Chúng ta đang sống trong một xã hội mà khoa học đã tiến được những bước dài. Người ta đã có thể lên thăm “Mặt Trăng” và nhờ ống viễn kính, người ta có thể dò thám các hành tinh khác và quan sát vũ trụ bao la. Phi thuyền không gian đã đưa được nhiều phi hành gia lên làm việc trên vũ trụ, sinh sống ở trên đó cả nhiều tháng trời, có khi cả năm, rồi lại trở về trái đất.
Nhờ tiến bộ kỹ thuật ‘tin học’ mà ngày nay chúng ta có thể thông tin cho nhau thật nhanh chóng qua hệ thống điện thư (Email) và vừa nói chuyện vừa thấy mặt nhau. Nhờ đó, thế giới thu nhỏ lại như một ngôi làng.
Tuy nhiên, do những tiến bộ vượt bậc này, con người dễ trở nên kiêu căng, tự phụ, coi mình là “Ông Trời” và chối bỏ đức tin vào Thiên Chúa. Giới trẻ bước vào đại học cũng dễ bị nhiễm những lý thuyết và tư tưởng vô thần. Từ vô thần con người cũng dễ đi đến vô luân (theo một nghĩa nào đó).
Thí dụ, ngày nay có những chính quyền chối bỏ luật tự nhiên, chủ trương “nam lấy nam nữ lấy nữ” cũng là hôn phối (same sex marriage). Ở bên Hoa Kỳ, chẳng hạn, đã có những vị chánh án phát biểu: “Thật là bất công, nếu ‘hôn phối’ (marriage) chỉ là giữa một người nam và một người nữ.” Họ quên rằng hôn phối tự nhiên “giữa một người nam và một người nữ” là để sinh con cái, và phát triển nhân loại; cũng như mọi vật trên trái đất đều phát triển qua các thế hệ nhờ sự kết hợp giữa “nam” và “nữ” hay “đực” và “cái”. Đã có những tiểu bang ở Hoa Kỳ cấp giấy phép để nam lấy nam, nữ lấy nữ thành ‘vợ chồng’ (same sex marriage) một cách hợp pháp và hưởng các quyền lợi như những đôi cưới nhau theo hôn phối tự nhiên. Lại có những nhà lãnh đạo các giáo phái chấp nhận như vậy và “làm phép hôn phối’ cho các đôi ‘nam lấy nam, nữ lấy nữ’. Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến những phong trào luyến ái tự do, tự do ly dị, tự do phá thai (cha mẹ tự giết con của mình!)
Đứng trước những trào lưu ‘vô thần’ và ‘vô luân’ như vậy trong thế giới chúng ta ngày nay, Giáo hội Công giáo cố gắng củng cố Đức Tin cho các tín hữu các nơi và Đức Giáo hoàng đã lập ‘NĂM ĐỨC TIN’ để chúng ta cầu nguyện, học hỏi, xây dựng một nền tảng Đức Tin vững chắc cho chúng ta, cho con cháu chúng ta và phát triển Đức Tin chân thật cho mọi người chung quanh chúng ta, nơi sở làm, trường học, khu xóm (xin xem thư Philipphê 2,15).
Chúng ta phải cầu nguyện, vì Đức Tin là một ân huệ Chúa thương ban và cần ơn Chúa giúp để tồn tại và phát triển, nhất là giữa thế giới đầy những phong trào vô thần và vô luân ngày nay. Ngay cả các môn đệ theo Chúa Giêsu ngày xưa cũng thấy yếu Đức Tin và cần cầu xin Chúa thêm Đức Tin: “Lạy Thầy, xin Thầy thêm Đức Tin cho chúng con.” (Lc 17,5)
Trong Phúc Âm chúng ta thấy, sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành các bệnh nhân, Chúa Giêsu thường nói “Đức Tin của con đã chữa con!” để nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Đức Tin trong đời sống của những người theo Chúa. Vì Đức Tin là nền tảng: Có tin Chúa, chúng ta mới trông cậy nơi quyền năng của Chúa và mới cầu xin Chúa. Chẳng hạn như câu chuyện hai người mù khi biết Chúa Giêsu đi ngang qua, đã khẩn thiết xin Chúa cho các anh được nhìn thấy, và dù mù loà các anh vẫn kiên nhẫn lần mò đi theo Chúa. Để thử thách niềm tin của các anh, Chúa Giêsu cứ đi như không để ý đến các anh, cho đến khi về tới nhà mà các anh vẫn theo tới. Bấy giờ Chúa Giêsu mới hỏi: “Các anh có tin rằng tôi có thể chữa lành các anh được không?” Các anh liền thưa: “Chúng tôi tin!” Bấy giờ Chúa Giêsu sờ vào mặt các anh và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy!” Mắt các anh liền mở ra và các anh đã thấy (x. Matthêu 9,27-30; có thể xem thêm câu chuyện Chúa Giêsu chữa người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Matthêu 8,5-13).
Chúng ta nhớ lại, khi chúng ta chịu phép Rửa Tội, vị chủ sự hỏi chúng ta: “Anh chị em xin gì với Hội Thánh Chúa?” Chúng ta thưa: “Thưa xin Đức Tin.” “Đức Tin đem lại điều gì cho anh chị em?” Chúng ta thưa: “Thưa Sự Sống Đời Đời.” Tin Thiên Chúa hằng hữu và tin ở cuộc đời sau; đó là niềm tin của chúng ta, và điều quan trọng nhất là “Sự Sống Đời Đời”. Vì đó là cùng đích của cuộc hành trình Đức Tin của chúng ta.
Chúng ta tin những gì? Thưa chúng ta tin tất cả những điều Chúa dạy chúng ta ở trong Kinh Thánh, mà đã được Giáo Hội tóm lại trong Sách Giáo Lý (ngày xưa gọi là Sách Bổn), và ngắn gọn hơn trong “Kinh Tin Kính” mà chúng ta cùng nhau đọc trong mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, Lễ Trọng, và khi chúng ta đọc kinh trong gia đình hằng ngày.
Chúng ta cũng phải luôn luôn cảnh giác trước những cám dỗ của các trào lưu vô thần, và vô luân, những cám dỗ (mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên) làm xa lạc Đức Tin chân chính, như Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức; vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong Đức Tin mà chống cự lại; vì biết rằng toàn thể anh em trên thế giới đều trải qua những thử thách như thế. Thiên Chúa, nguồn mọi ân sủng, là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của người trong Đức Kitô, sẽ cho anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.” (1 Phêrô 5,8-10) Ở một đoạn khác, Thánh Phêrô nói: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu ngày nay anh em còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách do nhằm tinh luyện Đức Tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội (mà vàng là của phù vân, cũng vẫn phải chịu thử lửa!) Nhờ thế mà khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, Đức Tin đã được thanh luyện đó sẽ trở thành lời ngợi khen, và đem lại vinh quang, danh dự… Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến; tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang; bởi đã nhận được thành quả của Đức Tin là ơn cứu độ con người.” (1 Phêrô 1,6-9) (có thể xem thêm Mathêu 17,20; 21,21; Marcô 11,23; Luca 7,4-10).
Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau (nhất là trong Năm Đức Tin này), xin Chúa cho chúng ta quý trọng Đức Tin Chúa ban cho chúng ta, bảo vệ và phát triển Đức Tin nơi chúng ta, nơi con cháu chúng ta, và loan truyền Đức Tin chân thật cho mọi người chung quanh chúng ta.
Xin Chúa nhân từ, nhờ lời Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Thánh chuyển cầu, ban muôn ân sủng và bình an cho chúng ta trong Năm Đức Tin này.
Lm. Anphong Trần Đức Phương