Khi tìm hiểu chức tư tế của Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy tác giả thư gửi giáo đoàn Do thái, hay Diễn từ về chức Linh Mục của Đức Giêsu, đã không bao giờ dùng tước hiệu tư tế cho các kitô hữu, mà chỉ dành nó cho Đức Giêsu Kitô. Thánh Phêrô trái lại, áp dụng cho cộng đoàn tín hữu tước hiệu tư tế, khi lấy lại tư tưởng của văn bản sách Xuất Hành chương 19. Giavê Thiên Chúa hứa ban giao ước cho dân Israel qua miệng ông Môshê và phán: ”Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân tộc thánh” (Xh 19,5-6). Văn bản Thánh Kinh tiếng Do thái viết ”vương quốc các tư tế”, trong khi văn bản tiếng Hy lạp viết ”cơ cấu tư tế” ”Hieráteuma”.
Trong chương 2 thư thứ I thánh Phêrô đã lấy lại kiểu nói này của Thánh Kinh Hy lạp: ”Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 2,5). Đức Giêsu Kitô là viên đá qúy được tuyển chọn làm đá tảng góc tường, kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng. Còn đối với kẻ không tin, thì nó sẽ trở thành viên đá làm cho vấp phạm, tảng đá làm cho ngã. Họ ngã vì không tin vào Lời Chúa. Kitô hữu, trái lại, là những kẻ tin: ”Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9). Nhờ việc gắn bó với Chúa Kitô trong mầu nhiệm cái chết và sự sống lại của Người, các tín hữu được xây dựng ”như những viên đá sống động, để làm thành một hàng tư tế thánh thiện, dâng các lễ tế tinh thần lên cho Thiên Chúa và được Người chấp nhận, nhờ Chúa Giêsu Kitô. Với các lời này thánh Phêrô công bố việc thực hiện trong Giáo Hội lời hứa tuyệt vời với dân Israel. Ở đây không phải là việc đòi hỏi một chức tư tế cho mỗi tín hữu, một cách cá nhân, như đôi khi người ta yêu sách, nhưng là một chức tư tế chung, mà tất cả mọi kitô hữu đều có, như cơ cấu tư tế, như hàng tư tế, theo bối cảnh của văn bản.
Thật ra, việc xây dựng một tòa nhà là điều không thể làm được, nếu không có một cấu trúc. Trong chương 2 thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Phaolô nói về địa vị của các tín hữu như sau: ”Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và các ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,19-22).
Xa hơn trong chương 4 cùng thư thánh Phaolô kêu gọi tín hữu duy trì sự hiệp nhất, mỗi người theo ơn Thiên Chúa ban cho. Thánh nhân khẳng định rằng chính Đức Kitô: ”đã ban cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước qủy để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu” (Ep 4,11-16).
Các ”lễ tế thiêng liêng” mà thánh Phêrô nói tới trong chương 2 thư thứ I không được xác định. Nhưng giáo lý tổng quát trong thư thứ I của thánh nhân cho ta hiểu rằng chúng hệ tại ”cung cách sống tốt lành” và thánh thiện, như viết trong chương 2: ”Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm”. Còn trong chương 1 thánh nhân khuyên tín hữu: ”Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu goi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: ”Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15). Thêm vào cuộc sống ngay lành thánh thiện là sự vâng phục và được Thần Khí linh hứng. Thánh Phêrô nói ngài gửi thư cho các tín hữu là ”những người được Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người được Thần Khí thánh hóa để vâng phục Đức Giêsu Kitô và được Người tưới rảy” (1 Pr 1,2).
Giống như thư thứ I của thánh Phêrô, sách Khải Huyền cũng lấy hứng từ lời Thiên Chúa hứa với dân Israel, như ghi trong sách Xuất Hành chương 19 câu 6: ”Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân tộc thánh” (Xh 19,6). Tuy nhiên sách Khải Huyền không lấy lại văn bản Thánh Kinh Hy Lạp, nhưng một bản dịch từng chữ tiếng Do thái. Các kitô hữu nhận biết rằng Chúa Kitô đã làm cho họ ”trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6). Triều thần thiên quốc hát dâng Chiên Con một bài ca mới và chúc tụng Đức Kitô Chiên Con vì công trình đó, như viết trong chương 5: ”Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy màu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này” (Kh 5,9-10). Sau cùng trong chương 20 sách Khải Huyền có một phúc lành liên quan tới các vị tử đạo công bố rằng: ”Hạnh phúc thay và thánh thiện dường nào kẻ được dự phần vào cuộc phục sinh thứ nhất này! Cái chết thứ hai không có quyền gì trên họ; nhưng họ sẽ là tư tế của Thiên Chúa và của Đức Kitô, họ sẽ hiển trị với Đức Kitô một ngàn năm ấy” (Kh 20,6).
Phần đóng góp đặc thù của sách Khải Huyền là việc nhấn mạnh trên sự hiệp nhất giữa phẩm giá vương giả và phẩm giá tư tế. Trong các hoàn cảnh khó khăn đặt để các kitô hữu vào trong một tình trạng của các nạn nhân và những người bị kết án, thánh Gioan mời gọi họ mạnh dạn nhận biết rằng chính nhờ máu Chúa Kitô mà họ thực sự trở thành các tư tế và vua, nghĩa là được nếm hưởng một tương quan đặc ân với Thiên Chúa, và tương quan ấy thực thi một hành động định đoạt trong lịch sử thế giới. Phẩm vị vương giả và tư tế của các kitô hữu được trình bầy như tuyệt đỉnh công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngay trong lời chào ở đầu chương 1 sách Khải Huyền, thánh Gioan đã khẳng định với tín hữu rằng Đức Giêsu Kitô ”đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế, để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1,6). Thánh nhân lập lại điều này trong chương 5: ”Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này” (Kh 5,10).
Đàng khác, việc thực hiện tràn đầy hai phẩm giá này xem ra là tuyệt đỉnh niềm hạnh phúc và sự thánh thiện mà tín hữu được mời gọi nếm hưởng: ”Họ sẽ là tư tế của Thiên Chúa và của Đức Kitô, họ sẽ hiển trị với Đức Kitô một ngàn năm” (Kh 20,6). Viễn tượng này phải trao ban can đảm cho các tín hữu, khi họ gặp các thử thách gian lao khốn khó trong cuộc sống đức tin, như đã xảy ra trong các thời kitô hữu bị bách hại xưa kia cũng như ngày nay và trong mọi thời đại. Niềm hy vọng của họ thật là tuyệt vời.
Trong thành Giêrusalem mới sẽ có ”ngai của Thiên Chúa và của Chiên Con” và ”các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người” (22,3). Thánh Gioan viết trong chương 22: ”Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Chiên Con. Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai sông, có cây Sự Sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại. Sẽ không còn lời nguyền rửa nào nữa. Ngai của Thiên Chúa và của Chiên Con sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.”(Kh 22,1-5). Và thế là ơn gọi của con người sẽ được thành toàn viên mãn.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1132)
Linh Tiến Khải