Yêu nhiều thì sẽ được tha nhiều. Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô hạn. Thánh Luca đã kể câu truyện người đàn bà tội lỗi dùng thuốc thơm bạch ngọc để xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau, Chúa Giêsu đã kết luận: Vì thế, tôi nói cho ông hay: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít (Lk 7, 47). Chúng ta có thể so sánh tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ học được rất nhiều bài học về tình yêu nơi con cái của chúng ta. Sự yêu thương chăm sóc, tha thứ và chịu đựng của cha mẹ là bảo chứng của tình yêu. Đôi khi con cái có ngỗ nghịch, lỗi phạm và quay mặt bỏ đi, cha mẹ luôn ở đó để ngóng chờ và mong mỏi sự hối lỗi trở về.
Có rất nhiều khi con cái đã gây nên lỗi lầm và gây phiền hà cho cha mẹ, nhưng trong tâm tư của các em chưa chắc đó là sự sai phạm, mà là một sự biểu tỏ cá tính biệt lập. Vì thế, sự chỉ dậy và hướng dẫn con cái phải rất tế nhị và kiên nhẫn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ rằng: “Tất cả chúng ta bồn chồn khi có vài điều không thể hiện theo đúng dự tính; chúng ta càm ràm, to tiếng, quát tháo và chúng ta không kiên nhẫn. Tuy nhiên, Chúa khuyên chúng ta: Vâng, phải bình tĩnh, con đã làm sai nhưng đừng lo lắng sợ hãi. Cha sẽ tha thứ. Hãy dâng tội của con cho Cha. Đây là điều chúng ta suy gẫm, khi lập lại lời Chúa trong Thánh Vịnh: Thiên Chúa đầy lòng thương xót và vĩ đại trong tình yêu. Chúng ta thật nhỏ bé. Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự. Ngài chỉ đòi hỏi sự sầu khổ, sự nhỏ nhen và tội lỗi của chúng ta, để rồi ôm ấp và chữa lành cho chúng ta.”
Chúng ta hãy học biết về lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội đã khởi sự Năm Thánh Lòng Thương Xót. Các Cửa Thánh nơi các Đền Thờ đã được mở. Nhiều nơi đã mở lễ, tổ chức rước sách với các nghi lễ rất long trọng và hoành tráng. Năm Thánh đã bắt đầu. Tất cả mọi thành phần dân Chúa đều có cơ hội nhận lãnh ân sủng của Chúa Kitô qua máng chuyển ơn của Giáo Hội. Lòng Thương Xót của Chúa thì vô bờ, nhưng ân sủng chỉ tuôn đổ vào những tâm hồn nào biết mở lòng chuẩn bị và đón nhận. Như những hạt mưa rơi trên ruộng đồng, nếu đất đai được cầy xới và phơi khô ải, đất sẽ đón nhận được nguồn nước đem lại sự phì nhiêu và cây cối sẽ sinh bông kết hạt thu hoặch tốt. Năm ân sủng đã mở, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Chúng ta được mời gọi thi hành theo những sự hướng dẫn của Giáo Hội: Ăn năn sám hối, cải thiện đời sống; cầu nguyện, đọc kinh suy niệm để tăng thêm đức tin, đức cậy và đức mến; thăm viếng các đền thờ thánh tích ở những nơi đã được chỉ định, làm việc bác ái giúp đỡ những người cùng khổ và chu toàn các điều kiện để lãnh nhận các ơn đại xá và tiểu xá.
Điều kiện tiên quyết để lãnh nhận ân sủng của Chúa là lòng sám hối và cải đổi đời sống theo tinh thần phúc âm. Chúng ta có thể làm được nhiều điều như: Tổ chức các sinh hoạt, hành hương kính viếng, đọc kinh lòng thương xót và làm nhiều việc tốt lành khác, nhưng nếu không sám hối tội lỗi và cải đổi đời sống, thì các việc làm của chúng ta vẫn chỉ là những hình thức bên ngoài. Chúng ta cần phải bước vào nội tâm. Trở về với chính lòng mình. Đừng chỉ ngón tay vào người khác, mà hãy tự xét mình và xưng thú lỗi lầm. Cũng đừng tìm lá bắt sâu nơi lỗi lầm của người khác. Nếu chưa mổ xẻ và phát hiện những dị chứng trong người, chúng ta chưa thể nào bắt mạch chữa lành. Người ta thường nói: Nước đổ lá khoai. Bao nhiêu nước có đổ xuống mảnh đất chai lì, thì nước cũng bị tiêu tán đi hết. Hãy chuẩn bị tâm hồn bằng cách sửa đổi, cắt tỉa và cầy xới tâm tư, điều này có thể bị đau đớn và mất mát nhưng nó sẽ giúp đâm chồi nẩy lộc các nhân đức tốt.
