kính sợ Chúa thì hãy tôn kính cha mẹ, và hãy phụng sự các ngài như là chủ nhân; các ngài đã sinh ra ta, thì ta hãy báo đền bằng việc làm và lời nói và với sự kiên nhẫn chịu đựng. Hãy tôn kính cha mẹ, ngõ hầu ngươi được Thiên Chúa chúc lành.” (Hc 3,8-10).

Khi tôn kính cha mẹ thì bạn tôn trọng chính mình, như đã có lời chép, “danh giá của một người ở chỗ mang danh dự về cho thân sinh của mình; và một người cha bị hất hủi thì làm nhục cho đứa con”(Hc 3,13).

2. Cũng như cha mẹ đã nuôi dưỡng ta khi còn thơ, thì chúng ta phải nuôi dưỡng các ngài khi  lớn tuổi. “Con ơi, hãy nâng đỡ  tuổi già của cha con và đừng làm cho người buồn phiền khi còn sống. Nếu tinh thần của người có yếu nhược thì con hãy khoan dung, và đừng cậy sức mạnh của mình mà coi  thường người. Ai bỏ rơi cha mình thì sẽ bị mang tiếng xấu, ai làm cực lòng mẹ mình  thì sẽ bị Chúa chúc dữ.” (Hc 3,14-15.18).

Để cảnh cáo những kẻ bỏ rơi cha mẹ mình lúc già yếu, ông Cassiođôrô đã viết như thế này: Các chim cò, khi thấy cha mẹ đã già yếu không thể dùng cánh để bay và đi kiếm ăn, thì chúng lấy lông để sưởi ấm những kẻ đã ban cho mình sự sống, dùng lương thực để bổ dưỡng thân xác yếu liệt của cha mẹ; ra như báo đáp đền ơn, khi đã khôn lớn thì chúng trao lại cho cha mẹ cái mà mình đã nhận khi còn thơ bé.

3. Bởi vì cha mẹ đã giáo dục ta, cho nên chúng ta phải vâng lời các ngài. Thánh Phaolô đã khuyên“hãy vâng lời cha mẹ trong hết mọi sự” (Cl 3,20), ngoại trừ những gì trái nghịch với luật Chúa. Nếu gặp trường hợp như vậy, thì như Thánh Hierônymô đã viết cho Heliođorô, cách thức duy nhất để bày tỏ lòng thảo hiếu đó là tỏ ra cứng rắn. Chúng ta hãy nhớ lại lời của Chúa: “Nếu ai không ghét cha mẹ thì không đáng với Ta.” (Lc 14,26). Thiên Chúa thật là cha của chúng ta còn hơn cả cha mẹ nữa, như ông Môsê đã viết: “Ngài chẳng phải là cha của ngươi, Đấng đã chiếm hữu, đã làm ra, đã dựng nên ngươi đấy ư?” (Đnl 32,6).

III. Những phần thưởng kèm theo điều răn

Trong tất cả các điều răn, chỉ có điều răn thứ bốn là có kèm thêm một phần thưởng: Hãy tôn kính cha mẹ, ngõ hầu ngươi được hưởng tuổi thọ trên mặt đất. Như vậy, tuy ta tuân hành một nghĩa vụ tự nhiên, nhưng Chúa vẫn hứa sẽ ban phần thưởng cho ta. Nói đúng ra, có tới 5 phần thưởng rất đáng mong ước được hứa cho  những ai tôn kính cha mẹ.

1. Thứ nhất là ân sủng ở đời này và vinh quang ở đời sau. Sách Huấn ca (3,9-10) đã dạy: “Hãy tôn kính cha của ngươi, ngõ hầu Thiên Chúa chúc lành cho ngươi, và phúc lành của Chúa ở lại cho đến cùng.” Trái lại, ai khinh dể cha mẹ thì sẽ bị chúc dữ, như đọc thấy trong sách Đệ nhị luật (27,16).

Chúa Giêsu đã dạy: “Ai không trung thành trong việc nhỏ thì cũng không trung thành trong những việc lớn.” (Lc 16,10). Thế nhưng sự sống tự nhiên đâu có là gì nếu so sánh với đời sống ân sủng. Nếu bạn không nhìn nhận ân huệ của đời sống tự nhiên mà bạn đã nhận được bởi cha mẹ, thì bạn tỏ ra bất xứng với đời sống ân sủng là điều cao hơn, và đời sống vinh quang lại cao hơn nữa.

