Khi duyệt xét các dân tộc sống trong đất Canaan trước khi dân Do thái xâm lăng vùng đất này, chúng ta thấy Thánh Kinh đã nhắc tới các dân tộc Amorrei, Híttít hay Etei, Giêbusei, Hevei và Ferezei. Tuy nhiên, bên Thánh Địa còn có vài dân tộc khác sống bên lề đất Canaan nữa. Đó là các dân tộc Amalecít, Moabít, Madianít, Edomít và nhóm quan trọng nhất là người Philitinh. Các dân tộc này sống ngay bên cạnh đất Canaan, và thỉnh thoảng vẫn xâm lấn đất đai qua các cuộc tấn công cướp bóc chớp nhoáng, và họ áp đặt việc triều cống cho các vùng nằm dưới sự kiểm soát của họ.
Trước hết là người Amalecít. Họ là một dân tộc du mục và di chuyển tại miền nam trong vùng tây bắc bán đảo Sinai, và đã được truyền thống cổ xưa nhất của Thánh Kinh nhắc tới. Chẳng hạn chương 14 sách Sáng Thế kể lại rằng: “ Thời Am-ra-phen làm vua Sin-a, A-ri-ốc làm vua En-la-xa, Cơ-đo-la-ô-me làm vua Ê-lam và Tít-an làm vua Gô-gim, các vua này đánh nhau với Be-ra vua Xơ-đôm, Bia-sa vua Gô-mô-ra, Sin-áp vua Át-ma, Sem-ê-ve vua Xơ-vô-gim, và vua thành Be-la, tức là thành Xô-a. Tất cả các vua vừa nói tập trung về thung lũng Xít-đim, tức là Biển Muối… Sau khi đánh chiếm vài nơi “họ quay lại, đến Ên Mít-pát, tức là Ca-đê, và tàn phá toàn thể lãnh thổ người A-ma-lếch và cả người E-mô-ri lập cư ở Khát-xôn Ta-ma.” (St 15,1-3.7). Vua Đavít cũng đánh nhau với người Amalecít. Sách Sử Biên Một chương 4 cho biết họ sống tại núi Seir. Rõ ràng vùng hoạt động của họ là miền nam trong sa mạc Negheb, là nơi họ phát xuất để cướp phá các dân tộc khác.
Một nhóm người Amalecít xem ra đã len lỏi vào đất Canaan theo tin của sách các Thủ Lãnh, như viết trong chương 12: “ Sau ông Ê-lôn, thì có ông Áp-đôn, con ông Hi-lên, người Pia-a-thôn, làm thủ lãnh Ít-ra-en. Ông có bốn mươi con trai và ba mươi cháu trai, cỡi bảy mươi con lừa. Ông làm thủ lãnh Ít-ra-en tám năm. Rồi ông Áp-đôn, con ông Hi-lên, người Pia-a-thôn, qua đời và được chôn cất tại Pia-a-thôn, trong đất Ép-ra-im, trên núi của người A-ma-lếch.” (Tl 12,13-15).
Nhóm dân thứ hai sống bên lề đất Canaan là người Moabít. Họ là dân tộc đã định cư trong vùng đông Biển Chết. Đây là vùng đã thấy nở hoa một nền văn mình lớn ngay từ ngàn năm thứ III trước công nguyên, nhưng sau đó ngưng lại một cách bất thình lình. Vùng này là đất của các mộ đá có cổng gọi là “dolmen” và cột đá cao gọi là “menhir”, nơi sinh sống của người Refaim nổi tiếng. Vào thế kỷ XIII trước công nguyên họ đã là một vương quốc có tổ chức, khi tiếp xúc với dân Israel từ miền nam tiến lên đang tìm cách vào miền Đất Hứa. Từ bia đá Mesa chúng ta có thể trực tiếp biết được tiếng nói của họ. Nó rất giống tiếng Do thái, bởi sự kiện tiếng Do thái không là gì hơn là tiếng nói của vùng này, và người Do thái thay đổi nó từ môi trường canaan.
Chúng ta có vài tin tức liên quan tới người Moabít. Vị thần của họ là Kemosh, cũng còn được gọi một cách tôn kính là Baal Peor. Họ cũng có một thần mẹ là nữ thần Astarte. Và họ sát tế người cho các thần. Trong đất của người Moabít cũng rất thịnh hành tục mại dâm thánh, hay mại dâm của đền thờ, hoặc mại dâm tôn giáo. Nó là lễ nghi giao hợp tính dục hay một hoạt động thuộc loại kích dục được thực hiện bên trong các nơi thờ tự trong khung cảnh phụng tự, nhằm cầu khẩn và thúc giục các thần linh ban sự phong phú cho các đoàn súc vật, cho các cánh đồng và cho con người và xã hội nói chung. Thói quen mại dâm thánh này được rất nhiều dân đông phương thực hành, bên cạnh các cuộc hôn nhân thánh. Nhiều học giả thích nói tới “tính dục thánh”, ám chỉ vài hình thức ma thuật tính dục, được thực hành bởi các dân tộc Babilonia, Phênêxi, và các dân tộc vùng Assiria, cũng như Hy Lạp và Sicilia bên Italia.
Từ hy lạp “hierodulos hay hierodule” ám chỉ một phụ nữ xưa kia là nô lệ được giải phóng tự do, và tận hiến cho một vị thần và tuỳ thuộc cơ cấu tổ chức của một đền thờ. Lý do chính làm nảy sinh ra tục mại dâm thánh là tích tụ năng lực sự sống: trong đền thờ thầy tư tế và nhiều khi chính tín hữu giao hợp với một nữ tư tế trong lễ nghi ca tụng nữ thần Tình yêu là Ishtar, Afrodite hay một vị thần tình yêu khác, thế nào để tạo dễ dàng cho sự phong phú của nữ giới của cộng đoàn, và một cách gián tiếp cũng liên quan tới sự thịnh vượng kinh tế của xã hội, súc vật thảo mộc và thiên nhiên đồng nội. Rất thường khi các thiếu nữ trẻ còn trinh của các gia đình danh giá hay cả các nữ nô lệ hoặc nữ tư tế là các tác nhân chính của các lễ nghi mại dâm thánh này, và trong đa số trường hợp họ giao hợp với những người hoàn toàn xa lạ. Hôn nhân thánh biểu tượng cho sự kết hiệp của nhân tính với thiên tính của con người với thần linh.
Tục mại dâm thánh cũng được nhắc tới trong Thánh Kinh. Chương 23 sách Đệ Nhị Luật cấm con cái Israel không được làm điếm thần và viết: “Con gái Ít-ra-en không được làm điếm thần, con trai Ít-ra-en không được làm điếm thần. Anh (em) không được đưa vào nhà Giavê tiền công của một con điếm hay tiền lương của một thằng điếm để làm lễ vật khấn hứa, vì cả hai đều ghê tởm đối với Giavê, Thiên Chúa của anh (em).” (Đnl 23,18-19).
Ngoại trừ tên của thần nam là thần Baal, tôn giáo của người Moabít không khác tôn giáo của môi trường Canaan. Trái lại, toàn nền văn hoá của họ một cách nòng cốt là canaan.
Nhóm dân thứ ba là người Madianít. Họ sống tại miền nam Palestina trong vùng duyên hải mạn đông vịnh Aqaba. Nhưng cũng có rất nhiều người trong họ sống như dân du mục trong các thảo nguyên bán đảo Sinai. Ông Môshê đã ở ẩn giữa họ sau khi trốn khỏi Ai Cập. Nền văn minh của họ chắc đã phải cao hơn nền văn minh của các nhóm dân du mục khác. Vài người trong họ sống về nghề buôn bán với các đoàn lạc đà chở hàng hoá. Chính một đoàn thương gia Madianít đã mua ông Giuse và đem ông sáng Ai Cập bán cho quan Potifar, như kể trong chương 37 sách Sáng Thế. Những ai trong họ có cuộc sống định cư, thì sống về nghề khai thác đồng thau. Đã có các nhóm Madianít lên cho tới vùng đất của người Moabít và người Edomít. Sau khi bị Thủ Lãnh Gedeon đánh bại, họ biến mất khỏi lịch sử Do thái. Người Qenít là một tộc do thái đã có vai trò quan trọng trong lịch sử sau này của Do thái giáo, qua nhánh của người Recabít, cũng đã thuộc nhóm Madianít.
