Sự hòa giải liên tục trong cuôc sống kitô, tự nó, đã thuộc trật tự bí tích rồi, bởi các cấu trúc giao ước trong nhiệm cuộc cứu độ mới. Trong nền tảng nó là bí tích và giáo hội trong nghĩa ơn thánh khiến cho kẻ có tội cảm nhận được sự hối lỗi đích thật đụng chạm tới con người như là chi thể của Giáo Hội hay đang tiến tới với Giáo Hội. Bởi vì Giáo Hội là bí tích triệt để, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự hòa giải, mà Thiên Chúa muốn ký kết với thế giới chấp nhận tất cả mọi sự dưới quyền của một thủ lãnh duy nhất là Chúa Kitô. Ngoài ra sự hòa giải cũng là bí tích, bởi vì sự hối lỗi chân thành có chiều kích chuyên biệt của bí tích sám hối. Thật thế, sự hối hận tạo ra tất cả một năng động mở ra trong thời gian theo một lộ trình dài ngắn ít nhiều và phức tạp tùy từng người và tùy các hoàn cảnh, lộ trình kết thúc với bí tích giải tội. Trong bối cảnh này bí tích giải tội là tột đỉnh của năng động hoán cải và hòa giải nội tâm và ngoại tại được sống một cách cụ thể trong cuộc sống thường ngày và nó được dự phóng như là việc cử hành của Chúa Giêsu Kitô nhờ ơn thánh của nó mà lộ trình hoán cải và hòa giải đã có thể thực hiện. Sự hòa giải bí tích bao gồm một con đường trước đó, có mục đích và nội dung là việc từ từ trở về với Thiên Chúa và với các anh chị em khác: sự hoán cải là việc thành toàn, là cực kết thúc con đường ấy.
Như thế, bí tích sám hối không phải là một cử chỉ đơn độc, mà được móc nối và điều kiện hóa bởi một lộ trình có thể được gọi là khai tâm cho sự sám hối, khai tâm cho việc hòa giải. Xét cho kỹ, bí tích sám hối tác động trên một nền tảng có tính cách bí tích và giáo hội, làm thành nền lõi cuộc sống chúng ta. Trong một nghĩa nào đó, nó đến để thánh hiến một cuộc sống sám hối và hòa giải thường hằng. Nói một cách khác, nó đến để thực hiện một sự hiện diện tích cực trên nền của một sự hiện diện bình thường, trong nghĩa bí tích sám hối giống như một điểm quy tụ, nơi người ta tập trung cuộc sống sám hối mọi ngày. Sự khác biệt giữa các dấu chỉ của mọi ngày và dấu chí bí tích đó là dấu chỉ bí tích đưa chúng ta tới chỗ xác nhận tuyệt đối sự chắc chắn chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Và điều này có nghĩa là bí tích sám hối cũng là một món quà mới: nó không chỉ có nghĩa là Thiên Chúa đã làm, mà cũng có nghĩa là nó đến trao ban cho chúng ta một cái gì mới từ phía Thiên Chúa, là Đấng qua bí tích sám hối hoàn thành việc hòa giải Người đã bắt đầu; hòa giải tội nhân với chính Thiên Chúa và với Giáo Hội, mà họ là chi thể. Đây là món qùa tuyệt đối mới mẻ, được thực hiện trong bí tích: món qùa mới, bởi vì nó là sự diễn tả cuối cùng của một cuộc gặp gỡ tiệm tiến giữa Thiên Chúa và con người, là dấu ấn đóng trên một sự hòa giải đã bắt đầu từ cả hai phía, trong dấu chỉ của sự thành toàn vĩnh viễn. Nó là một món qùa mới bởi vì nó là điểm tới của một lộ trình, mà vì chiều kích bí tích của nó ngay từ điểm khởi hành vì sự kiện các cấu trúc của giao ước, nó đã chỉ có thể hiện hữu trong việc hướng tới chính bí tích. Chính trong viễn tượng này mà chúng ta duyêt xét một cách ngắn gọn cấu trúc của bí tích sám hối.
Điểm thứ nhất, bí tích sám hối là việc Giáo Hội thời sự hóa lời cứu độ. Sách mới về bí tích sám hối khẳng định rằng: ”bí tích sám hối phải bắt đầu từ việc lắng nghe lời Chúa, bởi vi chính với lời Người Thiên Chúa mời gọi sám hối và đưa tới chỗ hoán cải con tim”. Việc thời sự hóa lời Chúa này của Giáo Hội giúp chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước: Người đã hướng tới con người trước, và đã cho nó chia sẻ ước muốn thiết lập một giao ước với nó; Người đã đưa ra sáng kiến hòa giải trước với thế giới tội lỗi. Người đã làm tất cả những gì có thể để cho con người trở về với Người, đến độ nó chỉ là bước cuối cùng hầu như tự nó mà đến: gắn bó trong đức tin với một tình yêu tha thứ. Chính lời Chúa khiến cho chúng ta ý thức được rằng mình là kẻ tội lỗi. Nó là mạc khải giúp chúng ta hiểu khía cạnh sâu xa của cuộc sống con người trong các chiều kích siêu nhiên đích thật của nó, và chính trong trường học này mà chúng ta có thể hiểu một cách thực sự ý nghĩa của tội lỗi và ơn tha thứ. Nhưng dưới ánh sáng lời Chúa điều đầu tiên mà người tội lỗi hiểu không phải là tội của mình, mà là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng lành, của tình thương xót; và trong mức độ, trong đó nó hiểu chương trình tình yêu của Thiên Chúa, nó cũng sẽ tìm ra hạt giống của tội lỗi, của sự hoán cải và hòa giải.
Chỉ có chiều sâu của tình yêu cho phép đo lường đươc chiều sâu của tội lỗi. Các tội sẽ không trầm trọng như vậy, nếu Thiên Chúa không là tình yêu. Nhưng thật kinh khủng là những kẻ tội lỗi đối với Đấng đã yêu thương chúng ta như vậy. Việc xét mình khi đó trở thành việc đọc hiểu cuộc sống chúng ta dưới ánh sáng của lời Chúa, và các niềm hy vọng lớn lao, mà tiếng gọi của Người mở ra cho chúng ta. Đây không phải là một thực hành tự tố cáo đổ lỗi và làm cho chúng ta trở thành cứng nhắc trong một lương tâm xấu, dẫn đưa tới chỗ hối hận như là một khép kín trong chính mình, nhưng trái lại nó là một việc đọc hiểu đưa chúng ta tới chỗ hối hận, đau đớn, nhưng hy vọng nơi tình yêu nhân từ xót thương của Thiên Chúa. Việc đọc hiểu trở lại cuộc sống dưới ánh sáng lời Chúa này đem theo một tư tưởng lạc quan và tích cực của việc cáo tội. Đây không phải là một tố cáo nặng nề các lỗi lầm, mà là một việc xưng thú được thực thi dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa, và nó bao gồm ba chiều kích: thừa nhận các tội lỗi đã phạm chống lại Thiên Chúa, chúc tụng Thiên Chúa và khẳng định đức tin.
Việc xưng tội trước hết là một hành động của một hối nhân: điều này diễn tả và thực hiện một cách hoàn toàn nhân bản sự hối hận linh hoạt họ. Khi diễn tả một cách không quanh co, sự hối hận đối với một lỗi lầm, chúng ta ý thức được một cách sâu xa hơn điều đã làm, và sự sám hối cũng sâu xa hơn. Trong lúc hối nhân xưng thú tội lỗi của mình với Thiên Chúa, họ không chỉ muốn thừa nhận các lỗi lầm của mình, nhưng cũng muốn được ơn tha thứ, bằng cách khẩn nài trong lòng của toàn thể Giáo Hội cùng với các anh chị em khác và dưới sự hướng dẫn của Chúa Kitô. Như thế việc tố cáo tội lỗi được thu nhận trong một cử chỉ đức tin và lời chúc tụng mà thánh vịnh 50 là một diễn tả kiểu mẫu. Tác giả thánh vịnh là vua Đavít thân thưa với Chúa: ”Lậy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy. Vâng con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai… Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm. Lậy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài. Xin ban cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, vá lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con… Lậy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ, xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính. Lậy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lậy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”.
Tín hữu tuyên xưng sự thánh thiện của Thiên Chúa và ý thức được rằng mình ở dưới mức mô thức thánh thiện là Thiên Chúa, Đấng mời gọi mọi người sống thánh thiện: ”Các ngươi phải thánh thiện vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Chúa Giêsu cũng lập lại giáo huấn này của sách Lêvi: ”Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Tín hữu tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng công chính, không trong nghĩa trả thù báo oán, nhưng trong nghĩa bẻ gãy nó và kết thúc với cuộc sống tội lỗi. Tín hữu tuyên xưng sự chắc chắn của tình yêu Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài: Chúa Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu, xưng tội và nói lớn tiếng lên rằng chúng ta tin nơi tình yêu thương xót ấy. Như vậy việc xưng thú tội lỗi là một cử chỉ phụng tự đích thực. Xưng thứ tội lỗi là loan báo sự thánh thiện, lòng thương xót, sự công thẳng của Thiên Chúa. Xưng thú có nghĩa là xưng ra các tội riêng của mình, tạ ơn, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa và lòng lành của Người. Cùng một từ diễn tả cùng một thực tại: xưng thú rằng mình là kẻ có tội có nghĩa là loan truyền rằng Thiên Chúa là thánh, là Đấng thương xót và công bằng.
Điểm thứ hai là sám hối, xá giải và lời cầu hữu hiệu của toàn thể Giáo Hội. Qua dấu chỉ của toàn thể cộng đoàn giáo hội Thiên Chúa ban ơn tha tội cho hối nhân đáp lại dấn thân sám hối, dấu chỉ sự hoán cải của họ. Sự can thiệp này qua trung gian Giáo Hội được biểu lộ ra bằng nhiều cách, nhưng đặc biệt là qua vị linh mục thừa thác đọc các lời hữu hiệu của việc tha tội. Công thức tha tội diễn tả sự tin tưởng nơi đức tin của Giáo Hội, thánh hiến và nâng cao sự sám hối của tội nhân, bằng cách làm cho họ tham dự vào công trình cứu chuộc được Giáo Hội tiếp tục. Chính Giáo Hội, qua vị thừa tác của mình đọc lên lời tha tội này như việc biểu lộ hữu hiệu tình yêu phục sinh của Thiên Chúa. Sự hữu hiệu của lời đó đến từ sự kiện các giám mục và linh mục đã có và đã đọc lên trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và trong Thần Khí của Người. Nhưng việc dùng quyền tha tội của các vị thừa tác phẩm trật không tách rời khỏi sự cộng tác của cộng đoàn.
Lời cầu nguyện của cộng đoàn được đức ái đồng hành chỉ là lời cầu nguyện và lòng bác ái của Chúa Kitô trên trời, được làm cho trở nên hữu hình và hiện diện cho một người xác định, trong một thời điểm xác định, tại một nơi xác định của lịch sử. Trong suốt lịch sử giao động và sinh động của bí tích sám hối chúng ta có thể kiểm thực sự can thiệp này của cộng đoàn cho người có tội. Giáo Hội hướng về Thiên Chúa để xin ơn tha thứ cho các anh em và con cái mình, nâng đỡ các hối nhân trong cố gắng hoán cải của họ, trợ giúp họ nhổ tận gốc rễ tội lỗi và các dấu vết của nó trong cuộc sống. Việc phục hồi hiện thực được trong đường hướng này như được trình bày trong sách bí tích sám hối mới rất là ý nghĩa. Như thế, sự hòa giải bí tích của tín hữu kitô tội lỗi là một cử chỉ của toàn thể cộng đoàn, chứ không phải chỉ là của giáo quyền. Sự can thiệp của vị thừa thác với và bên trong cộng đoàn khiến cho việc trung gian của Giáo Hội được rõ ràng hơn, và đưa nó tới sự hữu hiệu của bẩy bí tích.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1173)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV