Vua Đavít đã không chỉ là tướng tài của vua Saul và là người có lòng kính sợ Giavê Thiên Chúa của Israel, nhưng ông còn là nhạc sĩ nữa. Ông đã từng chơi hạc cầm để giải sầu cho vua Saul, và chắc hẳn cũng là người đã từng sáng tác các bài ca hay các thánh thi, trong đó có Thánh Vịnh 18 và Thánh Vịnh 50. Chương 22 sách Samuel II ghi rằng ”Vua Đavít dâng lên Giavê những lời của bài ca này, vào ngày Giavê đã giải thoát vua khỏi bàn tay mọi kẻ thù của vua và khỏi bàn tay vua Saul, là người vì ghen tức và lo sợ Đavít tiếm ngôi đã mưu sát vị tướng tài của mình và có lần đem 3 ngàn quân truy nã Đavít.
Vua Đavít nói: ”Lậy Giavê là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ, là chốn con nương mình, là Đấng cứu độ con, Ngài cứu con khỏi quân tàn bạo. Tôi kêu cầu Đức Chúa, là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù. Sóng tử thần dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi, màng lưới âm ty bủa vây tứ phía, bẫy tử thần ập xuống trên tôi. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Đức Chúa, kêu cầu Người là Thiên Chúa của tôi. Từ thánh điện, Người nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vong tới tai Người.”
Tiếp đến tác giả dùng một số hình ảnh cổ điển trong nền văn chương Do thái để miêu tả sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa: đất rung chuyển ầm ầm, các tầng trời chấn động lung lay vì Chúa nổi lôi đình, khói bốc lửa thiêu và than hồng tung tóe từ thánh nhan Người, Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù, ngự trên thần hộ giá, Người bay và xuất hiện trên cánh gió. Chúa dùng bóng tôi chung quanh, khối nước tụ, và mây đen nghịt làm trướng che Người. Chớp lóe đi trước mặt Chúa, than hồng cháy bừng lên, Chúa nổ sấm từ trời lên tiếng, Người bắn tên khiến địch thù tán loạn, Ngài phóng chớp làm cho chúng tan tành. Lòng đại đương xuất hiện, thềm lục địa phơi trần, khi thấy Giavê dọa nạt ngăm đe và bừng bừng nội giận. Chính trong cảnh oai nghiêm kinh khủng ấy Thiên Chúa ra tay cứu Đavít tôi tớ Ngài:
”Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông, cứu tôi thoát đối phương tàn bạo, và kẻ thù mạnh thế hơn tôi. Chúng tấn công tôi ngày tôi lâm nạn, nhưng Đức Chúa thương bênh đỡ phù trì, Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi, vì yêu thương tôi nên Người giải thoát”. Tiếp đến vua Đavít kể ra các lý do sự cứu vớt đó: ”Đức Chúa xử tốt với tôi bởi tôi sống ngay lành, Người ban thưởng cho tôi vì tay tôi trong sạch. Chính bởi tôi đã theo đường lối Ðức Chúa, không lỗi đạo cùng Thiên Chúa tôi thờ.
Mọi quyết định của Người luôn ở trước mặt tôi, thánh chỉ Người truyền, tôi không lìa bỏ. Trước mặt Chúa, tôi là kẻ thập toàn, và tránh xa tội lỗi. Ðức Chúa thưởng cho tôi bởi tôi sống ngay lành, và vì tôi trong sạch như mắt người đã thấy. Lạy Chúa, Ngài tín trung với kẻ tín trung, xử tuyệt hảo với người tuyệt hảo.
Ngài ở liêm khiết cùng người liêm khiết, nhưng dùng mưu mẹo với kẻ gian ngoan. Vì Chúa cứu độ dân nghèo hèn, quắc mắt nhìn xuống kẻ tự cao. Vâng, Ngài là ngọn đèn của con, lạy Ðức Chúa, Ðức Chúa soi chiếu vào đời con tăm tối mịt mù. Cậy sức Ngài, con tấn công bọn giặc, nhờ ơn Ngài là Thiên Chúa của con, con vượt thành vượt luỹ. Ðường lối Thiên Chúa quả là toàn thiện, lời Ðức Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường. Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người. Ngoài Ðức Chúa, hỏi ai là Thiên Chúa? Ai là núi đá độ trì, ngoài Thiên Chúa của ta? Chính Thiên Chúa là nơi trú ẩn vững chắc của tôi, mở ra cho tôi đường lối thiện toàn.
Chúa cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai, Người đặt tôi đứng vững trên đỉnh núi, tập cho tôi thạo phép binh đao, luyện đôi tay rành nghề cung nỏ. Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh.
37
Ðường con đi, Chúa mở rộng thênh thang, chân con bước không bao giờ lảo đảo. Con đuổi theo, huỷ diệt quân thù, chỉ trở về khi chúng bị dẹp tan; con dẹp tan chúng, đánh cho quỵ, không sao dậy nữa, chúng ngã gục, nằm dưới chân con. Chúa làm cho con nên hùng dũng để xông ra chiến trường, Ngài cho con đè bẹp đối phương.
Ngài bắt cừu địch con quay lưng chạy trốn; con tiêu diệt những kẻ oán thù con. Chúng kêu cứu mà không ai cứu chữa, kêu lên Ðức Chúa, nhưng Chúa chẳng đáp lời.
Con nghiền tan chúng như bụi đất, giẫm nát, chà đạp chúng như bùn ở ngoài đường. Dân của con phản loạn, Ngài cứu con thoát khỏi, vẫn giữ con làm đầu các nước; dân xa lạ phải thần phục con, người nước ngoài cầu thân nịnh bợ, vừa nghe con ra lệnh, chúng đã tuân hành; người nước ngoài tiêu tan nhuệ khí, từ trong đồn luỹ, run rẩy kéo nhau ra. Ðức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn.
Tôn vinh Thiên Chúa là núi đá độ trì tôi, là Thượng đế giúp tôi rửa sạch hận thù, đặt chư dân ở dưới quyền tôi. Lạy Chúa, Ngài gỡ con ra khỏi tay thù địch, cho thắng cả đối phương, cứu khỏi người tàn bạo. Vì thế giữa muôn dân, con cảm tạ Ngài, lạy Ðức Chúa, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa. Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Ðức Vua chính Người đã lập. Chúa hằng ưu ái Ðấng Người đã xức dầu tấn phong, là Ða-vít cùng dòng dõi đến muôn đời.
Trong cuộc đời mình vua Đavít còn phạm một ội khác đó là tội ra lệnh kiểm kê dân số. Theo quan niệm của Do thái giáo nhà vua chỉ là quản gia, người thừa hành lệnh của Thiên Chúa. Chỉ có Giavê là Thiên Chúa duy nhất của Israel là dân riêng Chúa chọn. Vì thế khi không được lệnh Thiên Chúa mà vua Đavit ra lệnh kểm kê dân Israel là phạm tội tiếm quyền của Thiên Chúa.
Chương 24 sách Samuel II kể rằng:
Vua Ða-vít áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua Ða-vít thưa cùng Ðức Chúa: “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Ðức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn.”
11
Sáng hôm sau, khi vua Ða-vít dậy, đã có lời Ðức Chúa phán với ngôn sứ Gát, thầy chiêm của vua Ða-vít, rằng:
12
“Hãy đi nói với Ða-vít: Ðức Chúa phán thế này: “Ta đưa ra cho ngươi ba điều. Ngươi hãy chọn lấy một trong ba, và Ta sẽ thực hiện cho ngươi.”
13
Vậy ông Gát đến gặp vua Ða-vít, báo cho vua và nói: “Ngài muốn điều gì xảy ra: hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch? Bây giờ xin ngài suy nghĩ xem tôi phải trả lời thế nào cho Ðấng đã sai tôi.”
14
Vua Ða-vít nói với ông Gát: “Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Ðức Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm!”
15
Ðức Chúa giáng ôn dịch xuống Ít-ra-en từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Ðan tới Bơ-e Se-va, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết.
16
Thiên sứ đưa tay về phía Giê-ru-sa-lem để tàn phá thành, nhưng Ðức Chúa hối tiếc vì tai hoạ đó, và Người bảo thiên sứ có nhiệm vụ tiêu diệt dân: “Ðủ rồi! Bây giờ rút tay lại.” Thiên sứ của Ðức Chúa đang ở gần sân lúa của ông A-rau-na, người Giơ-vút.
17
Vua Ða-vít thưa với Ðức Chúa, khi thấy thiên sứ có nhiệm vụ đánh phạt dân, ông nói: “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!
Đây là một điều ý nghĩa khác trong nền thần học kinh thánh: đó là chiều kích trách nhiệm nghiêm trọng của hàng lãnh đạo. Không có một hành đông nào, không có tội lỗi nào của người lãnh đạo mà lại không gây ra các ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trên dân chúng thuộc quyền. Tội của người lãnh đạo luôn luôn gây ra ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại cho dân. Vì thế người lãnh đạo phải cố gắng sống liêm chính thánh thiện chừng nào có thể để người dân được an cư lạc nghiệp và có cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc.
́(THẦN HỌC KINH THÁNH (KT1199))
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV