Triết gia J.P. Sartre đã khẳng định: “Tha nhân là hỏa ngục.” Dường như lời phát biểu này được thốt ra trên môi miệng của một người đang trong cơn bấn loạn và mất bình an. Ông đã phóng chiếu cái nhìn nội tâm lên ánh mắt của tha nhân để rồi ông chỉ nhận ra tha nhân coi mình như một sự vật chẳng hơn chẳng kém. Có thể nói, tư tưởng này phần nào đã dẫn lối cho những chủ trương sống phóng túng và bất cần sự hiện hữu của tha nhân.
Và như thế, tha nhân đang phải đối diện trong tình trạng dở sống dở chết chẳng làm tôi mủi lòng. Phải chăng lòng thương xót trong tôi đã chết?
Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao duy vật hưởng thụ, “chân lý bằng với chân giò”, “nhân phẩm chỉ ngang giá thực phẩm” thì đâu là bậc thang giá trị để định hướng con người thăng tiến? Gặp một người bị nạn giữa đường, tôi dừng lại và cúi xuống ra tay thi thố lòng thương xót, nào ngờ lại bị chính nạn nhân trở mặt cướp của giữa ban ngày, hay đứng trước một cuộc ẩu đả, người này vô tay, người khác lấy máy quay phim chụp hình, mặc cho nạn nhân bị đe dọa đến tính mạng… Đứng trước những tình cảnh bi đát đại loại như thế, Đức Phanxicô phải kêu gào nhân loại: Hãy tránh tình trạng toàn cầu hóa sự dửng dưng. Phải chăng lòng thương xót trong tôi đã chết?
Tôi đã rảo quanh trên khắp nẻo đường dương thế để tìm những tâm hồn có lòng thương xót. Tôi đã thấy một gã xe ôm gầy nhom đang chở một ả mua hương bán phấn trên đường X. Bỗng thình lình gặp một chàng thiếu niên bị tai nạn dọc đường, họ quyết định cứu giúp nạn nhân. Họ cho lên xe chở vào bệnh viện gần đó để cấp cứu. Vì máu ra quá nhiều, người phụ nữ này đã cởi áo mình ra để băng bó vết thương nạn nhân. Nàng đã cứu người bất chấp thân thể lõa lồ của mình. Đến bệnh viện, y tá nghi ngờ đây là một ca “có vấn đề”, cô chần chừ và e ngại. Một lát sau, cô đòi tiền tạm ứng để nhập viện, cả ông xe ôm và cô điếm móc tiền trong túi ra nhưng không đủ, buộc ông này phải đi cầm chiếc xe cũ kỹ tại một tiệm cầm đồ. Ông đã cứu người bất chấp sự an toàn là chiếc xe làm phương tiện nuôi sống bản thân và gia đình. Cả hai đang chờ tin tức mới thì được báo tin: Nạn nhân cần tiếp máu trực tiếp vì máu ra quá nhiều. Một lần nữa cả hai lại xung phong xét nghiệm máu để có thể cứu sống nạn nhân. Họ bất chấp mọi nguy hiểm bản thân để cứu sống người khác… Tôi đã tìm thấy lòng cảm thương giữa một xã hội đua chen đi tìm thú vui hưởng thụ. Phải chăng chỉ có những con người bị xã hội coi thường vì làm những việc tay chân thấp kém, hay bị xã hội sỉ nhục vì bán thân nuôi mình, những con người bị tổn thương ấy lại có một tấm lòng quảng đại? Họ là niềm hy vọng cho những người thiện chí vì họ đã bất chấp thân thể, bất chấp sự nguy hiểm bản thân để thực thi lòng thương xót.
Thật vậy, lòng thương xót là hoa trái của tình yêu mà Thiên Chúa đặt để trong lòng con người, không thể chết. Nó như một lớp than hồng đang tạm thời bị bao phủ bởi một lớp tro nào đó; lớp tro của nền văn hóa hưởng thụ, văn hóa sự chết hay một ý thức hệ nào đó…
Lòng thương xót là mầm thiện mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng người; nó chỉ chết khi nào con người không còn tồn tại trên thế gian này. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm cho mầm sống ấy đơm hoa kết trái trong cuộc đời để nỗi đau được vơi đi và niềm vui tăng trưởng mãi.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không? – để gió cuốn đi… Chúng ta cần để gió cuốn đi những lớp tro vị kỷ và để cho lòng thương xót như lớp than hồng sưởi ấm tấm lòng con người. Nhờ đó, sự lạnh lùng băng giá, sự thờ ơ lãnh đạm, toàn cầu hóa sự dửng dưng… không còn cản bước tiến của chúng ta trên đường hành thiện, thực thi lòng thương xót.
Nếu đã xác quyết: tư tưởng dẫn đến hành động, chúng ta sẽ không để cho tư tưởng: tha nhân là hỏa ngụctồn tại trong tâm trí mình. Mặc dù, có đôi khi nó là tiếng nói nội tâm của ta trong một quãng đời đen tối nào đó; nó cũng không được quyền làm ta ngã quỵ mà thỏa hiệp với những chủ trương thế tục. Con người sẽ sống ra sao nếu không còn lòng thương xót? Tha nhân không là hỏa ngục nhưng một thế giới vắng bóng lòng thương xót là hỏa ngục trần gian. Đúng thế, Tha nhân là nạn nhân đang chờ ta thi thố lòng xót thương.
Cục than hồng của lòng thương xót có thể sưởi ấm một con tim giá lạnh và thắp sáng một cõi lòng u mê. Nhưng nó cũng có thể làm tổn thương cho ai đụng chạm vào nó. Lòng thương xót khả dĩ chữa lành nhiều vết thương, đồng thời, có nguy cơ làm tổn thương hơn những tâm hồn tế nhị.
Lòng thương xót là quà tặng mà Thiên Chúa đã trao cho mỗi người, đòi buộc ta phải trao ban. Tuy nhiên, trao ban cách nào là cả một nghệ thuật nếu không, chúng ta dễ ảo tưởng mình là một kẻ trên cao có quyền ban phát: đó là lòng thương hại. Có thể nói, thi thố lòng thương xót là một nghệ thuật phát xuất từ con tim, nghĩa là nó không những đòi hỏi một thái độ thấu cảm mà còn phải hiểu lý lẽ của con tim mình mà đến với tha nhân; một người đã từng bị tổn thương dễ dàng tìm cách để băng bó những tấm lòng tan nát. Người ấy đáng được Chúa chúc phúc: Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist
Dòng Tên Việt Nam