Chương 8 sách các Thủ Lãnh kể lại vụ ông Gedeon giao tranh và đánh bại người Madianít như sau: “ De-vác và Xan-mun-na lúc ấy đang ở Các-co cùng với đạo quân của họ, chừng mười lăm ngàn người, đó là số còn lại trong toàn bộ doanh trại con cái Phương Đông. Vì mười hai ngàn mạng biết tuốt gươm đã gục ngã. Ông Ghít-ôn tiến lên theo con đường của dân du mục, ở phía đông Nô-vác và Gióc-bô-ha, và đã tấn công trại khi trại cứ tưởng là an toàn. De-vác và Xan-mun-na chạy trốn, nhưng ông đã đuổi kịp và bắt được cả hai vua Ma-đi-an là De-vác và Xan-mun-na, gây khiếp đảm cho toàn bộ doanh trại… Ông Ghít-ôn đứng lên hạ sát De-vác và Xan-mun-na, rồi tháo lấy những chiếc vòng đeo cổ các con lạc đà của chúng…. Ma-đi-an bị hạ nhục trước mặt con cái Ít-ra-en; chúng không còn ngẩng đầu lên được nữa. Dưới thời ông Ghít-ôn, lãnh thổ được bình an bốn mươi năm.”
Nhóm dân thứ bốn sống bên lề đất Palestina là ngưòi Edomít. Họ sống trong vùng Seir, nơi họ đã huỷ diệt các dân tộc Hurrít sống tại đây trước họ. Có lẽ họ đã mượn tên của vị vua họ gọi là Alluf từ các người sống trước họ. Nơi người Edomít quyền bính không phải kiểu cha truyền con nối. Vị lãnh đạo cuối cùng của họ đã nhận tước hiệu vua Edom từ Pharao, nhưng bị vua Đavít lật đổ sau đó.
Nhóm cuối cùng quan trọng, mạnh và nguy hiểm nhất mà dân Do thái tiếp xúc là người Philitinh. Họ thuộc nhóm dân đến từ biển, và trong thế kỷ thứ XIII đã đảo lộn toàn thế giới vùng Trung Đông. Họ tiến xuống miền nam dọc bờ biển Siria và thử xâm lăng Ai Cập, nhưng bị Pharao Ramses III đẩy lui. Quê hương gốc của họ chắc hẳn là đảo Creta hay đảo Chypre. Sau khi thua trận, hiển nhiên là vì Pharao bất lực không thể đuổi theo họ cho tới quá biên giới Ai Cập, người Philitinh dừng chân tại vùng duyên hải Palestina, sau này cũng còn gọi là Pentapoli. Tại đây họ hoà nhập một cách nhanh chóng với dân Canaan. Các vị thần của họ có tên gọi Semít như Dagon, và Baal Zebul. Năm thành phố lớn chính của họ là Gaza, Ashdod, Ascalon, Gat, và Eqron. Theo Thánh Kinh các thủ lãnh của họ được gọi là “sơranim”, là từ đã được đối chiếu với từ hy lạp “tuyrannoi”. Họ là kẻ thù không đội trời chung của người Do thái, trong nghĩa họ hướng tới chỗ len lỏi vào thung lũng Yizreel. Đây cũng là đất người Do thái đã từng từ trên núi tràn xuống và đã chiếm đóng.
Vào thế kỷ XI người Philitinh đánh bại người Do thái tại Eben ha Ezer, họ chiếm lấy Hòm Bia và tàn phá thành Siro. Họ đã đánh bại vua Saul trong trận đánh kinh hoàng trên núi Gelboe. Nhưng sức mạnh của họ đã bị vua Đavít bẻ gẫy, như kể trong sách Samuel I và Samuel II. Ngay từ khí còn là một thiếu niên, Đavít đã giết được Goliát khiến cho đạo binh Philitinh phải tan tác, và bị vua Saul đánh giết. Sau này khi được xức dầu phong vương, vua Đavít đã đánh chiếm Giêrusalem của người Giêbusei và liên tiếp chiến thắng quân Philitinh, như kể trong chương 5 sách Samuel II.
Còn trước đó dưới thời Thủ Lãnh Samson quân Philitinh đã phải khốn đốn vì các mưu mẹo của ông như kể trong chương 15.
TL 05
Linh Tiến Khải
Đài Vatican