“Tin” là một từ được sử dụng rất thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày và có nghĩa là “không biết gì cả.” Từ “tin” muốn diển tả thái độ không chắc chắn về một điều nào đó mà người ta chỉ nghĩ tưởng hay dự đoán, chứ không thể khẳng định một cách chắc chắn được. Như vậy, đối ngược với “tin” cách mơ hồ là “biết” cách chắc chắn. Vì thế nhiều người cho rằng một điều được bảo đảm một cách chắc chắn khoa học thì đáng cho chúng ta tin cậy. Khoa học khơi dậy nơi ta lòng cảm phục, ví dụ: sự thành công của Y khoa trong các ca ghép tim hay kỹ thuật của khoa học không gian đã giúp con người đổ bộ được lên mặt trăng.
Trong những trường hợp này “tin” có nghĩa là một điều còn mơ hồ, thiếu rõ ràng chắc chắn. Nhưng “tin” cũng có thể là một điều gì đó xác thực và bền vững. Trong bài thơ “Bürgschaft” (Bảo chứng) của ông, thi sĩ thời danh người Đức Friedrich Schiller trình bày câu chuyện: Có một người ám sát ông tỉnh trưởng và bị bắt. Nhưng tên tội phạm còn có bổn phận phải gả chồng cho em gái của y, vì thế trước khi bị hành hình, tên tội phạm đã xin được tại ngoại ba ngày để chu toàn bổn phận đối với em gái anh ta. Và anh ta đã lấy người bạn của mình để làm bảo chứng cho lời hứa không bỏ trốn. Quả thật, nguyện vọng của anh ta được chấp nhận. Vì tên tử tù đã không trốn thoát, nên Schiller đã kết thúc bài thơ với những lời này: Sự trung tín không phải là một ảo tưởng trống rỗng.
Như vậy, “tin” cũng có thể là một động lực khiến người ta nói: Tôi tin cậy nơi anh. Thái độ tâm lý này được thể hiện trong tình bạn hữu, trong hôn nhân, trong gia đình và là một điều cao cả và có bảo chứng chắc chắn. Dĩ nhiên, điều kiện để đạt tới một sự gắn bó đáng tin cậy như thế thì đòi hỏi phải có một tình yêu mạnh mẽ và sâu đậm hỗ tương giữa các đối tác ấy. Và nếu tình yêu hỗ tương ấy càng được cho đi và trao lại giữa các đối tác, tức vừa yêu và vừa được yêu, thì nó càng trở nên sâu đậm và bền chặt hơn. Tình yêu chân thật thường không xuất hiện lúc khởi đầu, nhưng vào cuối một sự phát triển lâu dài với những cảm nghiệm trong nhiều khía cạnh và lãnh vực khác nhau. Trong tiếng La-tinh “tin” là “credere”,và do hai từ “Cor” có nghĩa là “trái tim” và “dare” có nghĩa là “cho” hay “ban tặng” ghép lại. Vậy, khi nói: Tôi tin: “credo”, thì có nghĩa là “tôi ban tặng trái tim của tôi” cho một ai đó, tức tôi yêu và tin cậy người ấy. Trong tình yêu, việc cho đi và trao lại hỗ tương của các đối tác là một thực tại cần thiết, bất khả nhượng.
Tình yêu cho đi và trao lại một cách đầy tin cậy giữa các đối tác cũng tương tự như mặt trăng: Nó không dừng lại một chỗ, nhưng nó xoay vần và thay đổi không ngừng: Hoặc tròn, hoặc khuyết hay bị phủ tối hoàn toàn trong một lúc nào đó (nguyệt thực). Người ta cũng có thể so sánh con đường dẫn tới đức tin cũng giống như con đường dẫn đưa dân Do-thái tiến về đất hứa: phải trải qua sa mạc đầy thử thách, lúc lên núi dốc lúc lại xuống thung lũng hay đồng bằng. Nhưng qua Kinh Thánh Cựu Ước, đặc biệt qua Sách Xuất Hành, người ta nhận thấy được một điều đã xảy ra quá hiển nhiên trong cuộc hành trình tiến về miền đất hứa đầy gian lao thử thách của con cái Ít-ra-en là nếu họ biết tin tưởng và tuân phục các huấn lệnh của Thiên Chúa thì họ được hoàn toàn an vui, được hạnh phúc, không một kẻ thù nào có thể xâm phạm hay chiến thắng được họ. Nhưng nếu họ phản nghịch chống lại Thiên Chúa thì lập tức mọi tai ương và bất hạnh lại ập xuống trên họ ngay.
Trong lãnh vực tôn giáo tín ngưỡng, đức tin được xác định qua sự nhìn nhận và sự tuân phục. Qua đức tin, tình yêu Thiên Chúa ban cho tạo vật nói chung và cho con người nói riêng sự tự do và sự thanh thản nội tâm. Thiên Chúa không bao giờ ép buộc bất cứ ai, dù đó là sự hạnh phúc và sự cứu rỗi cho họ. Vì thế, đức tin có nghĩa là sự chấp nhận và tuân phục hoàn toàn tự nguyện.
Sự mở rộng mối tương quan
Nếu đức tin là một sự tương quan đầy tin cậy, thì câu hỏi được đặt ra là: Ai là người khởi xướng sự tương quan ấy? Phải chăng chính con người đã khởi xướng sự tương quan ấy, hầu để có thể tưởng rằng chính con người cũng sẽ chấm dứt nó bất cứ lúc nào?
Không. Sự khởi đầu bao giờ cũng xuất phát từ Thiên Chúa. Người kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương để đến định cư ở một miền đất xa lạ do Người chỉ định; Người cũng yêu cầu Môsê hãy dẫn đưa Dân Người ra khỏi Ai-cập và tiến về đất hứa; Người đã kêu gọi các Tiên Tri và sai họ đến với Dân Người để dạy dỗ họ và sau cùng Người đã sai Con Một Người xuống thế để cứu chuộc toàn thể nhân loại.
Tự thân phận phàm nhân đầy yếu hèn và tội lỗi của mình, con người không thể khởi xướng mối tương quan đức tin với Thiên Chúa toàn năng toàn thiện được, như lời thánh Gioan Tông Đồ đã viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1Ga 1,8) Tất cả mọi tình yêu con người đối với Thiên Chúa chỉ là sự đáp trả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mà thôi, vì Thiên Chúa yêu thương con người trước, chứ không phải con người yêu Thiên Chúa trước (x. Ga 15,16). Vâng, chính “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1Ga 4,19)
Mối tương quan này do Thiên Chúa khởi xướng trước và Người cũng đã nâng cao nó thành một giao ước. (x. Gr 31,31-34; Dt 10,16) Và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa còn gọi giao ước giữa Người và nhân loại là một “hôn ước vĩnh cửu.”(Hs 2,21) Ngay trong Cựu Ước Thiên Chúa đã thiết lập với Tổ phụ Abraham và dân Ít-ra-en một giao ước và niêm phong nó đến muôn đời qua “một giao ước mới và vĩnh cửu” nhờ vào Con Một Người: Sự khổ nạn thập giá của Đức Giêsu Kitô đã được Thiên Chúa Cha chấp nhận khi Người cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.
Theo Đức Giêsu có nghĩa là sống trong cộng đoàn đức tin
Để khởi sự các hoạt động công khai của Người, Đức Giêsu đã kêu mời các Môn Đệ bước theo Người: “Khi Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là Si-mon, cũng được gọi là Phêrô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi được một quãng nữa, Người lại thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.”(Mt 4,18-22)
Sự trình bày về việc kêu gọi các Môn Đệ ở trên đây cũng như ở các nơi khác (x Mt 8,10; Mc 1,16tt; 2,14; Lc 5,28; Ga 1,43) đã cho thấy rằng Đức Giêsu đã kêu gọi các Môn Đệ một cách quyết đoán. Và ngược lại, các Môn Đệ cũng đã bỏ lại “tất cả” (Lc 5,11) và đã “lập tức” đi theo Người (Mt 4,20.22; Mc 18,20), chứ không hề thắc mắc hay so đo và lý luận dài dòng, chẳng hạn như: Tại sao Thầy lại nảy ra ý tưởng kêu gọi con? Thầy sẽ không đòi hỏi nhiều khi con theo Thầy chứ? Từ đâu Thầy lại đưa ra đòi hỏi này? v.v… Nếu con người có một đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, tức hiểu biết được Người là ai và hoàn toàn tín thác vào Người thì những câu hỏi này không còn cần thiết nữa, vì khi Thiên Chúa kêu gọi thì Người đã biết rõ tại sao. Khi Đức Giêsu kêu gọi ai thì Người cũng ban cho người ấy sức mạnh để bước theo Người. Chỉ cần tin tưởng phó thác và yêu mến Người mà thôi. Và tất cả những người cùng chung một chí hướng và một tâm tình bước theo Đức Giêsu như thế, sẽ tạo nên một cộng đoàn liên đới huynh đệ bền vững trong đức tin, đó chính là Hội Thánh của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã có lý khi quả quyết: “Những ai tin thì không bao giờ lẻ loi một mình.”
Đức tin vượt lên sự hiểu biết
Như đã nói trên, nhiều người cho rằng sự hiểu biết chính xác và chắc chắn thì giá trị hơn là tin tưởng cách mơ hồ về một điều mà họ coi như là không biết được gì cả. Nhưng trong nghĩa tín ngưỡng thì sự hiểu biết ấy chỉ tựa như một bức phóng họa so với “đức tin.” Điều đó muốn nói rằng quan điểm về “đức tin” vượt cả lên sự hiểu biết, vì sự hiểu biết còn nằm trong phạm vi trí năng, trong khi sự tin cậy động chạm đến toàn diện con người trong toàn bộ “thể xác-linh hồn-tinh thần” và tìm vươn tới chiều kích siêu nhiên.
Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu lại chỉ hiện ra với các Môn Đệ của Người, chứ không hiện ra với tất cả mọi người. Nếu chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi ấy, thì bấy giờ sẽ không một ai còn cần phải vất vả vật lộn với nỗi khắc khoải về đức tin nữa. Về điểm này Sách Công Vụ Tông đồ viết: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những nhân chứng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những người đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng và làm chứng cho dân…”(Cv 10,40-42).
Vì Đấng Phục Sinh không hiện ra với tất cả mọi người, hay nói cách khác: vì Người không muốn dùng áp lực tâm lý để bắt ép mọi người phải tin nhận Người, bởi vậy, các Môn Đệ phải rao giảng về Người và để lời rao giảng của mình khả tín trước mặt mọi người, các Môn Đệ phải nỗ lực cải thiện cuộc sống mình mỗi ngày. Dĩ nhiên, sự khả tín là một thách đố nặng nề, nó đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn của người Môn Đệ, chứ không chỉ dừng lại nơi sự loan báo và trình bày sự việc một cách thuần lý. Sự khả tín đòi hỏi sự dấn thân toàn diện con người: sự hiểu biết, sự xác tín, sự tin cậy, tình yêu tuyệt đối và sự hy sinh tất cả, kể cả mạng sống mình. Tất nhiên, đó không phải là thái độ quá khích mù quáng, nhưng sự xác tín đầy ý thức về một chân lý quá hiển nhiên, tựa như khi người ta đang sống giữa trưa dưới ánh sáng chói lọi của mặt trời thì không thể phủ nhận và cho đó là đêm tối được. Trong khi đó sự hiểu biết thuần túy thì phải dựa trên những luận chứng thuần lý, và vì thế chưa động viên được toàn diện con người, tức chưa thuyết phục được con người trọn vẹn, nghĩa là con người chưa hoàn toàn chấp nhận đứng sau sự hiểu biết ấy, đến nỗi có thể đánh đổi chính mạng sống mình như trong lãnh vực đức tin, mà gương anh hùng tử đạo của hàng triệu các Kitô hữu từ trên hai ngàn năm nay đả minh chứng. Vâng, Đức tin đòi hỏi nơi con người sự dấn thân trọn vẹn.
(còn tiếp)
Lm. Nguyễn Hữu Thy