Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, được Đức nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI loan bào và khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 2012 và sẽ bế mạc ngày 24 tháng 11 năm nay. Chủ đề của Năm Đức Tin này là “ Tân Phúc Âm hóa= New Evangelization” nhằm canh tân đời sống đức tin của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội và mời gọi thêm nhiều người khác nhận biết Chúa Kitô và Tin Mừng Cứu Độ của Người, để cùng được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, “ Đấng cứu độ chúng ta và muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý.”( 1 Tm 2 : 4).
Mục đích canh tân này thực cần thiết trong bối cảnh thế giới tục hóa ngày nay, khi con người ở khắp nơi chỉ hăng say đi tìm tiền của, hư danh trần thế , tôn thờ chủ nghĩa khoái lạc ( hedonism) coi nhẹ hay xem thường những đòi hỏi của lương tâm về luân lý, đạo đức, công bằng và bác ái, là những nguyên tắc căn bản và là bộ mặt của một đời sống hướng thượng, trái nghịch với bộ mặt và thực chất của “ văn hóa sự chết” đội lốt chủ nghĩa vô thần , chủ nghĩa tôn thờ tiền bạc, của cải vật chất, và mọi `vui thú vô luân vô đạo đang lộng hành ở khắp nơi , cách riêng ở các quốc gia Âu Mỹ..
Thực trạng trên đang xô đẩy biết bao người vào con đường hư mất đời đời trong đó có những người đã được đức tin qua Phép Rửa, nhưng nay đã rời xa Giáo Hội và chối bỏ đức tin bằng chính đời sống của họ.
Để đối phó với nguy cơ nói trên, và cũng để bảo vệ và củng cố đức tin , Giáo Hội hô hào phải “ tái phúc âm hóa” để canh tân và đào sâu thêm đức tin Kitô-Giáo dựa trên chính Chúa Kitô là Tin Mừng đã đến trong trần gian cách nay trên 2000 năm để loan báo “ cho mọi loài thụ tạo, và ai tin và chịu phép rửa thì được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị kết án.” ( Mk 16 : 16).
Thật vậy, Tin Mừng –hay Phúc Âm- là tất cả những gì đã được viết về Chúa Giêsu-Kitô, từ ngày Người sinh ra cách khó nghèo trong hang bò lừa cho đến ngày Người chết tủi nhục trên thập giá, sau khi phải chịu biết bao đau khổ, nhục nhã, để hiến mạng sống mình “ làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20: 28).
Không những Phúc Âm ghi lại cuộc đời của Chúa mà đặc biệt là truyền lại những lời Người giảng dạy trong suốt ba năm cùng các Môn đệ đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho dân Do Thái, nhưng đã bị các giai cấp Trưởng lão, Tư Tế và luật sĩ Do Thái loai bỏ, không đón nhận mà còn lên án tử hình cho Chúa qua khổ nạn vác thập giá như ta đọc thấy trong 4 Tin Mừng..
Phúc Âm của bốn Thánh Sử Matthêu, Mac-cô, Luca và Gioan chỉ ghi chép phần nào những lời Chúa nói và việc Người làm, nhưng không phải tất cả những lời giảng dạy của Chúa, vì theo Thánh Gioan thì “ Nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ, cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” ( Ga 21: 25) .
Tuy nhiên , những gì các Thánh Sử đã ghi chép, kế cả các Thư Mục vụ của các Thánh Phaolô, Phê rô, Gia-Cô-Bê, Gioan, và Giuđa bổ túc thêm giáo lý vững chắc cho chân lý của các Tin Mừng của bốn Thánh Sử, đã trở thành toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước, được thẩm quyền Giáo Hội coi là Sách Thánh, vì có ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần cùng với 46 Sách Cựu Ưỡc hợp thành trọn bộ Thánh Kinh mà Công Đồng đại kết thứ 19 họp tai Trent ( 1545-1563 ) đã đóng thư qui.
Thật vậy, các Sách Thánh gồm chung các sách Cựu và Tân Ước viết bằng tiếng Do Thái và Hy lạp đã được Thánh Giê –rô- ni mô ( St Jerome, died 420 A.D ) dịch ra tiếng Latinh chung trong một Bản gọi là Vulgate tức bản Thánh Kinh Phổ thông được Công Đồng Trentô đóng thư qui là những Sách Thánh có ơn linh hứng đã được công nhận từ Công Đồng Phi Châu ( 1501-04) cho đến Công Đồng Trento , rồi Công Đồng Vaticanô I ( 1870) và Vaticanô II ( 1962-65) cho đến nay.
Nghĩa là từ khi bản Phổ thông Vulgate được chính thức đóng thư qui cho đến nay, thì không hề có thêm sách hay điều gì mới được thêm bớt vào nội dung các Sách đã được công nhận là Sách Thánh vì có ơn linh ứng (inspired) của Chúa Thánh Thần.
Do đó, khi kêu gọi “ Tân phúc âm hóa” ( New Evangelization), một sáng kiến khởi đầu của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ( nay là Chân phước= Blessed), Giáo Hội không công bố một Tin Mừng mới nào khác với nội dung Tin Mừng đã được công nhân từ Công Đồng Trentô cho đến nay.
Nghĩa là tất cả nội dung Thánh Kinh và Tin Mừng đã được thẩm quyền Giáo Hội công nhận và công bố qua các Công Đồng nói trên vẫn nguyên vẹn là một Tin Mừng cần được canh tân trong chiều kích đào sâu thêm ý nghĩa để giúp sống đức tin Kitô Giáo cách phong phú hơn, và có giá trị thuyết phục hơn trong đời sống cúa mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội.
Đó là tất cả ý nghĩa và mục đích “Tân Phúc Âm hóa= New Evangelization” đang được khuyến khích đẩy mạnh trong toàn Giáo Hội trong Năm Đức Tin này.
Tại sao cần phải đọc lại Lời Chúa trong Thánh Kinh nói chung và trong các Tin Mừng nói riêng?
Để trả lời câu hỏi này, ta cần đọc lại chính lời Chúa Giêsu đã nói với tên quỷ đến cám dỗ Chúa trong rừng vắng , nơi Chúa ăn chay cầu nguyện trước khi ra rao giảng Tin Mừng Cứu Độ:
Khi tên quỷ thách đố Chúa biến đá ra bánh để ăn, Chúa đã trả lời nó như sau:
“ Đã có lời chép : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” ( Lc 4 : 8)
Lời Chúa trên đây được ghi đầy đủ hơn trong Sách Đệ Nhị Luật như sau:
“ Anh em nhận biết rằng : người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời
Miệng ĐỨC CHÚA phán ra.” ( Đnl 8: 3)
Thánh Phêrô cũng đặc biết nói đến tầm quan trọng phải sống bằng lời Chúa, khi Chúa Giêsu hỏi các Tông Đồ xem họ còn muốn theo Chúa hay muốn bỏ Người ra đi như những người khác. Phêrô đã trả lời Chúa như sau:
“ Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” ( Ga 6: 68)
Những lời mang lại sư sống đời đời mà Chúa Giêsu đã dạy bảo các TôngĐồ và dân chúng xưa kia là:
1- “ Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí không và hết
Sức lực ngươi…Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình ngươi.” ( Mc 12 : 30-31 )
2- “ Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đên gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”(Mc 1:15)
3- “ Ta là Ánh Sáng đến thế gian
Để bất cứ ai tin vào Ta, thì không ở lại trong bóng tối.” ( Ga 12 : 46)
Hoặc :
4- “ Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và thênh thang thì đưa đến diệt vong…còn cửa hẹp và đường chật
Thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. ( Mt 7 : 13-14)
Chúa Giêsu chính là Con Đường và là Cửa hẹp mà chúng ta phải đi qua, nếu muốn được vào nơi vĩnh phúc là Nước Trời , sau khi chấm dứt hành trình đức tin trong trần gian này.
Nơi khác , Chúa cũng nói rõ thêm như sau về sự cần thiết phải thực hành lời Chúa cho được vào Nước Trời:
“ Không phải bất ai thưa với Thầy : Lậy Chúa, Lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu.
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7 : 21)
Như thế, thật vô cùng cần thiết cho mọi tín hữu chúng ta phải đọc lại Lời Chúa trong Thánh Kinh nói chung và nhất là những lời của Chúa Giêsu được ghi lại phần nào trong bốn Tin Mừng ( Gospels) mà chúng ta vẫn quen nghe đọc, nhưng chưa gẫm suy cho đủ để lời Chúa thực sự in sâu và biến đổi tâm hồn chúng ta.
Nếu lời Chúa đã đổi mới mọi người chúng ta, thì chắc chắn đã có tình thương trong gia đình giữa cha mẹ, con cái và vợ chồng, khiến cho những thảm kịch vợ chồng bỏ nhau, giết nhau, con cái giết cha mẹ, anh chị em thù nghịch và làm hại nhau đã không sảy ra ở khắp nơi trong thế giới tục hóa ngày nay.
Nếu lời Chúa đã in sâu và biến đổi lòng người thì đã không có biết bao người, kể cả một số không nhỏ các môn đệ Chúa trong Giáo Hội ngày nay đã và đang chạy theo tiền bạc, ham mê của cải và hư danh trần thế đến mức coi nhẹ hay dửng dưng tinh thần khó nghèo của Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã nêu gương sáng khi Người chọn sinh ra trong hang bò lừa, và lớn lên, đã sống lang thang như người vô gia cư, đến nỗi “ không có chỗ tựa đầu, trong khi con chồn có hang, chim trời có tổ” ( Mt 8 : 20)
Lại nữa, nếu lời Chúa đã thực sự đi sâu và tâm trí người tín hữu khắp nơi, thì người có niềm tin nơi Chúa không thể buông thả sống theo những trào lưu của “văn hóa sự chết”, để lơ là việc sống Đạo, coi thường việc lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa Giải và nhất là làm nhân chứng cho Chúa Kitô trước bao người chưa biết Chúa và Phúc Âm sự Sống của Người.
Sau hết, riêng đối với các Tông Đồ lớn nhỏ của Chúa trong Giáo Hội, nếu Tin Mừng đã in sâu và đổi mới mọi người, thì không ai có thể coi nhẹ sứ vụ rao giảng, phục vụ và sống nhân chứng cho Chúa,,là “ Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” ( Mt 20: 28)
Tóm lại, thật vô cùng cần thiết phải được “ tân phúc âm hóa” để Tin Mừng của Chúa đổi mới mỗi người chúng ta thêm hơn nữa hầu biến chúng ta thành những “Kitô thứ hai” ( Alter Christus) sống giữa bao người không có đức tin và đang làm những sự gian ác, độc dữ trong thế giới tục hóa ngày nay..
Xin Chúa Thánh Linh giúp đổi mới chúng ta trong cố gắng phúc âm hóa chính mình và phúc âm hóa người khác để chiếu rọi ánh sáng Chúa Kitô vào thế giới quá u tối vì vô thần, vô nhân đạo và vô luân hiện nay.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.