Tại Palestina nền văn minh của người Canaan đã đạt độ cao đáng chú ý. Ở đây từ Canaan ám chỉ tất cả các dân tộc sống trong đất Canaan như các thành phần chia sẻ cùng một nền văn minh. Trên bình diện chính trị họ thường sống trong các thành phố như các nước độc lập, có một vua cai trị. Các nền quân chủ này khác với các nền quân chủ của các cường quốc lớn, không có tính cách cha truyền con nối. Đôi khi như tại Sikhem chẳng hạn có các cơ cấu mà chúng ta có thể gọi là cộng hoà. Thành phố nằm trong tay của những “baal ha’ir – các ông chủ của thành phố”, là từ cũng được biết tới và sử dụng trong các vùng khác của thế giới Siropalestina. Các ông chủ này của thành phố cũng có thể cho họ một ông vua như trong trường hợp của ông Abimelek. Tại Arpad và Katikka hồi thế kỷ thứ VIII trước công nguyên có một hiệp ước giữa các phe tranh giành nhau cũng nhắc tới “các ông chủ của thành phố”. Đương nhiên nó là các trường hợp tương tự.
Trên bình diện tôn giáo, tôn giáo của người Canaan một cách nòng cốt là tôn giáo của các người sống về nông nghiệp, và việc tôn thờ các sức mạnh của thảo mộc và sự phong phú có tầm quan trọng rất lớn.
Nơi cử hành việc phụng tự không chỉ là đền thờ, nhưng cũng còn là “bama” là từ được dịch không đúng là “nơi cao”. Tuy cũng có trong tiếng Ugarít và Accadic, nhưng chắc hẳn từ này không có nguồn gốc Semít, nhưng phát xuất không biết có thể gắn liền với từ gốc rễ semít nào. Trong tiếng Ugarít nó có nghĩa là “cái lưng” của một con vật; trong tiếng Accadic nó có cùng nghĩa lưng của một con vật, nhưng cũng có thể ám chỉ đỉnh ngọn núi. Trong tiếng Do thái từ “bama” ám chỉ”cái lưng”, “các nơi cao của trái đất” trong nghĩa chung, các “làn sóng” của biển cũng như của mây. Vì vậy từ “bama” gợi ý tưởng liên quan tới cái gì nổi bật hay kéo dài ra, nhưng không nhất thiết phải là để trên nơi cao. Thật ra, các di tích khảo cổ cho thấy các “bamốt” này ám chỉ cái gì: đó là các nền được đắp lên làm nơi thờ tự. Di tích ở thành phố Megiddo cao một mét tám hơn mặt đất, và có từ ngàn năm thứ III trước công nguyên.
Tuy nhiên, có đúng thật là các “bamốt” có thể được xây dựng ở bất cứ đâu, cả bên trong một thành phố, nhưng nói chung người Semít có thói quen xây chúng trên các đỉnh đồi. Lý do của việc lựa chọn này liên quan tới sự kiện tâm thức semít coi các núi cao là nơi các thần linh trú ngụ. Cả những người Semít cũng nghĩ rằng các thần linh sống trên các tinh tú, hay trên trời, vì thế họ tìm chọn các nơi cao để cử hành các việc phụng tự để ở gần thần linh hơn. Và chính ước muốn được gần gũi hơn với các thần linh và cung cấp cho các thần một nơi thích hợp ở dưới đất mà các dân tộc Medopotamie xây các tháp “ziqqurat”, là các đền thờ tôn kính các thần. Tại các nơi không có núi cao thì người ta tìm thay thế nó với các tháp cao thi đua với chiều cao của núi. Đây là các tháp “Ziqqurat” như còn thấy bên Iraq ngày nay, hay các tháp thờ tự cao của các thổ dân châu Mỹ Latinh như dân Inca hay Maya.
Vào thời vua Salomon, nhà vua có nhiều vợ người ngoại giáo trong đó có công chúa con Pharao Ai Cập, và nhiều hầu thiếp, tất cả lên đến 1.000. Vì nể các thê thiếp đông như thế, nên nhà vua để cho họ xây các nơi thờ tự để cúng bái các thần linh của họ. Và càng về già nhà vua càng chiều lòng các thê thiếp, cũng cúng bái các thần linh ấy. Chương 11 sách các Vua I cho biết như sau: “Vua Sa-lô-môn yêu nhiều người đàn bà ngoại bang; ngoài ái nữ của Pha-ra-ô, còn có các bà thuộc dân Mô-áp, Am-mon, Ê-đôm, Xi-đôn, Khết, những dân mà Giavê đã truyền cho con cái Ít-ra-en là “các ngươi không được đi lại với chúng, và chúng cũng chẳng được đi lại với các ngươi; vì chắc chắn chúng sẽ làm cho lòng các ngươi ngả theo các thần của chúng.” Nhưng vua Sa-lô-môn thì lại mê những người đàn bà ấy; vua có bảy trăm bà vợ chính thức và ba trăm cung phi. Và các bà ấy làm cho lòng vua ra hư hỏng. Quả vậy, khi vua Sa-lô-môn về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả theo các thần ngoại; lòng vua không còn chung thủy với Giavê Thiên Chúa của vua, như lòng phụ vương Đa-vít nữa. Vua Sa-lô-môn đi theo nữ thần Át-tô-rét của dân Xi-đôn, theo thần Min-côm ghê tởm của dân Am-mon. Như thế, vua Sa-lô-môn làm điều dữ trái mắt Giavê, chứ không theo Giavê trọn vẹn như phụ vương Đa-vít. Bấy giờ vua Sa-lô-môn xây trên núi đối diện với Giê-ru-sa-lem một nơi cao cho thần Cơ-mốt ghê tởm của dân Mô-áp, cho thần Mô-léc ghê tởm của con cái Am-mon. Vua làm như thế với tất cả các bà vợ ngoại đạo của vua; họ đốt hương và sát tế kính các thần của họ.
Giavê nổi giận với vua Sa-lô-môn, vì lòng vua rời xa Giavê, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều Giavê đã truyền. Giavê phán với vua Sa-lô-môn: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi. Tuy nhiên, vì thân phụ ngươi, Ta sẽ không làm điều đó trong đời ngươi, nhưng sẽ giựt vương quốc khỏi tay con của ngươi. Hơn nữa, vì nể Đa-vít tôi tớ Ta, và vì Giê-ru-sa-lem, thành đô Ta đã chọn, Ta sẽ không giựt lấy cả vương quốc, nhưng sẽ để lại cho con của ngươi một chi tộc.” (1 V 1-13).
Hai dụng cụ đặt trưng nhất của việc phụng tự canaan là “masseba” và “ashera”. Masseba là cột đá dựng đứng trên bama, nền đất cao, nơi cử hành việc phụng tự. Nó là một loại bia đá biểu tượng cho sự hiện diện của thần linh. Có lẽ nó cũng là dấu chỉ ma thuật cột buộc thần linh với trái đất. Nó là “nhà của thần” betile. Từ này bắt nguồn từ tiếng do thái “Bet-el” có nghĩa là “nhà của Thiên Chúa” “nơi ở của Thiên Chúa” và từ đó có nghĩa là đá thánh thiêng, bia đá thánh, vì biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi cũng ám chỉ chính Thiên Chúa.
Các người du mục A rập sát tế thú vật và đổ máu vật sát tế vào đường mương đào chung quanh bia đá thánh. Đàng khác “masseba” không chỉ là bia đá thánh hay hòn đá thánh, mà còn có thể là dấu chỉ nhắc nhớ một biến cố đặc biệt, và vì thế nó cũng được dùng để nhắc nhớ một người chết. Khi đó nó là một loại bia mộ.
Nếu một đàng các sử dụng bia đá “masseba” có thể thích hợp với Do thái giáo, thì cũng có thể hiểu tại sao các ngôn sứ lại lên án chúng. Lý do vì thật quá dễ dàng đánh đổi bia đá hay hòn đá dấu chỉ, kỷ niệm nhắc nhớ, với hình ảnh của chính Thiên Chúa. Cả khi hình ảnh của Thiên Chúa đã không được diễn tả ra trong một hình thái nhất định.
Bên cạnh “masseba” còn có “ashera”. Như “masseba” là biểu tượng cho thần nam, “‘ashera” biểu tượng cho thần nữ. “Ashera” được biểu tượng bằng một cột gỗ, có lẽ là một thân cây, được trồng xuống đất sau khi đã được trui cứng trong lửa. Đôi khi “ashera” cũng có thể là một cây còn sống. Ngoài ra các cây cũng đã được dân Canaan coi như là nơi ở của các thần linh.
Như thế tôn giáo canaan được định hướng một cách nòng cốt trong việc tôn thờ hai thần linh, một thần nam và một thần nữ, Baal và Astarte. Đây là tôn giáo của các nông dân và cố gắng ma thuật của con người hướng tới chỗ phát triển tất cả các sức mạnh sinh sôi nẩy nở của thiên nhiên. Trong tinh thần tu đức này tục điếm thánh đã đặc biệt được phát triển. Giống như việc đổ một chút nước nơi có các hột chà là và một cành lá chà là cầu chúc có mưa hay làm cho mưa rơi, cử chỉ giao hợp với một nữ điếm thần cũng cầu mong, hay hơn thế nữa, còn gây ra sự phong phú của đất đai và súc vật một cách nhiệm mầu.
Bên cạnh các “bamốt” hay các nền được đắp cao lên làm nơi thờ tự, cũng cần nhắc tới các nơi thu hút hay diễn tả sự hiện diện của thần linh là vài cây mọc riêng rẽ: trong sách các Thủ Lãnh người ta có nhắc tới “cây sồi bói toán”.
Bên cạnh việc phụng tự cử hành ngoài trời, thế giới canaan cũng biết tới phụng tự trong đền thờ nữa. Còn hơn thế nữa, đây chắc hẳn là điều phát xuất từ các nền văn minh định cư cổ xưa nhất. Có đúng thật là các dân tộc gốc Semít ban đầu là các người du mục. Họ đã chỉ biết tới đền thờ, khi sống cuộc sống định cư và sống trong các thành thị. Người Do thái đã kháng cự lại ý tưởng xây một nhà cho Thiên Chúa, là Đấng không sống trên trái đất, nhưng sau cùng họ đã nhượng bộ khuynh hướng chung của môi trường họ vào sinh sống, bằng cách thanh tẩy nó và thích nghị nó với các đòi hỏi của tư tưởng tôn giáo độc thần của mình.
Đền thờ được quan niệm như là nhà của Thiên Chúa và không có các tên gọi riêng biệt, nhưng được chỉ định với chính các từ dùng để ám chỉ dinh thự của nhà vua, và được xây dựng giống như dinh vua, đến độ các nhà khảo cổ không luôn luôn đồng ý liên quan tới việc sử dụng của các dinh thự mà họ khám phá ra: không biết đó là dinh vua hay là đền thờ của Thiên Chúa.
TL 06
Linh Tiến Khải
Đài Vatican