Ngày 11/10/2012 toàn thể Giáo Hội bắt đầu cử hành và sống Năm Đức Tin theo lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI trong tự sắc Porta Fedei “Chúng ta mong ước Năm Đức Tin sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng. Năm này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành Đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo hội. Đồng thời, chúng ta ước mong việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu sẽ tăng tiến trong sự khả tín. Tái khám phá nội dung Đức Tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua đời sống; cầu nguyện và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện, nhất là trong Năm Đức Tin này.”
Một trong những điểm mà chúng ta có thể suy tư về chính việc làm của Đức Tin, đó là Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Khi đề cập đến việc tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Giêsu nói : “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24).
Đức Giêsu lại nói tiếp : “Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,31-33).
Một em bé cần một ổ bánh mì, nếu có 5000 đồng, nó sẽ có một ổ bánh mì thơm ngon dòn nóng một cách dễ dàng. Nhưng nếu nó đọc một kinh Kính Mừng mà trong tay không có 5000 đồng, chắc chắn nó không thể nào có được một ổ bánh mì như mơ ước. Điều này hiển nhiên, vì một lời kinh không phải là cái máy chế biến ra bánh mì. Hơn nữa quyền năng của Thiên Chúa không phải để cho người ta thử thách, như ma quỷ đã thách thức Đức Giêsu trong hoang địa : “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4,3). Thế nhưng hôm nay vẫn còn có người nói, “nếu không có tiền thì lấy đâu ra bánh mì ?” Ở Liên Xô thời ông Stalin, cái trò lừa bịp ấu trĩ này người ta đã thường làm ở các lớp mẫu giáo để phủ nhận Thiên Chúa và đánh lừa trẻ em.
Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng ngày hôm nay vẫn gây nhiều thắc mắc cho một số đông người có đạo và cũng là đầu đề cho những người vô thần châm chích Hội Thánh. Họ cho rằng đây là những lời dạy tiêu cực đối với lao động. Thực sự Lời Chúa ít khi nghe êm tai lắm. Kinh thánh nói “Lời sắc như gươm hai lưỡi, nó cắt vào tận hồn phách người ta”.
Trước khi suy niệm việc Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng hôm nay chúng ta cũng nên ghi nhận một sự việc sau đây. Khi Đức Giêsu nói “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống”, thì người Do Thái la ó rồi bỏ đi không thèm nghe nữa. Nhưng khi nghe bài giáo huấn về niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng này, thì người Do Thái không la ó gì cả. Họ yên lặng, nghĩa là họ đón nhận bởi vì dân Do Thái đã trải nghiệm cuộc sống bốn mươi năm chẳng làm ăn gì cả cứ lang bang trong sa mạc cát nóng mà Giavê Thiên Chúa nuôi họ, bụng không hề đói, áo xống không sờn rách, giầy dép đầy đủ, chân không hề bị phỏng suốt bốn mươi năm như thế.
Nhưng hôm nay chúng ta không sống bằng cảm nghiệm thực tiễn như người Do Thái, mà chúng ta sống bằng cảm nghiệm Đức Tin (ăn uống máu thịt Con Thiên Chúa). Tuy vững chắc hơn người Do Thái nhưng cũng làm một số người chao đảo. Vì hôm nay vấn đề gay gắt nhất là lo lắng cho cuộc sống vẫn còn đó. Đành rằng, “Có làm thì có ăn. Tay làm hàm nhai, tay quai hàm trễ!” Câu này rất đúng thôi. Chỉ có kẻ trây lười biếng nhác mới nghĩ khác. Nhưng làm đến tối tăm mặt mũi, lo đến xanh mặt mà vẫn chưa đủ ăn, cái đó mới bi đát. Thế mà lời Đức Giêsu lại nói : “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang không ?… Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho đẹp như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin ? “ (Mt 6,25-33).
Lời Chúa còn đó, nhưng sự thúc bách của đời sống thực tiễn cũng vẫn còn đó. Những kẻ tin hôm nay vẫn phải chiến đấu với những dằn vặt trong đời sống hàng ngày, gay gắt đến độ mà Kinh Thánh gọi là sự quằn quại rên xiết nơi mình “muôn loài thọ tạo cùng rên xiết và quằn quại như sắp sinh nở “(Rm, 8.22t). Nếu kẻ tin mà không mở toang đời mình cho Đức Giêsu Kitô thì sẽ thấy vấn đề cơm ăn áo mặc, nhà ở nó khẩn trương đến độ Lời Chúa có thể bị vấp phạm ngay nơi chính bản thân mình.
Không chịu làm, cứ ở đó mà kinh kệ thì gây cớ vấp phạm cho người khác, bởi vì Thiên Chúa của chúng ta có nói “Ta là Thiên Chúa của kẻ sống”. Những kẻ sống thì làm việc, còn những kẻ chết thì không làm việc. Kẻ chết là kẻ không tin vào Thiên Chúa mà tin vào tiền bạc. Việc làm của những kẻ tin vào tiền bạc chẳng đáng giá gì trước mặt Chúa.
Sau khi phục sinh, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Hai và nói với Tôma “hãy ở như người thành tín” (Ga 20, 27). Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta là những kẻ thành tín nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Về phần những người cuồng tín thì họ nói “Không làm lấy gì mà ăn ?” Họ tin vào sức lực, tin vào việc làm của mình, tin vào tiền bạc. Gọi là cuồng tín, bởi vì lòng tin của họ bệnh hoạn. Bệnh hoạn đến độ có những câu “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Hãy nhìn những biến cố ngay trước mặt chúng ta đang làm rung chuyển cả thế giới. Những dân tộc, những quốc gia trong bao nhiêu năm trời đã cuồng tín đến độ chỉ tin vào sức lao động vào sức mạnh của những bàn tay vàng, tay thép, ngày hôm nay những dân tộc ấy đang rã rời, tơi tả vì có làm mà không có ăn, vì kinh tế sụp đổ, nói rõ ra rằng, vì đói ăn thiếu mặc. Cũng vậy khi một cộng đoàn không tin vào Thiên Chúa, mà chỉ tin vào tiền của, vào quyền lực trần gian thì hậu quả là phân hoá rã rời, rồi hết muốn nhìn nhau nữa.
Kitô hữu là những người có một đức tin lành mạnh, mỗi ngày được trưởng thành nhờ sự canh tân đổi mới của Thánh Thần. Vậy chúng ta không thể là những người cuồng tín được. Chúng ta thành tín, vì chúng ta một lòng một dạ tin vào Đức Giêsu. Như Đức Giêsu đã một lòng một dạ tin vào Cha, tín thác vào Cha, nên Người đã phục sinh. Hôm nay Đức Chúa Phục Sinh đang cầm vận mệnh các dân các nước và vận mệnh của từng người. Giêsu Kitô là Chúa, một Đức Chúa đã từng chịu dãi dầu như chúng ta, vì thế Ngài là Đức Chúa biết xót thương. Trước Philatô, đại diện quyền lực thế gian, Ngài nói : “Ta là vua!” Nhưng trước nỗi thống khổ của đoàn dân chúng bơ phờ đông đảo, Ngài nói : “Ta là đấng chăn chiên tốt lành”. Đức Chúa nhân hậu ấy không chỉ biết rõ những nỗi cơ hàn của chúng ta về cơm ăn áo mặc nhà ở bệnh tật, mà còn xót xa cả nỗi khốn cùng của chúng ta, vì thấy chúng ta thiếu vắng Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, mà vì thiếu vinh quang Thiên Chúa nên các nỗi cơ hàn về thân xác kia lại càng làm cho chúng ta lo âu, sợ hãi xao xuyến gấp bội.
Hôm nay Đức Chúa ấy nói : hãy xem chim trời, có con nào chết đói đâu. Hãy ngắm nhìn hoa huệ, có bông nào meo mốc đâu ! Chúng đáng là gì mà Cha anh em còn nuôi ăn mặc đẹp cho như thế ? Đừng có lo, đừng có hốt hoảng ! Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, ai trong anh em chỉ lo mà có thể làm cho đời mình dài thêm ra một gang nữa không ! Vậy thì anh em đừng có lo mà nói rằng ! Ta sẽ ăn gì ! Sẽ lấy gì mà mặc ! Cha biết anh em cần các điều ấy mà ! Có một điều anh em phải lo mà lo trước hết mà anh em lại không lo đó là “Hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính của ngài (cứ tìm Thiên Chúa đi) các điều lo kia Cha sẽ ban cho anh em”.
Lời Chúa không thể tranh cãi, không thể lý luận, chỉ có tin hay là không tin. Nếu tôi tin và đặt đời tôi vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, tôi mới thấy quyền năng của Ngài và mới biết được Ngài yêu thương và chăm sóc tôi biết bao nhiêu. Nếu không tin thì tôi sẽ chẳng thấy xảy ra sự gì của Ngài trong đời tôi, mà những lo âu, xao xuyến, bất an, của tôi vẫn còn đó. Vì với khả năng hạn hẹp của tôi, làm sao mà làm nó tan biến, làm sao mà cất nó ra khỏi đời tôi và ra khỏi gia đình tôi được.
Để có thể Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng, chúng ta đặt hết lòng tin vào Cha trên trời và nghe lại lời tha thiết này : Giavê đã bỏ tôi ! Đức Chúa đã quên tôi. Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với đứa con dạ đã mang? Cho dù chúng quên được nữa thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên con đâu ?
Chúng con đặt hết lòng tin tưởng vào Cha trong Đức Kitô Chúa chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS