Bài 25: Mẹ Maria, người Mẹ của lòng thương xót
Nếu lật lại các trang sách Phúc Âm, thì Mẹ Maria xuất hiện trong một số khung cảnh. Tuy nhiên, có hai đoạn Thánh Kinh kể về sự hiện diện của Mẹ Maria và đóng vai trò quan trọng trong linh đạo về Mẹ Maria. Đó là việc Đức Mẹ được tổng lãnh thiên thần Gabriel truyền tin (x.Lc 1,26-38) và sự kiện Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá (x.Ga 19,26tt). Hình ảnh thứ hai mà Gio-an kể nối kết với phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su làm ở Cana được diễn tả trong Phúc Âm của Thánh Gio-an (x.Ga 2,1-12). Như thế, có thể nói rằng, Mẹ Maria có mặt trong những biến cố quan trọng trong lịch sử của ơn cứu độ. Dù Mẹ chỉ được nhắc đến ít lần trong Phúc Âm, nhưng Mẹ vẫn có một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa với nhân loại chúng ta. Đi sâu hơn một chút vào bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta thấy rằng, Mẹ đã tóm tắt lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, và Mẹ ca ngợi lịch sử cứu độ này như là lịch sử của lòng thương xót, lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với nhân loại: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).
Với việc Mẹ được chọn và được gọi là Mẹ Đấng Cứu Thế, lịch sử của lòng thương xót đã tìm được ý nghĩa trọn vẹn. Giờ đây, Thiên Chúa qua lòng thương xót vô bờ, Ngài muốn cứu độ nhân loại và dân của Ngài. Mẹ Maria đã được chọn để cùng cộng tác trong công trình cứu độ này: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Điều này có nghĩa là, không phải tự mình mà Mẹ Maria được đẹp lòng Thiên Chúa, mà tất cả đều do ân sủng của Thiên Chúa, và vì thế mọi lời ca tụng đều hướng về Thiên Chúa. Chính Mẹ cũng đã thốt lên rằng:
Mẹ Maria sống trong ân sủng của Chúa, và với sự khiêm nhường của Mẹ và qua lời xin vâng của Mẹ, Mẹ đã trở nên công cụ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lời xin vâng của Mẹ đã đưa Mẹ vào vị trí của một nữ tỳ phục vụ Thiên Chúa, phục vụ lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, phục vụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thật vậy, Mẹ đã dành cho Thiên Chúa một không gian trong con người Mẹ, để Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cứu chữa nhân loại. Nhưng lời xin vâng của Mẹ cũng vượt trên khả năng của con người, vì thế với lời xin vâng của Mẹ, Mẹ được coi là người có phúc. Qua lời xin vâng của Mẹ, Thiên Chúa đã đi vào thế giới này. Qua lời xin vâng, Mẹ Maria đã trở nên một Evà mới. Trong khi Evà đầu tiên vì sự bất tuân đã đưa lại cho thế giới này biết bao khổ đau, thì qua lời xin vâng của mình Evà mới là đại diện của nhân loại đã tháo cởi được nút rối mà Evà cũ đã gây ra. Vì thế, mà Mẹ Maria – Evà mới đã trở nên người Mẹ của kẻ sống. Qua lời xin vâng của mình, trinh nữ Maria đã trở nên một nữ tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, một trinh nữ đã cưu mang Đấng Cứu Thế, Đấng là nguồn của lòng thương xót.[1] Và Mẹ đã sinh ra, nuôi nấng chăm nom Đấng Cứu Thế, vị Mục Tử nhân hậu.
Là Mẹ Đấng Cứu Thế, là nữ tỳ của lòng thương xót của Thiên Chúa, Mẹ cũng đi con đường Đức Tin như mọi tín hữu. Mẹ đã phải đối diện với biết bao thử thách và đón nhận biết bao nhiêu khó khăn: Ngay từ khi Mẹ mang thai hài nhi Giê-su, cùng với thánh Giuse, Mẹ đã phải đi tìm một nơi trú ngụ và đã bị từ chối, để rồi cuối cùng Mẹ đã phải sinh con trong một nơi dành cho chiên bò. Khi sinh con xong, tưởng rằng cuộc đời Mẹ sẽ an bình. Với con thơ và với Thánh Cả Giuse, Mẹ đã phải đưa con trốn chạy trước sự lùng sục độc ác của vua Hêrôđê. Một cuộc trốn chạy đầy chông gai và thử thách qua đất nước láng giềng. Khi đưa con trẻ Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ hội, Mẹ đã bị lạc con và đã phải rong ruổi tìm con với biết bao nỗi âu lo. Và cuối cùng Mẹ đã đau đớn đứng dưới chân Thánh Giá của con Mẹ – Chúa Giê-su, (x.Ga 19,25). Khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá, chiêm ngắm người phụ nữ đang nhìn người Con duy nhất bị những người ác nhân kết án tử và đóng đinh trên Thánh Giá, chúng ta sẽ cảm nhận được tâm trạng của Mẹ: run rẩy, đau xót về những gì Mẹ đã chứng kiến trên con đường khổ nạn của con. Truyền thống Ki-tô giáo, qua việc chiêm ngắm Mẹ trong khung cảnh đó, đã nhận thấy kinh nghiệm đau khổ tột cùng của Mẹ, như một vài vần thơ khuyết danh bằng tiếng La-tinh Stabat Mater, được viết trong thời Trung Cổ: “Stabat Mater dolorosa, iuxta crucem lacrimosa, dum pendebat filius – Mẹ đau thương, đứng kề bên con của Mẹ, treo trên Thập Giá ”. Những vần thơ này đã trở thành bản đại hợp xướng của nhà soạn nhạc người Séc Antonín Dovorak Stabat mater, op. 58. Tác phẩm này được ông sáng tác trong hai năm 1876 và 1877. Linh mục nhạc sĩ Kim Long cũng đã sáng tác bài Mẹ đứng đó, để diễn tả hành trình Đức Tin của Mẹ dưới chân cây Thánh Giá đau khổ biết chừng nào: Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím màu, nhạc thương trầm buồn hắt hiu, đồi cao u hoài loang máu đào, con Chúa đau thương treo trên thập giá, hiến thân vì nhân loại tội tình. Mẹ đứng đó, tâm hồn tê tái sầu, hiệp thông cùng con dấu yêu, vì thương nhân loại bao khốn cùng, xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Mẹ, Mẹ ơi.
Bản gốc La-tinh (Stabat Mater Dolorosa) được phỏng dịch qua tiếng Việt thì như sau:
“Mẹ đứng dưới chân thánh giá con yêu,
Tâm can nát tan Mẹ chết trăm chiều,
Gần bên Chúa trong giờ tử nạn.
Mẹ diễm phúc của Con một Cha,
Đấng tạo dựng đất trời,
Buồn thương và thảm thiết biết bao!
Đức Kitô chịu hành hạ trên cao,
Bên dưới Mẹ đứng nhìn xót xa,
Thấy Con chết anh hùng, tử đạo.
Hỡi những kẻ đi đường lơ đễnh,
Hãy trông xem Hiền Mẫu chúng ta
Đau xót nào sánh bằng của Mẹ?
Trái tim ai chịu nổi được không?
Chỉ một mình phụng vụ thánh đủ khả năng khai thác tốt đề tài này và có thẩm quyền phổ biến cho mọi thời đại suy ngẫm vì lợi ích các linh hồn thánh thiện. Giáo Hội yêu mến hình ảnh Mẹ Sầu Bi. Người ta có thể giải thích bài ca Stabat Mater (Mẹ đứng kề thánh giá) là phản ánh chính Giáo Hội. Nó là bài ca về lòng mẹ hiền tan nát và khổ đau vinh quang. Giáo Hội lục lọi các lời tiên tri và hô lớn với ngôn sứ Giê-rê-mia lên tổ phụ mình rằng: ‘Tai họa ngươi mắc phải lớn quá rồi, lớn tựa trùng dương ai chứa nổi?’ (Ac 2,13). Hội Thánh áp dụng lời này cho Mẹ Sầu Bi, như khi nói về Đức Giêsu, Hội Thánh áp dụng thân phận cô gái héo hắt Sion: ‘Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi?’ (Ac 1,12).
Quả thực Đức Maria là duy nhất trong mọi sự…Đức Mẹ vượt xa trên các thụ tạo khác trong liên hệ với định mệnh con người cả về công nghiệp, thống khổ và vinh quang tương lai. Đức Maria vừa là người Nữ đồng trinh, vừa là Mẹ và là Đấng Đồng công. Ngài là bông hoa chỉ mở cánh ra vì Thiên Đàng mà thôi, Ngài là mặt trăng chiếu sáng trần gian, là mạch suối tuôn trào đức trong sạch, là luống cầy ban tặng bánh hằng sống cho nhân loại lớn lên. Lạy Mẹ, chính từ lòng Mẹ mà sự sống đời đời đã đến với thế giới. Bởi vì Đấng sinh ra cho chúng con đã chọn Mẹ làm hiền mẫu (Kinh Ave Maris Stella – Kính chào Ngôi Sao Biển)”.[2]
Sự hiện diện và đau khổ tột cùng của Mẹ, một đàng diễn tả tình Mẹ dành cho Chúa Giê-su đang bị những người ác nhân kết liễu cách hãi hùng, đàng khác diễn tả sự quyết tâm sống lời xin vâng của Mẹ. Khi Mẹ nói lời xin vâng với Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, Mẹ đã sẵn sàng đi vào con đường mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ. Ngoài ra, ở tại cây Thánh Giá, nơi con Mẹ đang bị treo đau đớn, lời xin vâng của Mẹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự hiện diện của Mẹ bên Thánh Giá cho thấy, Mẹ quyết tâm chia sẻ trọn vẹn sứ mạng và hy lễ cứu độ của Con Mẹ là Chúa Giê-su. Mẹ muốn tham dự vào tận đáy sâu thẳm những thống khổ mà Chúa Giê-su chịu. Mẹ không khước từ lưỡi gươm cụ già Si-mê-on ngày xưa tiên báo cho Mẹ: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35b). Mẹ luôn nói lời xin vâng với Thiên Chúa, cụ thể trong chương trình huyền nhiệm của Chúa Cha dành cho Chúa Ki-tô.
Phần cuối cùng của Phúc Âm thứ tư, thánh sử Gio-an còn diễn tả một hình ảnh thật xúc động: Từ trên Thánh Giá, Chúa Giê-su đã trăn trối Mẹ mình cho Gio-an, người môn đệ mà Chúa thương yêu, và trăn trối Gio-an như là đại diện cho Mẹ mình, người nữ tỳ của lòng thương xót (x.Ga 19,26tt). Dưới chân Thánh giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn Mẹ qua lời trao gởi của Chúa Giê-su: Thưa Bà, đó là con bà. Chúa Giê-su muốn Mẹ đón nhận Thánh Gio-an là người môn đệ Chúa yêu thương, trở thành đứa con của Mẹ. Chúa muốn đem lại cho Gio-an một mái ấm mới, một quê hương mới với người Mẹ luôn yêu thương chăm sóc con mình.[3] Nói cách khác, vào lúc đầu tiên của biến cố nhập thể, thiếu nữ thành Na-da-rét đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-su – Con Mẹ, Mẹ trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của nhân loại, người Mẹ luôn thương xót con cái của mình. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) nói rằng: “Ðức Trinh Nữ tiến bước trong cuộc lữ hành Đức Tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thánh Giá, là nơi theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng ở đó (x.Ga 19,25). Ðức Maria chịu đau khổ kinh khủng với người Con duy nhất của mình, dự phần vào hy lễ của Con, với tâm tình của người mẹ ưng thuận hiến dâng lễ vật do lòng mình sinh ra, để cuối cùng khi hấp hối trên Thánh Giá, Chúa Giê-su Ki-tô đã trối Mẹ làm Mẹ của môn đệ: Thưa Bà, này là con Bà (Ga 19,26-27)” (số 58).[4]
Ở gốc cây biết lành biết dữ, Evà đã mất chức làm mẹ loài người.
Ở dưới chân Thánh giá, Đức Mẹ đón nhận chức vị làm Mẹ loài người.
Là Mẹ loài người và là Mẹ Chúa Giê-su, đó là nét đẹp tuyệt vời nơi Mẹ. Chúa Giê-su đã vẽ lên một tuyệt phẩm về chính người Mẹ của mình, và Ngài cũng trao gởi tuyệt phẩm này cho chính môn đệ yêu dấu của Ngài, và cũng trao gởi cho mỗi người chúng ta. Như thế, qua hành động của Chúa Giê-su, Giáo Hội đã khám phá đôi chút về mầu nhiệm đời sống Ki-tô hữu. Tín hữu là thành viên của một gia đình thiêng liêng. Cũng như một đứa trẻ cần có cha có mẹ để phát triển bình thường, thì tín hữu cũng cần có Đức Maria và Cha trên trời.[5]
Đó là Mẹ của con. Khi đọc lời trên của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, trong cái nhìn đầu tiên mang tính con người, Chúa Giê-su đã diễn tả tình yêu của mình dành cho Mẹ Maria. Chúa là Người Con duy nhất của Mẹ, và sau khi Chúa chết, Mẹ sẽ sống lẻ loi một mình trên thế giới này. Có lẽ vì lo cho người Mẹ đang chịu nhiều đau khổ và mất mát, Chúa đã trao gởi Mẹ cho người môn đệ mà Chúa tin tưởng và thương yêu. Gio-an, tên người môn đệ đó, giờ đây trở nên người con trai của Mẹ, và Gio-an cần phải có trách nhiệm với Mẹ Maria.[6] Điều Chúa Giê-su làm thật là một cử chỉ cao quý. Có lẽ thánh Giuse đã qua đời trước đó, nên Chúa không muốn Mẹ mình phải sống trong cảnh goá phụ bị lệ thuộc và cô đơn, cũng như bị người đời nguyền rủa, bởi vì trong xã hội Do Thái thời đó người phụ nữ đơn chiếc là coi như người bị nguyền rủa.
Chúa không muốn người phụ nữ quá đau đớn vì mất con, và đã phải trải qua biết bao thống khổ khi đồng hành với con trên đường Thánh Giá, lại phải một mình chìm trong nỗi đau khổ tột cùng, trong những tháng ngày còn lại của bà. Cũng thật cao quý biết bao, khi Chúa Giê-su trong hoàn cảnh đau khổ của mình trên Thánh Giá, Ngài đã không nghĩ làm sao để Ngài có thể đỡ đau đớn, mà Ngài lại quên mình đi, và nghĩ tới Mẹ mình, nghĩ tới người khác đang đứng kia với một tâm hồn sầu não thảm thê. Đó là tình yêu của Chúa dành cho Mẹ. Một tình yêu không chỉ mang sắc thái của cảm tính, mà còn mang tinh thần quên mình đi, và luôn chú ý và chăm sóc người khác, người gần nhất cũng như người xa nhất.
Trong chính bầu khí của khổ đau, không cần nhiều lời, chỉ một vài lời ngắn ngủi, Chúa đã đưa lại biết bao ủi an cho Mẹ mình, đã tháo cởi chiếc dây trói buộc khổ đau vào cuộc đời của Mẹ: Đó là Mẹ của con. Ngay trong bầu khí khổ đau này, Chúa đã tạo nên một tương quan mới cho Mẹ mình. Trong chính bầu khí của khổ đau, một bầu khí của tình yêu đã được khơi mào, dù rất nhỏ nhưng thật quý giá. Và với thời gian, bầu khí của tình yêu này đã lớn dần và mạnh mẽ, lan toả đến khắp mọi nơi. Bầu khí tình yêu của Mẹ dành cho nhân loại, giờ đây không bao giờ đóng cửa với bất cứ ai. Tình Mẫu Tử này thật cao quý, vì thế tình của mỗi người con dành cho Mẹ cũng cần phải cao quý như vậy.
Khi Chúa Giê-su trao phó cho Gio-an Mẹ của Người, Gio-an đã phản ứng như thế nào? Đọc phần kế tiếp, ngay sau lời Chúa nói với Gio-an, chúng ta thấy rằng: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27b). Trong bản văn của tiếng Hy-lạp là eis ta idia. Theo Cha Anselm Gruen, thì có nghĩa là vào trong nội tâm của anh, vào trong trái tim của anh.[7] Còn theo Đức Benedicto XVI, thì có nghĩa theo mạch chữ là anh ta đón nhận Mẹ vào trong nơi sâu kín của anh, vào cuộc sống nội tâm của anh.[8] Và theo nhà Thánh Kinh học Schnackenburg cũng vậy. Từ ngữ eis ta idia diễn tả không gian của tâm hồn.[9] Gio-an đã mở rộng cánh cửa đón mời Mẹ Maria vào. Cánh cửa đó không chỉ là cánh cửa nhà của ông, mà là cánh cửa tâm hồn sâu kín của ông. Như thế, Gio-an đã sống đúng điều mà Chúa Giê-su nhắn nhủ ông. Có thể nói rằng, khi Chúa nói “đây là Mẹ của con”, Ngài cũng muốn Gio-an hãy yêu thương Mẹ như Chúa đã yêu thương Mẹ.
Hơn nữa, qua lời trăn chối này Chúa Giê-su cũng đã đặt nền tảng cho việc yêu mến Mẹ Maria trong lòng Giáo Hội, trong lòng mỗi tín hữu. Thật vậy, tín hữu nào đón nhận Mẹ Maria vào nhà mình, vào tâm hồn sâu kín như Gio-an, sẽ không trở thành kẻ cuồng tín hay khờ khạo, nhưng họ trở là những tín hữu với tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ, tràn đầy hân hoan và niềm vui tôn kính và yêu thương Mẹ Maria như hiền mẫu của mình. Công Đồng đã dạy rằng: “Phần các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một Đức Tin chân thật. Đức Tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).[10]
Một trong những nhân đức cao quý của Mẹ là luôn thờ lạy Thiên Chúa và luôn xin vâng theo thánh ý của Ngài. Vì thế, đi đôi với sự tôn sùng Mẹ Maria, tín hữu luôn ý thức thờ lạy Thiên Chúa trên hết mọi sự, và thờ lạy Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất. Đó chính là nét đặc trưng của người Công Giáo: biết đón nhận Mẹ Maria, nhưng không vì thế mà lãng quên Thiên Chúa. Khi đón nhận Mẹ Maria, tín hữu ý thức đó là món quà vô giá mà chính Chúa Giê-su ban tặng. Thật tuyệt vời, khi tín hữu nhận ra rằng: Vì yêu thương nhân loại quá đỗi, nên Cha trên trời đã tặng ban Người Con Duy Nhất của Ngài cho nhân loại. Giờ đây, Người Con Duy Nhất yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh chính bản thân mình cho nhân loại, và ban tặng thêm một món quà cao quý là chính Mẹ của Ngài.
Vì thế, chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết luôn mở rộng cánh cửa nhà mình, cánh cửa tâm hồn mình, để như Gio-an đón Mẹ Maria vào, dọn cho Mẹ một chỗ xứng hợp. Có Chúa có Mẹ, thì đời sống tín hữu sẽ không bao giờ lẻ loi. Có Chúa có Mẹ, tín hữu sẽ tìm thấy được an bình và hạnh phúc đích thật. Có Chúa có Mẹ ở bên, tất cả mọi khổ đau của cuộc đời này sẽ không thể làm cho tín hữu đánh mất chính bản thân và cuộc sống của mình. Chữ cuối cùng của cuộc sống này sẽ không phải do thần chết viết lên, mà do chính Chúa và Mẹ viết lên. Chữ đó là chữ thương xót trao ban sức sống và đem lại sự sống vĩnh cửu.
Cuối cùng, hình ảnh của Mẹ ôm xác Chúa Giê-su vào lòng đã trở thành một bức tranh tràn đầy tình yêu thương, lòng thương xót của Mẹ. Ai bước vào đền thờ Thánh Phê-rô ở Rôma đều phải dừng bước trước bức tượng Pieta nổi tiếng của Michelangelo, để chiêm ngắm không chỉ những đường nét nghệ thuật tuyệt vời, mà còn khám phá được chiều sâu của lòng thương xót được tích tụ nơi người Mẹ cao quý. Với Kasper, việc Mẹ Maria ôm con đã chết vào lòng mình diễn tả trải nghiệm lớn nhất nhất về sự đau đớn mà Mẹ phải chịu. Nơi đây, Mẹ không chỉ đón nhận sứ điệp của các Mối Phúc, mà Mẹ – nữ tỳ của lòng thương xót, còn sống động các Mối Phúc đó. Mối Phúc của nghèo khó, Mối Phúc của đau buồn, Mối Phúc của bách hại, Mối Phúc của lòng thương xót (x.Mt 5,1-12).[11]
Một số đoạn Tin Mừng nhắc đến Mẹ Maria, từ nhiều thế kỷ, đã tìm thấy được một chỗ đặc biệt trong lòng của các tín hữu. Tinh thần đạo đức kính mến Mẹ Maria của các tín hữu là câu trả lời sống động cho vai trò của Mẹ, nữ tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng là tiếng vang lan toả khắp mọi nơi. Tinh thần kính mến Mẹ Maria và tiếng vang này tương hợp với chính lời của Mẹ đã thốt lên: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48b).
Một trong những điều quan trọng trong tín lý liên quan đến Đức Mẹ mà Công Đồng Ê-phê-sô (431) nhắc tới, là việc Mẹ Maria được diễn tả là “Người Mẹ sinh ra Thiên Chúa”. Ở đây, điều quan trọng là tính cách Ki-tô học được nêu bật, nghĩa là đụng tới câu hỏi mà thời đó đã tranh cãi, là Chúa Giê-su có phải là con Thiên Chúa hay không. Như thế, vai trò của Mẹ Maria đã luôn được nhắc tới trong sự liên hệ với với Chúa Ki-tô. Theo tinh thần nền tảng này, thì việc tôn kính Mẹ Maria tìm được cách thức đúng đắn nhất và hữu ích nhất.
Dựa trên tinh thần nền tảng này, mà nhiều lời cầu nguyện, các thánh thi và các bài thánh ca đã được các nhà đạo đức và thiêng liêng học viết ra để ca tụng tôn vinh Đức Mẹ. Các nghi thức Phụng Vụ là một chứng minh cụ thể. Vào năm 300, đã có một lời cầu nguyện tôn vinh Mẹ Maria, người Mẹ giàu lòng thương xót: “Lạy Mẹ rất thánh sinh ra Thiên Chúa, dưới bóng cánh và dưới sự chở che của Mẹ, chúng con xin chạy đến để ẩn náu”, và trong ý nghĩa nguyên thủy là: “Lạy Mẹ rất thánh sinh ra Thiên Chúa, chúng con xin ẩn náu dưới lòng thương xót của Mẹ”.[12]
Ngoài ra, một rong những lời cầu nguyện nổi bật nhất diễn tả lời kêu cầu xin lòng thương xót của Mẹ là bài hát Salve Regina – Kính chào Ðức Nữ Vương mà Giáo Hội đã đưa vào giờ kinh tối trong Kinh Phụng Vụ: Kính chào Ðức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống. Kính chào Lẽ Cậy Trông! Này con cháu E-và, thân phận người lưu lạc, chúng con ngửa trông Bà, kêu Bà mà khóc lóc, than thở với rên la, trong lũng đầy nước mắt. Bà là Nữ Trạng Sư, nguyện đưa mắt nhân từ, phía đoàn con đoái lại; và sau đời khổ ải, xin Bà khứng tỏ ra, cho đoàn con được thấy, quả phúc bởi lòng Bà: Ðức Giê-su khả ái. Ôi lượng cả khoan hồng, ôi tấm lòng xót thương, ôi dịu hiền nhân hậu, Trinh Nữ Maria.
Lời cầu nguyện này tính tới hôm nay đã 900 tuổi. Người thốt lên lời cầu nguyện này, có lẽ đã trải qua những kinh nghiệm thật khổ đau. Trong hoàn cảnh đau khổ đó, tín hữu này đã chạy đến với Mẹ Maria và kêu cầu cùng Mẹ giàu lòng thương xót. Tín hữu này là chân phước Hermann sống trong thế kỷ thứ 11. Từ khi 07 tuổi, Hermann đã sống trong tu viện trên đảo Reichenau, Bodensee, Đức Quốc. Đọc lịch sử về chân phước Hermann, chúng ta thấy rằng, ngay từ nhỏ, Hermann đã bị tàn tật, và nếu không có sự giúp đỡ của người khác thì không thể bước đi được. Các bạn đã gọi Hermann là thằng gù, bởi Hermann không thể đứng thẳng lên được. Trong hoàn cảnh bất hạnh này, Hermann đã đi tìm sự ủi an và sức mạnh trong cầu nguyện, và Thiên Chúa nhân hậu đã ban cho Hermann nhiều ơn lành. Trong những tài liệu về đời sống thiêng liêng mà Hermann để lại, có thể tìm thấy những lời cầu nguyện với Mẹ Maria của Hermann. Một trong những lời cầu nguyện đó là lời kinh Salve Regina.
Với lời kinh Salve Regina chúng ta cảm nhận rằng, như ngày xưa sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ trong biến cố truyền tin thế nào, chúng ta cũng kính chào Mẹ Maria như vậy: Kính chào Ðức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống. Kính chào Lẽ Cậy Trông! Lời chào này diễn tả khuôn mặt thật đẹp của Mẹ Maria. Mẹ vừa là Nữ Vương của chúng ta, vừa là người Mẹ giàu lòng thương xót, và chúng ta được phép cậy trông vào Mẹ, vì Mẹ luôn cầu bầu cho chúng ta, và với tấm lòng thương xót bao la, Mẹ luôn đưa lại cho cuộc sống chúng ta sự an ủi ngọt ngào, đặc biệt trong những khi chúng ta rơi vào trong thử thách, trong khổ đau và bất hạnh. Vì thế, trong hành trình lưu lạc trên dương thế này, chúng ta những người con của Evà cũ, được phép hướng nhìn và kêu cầu cùng Evà mới bất cứ lúc nào và như thế nào. Lời kêu cầu đó có là rên la, với nước mắt, thì Mẹ Maria đều lắng nghe và đoái nhìn tới. Thật vậy, đôi tai của Mẹ Maria luôn lắng nghe những lời kêu than của con cái khổ đau. Đôi mắt của Mẹ không bị mù tối trước những phận người bất hạnh đang lê bước và lưu lạc trên dương thế này. Mẹ Maria giàu lòng thương xót luôn hiện diện và bầu chữa cho chúng ta. Không chỉ dừng ở sự an ủi đó, Mẹ còn đưa chúng ta đến gặp Chúa Giê-su, quả phúc bởi lòng Mẹ, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót. Vì thế, cùng với chân phước Hermann, chúng ta được phép cao rao lời tung hô Mẹ: Ôi lượng cả khoan hồng, ôi tấm lòng xót thương, ôi dịu hiền nhân hậu. Trinh Nữ Maria.
Ngoài ra, trong thế kỷ thứ 12, Mẹ Maria còn được mọi người kêu cầu đến như là người Mẹ của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng chữa lành các người bệnh hoạn, nơi trú ẩn cho kẻ tội lỗi, niềm an ủi cho những người bất hạnh, và Đấng hằng Cứu Giúp các tín hữu. Thánh Irene thành Lyon trong thế kỷ thứ 2 đã gọi Mẹ Maria là Đấng tháo nút rối mà Evà cũ đã làm cho bị rối qua sự bất tuân Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ Maria đã trở thành chuyên gia tháo cởi những nút rối bời trong cuộc sống của các tín hữu, nút rối trong cuộc sống cá nhân, nút rối trong tương quan với người khác, và cả nút rối bởi tội lỗi và lầm lỡ đã gây ra. Có một hình ảnh khác gắn liền Mẹ Maria với tinh thần của lòng thương xót: Mẹ Maria với chiếc áo choàng của lòng thương xót. Nếu đi đến nước Đức và nước Áo, đặc biệt phía Nam nước Đức, chúng ta có thể tìm thấy trong một số nhà thờ Công Giáo cổ những tấm hình hay những bước tượng chạm trổ hoạc điêu khắc hình ảnh của Mẹ Maria với chiếc áo choàng thật lớn. Mẹ giang rộng áo choàng nhân ái để cho biết bao người tìm đến và trú ẩn. Trong tập sách Gotteslob – Ca ngợi Thiên Chúa, được sử dụng cho việc hát cộng đồng trong Thánh Lễ, trong tất cả các nhà thờ của Giáo Hội Công Giáo ở Đức, có một bài hát diễn tả hình ảnh này. Bài hát này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1640, ở Innsbruck, Áo Quốc, do một tác giả vô danh. Sau đó, bài hát này đã được các tín hữu ưa chuộng và lan rộng khắp nơi trong vùng nước Đức và Áo. Theo Kasper, bài hát này đã được các tín hữu hát lên thật sốt sắng trong chiến tranh thế giới thứ Hai ở Đức và Áo.[13]Một vài câu trong bài hát diễn tả sống động hình ảnh của Mẹ Maria với chiếc áo choàng của lòng thương xót:
Lạy Mẹ Maria, xin hãy giang rộng áo choàng, xin hãy là khiên che và thuẫn đỡ chúng con. Xin cho chúng con được trú ẩn an toàn dưới áo Mẹ, cho đến khi mọi gió bão qua đi. Lạy Đấng Bảo Trợ và tốt lành, xin chở che chúng con mãi mãi.
Ôi lạy Mẹ của lòng thương xót, xin hãy giang rộng áo choàng, trong mọi lúc và trước mọi hiểm nguy, xin gìn giữ chúng con trú ẩn dưới áo Mẹ. Lạy Đấng Bảo Trợ và tốt lành, xin chở che chúng con mãi mãi.[14]
Ngoài ra, hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất quen thuộc với tín hữu Công Giáo Việt Nam, cũng là một đặc trưng diễn tả lòng thương xót của Mẹ Maria. Vẫn nhớ thời ấu thơ, mẹ tôi luôn cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho gia đình và cho mỗi đứa con được bình an và được lớn lên trong sự chở che giúp đỡ của Mẹ Maria, Đấng hằng cứu giúp. Không ít người Công Giáo Việt Nam, khi gặp hiểm nguy, hay khi rơi vào trong những hoàn cảnh bất hạnh, đều ôm ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp vào lòng, và cầu xin Mẹ thương xót chở che, nâng đỡ, để vượt qua đại dương của cuộc đời với biết bao sóng to gió bão đang đe doạ mỗi ngày. Khi còn thanh niên, cùng với các bạn chúng tôi đi giúp một giáo điểm truyền giáo ở quê hương. Xung quanh ngôi thánh đường nhỏ bé thời đó là biết bao anh chị em lương giáo khác. Kế bên thánh đường là một cái ao nhỏ. Trước đây, vị linh mục đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này đã tìm thấy tấm hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được khắc bằng đá ở dưới một cái ao, và đã bị vỡ ra thành một số mảnh. Với tất cả lòng tôn kính Mẹ Maria, cha đã cùng anh chị em gắn lại tấm hình Đức Mẹ, và mọi tín hữu trong vùng đó tin rằng, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã và đang tiếp tục chở che mọi người trong giáo điểm, và bây giờ đã trở thành một giáo xứ.
Một mẫu hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nổi tiếng dịu dàng bế Chúa Giê-su hài đồng trên tay là mẫu hình thuộc trường phái nghệ thuật Đông Phương – Ikone. Mẫu hình nổi tiếng này thường được gọi là Wladimirskaja, được vẽ vào thế kỷ thứ 12, tại Konstantinopel. Hiện nay, tấm hình gốc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Wladimirskaja được giữ trong viện bảo tàng nghệ thuật Tretjakow – Mạc tư Khoa. Cũng có nhiều bức hình hoạ theo kiểu mẫu này đã được các nghệ nhân vẽ trong thời gian sau này ở nhiều nơi khác nhau.[15]
Tất cả những bài thánh ca, những lời cầu nguyện và các tác phẩm nghệ thuật diễn tả Mẹ Maria với lòng thương xót vô bờ, đã làm rung động biết bao nhiêu tâm hồn. Thánh tiến sĩ Ambrosius cũng đã nêu bật hình ảnh của Mẹ Maria là nguyên mẫu – nguyên bản (Typos) của Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II cũng đã nhắc đến điều này. Là người đầu tiên được cứu rỗi, Mẹ Maria thật là nguyên mẫu. Nghĩa là Mẹ là nguyên mẫu của mọi người được Thiên Chúa cứu rỗi. Là Mẹ của Đấng Cứu Thế, thì Mẹ cũng là Mẹ của tất cả mọi người được cứu rỗi.[16] Công Đồng Vaticanô II diễn tả như sau: “Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, s.62). Không chỉ dừng ở đó, Giáo Hội còn đi thêm một bước, khi xác tín rằng: “Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, s.62).
Trong niềm tin tưởng và với lòng tôn kính Mẹ Maria, người Nữ Tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, người Mẹ luôn hằng cứu giúp con cái của mình, các tín hữu luôn cầu xin với Mẹ Maria: “Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, bây giờ và trong giờ lâm tử”. Cũng xin Mẹ cho mỗi tín hữu luôn biết hướng nhìn lên Mẹ, nguyên mẫu của lòng thương xót, để cùng với Mẹ thực thi nền văn hoá của lòng thương xót trong đời sống thường ngày, ngay trong xã hội tục hoá này. Qua đó, vinh quang của Thiên Chúa và thánh ý của Ngài được thể hiện rõ rệt hơn nữa trên dương thế, thánh ý của vị Mục Tử đầy lòng thương xót luôn đi tìm ơn cứu rỗi cho đàn chiên của mình.
Mối Phúc về lòng thương xót là Mối Phúc nền tảng và quan trọng, vì Mối Phúc này đưa chúng ta về lại với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Ngài đã thương xót nhân loại chúng ta, đến nỗi đã ban Chúa Giê-su, người con duy nhất của Ngài cho chúng ta. Chính Chúa Giê-su đã thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa một cách sống động không chỉ trong lời giảng mà trong cả hành động của Ngài. Hành động của lòng thương xót đạt được cao điểm ở tại cây Thánh Giá. Chúa Giê-su cũng mời gọi mọi tín hữu, những người con tin tưởng vào Ngài ý thức sống tinh thần xót thương như Ngài đã sống. Ngài đã ban cho các tín hữu người Mẹ yêu dấu của Ngài, Mẹ Maria, Nữ Tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, để các tín hữu có thể chạy đến với Mẹ, và Mẹ sẽ dẫn họ đến với con của Mẹ là Chúa Giê-su. Ngoài ra, lòng thương xót mà Chúa Giê-su mời gọi các tín hữu sống không chỉ mang chiều kích cá nhân, mà còn mang chiều kích tập thể. Nghĩa là Giáo Hội của Chúa, là thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô cũng cần trở nên Giáo Hội của lòng thương xót. Có như thế, thì muôn muôn người trên thế giới này sẽ tìm thấy được ơn cứu rỗi, khi gặp được và chạm được chính Đấng là nguồn của lòng thương xót. Để tiếp tục phần suy niệm các Mối Phúc, xin được chuyển tiếp qua Mối Phúc kế tiếp về sự trong sạch của tâm hồn. Những tâm hồn biết thương xót luôn là những tâm hồn trong trắng tuân theo thánh ý của Thiên Chúa.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.203-205.
[2] SERTILLANGES A.D., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý OP. Chuyển ngữ, chương 7. Người thân yêu.
[3] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.
[4] Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà-lạt 1972, t.246.
[5] Chú thích Ga 19,25 của HURAULT B., trong Lời Chúa cho mọi người, Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, t.1862.
[6] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.
[7] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 3: Das dritte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Liebe.
[8] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.
[9] SCHNACKENBURG R., Das Johannesevangelium, III.Teil, t.325.
[10] Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II, t.249.
[11] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.206.
[12] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.208.
[13] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.210.
[14] X. Das katholische Gesangbuch Gotteslob, Katholische Bibelanstalt, Stuttgart 1975.
unter der Nummer 595.
[15] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.209.
[16] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.210-211.
>> Mục Lục