2. Phần thưởng thứ hai dành cho kẻ tôn kính cha mẹ là sự sống, như đã nói trong điều răn: “Hãy tôn kính cha mẹ, ngõ hầu ngươi được hưởng tuổi thọ trên mặt đất.” Sách Huấn ca (3,7) cũng viết: “Ai tôn kính thân sinh thì sẽ được hưởng sự trường thọ.” Nên lưu ý là cuộc đời được coi là thọ khi được tràn đầy; cuộc đời không được đo bằng thời gian nhưng bằng những công việc làm, theo như Triết gia Aristote đã nói. Vì thế, cuộc sống được coi là  tràn đầy khi đầy đức hạnh. Vì thế, người đức hạnh và thánh thiện thì sống trường thọ cho dầu họ mất sớm xét theo đời sống thể xác: “Người công chính đạt đến sự trọn lành trong một thời gian ngắn, và tỏ cho thấy một sự nghiệp dài lâu, bởi vì linh hồn của họ đẹp lòng Thiên Chúa.” (Kn 4,13-14).

Một kẻ đã thâu lợi to nếu trong một ngày họ thu được số tiền mà người khác mất một năm mới có được. Nên biết điều này: một cuộc sống lâu dài đôi khi trở thành nguyên nhân cho cái chết cả về phần xác lẫn về phần hồn, giống như ông Giuđa.

Do đó, một trong những phần thưởng dành cho kẻ tôn kính cha mẹ là sự sống thể xác. Ngược lại, kẻ khinh dể cha mẹ thì sẽ lãnh cái chết. Thật vậy, chúng ta đã nhận lãnh sự sống cũng tựa như các binh sĩ được nhà vua giao cho việc trông coi thái ấp; vì thế, nếu các binh sĩ phản bội thì bị tước đoạt thái ấp thì những con cái nhục mạ cha mẹ cũng phải bị tước đoạt sự sống. Sách Châm ngôn (30,17) có nói: “Mắt của kẻ sỉ nhục cha mình và khinh thường tuổi tác của mẹ mình thì đáng bị quạ móc và con cái diều hâu ăn.” Quạ và diều hâu được hiểu về các nhà chức trách nhà nước; mà giả như thân xác chúng không bị hành hạ đi nữa, thì chúng đâu tránh nổi cái chết về linh hồn.

Vì thế, người cha đừng nên trao quá nhiều quyền cho con cái, như sách Huấn ca đã nhắn nhủ: “Bao lâu còn sống trên đời, ngươi đừng trao cho con cái, vợ, anh em hay bạn hữu được quyền hành ở trên ngươi. Bao lâu còn sống trên đời, ngươi đừng giao tài sản của mình cho người khác, kẻo rồi lại phải hối hận. Bao lâu còn sống và còn hơi thở, đừng để ai làm ngươi thay đổi ý kiến về điểm này.”

3. Phần thưởng thứ ba là được con cái hiếu thảo và ngoan ngoãn. Thật vậy, chuyện tự nhiên là cha mẹ thu tích tài sản cho con cái, nhưng không hẳn là con cái thu tích tài sản cho cha mẹ. Tuy vậy, sách Huấn ca đã viết: “Ai tôn kính cha mình thì sẽ gặp thấy niềm vui nơi con cái của mình.” Chúa cũng nói: “Ngươi dùng đấu nào mà đong cho người khác thì sẽ được đong lại bằng chính đấu ấy.”(Mt 7,2).

4. Phần thưởng thứ tư là danh thơm tiếng tốt: “Người con được tiếng nhờ danh dự của cha mình.”(Hc 3,13). Và “kẻ bỏ rơi cha mình thì sẽ mang tiếng xấu đến chừng nào” (Hc 3,18).

5. Phần thưởng thứ năm là được giàu sang: “Lời chúc phúc của người cha sẽ làm cho căn nhà của con cái được vững chắc, và lời chúc dữ của người mẹ sẽ tàn phá căn nhà đến tận nền.” (Hc 3,11).

Tóm lại, “người hãy tôn kính cha mẹ”. Tuy nhiên, nên ghi nhận rằng không phải chỉ có kẻ đã sinh ra ta về phần xác mới gọi là “cha” mà thôi. Có những người khác cũng được gọi là cha vì nhiều lý do, và ta cũng phải tôn kính họ.

(1) Các Thánh Tông đồ và các Thánh cũng được gọi là cha, vì đạo lý và gương mẫu đức tin. Thánh Phaolô đã viết: “Dù anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu, bởi vì chính tôi đã sinh ra anh em trong Đức Kitô nhờ Tin Mừng .” (1 Cr 4,15). Ta đọc trong sách Huấn ca (44,1) rằng: “Chúng ta hãy ca ngợi những vị nổi danh đương thời là các cha ông chúng ta; nhưng hãy ca ngợi không bằng miệng lưỡi nhưng bằng cách bắt chước các ngài.” Chúng ta bắt chước các ngài nếu nếp sống chúng ta không có gì trái nghịch với điều mà chúng ta ca ngợi. “Hãy nhớ đến các vị lãnh đạo của anh em, và hãy nhìn xem cuộc đời của các ngài kết thúc như thế nào mà bắt chước đức tin của các ngài.” (Dt 13,7).

(2) Các giám mục cũng được gọi là cha, và ta phải tôn kính các ngài vì là những tác viên của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nghe các con là nghe Ta, ai khinh các con là khinh Ta.” (Lc 10,16). Vì thế, ta phải tôn kính các ngài bằng cách vâng phục các ngài: “Hãy vâng phục các vị lãnh đạo và suy phục quyền bính của họ” (Dt 13,17); và góp phần vào việc chu cấp cho họ: “Hãy kính Thiên Chúa bằng tài sản của ngươi, và hãy cho người nghèo những quả đầu mùa của ngươi.” (Cn 3,9).

(3) Các vua chúa cũng được gọi là cha, như các đầy tớ đã thưa với ông Naaman tướng của vua Syria:“Thưa cha, giả như ngôn sứ truyền phải điều gì khó khăn thì ắt là cha phải làm.” (2 V 5,13). Các vua chúa được gọi là cha vì họ có nhiệm vụ chăm sóc đời sống của toàn dân. Chúng ta tôn kính họ bằng sự tùng phục, như Thánh Phaolô đã viết, “mỗi người hãy tùng phục quyền bính” (Rm 13,1). Chúng ta tùng phục họ không chỉ vì sợ sệt nhưng còn vì yêu mến, và không chỉ vì lý trí đòi hỏi mà còn vì lương tâm truyền khiến. Lý do là tại vì, theo Thánh Tông đồ, mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì thế, “anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13,7). Sách Châm ngôn (24,21) cũng viết: “Con ơi hãy kính sợ Thiên Chúa và nhà vua.”

(4) Các ân nhân cũng được gọi là cha, như đọc thấy trong sách Huấn ca (4,10): “Hãy tỏ ra nhân hậu với các kẻ mồ côi như một người cha.” Bởi vì đặc tính của người cha là chăm sóc con cái mình, vì thế, chúng ta đã được cha của mình chăm sóc thì cũng hãy chăm sóc người khác. “Đừng bao giờ quên ơn huệ của kẻ đã đứng ra bảo lãnh cho con.” (Hc 29,20). Thật vậy, nói về kẻ vô ơn, Sách Khôn ngoan (16,29) viết: “Niềm hy vọng của kẻ vô ơn (khi gặp hoạn nạn) sẽ tan tành như băng giá mùa đông.”

(5) Người cao niên cũng được gọi là cha, như sách Đệ nhị luật (32,7) đã viết: “Hãy hỏi cha ngươi và người sẽ dạy cho biết; hãy hỏi các bậc lão thành và họ sẽ bảo cho hay.” Hoặc như sách Lêvi (19,32):“Hãy đứng lên trước mặt những kẻ bạc đầu, và hãy kính trọng người cao niên.” “Đừng coi mình bằng vai với kẻ lớn tuổi, và khi người già đang nói thì đừng ngắt lời” (Hc 32,13); và “hãy thinh lặng lắng nghe, và thái độ kính cẩn này sẽ gây được thiện cảm” (câu 9).

Tất cả những người trên đây (tông đồ, thánh nhân, giám mục, nhà cầm quyền, ân nhân, người cao niên) đều đáng kính trọng, bởi vì tất cả đều giống cách nào đó với cha trên trời. Và Chúa nói: “Ai khinh các ngươi là khinh ta.” (Lc 10,16).

Nguồn: Đaminh VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment