Cho tới nay chúng ta đã tìm hiểu ba bí tích khai tâm kitô là Rửa Tội, Thánh Thể và Thêm Sức. Bí tích Rửa Tội khiến cho tín hữu được gia nhập Giáo Hội, trở thành con cái Thiên Chúa và chi thể mình mầu nhiệm Chúa Kitô, và là anh chị em với nhau trong đại gia đình của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể ban cho họ Mình và Máu Chúa Kitô là lương thực dưỡng nuôi, củng cố và thánh hóa cuộc sống của tín hữu. Bí tích Thêm Sức ban cho họ bẩy ơn của Chúa Thánh Thần giúp họ sống tin cậy mến, khôn ngoan, cẩn trọng, tiết độ, can đảm, mạnh mẽ và hiên ngang làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Sau đó khi tín hữu trưởng thành và chọn cuộc sống gia đình, thì bí tích Hôn Phối ban cho họ các ơn thánh cần thiết và phúc lành của Thiên Chúa để sống ơn gọi là chồng vợ và cha mẹ. Nhưng nếu họ chọn đời thánh hiến trong ơn gọi linh mục, thì bí tích Truyền Chức thánh khiến cho họ trở thành một thừa tác viên thay mặt Chúa Kitô chăn dắt, giảng dậy Tin Mừng và cử hành các bí tích để ban phát ơn thánh Chúa cho các anh chị em khác. Họ tiếp tục chức vụ mục tử của Chúa Kitô mục tử, và trở thành một Kitô khác để tiếp nối công trình tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô giữa xã hội loài người và trong lòng thế giới.
Hôm nay chúng ta tìm hiểu bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Người xưa thường dùng bốn từ để tóm tắt bốn chặng trong cuộc sống con người: sinh, lão, bệnh, tử. Con người sinh vào đời, lớn lên, già nua, bệnh tật rồi chết đi. Mà khi nói tới bệnh tật, khổ đau và cái chết là chúng ta bước vào trong một vấn đề hằng thách đố trí thông minh và khả năng suy tư của con người cũng như lòng tin của nó.
Lý trí con người coi khổ đau và cái chết là điều gây vấp phạm, bởi vì trong một thế giới tràn đầy trật tự, hài hòa và ý nghĩa, khổ đau và nhất và cái chết xảy ra như một yếu tố phá rối, ám chỉ sự thất bại thê thảm của con người. Và xem ra chúng không biện minh cho thái độ nào khác hơn là sự nổi loạn chống lại một cái gì phi lý, không thể hiểu được, hay là sự chịu trận và chấp nhận một định mệnh đối với cái hạn hẹp khômg thể vượt qua được của thân phận là người. Khổ đau, bệnh tật và cái chết lại càng gây khó chịu, khi khoa học xem ra đã bắt đầu vượt qua được mọi hàng rào của điều có thể hiểu biết được, hay ít nhất là người ta luôn luôn yêu sách hay có cảm tưởng và hy vọng là như vậy.
Thật ra, khi đứng trước vấn đề của bệnh tật, khổ đau và cái chết, cả đức tin cũng tìm thấy lý do để bị xáo trộn, bởi vì tất cả những điều này xem ra làm lu mờ hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng, nhân lành và là bạn của con người. Người công bằng trong các xét xử của Người và là Đấng không muốn làm cho con cái Người đau khổ, là Đấng yêu mến sự sống, chứ không yêu thương cái chết. Trường hợp các khổ đau của ông Giốp cho thấy cả đối với một tín hữu kiên trì xác tín, không chịu nghi ngờ lòng tin của mình, vấn đề đau khổ cũng gây ra khó khăn và cả sự nổi loạn nữa: Khó mà có thể đóng khung vào lược đồ cho rằng Thiên Chúa cho phép khổ đau và cái chết, và là Đấng cũng đã không giải thoát cho Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người khỏi cái chết: ”Lậy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
Tuy nhiên, chính kinh nghiệm của Chúa Kitô vén mở cho chúng ta thấy ý nghĩa của khổ đau và cái chết, bởi vì nơi Người các biến cố thê thảm này không chỉ trở thành dụng cụ cứu độ, mà cũng là sự thăng hoa các năng lực nội tại của con người và sự hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa. Đức Giêsu đã không muốn cứu rỗi chúng ta bằng cách ở bên ngoài tình trạng khổ đau của chúng ta, nhưng Người đã dìm mình trong đó, cho tới chỗ uống tới giọt cuối cùng của chén đắng khổ đau, để nói với chúng ta rằng, tuy là một hạn hẹp, khổ đau và cái chết không phải là một sự ”vô lý”. Đúng hơn chúng là hậu qủa của tội lỗi và của sự vô trật tự, đã do chính con người đưa vào lòng thế giới; nhưng con người có thể tự giải thoát khỏi tình trạng đó, theo gương của Đức Kitô và nhờ vào cái chết và sự phục sinh của Người.
Sau khi Đức Giêsu đã đi qua khổ đau và cái chết, đối với cả tín hữu khổ đau và cái chết không chỉ chiếm hữu được ý nghĩa thử thách và thanh tẩy, mà cũng là sự chắc chắn của chiến thắng trên tội lỗi, là lý do đã gây ra khổ đau và cái chết cũng như trên các hậu qủa tàn hại của chúng trên cuộc sống con người trên thế giới.
Chính trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu được một cách dễ dàng sinh hoạt chữa lành tật bệnh của Đức Giêsu, là Đấng chữa lành mọi thứ bệnh tật và cho cả kẻ chết sống lại. Và Người cũng đã ban quyền ấy cho các môn đệ Người, như thánh sử Mátthêu ghi lại trong chương 10. Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi rao giảng rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến, và Người nói: ”Các con hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma qủy. Các con đã được cho không, thì cũng phải cho không như vây” (Mt 10,8-9).
Quyền nói trên là sự khẳng định và minh chứng cho thấy Nước Thiên Chúa đã đang hoạt động trong lịch sử, bởi vì bệnh tật và cái chết đã bị thua, cả khi chỉ là một phần và như là việc diễn tả trước sự tái lập thời sau hết, khi ”sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
Trong khi chờ đợi, mặc dù còn phải ở trong các kìm kẹp của khổ đau và cái chết, kitô hữu vẫn biết trao ban cho chúng một ý nghĩa thanh tẩy khỏi tội lỗi, và tín thác nhiều hơn vào Chúa của mình, mà không để cho mình bị đánh ngã trong nội tâm, như thể là sắp bị nuốt trửng bởi vực sâu của hư vô. Mẫu gương của kitô hữu vẫn sẽ luôn luôn là Đức Kitô, Đấng ”phó thác nơi bàn tay của Thiên Chúa Cha” hơi thở và linh hồn của Người (Lc 23,46).
Điều này có nghĩa là chính trong những lúc khổ đau cam go nhất và trong nguy hiểm của cái chết, tín hữu không cảm thấy các chóng mặt của sự lạc lõng, và cả sự sợ hãi hay các chao đảo của đức tin, và vì thế chính lúc đó họ cần sự trợ giúp của toàn cộng đoàn dân Chúa: trợ giúp bằng tình yêu thương liên đới, bằng các lời khích lệ, ủi an, và bằng lời cầu nguyện cho người anh chị em khổ đau và đang chết.
Khi chú ý tới tình trạng này, chúng ta có thể hiểu một cách tốt đẹp hơn văn bản thư thánh Giacôbê, trong đó thánh nhân xin tín hữu không chỉ cầu nguyện cho người anh chị em đau yếu, mà còn chu toàn một lễ nghi đặc biệt là ”xức dầu, để trợ giúp người ấy trong các khó khăn thể lý và tinh thần của họ. Thánh Giacôbê viết trong chương 5: ”Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ầy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát, vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,13-16).
Ở đây tác giả phải kể lại một thực hành khá phổ biến trong Giáo Hội thời xa xưa, và vì thế ông không dài dòng miêu tả các chi tiết. Do đó chúng ta có thể không biết một vài chi tiết khác. Dầu sao đi nữa, chúng ta cũng có được một vài cử chỉ và lời cầu nguyện, được làm ”nhân danh Chúa” bởi các vị hữu trách cộng đoàn để trợ giúp người bệnh.
Việc xức dầu để chữa bệnh đã được nhắc tới trong các Phúc Âm. Kể lại việc Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai Tông Đồ, cứ hai người một, ra đi rao giảng Tin Mừng, chương 6 Phúc âm thánh Máccô ghi rằng: ”Các ông trừ được nhiều qủy, xức dầu cho nhiều người đau ốm, và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13).
Dĩ nhiên là chúng ta phải chú ý đến toàn bối cảnh: ở đây không phải chỉ có việc xức dầu là chữa khỏi bệnh, làm như thể nó là một thứ thuốc thần hiệu, nhưng nhất là còn có việc chấp nhận lời loan báo Tin Mừng cứu độ và lời cầu nguyện nữa. Trong viễn tượng kinh thánh, vật chất và tinh thần, khổ đau và tội lỗi trộn lẫn với nhau. Một lối sống buông thả vật dục chắc chắn sẽ tàn phá sức khỏe thân xác và sức khỏe tinh thần của con người và dẫn đưa tới các bệnh tật trên thân xác cũng như trong linh hồn. Vì thế theo gương Chúa Giêsu Kitô các tông đồ cũng săn sóc con người cụ thể có thân xác, tinh thần và linh hồn là ba thực thể cấu tạo nên con người: soma, psiche và pneuma. Nước Thiên Chúa phải trở thành thực tại trong tất cả mọi chiều kích cuộc sống con người, cả trong khổ đau nữa.
Việc xức dầu cho các bệnh nhân với dầu ô liu do các tông đồ thực hiện là một cư chỉ biểu tượng. Nó muốn diễn tả một loại chất liệu có khả năng làm êm dịu các đau đớn do bệnh tật gây ra trên thân xác, và đã ban ơn chữa lành chỉ do quyền năng mà Chúa Kitô đã ban cho các vị và do quyền năng của việc loan báo Tin Mừng cứu độ.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1134)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican