Thấm thoát năm Phụng vụ 2014-2015 đã mãn (đánh dấu bằng CN XXXIV/TN-B – Lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ, ngày 22/11/2015). Giáo hội chính thức bước vào năm Phụng vụ 2015-2016: NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT. Trong Năm Thánh Ngoại Thường này, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô mời gọi toàn thể Giáo hội: “Chúng ta cần phải liên tục chiêm niệm mầu nhiệm của Lòng Thương Xót”. (Tông thư Khuôn Mặt Xót Thương “Miseridordiae Vultus”, số 2).
Nói về vấn đề chiêm niệm, đa phần Ki-tô hữu thường cho rằng đó chỉ là việc của hàng giáo sĩ và những nhà thần học, giáo dân thì biết gì mà chiêm niệm. Sở dĩ có những ý nghĩ này, có lẽ một phần vì đây là từ ngữ Hán Việt (chiêm niệm: 佔 念) khó hiểu, mà trình độ văn hóa của giáo dân phần nhiều chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Còn một phần khác là do những người có đươc học qua các lớp thần học, huênh hoang “ra vẻ ta đây” để chứng tỏ mình là “thần học gia thứ xịn!” nên bất cứ chuyện gì có liên quan đến lãnh vực siêu nhiên (đọc và suy niệm Thánh Kinh chẳng hạn) là đưa ngay thần học ra hù: “Vấn đề này thuộc lãnh vực thần học, không thể bàn cãi được nếu chưa được học về thần học!” Vì thế, trước khi đi vào vấn đề chính (“Chiêm niệm Lòng Chúa Thương Xót”), xin được chia sẻ đôi điều về từ ngữ “chiêm niệm”:
I. CHIỆM NIỆM LÀ GÌ?
Theo từ nguyên thì “chiêm” chỉ có nghĩa là: nhìn, ngắm (chiêm ngắm, chiêm ngưỡng, quan chiêm); còn “niệm” là: nghĩ, nhớ (suy niệm, tâm niệm, hoài niệm). Vậy “chiêm niệm” đơn giản chỉ là “chiêm ngắm và suy niệm” (dùng mắt để nhìn ngắm và dùng óc để suy nghĩ). ĐTC Phan-xi-cô rất hay nói đến vấn đề chiêm niệm bằng cách nói thật đơn giản dễ hiểu: TrongTông thư Khuôn Mặt Xót Thương “Misericordiæ Vultus” (ban hành ngày 11/4/2015), khai mở “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót”, ĐTC đã viết: “Chúng ta cần phải liên tục chiêm niệm mầu nhiệm của Lòng Thương Xót. Đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an.” (số 2); “Lúc này, lúc khác chúng ta được mời gọi để dán mắt nhìn chăm chú hơn lòng thương xót để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta.” (số 3); “Với đôi mắt của chúng ta dán chặt vào Chúa Giê-su và ánh mắt xót thương của Ngài, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.” (số 8).
Như vậy là đã rõ “chiêm niệm” là “dán mắt vào” một hình ảnh để “cảm nghiệm được” ý nghĩa sâu xa trong đó. Sách Giáo Lý HTCG (từ số 2709 tới số 2719) cũng giải thich rất rõ về chiêm niệm:
* Số 2709: Chiêm niệm là gì? Thánh nữ Tê-rê-sa Cả cho biết: “Theo tôi, chiêm niệm chính là một cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn, thường chỉ là một mình đến với Thiên Chúa mà ta biết là Đấng yêu thương ta” (x. Vida 8).
* Số 2712: Chiêm niệm là kinh nguyện của con cái Thiên Chúa, của tội nhân đã được tha thứ nay sẵn sàng đón nhận tình yêu được ban tặng và mong đáp lại tình yêu đó bằng cách yêu mến nhiều hơn.
* Số 2713: Như thế, chiêm niệm là hình thức đơn sơ nhất của kinh nguyện. Chiêm niệm là một hồng ân, một món quà Thiên Chúa ban tặng; chúng ta chỉ có thể đón nhận với tâm tình của người khiêm tốn và nghèo khó. Chiêm niệm là một tương quan giao ước Thiên Chúa thiết lập nơi đáy lòng ta (Gr 31, 33). Chiêm niệm là hiệp thông: nhờ đó, Ba Ngôi Chí Thánh làm cho con người “mang hình ảnh Thiên Chúa” trở nên “giống Thiên Chúa”.
* Số 2714: Chiêm niệm là cao điểm của đời cầu nguyện. Trong chiêm niệm “Chúa Cha ban cho chúng ta được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi chúng ta được vững vàng; cho chúng ta, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; cho chúng ta được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức mến” ( x. Eph 3, 16-17) .
* Số 2715: Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su. Chiêm niệm là: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi” (thánh Gio-an Vi-a-nê).
* Số 2716: Chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là một thái độ thụ động, nhưng là thái độ vâng phục của người tin Chúa, sự đón nhận vô điều kiện của người tôi tớ, sự gắn bó yêu thương của người con.
* Số 2717: Chiêm niệm là thinh lặng, “biểu tượng của thế giới đang tới”, hay của “tình yêu thầm lặng”. Trong sự thinh lặng này, sự thinh lặng mà “kẻ hướng ngoại” không thể giữ nổi, Chúa Cha sẽ nói với ta Lời của Người: Ngôi Lời đã nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại; và Thần Khí nghĩa tử sẽ dạy ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su.
* Số 2718: Chiêm niệm cho ta hiệp nhất với Đức Ki-tô trong kinh nguyện theo mức độ cho chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người.
* Số 2719: Chiêm niệm là một hiệp thông tình yêu có sức đem lại sự sống thần linh cho nhiều người, nếu chúng ta chấp nhận bước đi trong đêm tối đức tin. Đức Ki-tô đã trải qua Đêm hấp hối và Đêm âm phủ để bước vào Đêm Phục Sinh. Đây là ba đỉnh cao của Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần chứ không phải “xác thịt yếu đuối” đã giúp Đức Giê-su sống Giờ ấy trong chiêm niệm. Chúng ta phải sẵn lòng thức một giờ với Người.
II. CHIÊM NIỆM CÁCH NÀO?
Trong 2 bài giảng (một trong Thánh lễ CN Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa ngày 11/01/2015 và một trong CN IV/TN-B ngày 01/02/2015), ĐTC Phan-xi-cô đã giảng dạy về Cầu Nguyện Chiêm Niệm: “Anh chị em cầm sách Phúc Âm lên, chọn lấy một đoạn, đọc đoạn ấy một lần, rồi hai lần; hãy mường tượng như thể anh chị em thấy những gì đang xẩy ra rồi chiêm ngắm Chúa Giê-su… Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giê-su như thế, tôi chiêm ngắm Chúa Giê-su như vậy, tôi mường tượng thấy Chúa Giê-su như thế. Và tôi nói với Chúa Giê-su bất cứ những gì tôi nghĩ tôi cần phải thưa cùng Người… Điều tôi đã thực hiện với bài Phúc Âm này đó là cầu nguyện một cách chiêm niệm, ở chỗ, cầm sách Phúc Âm lên, đọc và đặt mình vào cảnh tượng ấy, suy tưởng về những gì đang xẩy ra và nói với Chúa Giê-su những gì xuất phát từ tâm can của mình… Vậy anh chị em hãy cầu các kinh nguyện của anh chị em, hãy cầu kinh Mân Côi, hãy thưa chuyện với Chúa, nhưng cũng thực hiện cả việc cầu nguyện chiêm niệm này nữa bằng cách gắn ánh mắt vào Chúa Giê-su… Đời sống của Ki-tô hữu chúng ta diễn tiến trong bối cảnh giữa hồi niệm và niềm hy vọng.” (xc “ĐTC Phan-xi-cô – Cầu Nguyện Chiêm Niệm” – nguồn: Thanhlinh.net).
Từ đó có thể suy ra phương cách chiêm niệm theo 5 bước:
1. Biết ơn, Tạ ơn: Đặt trọng tâm vào Lòng Thương Xót của Chúa. Bày tỏ lòng biết ơn và dâng lời tạ on khi bắt đầu chiêm ngắm dung nhan Đức Giê-su Thiên Chúa – hiện thân của Lòng Thương Xót.
2- Suy niệm mầu nhiệm Lòng Thương Xót: Cầu nguyện xin Đức Thánh Linh soi sáng và ban ơn khôn ngoan, để thấu hiểu được vì sao Thiên Chúa Cha lại sai Người Con duy nhất xuống trần chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc nhân loại.
3- Nhìn lại mình để thấy được sự bất toàn của bản thân: Từ đó ăn năn sám hối, quyết tâm từ bỏ những lỗi lầm thiếu sót, sẵn sàng vác thánh giá mình theo Lời dạy của Đấng Cứu Độ mà bước theo Lòng Thương Xót.
4- “Mở lòng ra với Chúa – mở tim ra với đời”: Mở lòng ra đón nhận Lòng Thương Xót, đồng thời mở tim ra chia sẻ Lòng Thương Xót cho anh em, nhất là những anh em “đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội” (Tông thư “Misericordiæ Vultus”, số 15).
5- Canh tân đời sống: Canh tân đời sống thừa sai trong hành trình loan báo Tin Mừng bằng một đời sống “cầu nguyện chiêm niệm” đúng nghĩa.
III. CHIÊM NIỆM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT:
Thông qua Tông thư “Misericordiæ Vultus”, xin được hiệp ý với Đức Thánh Cha cùng CHIÊM NIỆM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT:
1- Chúa Giê-su Ki-tô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha: Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Ki-tô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giê-su thành Na-da-rét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài. Chúa Cha, “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4), sau khi đã mạc khải danh Ngài với Mô-sê như là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6), đã không ngừng thể hiện, bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản tính Thiên Chúa của Ngài. Vào “thời viên mãn” (Gl 4, 4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giê-su cũng là thấy Chúa Cha (x Ga 14, 9). Chúa Giê-su thành Na-da-rét, qua lời nói, hành động, và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. (Tông thư “MisericordiæVultus”, số 1).
2- Chúng ta cần phải liên tục chiêm niệm mầu nhiệm của lòng thương xót: Đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an. Ơn cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào đó. Lòng Thương Xót: là từ ngữ mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lòng Thương Xót: là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót: là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta. (Tông thư -nt- số 2).
3- Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo hội: Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu; không có gì trong lời rao giảng của Giáo hội và trong chứng tá của Giáo hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót. Chính sự khả tín của Giáo Hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn. Giáo hội “có một ước muốn bất tận để tỏ lòng thương xót.” Có lẽ chúng ta từ lâu đã lãng quên làm thế nào để chứng tỏ và sống theo cách xót thương. Một mặt sự cám dỗ tập trung vào công lý mà thôi làm cho chúng ta quên đó mới chỉ là bước đầu tiên, mặc dù cần thiết và không thể thiếu. Nhưng Giáo hội cần phải đi xa hơn và cố gắng vươn đến một mục tiêu cao hơn và quan trọng hơn. (Tông thư -nt- số 10).
4- Hãy có lòng xót thương như Chúa Cha: Chúng ta muốn sống Năm Thánh này, trong ánh sáng Lời Chúa: Hãy có lòng xót thương như Chúa Cha. Vị Thánh sử nhắc nhở chúng ta về giáo huấn của Chúa Giê-su, Đấng đã phán: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6, 36). Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giê-su hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài (x. Lc 6, 27). Để có khả năng thương xót, vì thế, trước tiên chúng ta phải đặt để chính mình trong việc lắng nghe Lời Chúa. Điều này có nghĩa là tái khám phá những giá trị của sự im lặng ngõ hầu suy gẫm Lời Chúa đến với chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và chấp nhận điều đó như lối sống của chúng ta. (Tông thư -nt- số 13).
5- Hành hương tiến bước hướng về đích điểm: Việc hành hương có một vị trí đặc biệt trong Năm Thánh, vì nó thể hiện cuộc hành trình mỗi chúng ta thực hiện trong cuộc sống này. Cuộc sống tự nó là một cuộc hành hương, và nhân loại là những người lữ hành, những khách hành hương đang tiến bước hướng về đích điểm mong muốn. (Tông thư -nt- số 14).
6- Trải nghiệm của việc mở lòng mình ra: Trong Năm Thánh này, chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: Chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế. Có biết bao những tình huống bấp bênh và đau đớn trên thế giới hiện nay! Cơ man nào là những vết thương mang trên thân xác của những người không có tiếng nói bởi vì tiếng kêu của họ bị bóp nghẹt và bị át đi bởi sự thờ ơ của kẻ giàu có! Trong suốt Năm Thánh này, Giáo Hội càng được mời gọi nhiều hơn để chữa lành những vết thương này, xoa dịu chúng với dầu an ủi, băng bó chúng với lòng thương xót và chữa lành chúng với tình liên đới và sự chăm sóc chu đáo. Chúng ta đừng rơi vào sự thờ ơ đáng ô nhục hoặc một thứ quán tính đơn điệu ngăn cản chúng ta khám phá những gì là mới mẻ! Hãy để chúng ta thoát khỏi sự hoài nghi thiếu xây dựng! Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ! (Tông thư -nt- số 15).
7- Đây là thời thuận tiện để thay đổi cuộc sống chúng ta! Đây là thời gian để cho con tim chúng ta rung động! Khi đối mặt với những hành động xấu xa, ngay cả khi đối mặt với những tội phạm nghiêm trọng, đó là thời gian để lắng nghe tiếng khóc của người dân vô tội đang bị tước đoạt tài sản của họ, nhân phẩm của họ, cảm xúc của họ, và thậm chí cuộc sống của họ. (Tông thư -nt- số 19).