Điều kiện để nhận lãnh ơn lành của Chúa là chúng ta cần biết tình trạng hiện tại của tâm hồn mình và bắt đầu hối lỗi sửa đổi. Cần xét mình xem chúng ta đang sống trong bậc thang nào của đời sống đạo. Chúng ta có thể tự thỏa mãn với một số những sinh hoạt đạo đức thường xuyên như tụ họp cầu nguyện, đọc kinh, ca hát và chia sẻ lời Chúa. Nhưng chúng ta cũng phải tự vấn rằng tất cả những việc đạo đức đang làm đó có ý hướng tốt lành hay chỉ để trình diễn. Những tâm tình của chúng ta có thật sự là hành đạo vì lòng mến Chúa hay không? Có khi nào chúng ta lại so sánh, tranh đua hơn kém và khoe khoang để tỏ thái độ. Làm sao để các việc đạo đức sinh ích cho đời sống nội tâm tinh thần và có thể kéo lôi chúng ta đến gần Chúa mỗi ngày một hơn.
Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội ngàn vàng để chúng ta trở về với Chúa và với tha nhân. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Êphêsô đã nhắn nhủ: Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ (Eph 2, 4-5). Cho dù tình trạng tâm hồn có nguội lạnh, lạc xa và tội lỗi, chúng ta vẫn được mời gọi quay trở về với tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy có thái độ dứt khoát như người con trai hoang đàng: Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha (Lk 15, 18). Hầu như ai trong chúng ta cũng thích nghe câu truyện của người con hoang này, vì kết có hậu. Có một điều khó là chúng ta thường nghĩ mình hoàn toàn không giống người con hoang đàng và cũng không phải là người xấu xa tội lỗi gì. Nên thái độ của chúng ta trở thành dửng dưng. Nghĩ rằng, đó là câu truyện xưa dạy đời, chứ không liên can gì đến đời sống đạo của chúng ta. Đôi khi chúng ta vẫn ung dung tự tại nghĩ mình là người tốt lành và không cần phải sám hối chi cả.
Có thể đúng, chúng ta không làm điều gì quá xấu và cũng chẳng bỏ bê lề luật Chúa. Chúng ta chu toàn bổn phận người Kitô hữu: Dự lễ Chúa Nhật, giữ Mười Điều Răn, chăm lo chu toàn các điều răn của Hội Thánh và làm việc bác ái giúp đỡ tha nhân. Chúng ta đang đi trên con đường trọn lành. Tại sao Giáo Hội cứ phải nhắc nhở ăn năn sám hối tội lỗi và thay đổi đời sống? Có gì đâu để cần phải thay đổi chứ! Nghe cũng có lý! Nhưng tự xét lại mình, ai ai trong chúng ta cũng có chút sai lầm và lỗi phạm trong đời sống hằng ngày. Chuyện của thế gian mà, tội nào cũng phạm không nhiều thì ít. Chúng ta hãy dùng chút thời gian lắng đọng để xét mình về sự công bằng, bái ái, sự vu vạ cáo gian, giận hờn ghen ghét, nói hành nói xấu, thêm điều bịa chuyện, các tội thiếu sót trong việc bổn phận, các tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm…
Nói tóm lại, chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta cần đến lòng từ bi, thương xót và nhân hậu của Chúa để giải cứu và tha thứ. Chúng ta cần được tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi để được kết hợp với Thiên Chúa. Các ân huệ Người sẽ tuôn đổ và ban thêm cho. Xin Lòng Thương Xót của Chúa trở nên nguồn mạch sự bình an cho tâm hồn. Ước chi mỗi người chúng ta biết tìm ẩn náu nơi trái tim yêu dấu của Chúa. Yêu nhiều sẽ được tha nhiều.
Một thực hành trong đời sống đạo, biết rằng ai trong chúng ta cũng có những lúc vui, lúc buồn, khi sướng khi khổ và việc tốt việc xấu trong cuộc sống. Chúng ta hãy hiệp dâng lên Chúa tất cả những lời cầu xin, những việc làm và những sự khó mà chúng ta đang đối diện, để đền bù tội lỗi và cầu nguyện theo những ý hướng và tâm nguyện tốt. Mọi hành vi chúng ta sẽ mang một ý nghĩa mới và sự ủi an lớn cho tâm hồn. Có ơn Chúa bồi dưỡng và bổ sức, các thánh giá hằng ngày mà chúng ta phải mang vác sẽ trở nên nhẹ nhàng.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York