Việc tổ chức phụng tự của các tư tế thời Cựu Ước dựa trên ý niệm nền tảng của sự thánh thiện. Điểm khởi hành là việc nhận biết sự thánh thiện tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, và chính Thiên Chúa mời gọi dân Do thái nên thánh như viết trong sách Lêvi chương 19: ”Các ngươi phải nên thánh thiện, vì Ta, Giavê, Thiên Chúa của các ngươi, là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh nên để có thể bước vào trong tương quan với Người, tín hữu phải trở nên thánh, nghĩa là từ bình diện đời của cuộc sống thường ngày bước vào bình diện thực tại của Thiên Chúa.
Để đạt tình trạng này phụng tự cổ xưa đề nghị một hệ thống tiến lên qua các lễ nghi tách rời. Tuy là dân được tuyển chọn nhưng toàn dân không có được sự thánh thiện đòi buộc để đến gần Thiên Chúa. Chương 19 sách Xuất Hành ghi lại lời Giavê truyền cho ông Môshê như sau: ”Ngươi sẽ định rõ cho dân một giới hạn chung quanh núi và bảo họ: Anh em phải coi chừng không được lên núi và chạm đến chân núi. Ai chạm đến núi thì sẽ bị giết” (Xh 19,12).
Trong chương 33 khi ra lệnh cho dân chúng lên đường đi vào Đất Hứa Giavê phán: ”Ta sẽ cho các ngươi vào một miền đất tràn trề sữa và mật; nhưng Ta sẽ không đi lên đó cùng các ngươi, vì các ngươi là một dân cứng đầu cứng cổ, vì nếu cùng đi thì e rằng Ta sẽ tiêu diệt các ngươi dọc đường… Các ngươi là một dân cứng đầu cứng cổ. Ta mà chỉ đi với các ngươi dù chỉ một chốc lát thôi, thì Ta sẽ tiêu diệt các ngươi” (Xh 33,3.5). Chính vì thế có một chi tộc là chi tộc Lêvi đã được tách ra khỏi các chi tộc khác để lo việc phụng tự. Và trong chi tộc Lêvi có một gia đình là gia đình của ông Aharon đã được để riêng ra để làm tư tế hiến dâng các hy lễ cho Giavê Thiên Chúa. Trong gia đình của Aharon một người sẽ được chọn để làm Thượng tế. Thế rồi chỉ có vị thượng tế ấy mới có quyền gặp gỡ Giavê Thiên Chúa, là cử chỉ cao trọng nhất của việc phụng tự.
Cuộc găp gỡ ấy không thể được thực thi trong bất cứ nơi nào, mà phải ở trong một nơi thánh, nghĩa là tách rời khỏi không gian trần tục, nơi xảy ra các sinh hoạt của cuộc sống thường ngày, và đây là nơi người dân thường không được vào.
Để vào nơi thánh tư tế phải chu toàn các lễ nghi thánh, là các hoạt động khác với các sinh hoạt trần thế và theo các điều luật của việc tế tự. Trong số các lễ nghi ý nghĩa nhất là lễ nghi hiến tế hay thánh hiến, tức làm cho tế vật từ thế giới trần tục bước vào trong thế giới thiên linh.
Thánh hiến là làm cho nên thánh. Hiến tế hay thánh hiến là điều cần thiết, vì tư tế không thể hoàn toàn bước vào trong thế giới của Thiên Chúa được. Mặc dù tất cả các nghi lễ thánh hiến, tư tế vẫn là con người trần gian. Vì vậy luật truyền cho tư tế phải chọn một sinh vật khác, một thú vật, vẹn toàn không có tật nguyền nào, có thể được Thiên Chúa chấp nhận để dâng nó trên bàn thờ. Được sát tế và được thiêu bởi lửa, tế vật ấy bay lên trời một cách biểu tượng, hay máu của nó được rảy về phía ngai Thiên Chúa. Lễ nghi này là điểm tột đỉnh của các sự tách rời. Tế vật được hoàn toàn lấy đi khỏi sự hiện hữu trên trần gian để bị lửa trời thiêu rụi và đem lên tới gần Thiên Chúa.
Như thế phụng tự cổ xưa giới thiệu một lược đồ thánh hiến ngày càng đầy đủ hơn, qua các nghi lễ tách rời nối tiếp nhau. Sau di chuyển hướng lên cao này của các tách rời, người ta hy vọng nơi một di chuyển của ơn thánh Chúa đổ xuống trên con người. Nếu hiến tế kết thúc tích cực, thì tế vật đã được Thiên Chúa chấp nhận; vị tư tế dâng lễ vật được vào gần Thiên Chúa và lãnh nhận được các ơn của Chúa cho dân.
Như vậy có thể sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ của các tư tế theo một lược đồ gồm ba giai đoạn: giai đoạn đi lên, giai đoạn ở giữa, và giai đoạn đi xuống. Giai đoạn đi lên bao gồm tất cả hệ thống của các tách rời theo lễ nghi, từ các luật lệ trong sạch: thực phẩm trong sạch và không trong sạch, việc khám xét bệnh phong cùi của người, quần áo, nhà cửa và tuyên bố là trong sạch hay ô uế, các tiếp xúc vv… cho đến việc chủ sự các lễ nghi thanh tẩy, thánh hiến và dâng các hy lễ. Giai đoạn ở giữa là yếu tố định đoạt bao gồm cuộc gặp gỡ của tư tế với Thiên Chúa. Nhờ hiến tế được vui nhận tư tế được vào trong nhà Chúa. Giai đoạn đi xuống là kết qủa tiếp xúc tốt đẹp được thiết lập giữa tư tế và Thiên Chúa. Tư tế lãnh nhận được từ Thiên Chúa ơn tha thứ và việc chấm dứt các hình phạt do tội lỗi của dân gây ra. Ông có thể thông truyền cho dân biết các huấn thị của Thiên Chúa, vén mở cho thấy con đường công chính phải theo để thành công trong đời. Ông có thể chúc lành cho dân nhân danh Thiên Chúa để dân được thịnh vượng, an bình và hạnh phúc.
Lược đồ ba giai đoạn trên đây cho thấy rõ vai trò của tư tế. Tư tế đem lên Thiên Chúa các lời cầu và các lễ vật của dân, rồi lại đem đến cho dân các câu trả lời và các ơn thánh của Thiên Chúa, và như thế bảo đảm các tương quan tốt đẹp giữa dân và Thiên Chúa. Tuy nhiên Thánh Kinh Cựu Ước không suy tư nhiều về vai trò trung gian của các tư tế, mà lại thích nhấn mạnh trên vinh quang của chức tư tế. Điển hình như chương 45 sách Huấn Ca hay sách Ben Sira hăng say miêu tả vinh quang của ông Aharon như sau: ”Thiên Chúa cất nhắc anh của ông Môshê là ông Aharon thuộc chi tộc Lêvi, một con người thánh giống như em mình. Người đặt ông làm giao ước vĩnh cửu và ban cho ông chức tư tế ở giữa dân, cho ông diễm phúc được mang lễ phục huy hoàng và khoác cho ông áo choàng lộng lẫy. Người mặc cho ông vẻ oai phong lẫm liệt, trang bị cho ông vững chãi, gọn gàng: quần đùi, áo dài và êphốt.
Người đeo quanh ông những qủa lựu, và vô số lục lạc bằng vàng khắp châu thân kêu leng keng theo nhịp chân ông bước, âm thanh vang vọng khắp đền thờ, cho con cái dân Người làm kỷ vật tưởng nhớ. Người mặc cho ông áo thánh kim tuyến, vải đỏ tía, vải điều, công trình của thợ thêu, khăn ngực đựng thẻ xăm phán quyết, urim và tumin, bằng vải gai đỏ thẫm, công trình của nghệ nhân, đính những viên ngọc khắc như những con dấu gắn trên khung vàng, công trình của thợ bạc, có khắc chữ theo số các chi tộc Israel để làm kỷ vật tưởng nhớ; trên mũ tế có gắn một huy hiệu bằng vàng khắc hàng chữ Thánh Hiến; đó là huy hiệu vẻ vang, công trình tuyệt vời, được trau chuốt công phu, làm vui con mắt.
Trước ông không có gì đẹp như vậy và cũng không hề có người ngoại bang nào được ăn mặc như thế, chỉ trừ các con ông và dòng dõi ông đến muôn đời. Các hy lễ ông dâng được thiêu đốt hết, mỗi ngày hai lần và cứ như thế mãi. Chính ông Môshê đã tấn phong ông và xức cho ông dầu thánh. Đó là giao ước vĩnh cửu dành cho ông, và cho dòng dõi ông, bao lâu trời còn tồn tại, để ông làm việc phụng thờ và tế lễ cùng nhân danh Thiên Chúa mà chúc phúc cho dân.
Người đã chọn ông trong mọi người phàm để dâng lễ phẩm lên Chúa, dâng nhũ hương cũng như hương thơm làm kỷ vật, để xá tội cho dân. Về những gì liên quan đến các điều răn, Người ban cho ông quyền phán quyết để dạy cho Giacóp biết các thánh chỉ và giải thích Lề Luật cho Israel.
Những người ngoài hùa nhau chống đối ông và ghen tị với ông trong hoang địa, những người về phe Dathan và Abiram cùng bè lũ Corac bừng bừng nộ khí. Chúa nhìn thấy và Người chẳng ưng, nên cả lũ bị tiêu diệt trong cơn lôi đình. Người đã làm những việc lạ lùng kinh khiếp để thiêu hủy chúng trong ngọn lửa bừng bừng. Người còn cho ông Aharon được thêm vinh hiển và ban cho ông phần gia nghiệp: Người chia cho ông hoa lợi đầu mùa, và nhất là dọn cho ông bánh ăn no thỏa. Qủa vậy, Đức Chúa đã làm cho ông và dòng dõi ông được ăn các lễ phẩm dâng tiến Người. Nhưng trong đất dân ở, ông không có phần gia nghiệp, cũng chẳng được chia phần ở trong dân, vì ”Chính Ta là phần, là gia nghiệp của ngươi” (Hc 45,6-22).
Văn bản chương 45 sách Huấn Ca trên đây là một miêu tả chi tiết nguồn gốc, chức vị, phẩm phục, các nhiệm vụ cũng như các quyền lợi của giới tư tế trong dân Israel thời Cựu Ước. Chương 50 sách Huấn Ca được dành riêng để ca tụng Thượng tế Simon và những gì ông đã làm lúc sinh thời như: trùng tu Nhà Chúa, xây nền móng cao gấp đôi, xây cao chân tường bọc quanh Thánh Điện, đào bể chứa nước, củng cố thành phòng khi bị vây hãm. Văn bản miêu tả ông và nghi lễ tế tự như sau: ”Ông uy nghi biết mấy giữa đám dân, khi ông bước ra khỏi Nơi Cực Thánh! Ông tựa sao mai ngời sáng giữa tầng mây, như vầng nguyệt vào những đêm rằm, như thái dương chói lọi trên Đền Thờ Đấng Tối Cao, như cầu vồng rực rỡ giữa đám mây huy hoàng. Ông ví như đóa hồng tươi nở giữa mùa xuân, như cây huệ mọc bên bờ nước, tựa chồi non Libăng giữa mùa hè. Ông khác nào hương trầm nghi ngút cháy trong lư, tựa bình vàng nguyên khối cẩn đá qúy đủ loại. Ông tựa cây ô liu nặng chĩu qủa ngon, như cây bách vươn cao đến tận ngàn mây thẳm. Khi ông nhận lấy lễ phục huy hoàng, và khoác áo choàng lộng lẫy, khi ông tiến lên bàn thánh, thì ông làm cho Nơi Thánh rạng ngời vinh quang.
Khi ông đứng cạnh lò thiêu để bên trên bàn thờ, và nhận từ tay hàng tư tế các phần lễ vật, thì anh em tư tế đứng vòng quanh ông theo hình một triều thiên vinh hiển, như đám cây hương bá núi Libăng. Đứng quanh ông như những thân cây thiên tuế là toàn thể con cái Ahraon với lễ phục huy hoàng, tay mang các lễ phẩm tiến dâng lên Đức Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng Israel.
Trong lúc cử hành nghi lễ tại bàn thờ, ông sắp xếp các lễ phẩm dâng kính Đấng Tối Cao Toàn Năng. Ông giơ tay trên chén, rỗi làm lễ rưới rượu nho và đổ xuống chân bàn thờ, như hương thơm làm vui lòng Đấng Tối Cao, Vua vũ trụ. Bấy giờ con cái Aharon cất tiếng tung hô, thổi kèn đồng, tạo nên một âm thanh vang dội, để mời mọi dân tưởng nhớ Đấng Tối Cao. Tức khắc toàn dân cùng phủ phục sát đất mà thờ lạy Đức Chúa của họ, là Đấng Toàn Năng và là Thiên Chúa Tối Cao. Đoàn ca viên hát bài ca ngợi, tiếng hát vang lừng, cung điệu du dương. Dân chúng dâng lời van xin và cầu khẩn lên Chúa Tôi Cao là Đấng nhân từ, cho đến khi nghi lễ kính Đức Chúa và buổi cử hành phụng tự đã hoàn thành. Bấy giờ ông Simon mới bước xuống, giơ tay trên toàn thể cộng đồng con cái Israel, và đọc lời chúc lành của Giavê; như thế ông đươc vinh dự xướng lên Thánh Danh Người. Một lần nữa dân chúng lại phủ phục, để đón nhận phúc lành từ Đấng Tối Cao” (Hc 50,5-21).
(Thần Học Kinh Thánh bài 1124)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican