Từ hơn hai năm qua chúng ta đã tìm hiểu các bí tích như phương thế Thiên Chúa và Giáo Hội dùng để ban các ơn thánh cần thiết cho cuộc sống Kitô.
Đối với các bạn đã không theo dõi nục Thần Học Kinh Thánh bắt đầu từ tháng 4 năm 1991, chúng tôi xin mạn phép tóm tắt lộ trình tìm hiểu. Chúng ta đã bắt đầu với các vấn đề khổ đau, tội lỗi, sự dữ và các hậu qủa tiêu cực của chúng trong cuộc sống con người, trong đó có cái chết.
Tiếp đến chúng ta đã trả lời câu hỏi ai là Đấng cứu thoát chúng ta khỏi tình trạng sống khốn khổ và tuyệt vọng này, bằng cách tìm hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi sự dữ và cái chết, và trao ban cuộc sống mới cho con người. Để thực hiện chương trình cứu độ đó Thiên Chúa Cha đã cho Con Một Người là Đức Giêsu Kitô nhập thể làm người, chịu khổ nạn, chết, sống lại và lên Trời. Đức Giêsu Kitô đã rao giảng Tin Mừng cứu rỗi, tuyển chọn các cộng sự viên là các Tông Đồ và các môn đệ và thành lập Giáo Hội để các vị tiếp tục công trình cứu độ. Chúng ta đã tìm hiểu bản chất, sứ mệnh và gương mặt của Giáo Hội và các bí tích như các phương thế trao ban các ơn thánh cần thiết cho cuộc sống đức tin, đức cậy và đức mến của tín hữu.
Ngoài các bí tích ra, còn có nhiều phương thế khác giúp Kitô hữu củng cố và vun trồng cuộc sống của mình. Bên cạnh việc siêng năng kiên trì đọc suy gẫm lời Chúa là Thánh Kinh và lãnh nhận các Bí tích, còn có một phương thế hữu hiệu khác là cầu nguyện. Đây là đề tài chúng ta sẽ cùng nhau khai triển trong loạt bài mới này.
Khi nói tới cầu nguyện, chúng ta thường đồng hóa cầu nguyện với việc xin ơn này ơn nọ, mà quên rằng cầu nguyện là ý niệm rất rộng rãi bao gồm nhiều hành động và nội dung khác nhau như chúng ta sẽ thấy. Trước hết chúng ta tìm hiểu việc cầu nguyện trong Thánh Kinh.
Thánh Kinh ghi lại nhiều lời cầu nguyện và kể lại nhiều chuyện liên quan tới việc cầu nguyện của con người, cũng như dậy cầu nguyện. Tất cả những điều này đều bình thường và là phần trong kinh nghiệm tôn giáo của mọi dân tộc. Sự độc đáo của lời cầu nguyện kinh thánh không ở nơi lời cầu nguyện, nhưng trong việc cầu nguyện ”như thế nào” và ”tại sao” lại cầu nguyện.
Có thể nói rằng toàn Thánh Kinh nảy sinh từ lời cầu nguyện, hoa trái của thái độ lắng nghe Thiên Chúa: con người trả lời Thiên Chúa, thảo luận với Người và suy tư trước mặt Thiên Chúa. Hơn là nói về Thiên Chúa Thánh Kinh nói chuyên với Thiên Chúa và suy tư trước mặt Thiên Chúa. Lời cầu nguyện xuyên qua toàn lịch sử của dân Israel và nổi lên tại mọi điểm của trình thuật kinh thánh cựu ước. Điều này cũng có giá trị đối với Thánh Kinh Tân Ước. Vì thế tìm hiểu đề tài cầu nguyện có nghĩa là lần theo lộ trình của toàn sách Thánh Kinh. Và hiển nhiên đây là điều không thể làm được trong khuôn khổ hạn hẹp ở đây. Vì thế những gì trình bầy trong phần đầu ở đây chỉ có tính cách chấm phá vội vàng, nhưng không hời hợt, và dầu sao đi nữa cũng tạm đủ để làm nền cho phần hai có tính cách tổng hợp, trong đó có thể nhận ra các cấu trúc thường hằng chính của lời cầu nguyện. Ngoài ra, việc đọc sách các Thánh Vịnh là tuyển tập các lời cầu nguyện của dân Do thái, có thể giúp chúng ta hiểu biết và nếm hưởng nội dung các lời cầu nguyện của dân Do thái. Nó cũng là các lời mà chính Chúa Giêsu Kitô đã dùng để cầu nguyện, và giờ đây chúng tiếp tục là lời cầu trong kinh nguyện chính thức của Kitô giáo và của Giáo Hội công giáo.
Nếu chúng ta muốn bước sâu vào suối nguồn, từ đó lời cầu nguyện kinh thánh tuôn chảy, thành hình, và qua đó tiếp nhận được tính cách độc đáo của nó, thì phải ngắm nhìn một cách chính xác khung cảnh thần học và nhân chủng mà nó giả thiết, nghĩa là tương quan giữa Thiên Chúa, con người, dân Chúa và thế giới. Và đương nhiên đây cũng là điều chúng ta không thể làm được trong khung cảnh hạn hẹp ở đây. Thật ra, đó là điều chúng ta đã làm trong suốt lộ trình 22 năm qua của mục Tìm Hiểu Kinh Thánh. Do đó ở đây nhiều điều sẽ được giả thiết là qúy vị và các bạn thính giả đã biết rồi.
Khi đọc vài chương đầu sách Sáng Thế, chúng ta nhận ra ngay tương quan của con người với Thiên Chúa: Giavê Thiên Chúa của Israel là Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài muôn vật và là Thiên Chúa duy nhất. Trong công trình sáng tạo ấy con người là thụ tạo tuyệt vời nhất, vì nó được tạo dựng nên ”giống hình ảnh” của chính Thiên Chúa. Trong chương 1 sách Sáng Thế sau khi tả cảnh Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật như môi sinh dọn sẵn cho loài người, tác giả thuộc trường phái Tư Tế viết: ”Thiên Chúa phán: chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò trên mặt đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,26-27). Chỉ trong mấy câu ngắn gọn tác giả tư tế cho thấy bản chất và ơn gọi cao qúy của con người là thụ tạo giống như Thiên Chúa, phản ánh hình ảnh của chính Thiên Chúa, và được quyền làm bá chủ các thụ tạo khác, bá chủ muôn vật muôn loài. Chính vì con người cao trọng như vậy nên tác giả thánh vịnh 8 mới chúc tụng Thiên Chúa oai phong, và sung sướng ghi nhận: ”Chúa cho con người chẳng thua kém thần minh là mấy, ban vinh quang làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7).
Trong chương 2 sách Sáng Thế tác giả thuộc trường phái Giavít dùng lại hình ảnh văn chương bình dân thông dụng trong nền văn chương của các dân tộc vùng Trung Đông Cổ xưa kia và tả cảnh Thiên Chúa tạo dựng loài người như sau: ”Giavê Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và cho người trở thành một sinh linh. Rồi Giavê Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra” (St 2,7-8). Thiên Chúa yêu thương và lưu tâm săn sóc con người nên căn dặn con người phải luôn ý thức mình là thụ tạo tùy thuộc Người. Ngày nào con người quên đi sự thật ấy và muốn tôn mình làm Thiên Chúa, ngày ấy con người sẽ phải chết. Đó là ý nghĩa lời Giavê Thiên Chúa căn dặn con người: ”Giavê đem con người đặt vào vườn Êđen, để cầy cấy và canh giữ đất đai. Giavê là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,15-17).
”Cây biết lành biết dữ” là hình ảnh văn chương diễn tả sự toàn tri là đặc tính chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có. Con người là thụ tạo hạn hẹp không thể và không bao giờ toàn tri. Vì vậy khi muốn toàn tri, con người kiêu căng tôn mình là Thiên Chúa, thay thế Người, lấy mình làm điểm tham chiếu và tự quyết định mọi sự. Khi đó con người xa rời Thiên Chúa, rơi vào lầm lạc và phải chết.
Tác giả Giavít còn cho biết Giavê Thiên Chúa thấy con người cô đơn nên quyết định ”làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”, là người nữ. Tác giả Giavít cũng lấy lại một hình ảnh văn chương bình dân của các dân tộc vùng Trung Đông Cổ, và miêu tả cặp vợ chồng làm thành gia đình nguyên thủy như sau: ”Giavê là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Giavê là Thiên Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: ”Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra”. Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,21-24).
Trong chương 3 soạn giả Giavít tả cảnh loài người không vâng lệnh truyền của Thiên Chúa nên sa ngã phạm tội, nhưng tác giả cho thấy tương quan thân tình giữa Thiên Chúa Tạo Hóa và con người là thụ tạo, khi cho hiểu ngầm rằng hằng ngày Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió hiu hiu thổi trong ngày để gặp gỡ viếng thăm và nói chuyện với con người. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người sau khi con người phạm tội thật thê thảm. Nhưng Thiên Chúa đã lập tức hứa ban Đấng Cứu Tinh cho nhân loại (St 3,8-19).
Vài văn bản quan trọng trưng dẫn trên đây có thể giúp chúng ta hiểu tương quan giữa Thiên Chúa và con người, từ đó có thể rút tỉa ra các nét chính yếu của lời cầu nguyện. Vì tương quan giữa Thiên Chúa Tạo Hóa và con người là thụ tạo tuyệt vời nhất của Người thân tình và sâu đậm như thế, nên cầu nguyện trước hết có nghĩa là nói chuyện thân tình với Thiên Chúa, đối thoại với Người, chúc tụng ngợi khen Người như tác giả thánh Vịnh 8 đã làm: ”Lậy Giavê là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu” Tv 8,1). Niềm tin nơi Thiên Chúa Tạo Dựng và nhất là Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tuyển chọn Israel làm dâng riêng của Người, đã là nguồn gốc của thái độ sống và tất cả mọi lời cầu nguyện của dân Do thái trong toàn Thánh Kinh, đặc biệt trong sách Thánh Vịnh, là tuyển tập các lời cầu của dân Do thái.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1192)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV