Phần đầu chương 7 sách Lêvi trình bầy lễ đền tội và quyền lợi của các tư tế. Phần hai trình bầy lễ kỳ an gồm hai loại: hy lễ tạ ơn, và lễ vật đã khấn hứa và lễ vật tự nguyện. Phần ba đưa ra một số nguyên tắc chung và lại đề cập tới phần của tư tế.
Mười câu đầu chương 7 sách Lêvi thường được giới học giả cho đi liền với chương 6. Văn bản viết: ”Đây là luật về lễ đền tội, về một của rất thánh: Phải sát tế lễ vật đền tội ở nơi sắt tế lễ vật toàn thiêu, và tư tế sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ. Tư tế sẽ tiến dâng tất cả mỡ của mó: cái đuôi, lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài, gần lưng, và khối mỡ trên gan mà tư tế sẽ tách ra cùng với các trái cật. Tư tế sẽ đốt những thứ ấy cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, làm lễ hỏa tế dâng Giavê. Đó là lễ đền tội. Mọi đàn ông con trai thuộc hàng tư tế sẽ được ăn; lễ vật ấy sẽ được ăn trong một nơi thánh: đó là của rất thánh.
Lễ tạ tội thế nào, lễ đền tội cũng vậy: chỉ có một luật nhuy nhất cho cả hai. Tư tế nào dâng lễ vật để cử hành lễ xá tội, thì lễ vật sẽ thuộc về tư tế đó. Tư tế sẽ dâng lễ toàn thiêu của ngừơi nào, thì da của lễ vật mà tư tế đó tiến dâng, sẽ thuộc về tư tế đó. Mọi lễ phẩm nướng trong lò, mọi lễ phẩm nấu trong nồi hay chiên trên chảo sẽ thuộc về tư tế tiến dâng lễ phẩm ấy. Mọi lễ phẩm nhào với dầu hay để khô sẽ thuộc về các con Aharon.”
Các quyền lợi loại này này cũng được ghi nhận trong thế giới của người Elamít và trong thế giới của người Phênêxi thuộc thế kỷ thứ III trước công nguyên. Các từ ngữ dùng cũng giống từ ngữ trong Thánh Kinh Cựu Ước.
Trong phần trình bầy lễ đền tội ở đây không thấy nhắc đến việc bồi thường như trong chương 5,14-16 và 23-26, là phần của nghi lễ đền tội. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa đây là các lễ nghi khác. Văn bản ở đây chỉ chú ý tới việc sát tế, nhưng không loại trừ việc bồi thường.
Phần hai của chương 7 nói về lễ kỳ an và chia ra làm hai phần. Thứ nhất là hy lễ tạ ơn. Văn bản viết:
Đây là luật về hy lễ kỳ an tiến dâng Giavê: Nếu tiến dâng hy lễ kỳ an kèm với lễ tạ ơn, thì cũng với hy lễ tạ ơn, phải tiến dâng bánh ngọt không men nhào với dầu, bánh tráng không men phết dầu và tinh bột trộn kỹ làm thành bánh lễ tiến, kèm theo lễ kỳ an. Phải tiến dâng bánh có men làm lễ tiến, kèm theo lễ kỳ an. Phải tiến dâng một phần lấy từ mọi lễ tiến làm phần trích dâng Giavê. Phần ấy sẽ thuộc về tư tế đã rảy máu của lễ vật kỳ an. Còn thịt của hy lễ kỳ an để tạ ơn, thì phải ăn trong chính ngày tiến dâng, không được để lại gì cho đến sáng hôm sau.
Thứ hai là lễ vật đã khấn hứa và thứ ba là lễ vật tự nguyện. Văn bản viết: ”Phải tiến dâng một phần lấy từ mọi lễ tiến làm phần trích dâng Giavê. Phần ấy sẽ thuộc về tư tế đã rảy máu của lễ vật kỳ an. Còn thịt của hy lễ kỳ an để tạ ơn, thì phải ăn trong chính ngày tiến dâng, không được để lại gì cho đến sáng hôm sau.”
Có ba trường hợp hy lễ hiệp thông: thứ nhất là để tạ ơn vì một ơn đã nhận được (tôdah) (cc. 12-15); thứ hai là để khẩn cầu một tương lai (neder); và thứ ba là vì lòng đạo đức tự phát (nedabah) (cc.15-17).
Loại lễ tế khấn nguyền tự phát này cũng được nhắc tới trong các Thánh Vịnh. Chẳng hạn như thánh vinh 23 câu 26: ”Chịu ơn Người tôi dâng lời ca tụng, ngày đại hội toàn dân. Điều khấn nguyền tôi xin giữ trọn, trước mặt những ai kính sợ Người” (Tv 23,26). Đề cập tới lòng đạo đức thật tác giả thánh vịnh 50 khuyến khích tín hữu: ”Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao” (Tv 50,14), vì Thiên Chúa không ham bò chiên của con người. Tác giả thánh vịnh 54 thì thổ lộ với Thiên Chúa: ”Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo” (x. Tv 61,9; 66,13; 116,14).
Tiếp đến là lễ vật đã khấn hứa và lễ vật tự nguyện. Văn bản viết: ”Nếu hy lễ tiến dâng là lễ vật đã khấn hứa hay lễ vật tự nguyện, thì phải ăn trong chính ngày tiến dâng hy lễ; phần còn lại, được ăn ngày hôm sau. Sang ngày thứ ba, những gì còn lại của hy lễ, phải bỏ vào lửa mà thiêu.”
Phần thứ ba của chương 7 đề cập tới một quy tắc chung khi viết: ”Sang ngày thứ ba mà người ta cứ ăn thịt của lễ kỳ an, thì người tiến dâng hy lễ sẽ không đươc đoái nhận; nó sẽ không được kể là đã dâng hy lễ: đó là thịt ôi, và người nào ăn thịt thì phải mang tội.”
Chúng ta nhận thấy các điều luật trên đây hướng tới chỗ hạn chế thời gian, trong đó phải ăn thịt lễ tế hiệp thông hay kỳ an. Có lẽ nó liên quan tới các bữa tiệc kéo dài qúa. Thịt ôi trong nghĩa không còn thích hợp với hy lễ nữa. Nhưng đồng thời đây cũng vì lý do vệ sinh.
Văn bản viết tiếp: ”Thịt đã chạm đến bất cứ cái gì ô uế, thì không được ăn, nhưng phải bỏ vào lửa mà thiêu. Thịt của hy lễ kỳ an, thì mọi người thanh sạch đều được ăn. Nhưng người nào ở trong tình trạng ô uế mà ăn thịt của hy lễ kỳ an dâng Giavê, thì sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ. Người nào chạm tới bất cứ cái gì ô uế, của người ta hay loài vật ô uế, hay bất cứ vật ô uế kinh tởm nào – mà ăn thịt của hy lễ kỳ an dâng Giavê, thì người ấỵ sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ.”
Trường hợp thịt hy lễ kỳ an có thể đụng chạm tới các vật ô uế giả thiết nó được ăn bên ngoài nơi thánh, có lẽ tại nhà của người dâng lễ. Người có lỗi bị khai trừ khỏi dòng họ và cộng đoàn, tức khỏi môi trường trong đó tín hữu được che chở và bảo vệ, và để cho Thiên Chúa đánh phạt họ. Đây là một loại kết án tử xã hội, trong một vài trường hợp nó có hậu qủa là cái chết vật lý. Tuy nhiên, giải pháp có nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau, ở đây là bị dứt phép thông công.
”Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Hãy nói với con cái Israel: Tất cả những gì là mỡ, mỡ bò, mỡ chiên hay mỡ dê, các ngươi không được ăn. Mỡ của con vật chết và mỡ của con vật bị thú dữ xé, có thể dùng vào mọi việc, nhưng tuyệt đối các ngươi không được ăn. Phàm ai ăn mỡ con vật mà người ta đã dâng tiến một phần làm lễ hỏa thiêu dâng Giavê, thì chính người ăn sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ. Tại khắp nơi các ngươi ở, tất cả những gì là tiết, dù là tiết chim hay tiết loài vật, các ngươi không được ăn. Phàm người nào ăn bất cứ cái gì là tiết, thì sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ”.
Phần áp chót của chương 7 sách Lêvi lại nói về phần của các tư tế: ”Giavê phán với ông Môshê rằng: Hãy nói với con cái Israel: Ai tiến dâng Giavê hy lễ kỳ an, thì sẽ đem đến một phần hy lễ kỳ an của mình làm lễ tiến dâng Giavê. Chính tay người ấy sẽ đem đến những lễ hỏa tế của Giavê là mỡ kèm theo cái ức, nó sẽ đem cái ức đến để làm nghi thức tiến dâng trước nhan Giavê. Tư tế sẽ đốt mỡ cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, còn cái ức thì thuộc về Aharon và các con nó. Các ngươi sẽ cho tư tế cái đùi phải, làm phần trích ra từ hy lễ kỳ an của các ngươi. Người nào trong các con Aharon dâng tiến máu và mỡ của lễ kỳ an, thì cái đùi phải sẽ là phần của nó. Thật vậy cái ức đã tiến dâng theo nghi thức và cái đùi đã trích ra, thì Ta lấy của con cái Israel, từ các hy lễ kỳ an của chúng, và Ta ban cho tư tế Aharon và các con nó: đó là quy luật vĩnh viễn cho con cái Israel”.
Cử chỉ dâng tiến ”tenuphah” có người giải thích theo nghĩa lễ vật được di chuyển theo chiều ngang, khác với cử chỉ ”terumah” là nâng lên cao. Nhưng khó mà phân biệt được hai cử chỉ, các từ vựng ở đây xem ra có thể thay đổi với nhau. Theo học giả J. Milgrom, ”tenuphah” là cử chỉ dâng trước sự hiện diện của Giavê, trong khi ”terumah” là cử chỉ hiến dâng cho Chúa ở bên ngoài Đền Thờ.
Và chương 7 kết thúc như sau: ”Đó là phần của ông Aharon và phần của các con ông, lấy từ lễ hỏa tế dâng Giavê, từ ngày họ được tiến dâng để làm tư tế của Giavê. Phần đó, Giavê đã truyền cho con cái Israel tặng cho họ, từ ngày Người xức dầu tấn phong họ: đó là quy tắc vĩnh viễn cho họ từ thế hệ này qua thế hệ kia.
Đó là luật và lễ toàn thiêu, lễ phẩm, lễ tạ tội, lễ đền tội, lễ trao quyền và lễ kỳ an; luật đó, Giavê đã truyền cho ông Môshê trên núi Sinai, trong ngày Người truyền cho con cái Israel dâng Giavê các lễ tiến của họ trong sa mạc Sinai.”
Với kết luận này, soạn giả cho thấy bẩy chương đầu sách Lêvi là một đơn vị duy nhất, trình bầy các loại lễ tế và nhiệm vụ của các tư tế trong thời cựu ước. Từ ”torah” lề luật cũng là từ riêng của hai chương 6 và 7 của sách Lêvi.
(Thần Học Kinh Thánh 1119)
Linh Tiến Khải
nguồn: Vietvatican