8- Lý do ĐGH đưa ra Năm Thánh Ngoại Thường: Do đó, tôi đưa ra Năm Thánh Ngoại Thường này dành để sống trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta lòng thương xót mà Chúa Cha liên tục tuôn đổ trên tất cả chúng ta. Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy để Thiên Chúa làm ngạc nhiên chúng ta. Ngài không bao giờ mệt mỏi mở tung cửa tâm hồn Ngài và lặp đi lặp lại rằng, Ngài yêu thương chúng ta và muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với chúng ta. Giáo Hội cảm thấy nhu cầu cấp thiết để công bố lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuộc sống của Giáo Hội chỉ chân thật và đáng tin cậy một khi Giáo Hội trở thành một sứ giả thuyết phục của lòng thương xót. Giáo Hội biết rằng nghĩa vụ chính yếu của mình, đặc biệt là tại một thời điểm đầy hy vọng lớn lao xen lẫn với những dấu chỉ rất mâu thuẫn, là giới thiệu với mọi người mầu nhiệm cao cả của lòng thương xót Chúa bằng cách chiêm ngưỡng thiên nhan Chúa Ki-tô. Giáo hội được mời gọi trên tất cả mọi sự để trở thành một chứng nhân khả tín cho lòng thương xót, tuyên xưng và sống lòng thương xót ấy như là cốt lõi của mặc khải từ Chúa Giê-su Ki-tô. Từ trái tim của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ những chiều sâu thẳm của mầu nhiệm Thiên Chúa, con sông của lòng thương xót dâng cao và tràn ra không ngừng. Đó là một con suối sẽ không bao giờ khô cạn, bất kể có bao nhiêu người đến kín múc. Mỗi khi có người nào cần đến, thì người ấy có thể đến với con suối ấy, vì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không bao giờ ngừng. Sự sâu xa của mầu nhiệm chung quanh lòng thương xót ấy cũng bất tận như sự phong phú nảy sinh ra từ lòng thương xót này.
Trong Năm Thánh này, xin cho Giáo hội có thể vang vọng những lời của Chúa vang lên mạnh mẽ và rõ ràng như một thông điệp và một dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp, và tình yêu. Xin cho Giáo hội không bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng từ bi và sự ủi an. Xin cho Giáo hội trở thành tiếng nói của mỗi người nam nữ, và lặp lại cách tự tin không ngừng rằng: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu. Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25, 6). (Tông thư -nt- số 25).
KẾT LUẬN:
Tóm lại, muốn được Lòng Chúa Thương Xót và những ân sủng của Người, cần thực hiện ba điều sau: 1. Thỉnh Cầu Lòng Thương Xót; 2. Lần Chuỗi Lòng Thương Xót; 3. Tín Thác vào Lòng Thương Xót (Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives in Misericordia”, số 15). Tín thác có nghĩa là “tin tưởng và phó thác”, vậy thì người Ki-tô hữu khi đã TIN rằng Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, thì phải phó thác mình trong tay Chúa để CẬY nhờ vào Lòng Thương Xót đó; đồng thời phải hiểu rằng “Đức Tin hành động nhờ Đức Ái” (Gl 5, 6) mà biết thể hiện cụ thể đời sống chiêm niệm qua đức MẾN bằng cách đến với mọi người để chia sẻ Lòng Chúa Thương Xót.
Vâng, xin hãy “mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng từ bi và sự ủi an” cho anh em xa gần, nhất là những anh em “đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội”, đang gánh chịu “biết bao những tình huống bấp bênh và đau đớn trên thế giới hiện nay! Cơ man nào là những vết thương mang trên thân xác của những người không có tiếng nói bởi vì tiếng kêu của họ bị bóp nghẹt và bị át đi bởi sự thờ ơ của kẻ giàu có!” (Tông thư “Misericordiæ Vultus”, số 15). Đó không những là một khía cạnh của phương thức chiêm niệm, mà còn là một bổn phận, một trách vụ của người Ki-tô hữu trong Giáo hội, bởi vì “Giáo hội sống một cuộc sống đích thực khi Giáo hội tuyên xưng và rao truyền lòng thương xót – là các thuộc tính kỳ diệu nhất của Tạo Hoá và của Đấng Cứu Chuộc – cũng như khi Giáo hội đem mọi người đến gần với suối nguồn lòng thương xót của Đấng Cứu Thế, mà Giáo hội là người được ủy thác và phân phát.” (Tđ “Dives in Misericordia”, số 13).
Để có thể thì hành sứ vụ cách trọn vẹn, thì đừng quên chạy đến với Đức Trinh Vương Maria – Mẹ của Lòng Thương Xót, “Cầu xin sự dịu ngọt trên thánh nhan Mẹ dõi theo chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của lòng thương xót đã hóa thành nhục thể. Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài.” (Tông thư “Misericordiæ Vultus”, số 24).
Xin cùng hiệp dâng lời cầu nguyện:
“Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời, và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát.
Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc; đã giúp người đàn bà ngoại tình và Ma-đa-lê-na không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo; đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa, và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.
Xin cho chúng con biết lắng nghe, như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con, những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”
Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự: Xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối, để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: Xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa hãy gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng, để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chúng con nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót).
JM. Lam Thy ĐVD.