Khi suy tư về sự chóng qua cuộc đời, nhà thơ Bùi Giáng đã thốt lên: “Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật. Thế cho nên tất bật đến bây giờ”? Khi nói lên điều cảm nhận trên đây, nhà thơ như một người mộng du tỉnh ngộ, nhận ra cuộc sống này thật ngắn ngủi và vô nghĩa, mà trước đó, ông lại tin rằng nó hoàn hảo và tồn tại vĩnh viễn.
Trong cơn lốc của cuộc sống hiện đại và trào lưu hưởng thụ hôm nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng “trần gian là cõi thật”, nên tìm mọi cách để làm giàu hoặc thăng tiến trong con đường danh vọng. Để đạt được tham vọng, họ dùng mọi thủ đoạn, kể cả loại trừ người khác. Khi không đạt được điều họ muốn, họ cay cú, tiêu cực, hằn học không yên. Nhưng nếu đạt được điều mơ ước, thì họ cũng chẳng thoả mãn, và tiếp tục tìm cách leo cao hơn trong bậc thang danh vọng bổng lộc. Tiền bạc bao nhiêu cũng chẳng đủ. Danh vọng cao mấy cũng chẳng vừa. Tham vọng đã làm cho họ tối mắt. Của cải làm họ quên hết bạn bè. Đến một lúc nào đó, giật mình nhìn lại bản thân, họ thấy rằng, những thứ mà họ say sưa tìm kiếm cuối cùng chỉ như đám mây buổi sáng, như đoá hoa phù dung. Thì ra bấy lâu nay, cữ ngỡ một khi mình đạt được những điều theo đuổi, thì sẽ hạnh phúc sung sướng. Giờ mới ngộ ra một điều, hạnh phúc đích thực lại không dựa trên những điều chóng qua ấy. Của cải không phải lúc nào cũng đem lại niềm vui. Danh vọng chẳng phải bao giờ cũng giúp ta hạnh phúc. Những tất bật đôn đáo ngược xuôi bấy lâu nay chỉ là cuộc đuổi hình bắt bóng vô nghĩa. Nhiều khi giàu có về của cải, mà ta lại nghèo nàn về tình người. Có khi đạt được đỉnh cao của danh vọng, nhưng nghiệt ngã trong trận chiến loại trừ nhau.
Trong Kinh Thánh Cựu ước, tác giả sách Giảng viên đã thốt lên: Mọi sự là phù vân (tức là mây bay), nay còn mai mất (x. Gv 1,2-8). Đây cũng là những suy tư đúc kết kinh nghiệm sau một đời lận đận gian nan chạy theo những danh vọng của cải trần thế. Tác giả kêu gọi, nếu nhận ra cuộc đời này là phù vân, thì hãy cậy dựa trên những gì là vĩnh cửu, để rồi cuối đời, chúng ta không ân hận, vì đã để thời gian trôi đi một cách uổng phí.
Trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người phú hộ để dạy chúng ta biết chọn lựa những giá trị sống lâu bền (x. Lc 12,16-21). Người phú hộ chuyên cần làm lụng, tích trữ được nhiều hoa lợi. Anh phá kho nhỏ, xây kho lớn. Anh là người có tầm nhìn xa, sau một thời gian vất vả làm lụng, tự cho phép mình được nghỉ ngơi và hưởng thụ. Nhưng, chính lúc anh nghĩ mình được nghỉ ngơi và hưởng thụ, thì đó cũng là ngày tận số của anh. Những gì anh vất vả làm lụng và tích trữ, giờ đây trở thành vô nghĩa trước một cái xác không hồn. Chúa Giêsu đã đưa ra kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Đây cũng là thông điệp mà Chúa Giêsu muốn gửi đến mọi người. Ai cũng hiểu “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” là tu thân tích đức, tạo một mối tương quan tốt lành với Chúa và với anh chị em, tức là mến Chúa và yêu người. Người phú hộ không có thời gian để làm lại cuộc đời. Anh ta giỏi về làm ăn, nhưng bị quở trách là đồ ngốc. Anh khôn trong suy tính cho cuộc đời hiện tại, nhưng lại dại trong cái nhìn về tương lai. Anh như người mộng du, đi mà không biết đi về đâu, tích trữ mà không biết để làm gì, để rồi anh phải đón nhận một kết cục cay đắng.
Tin Mừng cũng nói đến một tỉnh ngộ khác, đó là nhân vật người con thứ trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15). Khi rơi vào cảnh khốn cùng, anh đã dốc quyết trỗi dạy, trở về với cha mình. Anh chỉ tỉnh ngộ sau khi nếm trải bất hạnh và khổ đau, nhưng muộn còn hơn không. Người cha vẫn đợi chờ anh với tình thương vô bờ bến, và dang rộng vòng tay đón anh trở về. Anh chỉ muốn được như người ăn kẻ ở trong nhà, nhưng người cha vẫn dành cho anh vinh dự của người con, với tình thân thương trìu mến. Người cha trong dụ ngôn là hình ảnh Thiên Chúa. “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn cảm thấy mệt mỏi xin tha thứ. Những ai có can đảm để tiếp cận Chúa, sẽ tìm thấy niềm vui lễ hội nơi Thiên Chúa, vì Ngài luôn luôn chờ đợi và tha thứ” (Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện Thánh Marta, ngày 28-3-2016). Tỉnh ngộ đã giúp người con thứ tìm lại mái ấm gia đình và tình thương trời bể của người cha. Cánh cửa tương lai đã mở ra cho anh với biết bao hứa hẹn tốt lành.
Sinh ra làm người, mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời. Vì thế, mỗi người được đề nghị chọn cho mình một hướng đi. Đó là chọn lựa một lần cho tất cả. Chọn lựa này sẽ tác động ảnh hưởng trong suốt hành trình trần thế của chúng ta. Có người chọn cho mình lý tưởng ưu tiên là nghề nghiệp chức vụ; người khác lại chọn dấn thân phục vụ tha nhân. Chọn lựa nào cũng đáng tôn trọng, nhưng không được quên, mọi định hướng phải được xây nền trên lương tâm đạo đức và tình người. Sự thành đạt nhờ mưu mô mánh lới sẽ chẳng tồn tại lâu dài. Không có chọn lựa rõ ràng và dứt khoát, ta như bước đi trong vòng luẩn quẩn, đến khi tỉnh ngộ thì đã thấy mình đầu bạc, gối mỏi, muốn làm lại cuộc đời nhưng bất lực vì đã quá muộn màng.
Người tín hữu sống giữa cuộc đời chao đảo, giằng co bởi biết bao nhiêu toan tính, dễ bị chìm đắm trong những đam mê. Lời Chúa nhắc bảo chúng ta hãy tỉnh ngộ để nhận ra đâu là thánh ý Chúa để biết sống đẹp lòng Ngài. Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội để chúng ta tỉnh ngộ. Nhờ ơn Chúa, chúng ta thay đổi cuộc đời, trở nên con người mới. Cảm nhận tình Chúa yêu thương và cộng tác với Ngài làm cho lòng nhân ái lan rộng nơi trần thế. Nhận ra nơi những người anh chị em xung quanh hình ảnh của Chúa để cùng nhau cổ võ tình huynh đệ, đỡ nâng những ai bất hạnh khốn khó trong cuộc đời, đó chính là sự tỉnh ngộ Chúa mong chờ nơi mỗi chúng ta.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên