Lần trước chúng ta đã duyệt xét một số vấn đề nảy sinh trong tương quan giữa luân lý và sự tự do. Con người là một bản vị có tự do vì có khả năng lựa chọn. Nhưng sự tự do của con người là một thứ tự do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, của hoàn cảnh và vị trí trong đó nó sinh sống. Sự kiện con người là sản phẩm của gia đình, xã hội phải sống trong các hoàn cảnh địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo xác định khác nhau khiến cho sự tự do của nó bị hạn hẹp và điều kiện hóa rất nhiều. Chính các yếu tố điều kiện hóa này ngăn cản sự tự do của con người, khiến cho con người không hoàn toàn được tự do lựa chọn điều nó muốn và sống theo cung cách nó muốn. Ngay cả ý niệm về sự tự do cũng đã là một hạn hẹp rồi, bởi vì tự do không có nghĩa là ”muốn làm gì thì làm.”
Chúng ta hãy bắt đầu với các yếu tố địa lý. Một người sinh ra trong một vùng sa mạc khô cằn, nóng cháy ban ngày nhưng giá buốt ban đêm, phải nhận chịu các điều kiện khí hậu đặc thù khắc nghiệt của sa mạc. Và nếu không chu du đây đó, họ sẽ không bao giờ biết đến và cảm nghiệm được khí hậu của những vùng đất có nhiều sông hồ, rừng cây và đồng cỏ tươi mát, hay của những vùng duyên hải có biển và đại dương trước mặt. Ai trong chúng ta cũng phải nhận chịu các yếu tố địa lý của quê sinh, và không thể có các cung cách sống của những người thuộc các vùng địa lý có các đặc thái khác. Các yếu tố địa lý này không chỉ ảnh hưởng trên diện mạo và cấu trúc cơ thể, mà cũng chi phối sự hiểu biết, các thói quen và cả tính tình của chúng ta nữa. Con người là sản phẩm của môi trường, trước hết là môi trường địa lý với tất cả các đặc thái bao gồm cả khí hậu, khung cảnh sống, nhà ở, thực phẩm và cung cách ăn uống nữa.
Thứ hai là các yếu tố chính trị. Một trẻ em sinh trưởng tại các nước Tây âu có chế độ dân chủ tự do, tôn trọng và thăng tiến các quyền bẩm sinh bất khả nhượng của con người, thì đã được hưởng các quyền ấy ngay từ lúc còn là bào thai trong lòng mẹ. Bởi vì trong khung cảnh sống của gia đình và xã hội dân chủ tự do, con người có các quyền công dân được chính phủ tôn trọng và bảo đảm. Trong các xã hội ấy trẻ em và người trẻ được khuyến khích nói lên các suy tư riêng, các ước muốn, các bất đồng, các tâm tình của chúng, và chia sẻ các cảm nghiệm của chúng với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và người lớn. Chúng được dậy dỗ phát huy các khả năng bẩm sinh của mình trong mọi lãnh vực tâm sinh vật thể lý, tinh thần và thiêng liêng; đồng thời hiểu biết các quyền lợi và bổn phận đối với chính mình, đối với tha nhân và cộng đoàn gia đình, học đường và xã hội. Trong các xã hội có thể chế chính trị dân chủ tự do ấy mọi công dân đều có các quyền tự do như nhau: tự đo ăn nói, phát biểu, đi lại, hội họp, thành lập các hiệp hội, gia nhập các nghiệp đoàn và các đảng phái chính trị, bỏ phiếu, xuống đường đình công, biểu tình, phê bình phản đối chính quyền, khi chính quyền sai trái. Lý do là vì chính quyền được dân bầu lên và được dân đóng thuế trả lương là để lo cho công ích, đáp ứng các nhu cầu của người dân, và phát triển cuộc sống quốc gia đất nước, bảo đảm an sinh cho dân; chứ không phải để gian tham hối lộ, ăn cắp của công, đàn áp dân chúng, củng cố quyền lực phe nhóm hay đảng phái của mình và biến guồng máy cai tri thành tổ chức tội phạm.
Các trẻ em sinh ra trong các xã hội có chính quyền độc tài đảng trị, đặc biệt là các chế độ cộng sản duy vật vô thần, điển hình như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam, thì không biết đến các quyền tự do dân chủ, an sinh và các quyền con người là gì. Tuy giới lãnh đạo của cả hai chính quyền Trung Quốc và Việt Nam từ lâu đã trở thành tư bản đỏ, nhưng họ vẫn duy trì cung cách tổ chức độc tài sắt máu vô nhân của chế độ xã hội chủ nghĩa để tiếp tục nô lệ hóa đất nước và rúc rỉa, bòn mót, hút máu toàn dân. Các thể chế chính trị độc tài như thế không chỉ giới hạn và điều kiện hóa sự tự do của người dân, mà còn tìm mọi cách tước đoạt, cướp trắng và bức tử nó nữa. Tại nhiều quốc gia có chế độ quân phiệt hay độc tài loại khác tuy không đến nỗi tệ hại như các nước kể trên, nhưng nhiều quyền tự do của người dân cũng bị hạn chế và kiểm soát.
Thứ ba là các giới hạn tự do trong lãnh vực kinh tế. Chính trị và kinh tế luôn đi đôi với nhau. Trong một xã hội tự do dân chủ nền kinh tế thường phát triển mạnh, vì mọi công dân đều có quyền tự do buôn bán, kinh doanh, đầu tư phát triển, cạnh tranh và tận dụng mọi tài khéo cũng như khả năng tái chánh kinh tế của mình. Các chính quyền dân chủ tự do thường khuyến khích, dành mọi dễ dãi và trợ giúp cả tài chánh cho các dự án tạo công ăn việc làm cho dân và giúp phát triển đất nước. Thường khi chính quyền cũng có cổ phần trong các dự án đó. Trái lại, trong các nước có chế độ độc tài đảng trị kiểu xã hội chủ nghĩa, tuy nhà nước luôn lải nhải rêu rao ”độc lập tự do hạnh phúc”, nhưng người dân phải ”làm kinh tế theo định ướng xã hội chủ nghĩa” và bị đối xử tàn tệ hơn súc vật, vì ngay cả các quyền tự do tối thiểu của người dân cũng không hề được tôn trọng.
Trong cuộc sống bị kìm kẹp tứ bề đó tất cả đều nằm phải dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của nhà nước, và phải theo sát các chỉ thị của nhà nước gọi là ”đường hướng xã hội chủ nghĩa”, không cần phải biết đúng hay sai, phải hay trái, ích lợi hay thiệt hại; lời lỗ, chạy hay không chạy, không thành vấn đề, miễm là tất cả phải tuân hành đường lối của đảng. Và các đường lối chỉ đạo là do những người lãnh đạo giữ chức cao chỉ vì có nhiều tuổi đảng, chứ không phải là những người tài đức, học cao hiểu rộng. Trái lại, có khi họ còn không biết đọc biết viết và chưa học xong tiểu học. Giờ đây để tỏ ra là người thông thái có học, họ mua bằng cấp và học vị, ai cũng bốn năm cái tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng tất cả chỉ là giấy, vì lực học thì vẫn ở mức tiểu học. Có khi còn tệ hơn vì ”càng về già càng lú lẫn”, hay còn sáng suốt nhưng chỉ biết ăn chơi trác tác với tiền của ăn cướp của nhân dân. Biết đó là chuyện hoàn toàn giả dối, nhưng họ thích có ảo tưởng mình học thức, vì có bằng thì phải giỏi chứ! Trong một xã hội có hàng lãnh đạo như thế, các quyền tự do của người dân lại càng bị hạn chế và điều kiện hóa nhiều hơn. Do đó, không lạ gì khi các sinh viên học sinh hay bất cứ ai biểu tình hay bầy tỏ lòng yêu nước và bảo vệ quyền lãnh thổ, hay bênh vực các quyền con người, thì lại bị công an cảnh sát bắt bớ, đánh đập, bỏ tù và bị chính quyền bán nước xử án nặng nề với các tội danh dối trá bịa đặt.
Không cần phải dài dòng, ai cũng có thể hiểu rằng các trẻ em sinh ra trong một môi trường xã hội gian dối, bạo lực và đồi tệ như thế phải thiệt thòi chừng nào, vì bầu khí xã hội các em phải hít thở đã bị ô nhiễm trầm trọng trên tất cả mọi bình diện, đặc biệt là văn hóa, luân lý và tinh thần.
Tuy nhiên, các chướng ngại và hạn chế quyền tự do cũng hiện diện trong cả các xã hội nổi tiếng là tư do dân chủ, tuy trong mức độ ít hơn. Chẳng hạn như từ vài năm qua tại Hoa Kỳ và các tây âu người ta đã chứng kiến sự kiện quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm của người dân cũng bị vi phạm, từ phía các chính quyền duy đời cực đoan, khiến cho các vị lãnh đạo tôn giáo liên tục lên tiếng phản đối. Điển hình như lá thư bênh vực tự do lương tâm các vị lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành nam Hoa Kỳ gửi chính quyền của tổng thống Barack Obama ngày 21-6-2013, kêu gọi quốc hội thông qua luật bảo vệ tự do lương tâm trong lãnh vực y tế. Lá thư mang chữ ký của Đức Cha William Lori, Tổng Giám Mục giáo phận Baltimore, Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Mỹ về tự do tôn giáo, và mục sư Russel Moore, Chủ tịch Ủy ban đạo đức và tự do tôn giáo của Giáo Hội Tin Lành nam Hoa Kỳ. Trong thư các vị khẳng định rằng: ”Có nhiều người sắp bị cưỡng bách phải theo điều mà chính phủ bắt buộc phải chịu đau khổ vì đức tin. Nay là lúc quốc hội Mỹ cần thông qua luật bảo vệ quyền tự do Thiên Chúa ban. Một trong những quan tâm gần nhất là bộ y tế và các cơ cấu phục vụ con người bó buộc hầu như tất cả các tổ chưc tư nhân phải cung cấp các bảo hiểm ngừa thai và làm tuyệt đường sinh sản cho nhân viên phụ nữ. Mặc dù có những lời trấn an, nhưng những quy định của bộ y tế Hoa Kỳ về việc bảo vệ tự do tôn giáo và lương tâm vẫn không thích hợp. Vô số các tổ chức không mưu lợi hoặc mưu lợi đều phải tuân hành mệnh lệnh của chính phủ, trái ngược với tín ngưỡng của họ, hoặc nếu theo lương tâm của mình, thì ho sẽ phải trả tiền phạt nặng nề hay không còn có thể thi hành nghề nghiệp và thừa tác vụ của họ nữa.”
Đức Cha Lori và Mục sư Moore nói thêm rằng: ”Tuy các tín hữu công giáo và tin lành nam Hoa Kỳ có những quan điểm thần học khác nhau, nhưng chúng tôi được liên kết nhờ xác tín rằng quốc hội phải hành động để giúp bảo vệ tự do tôn giáo và lương tâm” (CNS 21-6-2013). Ngày mùng 1-7-2012 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra thông cáo mạnh mẽ phản đối luật y tế do tổng thống Obama ban hành, bắt buộc các người cho việc phải cung cấp thuốc ngừa thai và trả chi phí phá thai cũng như làm tuyệt đường sinh sản cho các nữ nhân viên của mình. Luật này hoàn toàn trái ngược với luân lý kitô cũng như luân lý tự nhiên và vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm của các kitô hữu cũng như toàn dân Mỹ.
Trong khi đó tại các nước Âu châu các chính quyền và giới chức chính trị duy đời cực đoan liên tục tấn công các Giám Mục, tìm mọi cách để bịt miệng các vị lãnh đạo tôn giáo và gạt bỏ các Giáo Hội Kitô ra ngoài lề xã hội. Sự kiện này cũng khiến cho Kitô giáo là tôn giáo bị bách hại và kỳ thị nhất trên thế giới vì có tới 200 triệu tín hữu bị sách nhiễu, bắt bớ và nhiều khi bị sát hại vì đức tin.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1158)
Linh Tiến Khải