Dọc dài các thế kỷ, các nhà chú giải kinh thánh, các nhà phê bình, các thi sĩ, các nhà thần bí và các văn sĩ đã nghiên cứu văn bản của sách Diễm Ca và đọc hiểu nó theo nhiều viễn tượng khác nhau, cho nó một giải thích, nhận diện ra kết cấu của nó và hiểu các ý tưởng của tác giả, nhưng rất tiếc là họ đã không bao giờ thành công. Họ đã nhận diện và đưa ra nhiều giải thích khác nhau, cả các giải thích trái nghịch nhau nữa. Theo học giả Vincenzo Maggiore trong số các kiểu giải thích quan trọng nhất phải kể đến các mô thức: phúng dụ allegorico, duy tự nhiên naturalistica, sát chữ letterale, thơ phú poetico, mô thức đặc thù tipico, mô thức biểu tượng simbolico, mô thức trộn lẫn misto vv.
Từ allegoria phát xuất từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là đọc khác, tức trao ban một chià khoá đọc hiểu khác cho một cái gì đó liên quan tới ý nghĩa có thể nhận thức ra ngay lập tức. Qua nghĩa chữ cuả các từ người ta cố ý diễn tả một nội dung cô lập và khác biệt, thường có tính cách trừu tượng và lý tưởng. Việc giải thích phúng dụ đã được sử dụng lần đầu tiên bởi người do thái từ khi họ trở về từ Babilonia, chắc hẳn khi sách Diễm Ca được soạn thảo hay được tái soạn thảo lần cuối cùng; và điều này chứng minh sự hiện diện của nhiều kiểu nói aramei và các từ hiếm và sau này trong văn bản. Rất có thể trong tay của tác giả sau thời lưu đầy sách Diễm Ca ban đầu được nảy sinh như là sưu tập các bài ca đám cưới, đã trở thành một kiểu để thực hiện các lời hứa trong việc tái thiết, đồng thời xuất hiện như một miêu tả rạng ngời điều Giavê dành cho dân Ngài, và nhận lại họ như người vợ trở lại với người chồng hợp pháp. Vì thế sách đã được đọc, minh giải, và in ấn như là bài ca đám cưới giữa Giavê và dân Israel, và như thế bắt đầu con đường của việc giải thích phúng dụ xa xôi bóng bẩy, không được bỏ đi nữa và từ đó phải tiếp nhận ý nghĩa cao cả và đầy đủ nhất.
Do đó, ngày nay không thể phủ nhận một ý nghĩa phúng dụ cho sách Diễm Ca, bởi vì đó đã là ý hướng của soạn giả cuối cùng hay người in ấn. Như vậy sách Diễm Ca là một bản văn thánh thiêng và được linh hứng. Nó đã luôn luôn thuộc các văn bản thánh, và đã không có ai nghi ngờ về điều này. Năm 90 sau công nguyên các người Do thái trí thức nhóm công nghị tại Jamnia để xác định Danh Sách các tác phẩm kinh thánh, và để quyết định đâu là các văn bản phải được coi là Thánh Kinh. Rabbi Aqiba được coi như học giả lớn nhất nghiên cứu các văn bản kinh thánh, trình bầy giải thích thiêng liêng của ông về sách Diễm Ca cho thấy rằng đây là Thánh Kinh và khẳng định: “Toàn thế giới không đáng với một ngày trong đó sách Diễm Ca đã được ban cho dân Israel… Tất cả các sách là thánh, nhưng sách Diễm Ca là “Thánh của các Thánh”, nghĩa là thánh nhất. Vì thế, sách Diễm Ca thuộc danh sách các tác phẩm Thánh Kinh Do thái, và việc giải thích phúng dụ allegorico được định nghĩa như là giải thích duy nhất có thể chấp nhận được, trái với giải thích theo chữ.
Việc giải thích này sẽ mang các đường nét rõ ràng hơn trong các sách chú giải Talmud thuộc các thế kỷ thứ VII-VIII sau công nguyên. Người ta đi tới chỗ xây dựng một truyền thống đọc sách Diễm Ca như miêu tả các lúc cụ thể của lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Truyền thống do thái và các nhà nghiên cứu tân thời vẫn còn coi nó như một phúng dụ tương quan giữa Thiên Chúa và dân Israel và tương quan của dân Israel với Thiên Chúa, được diễn tả như tương quan chồng vợ. Thế rồi cũng có một giải thích Midrash, theo đó sách Diễm Ca đúng là một midrash, nghĩa là một tái soạn thảo trình thuật tương quan giữa người nam và người nữ được miêu tả trong chương 2 sách Sáng Thế là Adam và Evà.
Mô thức giải thích thứ hai là mô thức phúng dụ kitô. Trong thời hậu lưu đầy sách Diễm Ca có nhiệm vụ trao ban cho những người Do thái hồi hương và mất tin tưởng xác tín về tình yêu không thay đổi của Giavê đối với họ. Trong môi trường kitô tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Đức Kitô Giêsu sẽ là trung tâm của khoa chú giải kitô, mặc dầu phu thê sẽ có thể được nhận ra có khi nơi Giáo Hội, nơi nhân loại, nơi Đức Trinh Nữ Maria, hay cả nơi linh hồn tín hữu. Trong cùng đường hướng với Do thái giáo cả truyền thống kitô cũng đã tiếp nhận sách Diễm Ca vào Danh sách các tác phẩm kinh thánh, qua sắc lệnh Damasi công bố năm 380, và soạn thảo một giải thích phúng dụ kitô. Cha đẻ của kiểu giải thích này là giáo phụ Origene. Vì Chúa Thánh Thần là Đấng linh hứng một sách thánh, nên sách Diễm Ca cử hành tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô với linh hồn con người. Trong Thánh Kinh Tân Ước không có các lời trích hiển nhiên sách Diễm Ca, và có ít nhà chú giải xác tín về điều này nhấn mạnh các văn bản Phúc Âm liên quan tới biểu tượng hôn nhân Mt 9,15, hay phúng dụ Chúa Kitô – Giáo Hội trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô chương 5,21-23, hay đề tài đám cưới Chiên Con trong sách Khải Huyền. Trong truyền thống kitô sách Diễm Ca đã được coi như phúng dụ theo nhiều khiá cạnh khác nhau: Chúa Kitô-Giáo Hội, Thiên Chúa- Đức Maria, Chúa Kitô và linh hồn tín hữu theo thánh Gioan Thánh Giá và thánh nữ Terexa thành Avila.
Thứ ba là mô thức giải thích theo chữ. Mô thức giải thích theo chữ dừng lại một cách đơn sơ ở điều văn bản nói lên, và vì thế không chấp nhận các phúng dụ hay các hình thức giải thích khác, bởi vì tất cả những gì được viết ra trong văn bản được hiểu theo sát nghĩa chữ, và không cần gì khác. Giải thích theo chữ hay giải thích tự nhiên coi sách Diễm Ca như một miêu tả tương quan hôn nhân nam nữ, bằng cách hiểu văn bản như sáng tác bao gồm nhiều thánh thi được hát trong các đám cưới. Người ta cũng đã giả thiết một kiểu đọc hiểu trong chià khoá khiêu dâm, nhưng xa lạ với bối cảnh hôn nhân.
Kiểu giải thích thứ tư là mô thức duy tự nhiên. Cũng có những người đã đưa ra một giải thích duy tự nhiên, theo đó sách Diễm Ca là một sưu tập các bài ca tình yêu được dùng trong các đám cưới. Vì thế nó được chia thành nhiều phần như các ngày trong tuần, trong đó nó sẽ được sử dụng. Giải thích này được yểm trợ bởi sự kiện trong sách Diễm Ca có các lúc khác nhau, trong đó hôn thê ca tụng vẻ đẹp của hôn phu và ngược lại. Cả trong nước Siria cổ trong các lễ mừng đám cưới khác nhau có việc miêu tả hôn phu và hôn thê gọi là “wasf” vẫn còn được dùng ngày nay.
Mô thức giải thích thứ năm là kiểu giải thích thơ phú poetico. Kiểu giải thích thơ phú hay trữ tình đọc hiểu sách Diễm Ca theo một quan điểm sát chữ và nhân chủng học hơn. Kiểu đọc hiểu này rất mới đây và những người chủ trương nó định nghĩa thơ trữ tình là văn thể của sách Diễm Ca. Ưu điểm lớn của kiểu giải thích này là tiếp cận với văn bản, mà không có các giả thiết liên quan tới cấu trúc, bằng cách xem xét nó một cách chăm chú trong hình thái hiện nay của nó, mà không cần đọc nó giữa các hàng điều nó không diễn tả, và không sắp xếp lại cũng không thêm thắt gì cả. Tình yêu mà người ta tường thuật trong sách Diễm Ca vì thế là tình yêu giữa một người nam và một người nữ, hơn là giữa dân được tuyển chọn và Thiên Chúa. Như thế kiểu đọc hiểu này từ bỏ tiếp cận thiêng liêng hay tượng hình của các mô thức giải thích khác. Các tác giả theo mô thức thơ văn trữ tình so sánh sách Diễm Ca với các văn bản thơ văn cổ khác nói về tình yêu trong vùng Trung Đông Cổ, và nhất là với thơ văn tình yêu Ai Cập, trong đó họ tìm ra nhiều song song rất gống nhau. Kiểu giải thích này ngày nay là kiểu giải thích được đa số các nhà nghiên cứu chấp nhận.
Thứ sáu là mô thức đặc thù tipico. Khởi hành một cách trực tiếp từ một sự kiện nhân bản, mà cũng có thể quy chiếu lịch sử để minh nhiên một thực tại thuộc trật tự cao hơn, một cách chính xác như là của một dụ ngôn. Ở đây có lẽ tác giả trực tiếp miêu tả một biến cố hôn nhân để ám chỉ trong đó tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, dân Chúa, Giáo Hội hay đơn sơ là tín hữu.
Thứ bẩy là mô thức biểu tượng. Nó dựa trên trực giác của một sứ điệp qua việc đọc hiểu các biểu tượng. Nó khởi hành từ một sự kiện có thật trong kiểu diễn tả hoàn toàn và tổng thể, từ đó các ý nghĩa và giá trị vang vọng trong các thực tại siêu việt được nâng cao lên tới Thiên Chúa. Chẳng hạn từ kinh nghiệm tình yêu nhân loại lên sự toàn thiện của tình yêu Thiên Chúa.
Thứ tám là mô thức hỗn hợp. Đây là kiểu giải thích ưu thắng được đa số các nhà nghiên cứu và chú giải công giáo chấp nhận. Nó coi sách Diễm Ca như việc miêu tả tình yêu giữa một người nam và một người nữ, hay giữa Thiên Chúa và con người. Theo kiểu giải thích ưu thắng này các bài thơ chứa đựng trong sách Diễm Ca nguyên thuỷ là các bài ca tình yêu có lẽ được chỉ định cho một lễ cưới do thái, trong đó người ta ca tụng tình yêu hôn nhân. Thiên Chúa một cách tuyệt đối là suối nguồn của mọi sinh linh. Nhưng nguyên lý tạo dựng mọi vật này – Ngôi Lời, Lý do nguyên thuỷ – đồng thời cũng là một Người Yêu với tất cả sự đam mê của một tình yêu đích thật.
Trong cách thế này tình dục được cao thượng hoá tột độ, nhưng đồng thời cũng được thanh tẩy để tan chảy với Tình yêu bác ái chia sẻ Agape. Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng việc tiếp nhận sách Diễm Ca vào trong danh sách các tác phẩm kinh thánh đã mau chóng được giải thích trong nghĩa các bài ca tình yêu này, nói cho cùng, miêu tả tương quan của Thiên Chúa với con người và của con người với Thiên Chúa. Như thế, trong nền văn chương kitô cũng như trong nền văn chương do thái, sách Diễm Ca đã trở thành một suối nguồn của sự hiểu biết và kinh nghiệm thần bí, diễn tả nòng cốt đức tin kinh thánh: đó là có một sự hiệp nhất của con người với Thiên Chúa – là giấc mơ nguyên thuỷ của con người – nhưng sự kết hiệp ấy không phải là một tan hoà cùng nhau, một chìm sâu trong đại dương vô danh của Thiên Chúa. Nhưng nó là sự kết hiệp tạo ra tình yêu trong đó cả hai – Thiên Chúa và con người – vẫn là chính mình, nhưng trở thành một thực tại duy nhất một cách tràn đầy.
Đây là sự kết hợp thần bí được nhiều vị thánh trải nghiệm, trong đó có thánh nữ Têrêxa thành Avila. Thánh Gioan Thánh Giá đã viết tác phẩm “Lên núi Camelô” và giải thích sách Diễm Ca trong chiều hướng thần bí này. Đó là tình yêu kết hơp thần bí giữa Thiên Chúa và linh hồn con người.
DC 15
Linh Tiến Khải