Như chúng ta đã giải thích lần trước, ý thức về tội và ý thức về lỗi lầm là hai thực tại khác biệt nhau, trong nghĩa ý thức về tội nảy sinh từ cuộc sống đức tin, trong khi ý thức về lỗi lầm phát xuất từ bối cảnh tâm lý xã hội của chủ thể.
Khi tin nơi Thiên Chúa và chấp nhận Người là Chúa của đời mình, tín hữu trở thành con cái Thiên Chúa, lấy Thiên Chúa làm đích điểm đời mình, và coi các giới răn và giáo huấn của Thiên Chúa là luật lệ hướng dẫn điều chỉnh cuộc sống của mình. Khi không tuân hành và thực thi các lề luật và giáo huấn ấy của Thiên Chúa, là tín hữu phạm tội, chống lại Thiên Chúa và các dấn thân của mình.
Như vậy có thể định nghĩa ý thức về tội như là một hành động của sự hiểu biết đã thực thi hay muốn thực thi một việc tuyệt đối hóa một cách giả dối các khía cạnh thụ tạo, bằng cách gỡ mình ra khỏi Thiên Chúa như đích điểm tuyệt đối duy nhất. Ý thức này về tội không giản lược vào một hành động lý trí đơn thuần, mà làm thành một ”cảm thấy” thực sự được gạn lọc bởi toàn chủ thể sống động, thiếu sót trong định hướng nền tảng cuộc sống của mình. Khi tin nhận Chúa là tín hữu hướng trọn về Người, nhưng khi phạm tội là tín hữu quay lưng lại với Thiên Chúa và xa rời Người là đích điểm đời mình. Khi phạm tội là tín hữu vi phạm các Luật Lệ của Người, phản bội Thiên Chúa và phản bội chính mình. Cảm quan này sẽ tinh tuyền trong mức độ, trong đó nó tìm thấy nguồn gốc của nó và sẽ được dưỡng nuôi bởi ý thức thần học, nghĩa là bởi cuộc sống được định hướng một cách đích thực bởi đức tin. Có thể nói tới ý thức về tội trong mức độ tham gia các lý do dựa trên sự mạc khải của Thiên Chúa cho con người. Những gì còn lại là xa lạ với môi trường đức tin, và như thế được bắt mạch và chữa trị qua công việc tổ chức của con người.
Cần ghi nhận rằng chính tình yêu của Thiên Chúa và sự tha thứ của Người trao ban một trong các đặc tính của mạc khải kitô về tội. Như thế mọi tâm tình thất vọng và sợ hãi, sau khi phạm tội, sẽ không do đức tin xui khiến, và nó cần phải được điều trị bằng các liệu pháp khác.
Ý thức lỗi lầm xem ra là một thực tại hai chiều: nó là một yếu tố tiêu cực, khi có các hình thái bệnh hoạn khiến cho chủ thể khép kín trong chính mình, trong một thái độ âu lo, chịu trận và thụ động. Nhưng nó trở thành tích cực, khi sư đau đớn cảm nhận được kích thích chủ thể ra khỏi tình trạng của mình, bằng cách khởi hành từ các lý do được xui khiến bởi ý thức của lý trí và tháp nhập vào trong bối cảnh sự phát triển toàn diện của toàn bản vị.
Suy tư tâm lý học trên đây là móc xích giúp chuyển sang bình diện luân lý, không phải trong nghĩa của một sự gẫy rời, nhưng trong nghĩa của một tiếp nối. Bình diện luân lý cũng thực sự bao gồm toàn cuộc sống đức tin của tín hữu, đến độ trở thành hoàn toàn trong cách thế cuối cùng và vĩnh viễn.
Bình diện luân lý khác với bình diện thuần túy bản năng và tâm thần, trong nghĩa nó là nơi thực hiện ý thức, sự tự do và độc lập của bản vị con người trong sự kiện nó hiện hữu trong thế giới và trong tương quan liên bản vị với Bản vị tuyệt đối là Thiên Chúa. Nhưng chính chiều kích này của sự tự do, mà ngoài nó ra thì mọi diễn văn luân lý và mọi trách nhiệm trước sự dữ đã phạm, đều không có ý nghĩa, đến độ ngày nay hơn bao giờ hết, người ta đặt câu hỏi xem còn có thể đề cập một cách hợp pháp tới sự dữ và lỗi lầm do con người phạm hay không.
Đây là điều chúng ta muốn tìm hiểu cùng với vấn đề tương quan giữa sự tự do và luật lệ, bởi vì nó sẽ dẫn đưa chúng ta tới chỗ đương đầu với một vấn đề vô cùng thời sự: đó là tính cách khách quan hay không khách quan của luật luân lý. Luật luân lý trừu tượng áp đặt trên con người điều phải làm để đáp ứng các đòi buộc của lề luật của Thiên Chúa và lề luật của loài người; nó hướng tới con người thật bằng xương bằng thịt hay là con người được lý tưởng hóa? Có lẽ nó lại không đòi hỏi phải có một sự trưởng thành, mà tự định nghĩa của nó là điều không thể thực hiện được, mà chủ thể và nhân loại cụ thể chỉ tham dự vào một cách phỏng chừng và tương tự hay sao? Một đàng, khi chú ý đến yếu tố tâm lý, đàng khác là các chiếm hữu được của tư tưởng thần học, chúng ta thử đóng khung các từ của vấn đề thảo luận ở đây.
Trước hết là luân lý và sự tự do. Trong mức độ thứ nhất có thể nói rằng khẳng định tự do có nghĩa là chấp nhận nguồn gốc của sự dữ. Với điều này tôi khẳng định một dây nối kết giữa sự dữ và tự do, một nối kết chặt chẽ tới độ hai từ liên lụy tới nhau. Sự dữ có nghĩa là sự dữ, khi nó là công việc của sự tự do. Sự tự do có nghĩa là tự do, trong nghĩa nó có khả năng làm điều dữ: tôi thừa nhận và tuyên bố tôi là tác giả của sự dữ. Qua đó tôi khước từ như một thủ đoạn khẳng định rằng sự dữ hiện hữu theo kiểu một bản thể hay một bản tính, có cùng các điều kiện của các sự vật, có thể quan sát được từ bên ngoài. Có thể tìm thấy các khẳng định này, không phải chỉ trong các tưởng tượng siêu hình, mà thánh Agostino chống cự lại như chủ thuyết thiện ác của Manicheo, và bất cứ loại bản thể học nào quan niệm sự dữ như là một hữu thể.
Khẳng định có thể có một khía cạnh tích cực hay cả khoa học nữa dưới hình thái của thuyết tất định tâm lý hay xã hội học. Chấp nhận nguồn gốc của sự dữ có nghĩa là loại ra ngoài như một sự yếu đuối việc bào chữa rằng sự dữ là một cái gì, là một hiệu qủa trong một thế giới các sự vật có thể quan sát được, các sự vật đó là các thực tại vật lý, tâm thần hay xã hội. Tôi nói chính tôi đã hành động. Không có hữu thể sự dữ nào cả, chỉ có sự dữ đã do tôi làm mà thôi. Đảm nhận lấy sự dữ là một cử chỉ của ngôn ngữ có thể so sánh với thái độ làm, trong nghĩa nó là một ngôn ngữ làm một cái gì đó, trong nghĩa nó quy trách nhiệm cho hành động.
Sự dữ và tự do có tương quan hai chiều: thật vậy, nếu sự tự do định tính sự dữ như là một hành động, sự dữ là điều vén mở cho thấy sự tự do. Nó có nghĩa sự dữ là một dịp ưu tiên để con người ý thức về sự tự do của chính mình có thể chọn làm điều lành hay làm điều dữ. Và khi con người chọn làm điều dữ, thì nó có trách nhiệm đối với các hành động gian ác của nó. Các hành động gian ác quy trách nhiệm cho tác gỉa của nó. Quy trách cho chính tôi các hành động của mình một cách đích thực có nghĩa là gì? Trước hết nó có nghĩa là phải lãnh nhận các hậu qủa của các hành đồng đó trong hiện tại và trong tương lai. Vì thế người làm các hành động đó cũng sẽ là người thừa nhận lỗi lầm của mình, sửa chữa các thiệt hại, chịu đựng các quở trách. Nói một cách khác, tôi tự trình diện như là người chịu hình phạt. Tôi chấp nhận bước vào trong cái luận lý của của sự khen ngợi hay của sự trách cứ. Nhưng khi tôi tự đặt mình trước các hậu qủa hành động của mình, tôi chỉ định tôi như là người đã thành toàn hành động đó, nhưng cũng như là người đã có thể làm khác đi. Xác tín đã làm một cái gì đó một cách tự do không phải là chất liệu của sự quan sát. Một lần nữa đúng hơn nó là thái độ hành động: tôi tuyên bố sau khi đã hành động rằng mình đã có thể làm khác đi; cái ”sau sự kiện” là phản hưởng việc thừa nhận các hậu qủa. Ai đảm nhận các hậu qủa là người tuyên bố mình tự do, và luôn luôn khám phá ra sự tự do đó đã tác động trong hành động bị kết tội. Tới đây tôi có thể nói rằng tôi đã thành toàn hành động. Việc di chuyển về tình trạng đàng sau cho tới trách nhiệm là điều nền tảng. Nó tạo thành căn tính của chủ thể luân lý qua qúa khứ, hiện tại và tương lai. Người sẽ chịu đựng sự chê trách cũng chính là người giờ đây đảm nhận hành động và là người đã hành động. Tôi loan báo căn tính của người chấp nhận các trách nhiệm tương lai của hành động của họ và của người đã hành động. Hai chiều kích tương lai và qúa khứ này trong hành động của họ gắn liền với hiên tại. Tương lai của hình phạt và qúa khứ của hành động hiệp nhất với hiện tại của việc xưng thú lỗi lầm. Đây là giai đoạn đầu tiên của suy tư về kinh nghiệm của sự dữ: đó là sự tạo thành hai chiều của ý nghĩa sự tự do và ý nghĩa của sự dữ, đó là một thái độ hoạt động chuyên biệt tức là việc xưng thú.
Từ tiền đề rõ ràng này chúng ta có thể suy đoán rằng chấp nhận sự tự do của con người, trong chiều kích lịch sử của nó, có nghĩa là thừa nhận sự tình cờ của lỗi lầm. Khước từ sự hiện hữu và sự nghiêm trọng của lỗi lầm luân lý có nghĩa là đánh gía thấp nhiệm vụ sự tự do của con người như là khả thể lựa chọn nền tảng thực sự, và giản lược sự dữ vào điều kiện khách quan của sự bất hạnh xa lạ với ý muốn của mình, trong đó con người sống.
Con người là một ”sinh vật ước muốn” được định tính bởi sự không thỏa mãn, và vì thế hướng tới một đích điểm toàn vẹn có thể được chỉ định bởi sự sống, sự tràn đầy, hay niềm hạnh phúc. Mỗi một thực hiện tức thì và vì thế phiến diện của hạnh phúc chứa đựng trong chính nó kinh nghiệm của sự không thỏa mãn, nhu cầu cần đi xa hơn. Như thế, sau mỗi cuộc gặp gỡ, việc mỗi người lại trở về với sự cô đơn của mình, làm dấy lên sự xung đột mà họ sống trong đó, và quy hướng về việc nhận ra sự không thành toàn của bản vị con người chúng ta và của sự hiệp thông trong tình yêu.
Điều kiện làm người là một giao thoa của ước muốn hạnh phúc, nhận ra cái giòn mỏng của nó và việc đe dọa hạnh phúc. Ước mong hạnh phúc luôn luôn nhân đôi và được làm sinh động trở lại bởi thách đố nó đối chọi lại sự bất hạnh. Sự bất hạnh, một cách nền tảng, bị xác định bởi sự hữu hạn ngăn cản nhu cầu của con người muốn có được sự tràn đầy, muốn có sự tuyệt đối.
Lỗi lầm luân lý không thể được đồng hóa với sự hữu hạn, nhưng có thêm sự can thiệp của ý muốn: con người có lỗi khi thỏa mãn với sự hữu hạn của mình và biến nó thành mục đích toàn toàn và tự đủ: điều này tương đương với việc khước từ nó như là hữu hạn.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1156)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV