Lần trước chúng ta đã đề cập tới cuộc khủng hoảng liên quan tới các bí tích.
Số người lãnh nhận các bí tích ngày càng giảm sút và sự hiểu biết về các bí tích của tín hữu cũng hạn hẹp hay lệch lạc. Vậy nền thần học đã phản ứng thế nào trước tình cảnh này? Các phản ứng đầu tiên và rõ ràng nhất có thể được nhận ra trong các tác phẩm phát triển song song với nền thần học triệt để của Mỹ, thường được biết tới như nền thần học của sự tục hóa và nền thần học của việc tháo bỏ sự thánh thiêng. Mặc dù các thành công ban đầu của chúng, các trào lưu thần học này cố ý đem Kitô giáo trở lại với diện mạo đích thực của nó và không chỉ đề nghị biện minh nhưng còn triệt để hóa cuộc khủng hoảng của việc lãnh nhận các bí tích. Nhưng chúng đã mau chóng cho thấy tính cách không vững vàng vì hai lý do nền tảng sau đây. Thứ nhất, yêu sách coi Kitô giáo là một tôn giáo đời hóa tới độ yêu cầu loại bỏ tất cả mọi sinh hoạt phụng tự lễ nghi không tìm thấy nền tảng nào trong các văn bản kinh thánh, mà giáo huấn của Chúa Kitô và thực hành của Giáo Hội thời khai sinh đã truyền lại cho chúng ta. Thứ hai, các nền thần học của sự tục hóa và tháo bỏ sự thánh thiêng cho thấy rõ ràng tính cách không phù hợp sâu xa của chúng với Kitô giáo, tại những nơi để yểm trợ sự trung thánh lớn hơn với tính cách đời, với lịch sử, bằng cách giảm thiểu Kitô giáo thành một nền luân lý đạo đức, một xã hội học, một nền chính trị, các nền thần học này quên rằng Kitô giáo tự nó và trước hết là một lịch sử. Luân lý đạo đức, xã hội học, và chính trị mà với nó tín hữu kitô có thể trung thành với lịch sử không nảy sinh từ một giáo thuyết hay một ý thức hệ, nhưng từ lịch sử cứu độ; nghĩa là từ tổng thể các can thiệp cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong thời gian và trong không gian và chúng đạt tột đỉnh nơi chính Chúa Kitô.
Tuy nhiên vấn đễ vẫn rộng mở, nếu sự trung thành với lịch sử cứu độ có thể được thực thi tùy thích nhờ đức tin và các bí tích. Cả khi nếu trong Thánh Kinh Tân Ước có thể gặp hai luồng tư tưởng xem ra luân phiên trình bầy tính cách không thể thiếu của đức tin (Rm 3,22-24; Dt 11,6) hay của các bí tích (Ga 3,5). Chẳng hạn trong chương 3 thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô viết: ”Qủa thế người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu”. Tác giả thư gửi giáo đoàn Do thái thì viết trong chương 11: ”Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,6). Trong chương 3 thánh sử Gioan ghi lại lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: ”Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,6).
Thật ra, ý nghĩa toàn vẹn trong giáo huấn của tân ước, như đã được hiểu và thực thi bởi truyền thống kitô, khẳng định rằng trong nhiệm cuộc cứu rỗi không có hai con đường thay thế nhau, nhưng chỉ có một con đường duy nhất bao gồm đức tin và các bí tích. Vì thế nếu trong Giáo Hội ngày nay có thể nhận diện các tín hữu thực hành đạo nhưng không tin và các tín hữu không thực hành đạo, tình trạng này cần được minh giải, bởi vì không thể sắp xếp nó vào bất cứ hình thức đa nguyên nào, trong đó mỗi người có thể có các lựa chọn tự do. Như thế một lần nữa lại nổi lên một cách ồn ào vấn đế của các vai trò hữu hiệu mà đức tin và các bí tích có bên trong lịch sử cứu độ; và vấn đề bản chất tương quan của chúng. Vấn đề này đã luôn luôn đồng hành với cộng đoàn kitô trong suốt lịch sử của nó, đã được phân tích và giải quyết trên nhiều bình diện khác nhau, nhưng việc tái trình bầy nó ở đây bao gồm nhiều khía cạnh mới mẻ, và dầu sao đi nữa xem ra được trình bầy trong các vang vọng sâu xa nhất của nó.
Thật thế, ngày nay nổi cộm lên một cách rất rõ ràng các ý nghĩa và các khía cạnh của vấn đề, mà trong thời Cộng Đồng Chung Trento chúng đã chỉ được trực giác một cách không rõ ràng, và vì thế đã không có câu trả lời rốt ráo. Trong qúa khứ đề tài đức tin và các bí tích đã cống hiến dịp thiết định rõ ràng đâu là các phương thế cứu rỗi hiệu nghiệm mà Thiên Chúa cống hiến cho con người, để nhấn mạnh rằng đức tin và các bí tích không phải là hai con đường cứu rỗi có thể chọn một bỏ một tùy thích, bởi vì chúng tạo thành hai khía cạnh không thể tách rời nhau. Từ thủ đắc về tính cách không thể tách rời của đức tin và các bí tích, vì bên dưới đó có xác tín rằng niềm tin nơi nhiệm cuộc cứu độ luôn luôn và trong mọi trường hợp là thống nhất, Công Đồng Chung Trento cũng đã suy ra rằng tương quan chặt chẽ cột buộc đức tin với các bí tích không thể được cứu vãn với giá của việc giản lược các bí tích vào đức tin, như các nhà cải cách lớn chủ trương, hay giản lược đức tin vào các bí tích như một kiểu thực thi bí tích nào đó quan niệm, vì đã không suy tư, duy truyền thống và hầu như một cách phù phép. Tuy nhiên, giáo huấn của Công Đồng Trento rất rõ ràng trong việc khẳng định tương quan phân biệt đức tin và các bí tích, nhưng đã không tìm thấy trong nền thần học sau đó một miêu tả rõ ràng và rốt ráo bản chất của tương quan này. Khi phân tích tương quan này bên trong vấn đề sự hữu hiệu của các bí tích ”ex opere operato” – tức ơn thánh phát xuất từ hoạt động của bí tích, chứ không phải từ công nghiệp hay sự thánh thiện của linh mục ban bí tích hay người tham dự – nền thần học đã chỉ miêu tả nó trong các từ vựng nhiệm vụ, nghĩa là như tương quan nảy sinh cho một hiệu qủa phải được sản xuất ra đồng đều, hơn là từ bản chất hiệu qủa của hai từ của tương quan. Đây là một vấn đề đã có thể đưa tới một suy tư trở lại bản chất của đức tin và bản chất của các bí tích để kiểm thực một cách tốt đẹp hơn việc tùy thuộc của chúng vào cùng một nhiệm cuộc cứu độ, như thế người ta giải quyết trong một vấn đề của sự quân bình đúng đắn và tầm mức giữa vai trò của đức tin ”ex opere operantis”, tức từ công việc làm của Giáo Hội, và vai trò của các bí tích ”ex opere operato” tức từ công việc được làm là sự hữu hiệu trong việc sản xuất ra ơn thánh.
Hiển nhiên đây là hậu qủa của kiểu hiểu tương quan đức tin và các bí tích phát xuất từ một sự hiểu biết trước không thích hợp về bản chất của đức tin, bản chất của các bí tích, và phân tích cho cùng về bản chất của nhiệm cuộc cứu độ. Điều đã không luôn luôn được minh nhiên một cách đúng đắn là sự kiện chính kiểu quan niệm tương quan đức tin và các bí tích này, bị giản lược vào hàng chỉ là một tương quan nhiệm vụ, và tới phiên mình nó đã xác định một việc điều kiện hóa sau đó của nền thần học đức tin và nền thần học các bí tích. Qủa vậy, đức tin một cách dễ dàng đã trở thành ”đức tin suy tư”, nghĩa là thời điểm chấp nhận tri thức gia tài tín lý mà cộng đoàn kitô đã rút tỉa ra từ mạc khải, trong khi các bí tích thì đã trở thành bối cảnh lễ nghi, trong đó đức tin được đội triều thiên và trong một cách nào đó, được tưởng thưởng với việc trao ban ơn thánh. Trong viễn tượng này sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội đã được suy nghĩ như là một hoạt động phải diễn tiến trên hai mặt: một mặt là việc rao giảng Tin Mừng phải có mục đích loan báo và làm cho người nghe chấp nhận các chân lý đức tin; mặt khác là bí tích hóa có mục đích khiến cho linh hồn các tín hữu trở nên công chính. Như thấy đó, tuy hai mặt đồng quy, nhưng chúng vẫn độc lập và có thể được coi như hai giai đoạn tiếp nối nhau hướng về cùng một đích điểm.
Việc lắng nghe loan báo Tin Mừng đưa tín hữu tới chỗ chấp nhận các sự thật lòng tin, việc lãnh nhận các bí tích giúp tín hữu có được các ơn thánh cần thiết cho cuộc sống đức tin, giúp nó trưởng thành lớn mạnh để tín hữu tiến tới đích điểm là được công chính hóa, tức nên thánh.
Đàng sau các xác tín này thật không khó hiểu tại sao lại xảy ra cuộc khủng hoảng trong thói quen lãnh nhận các bí tích. Lý do là vì nó được giải thích như là kết qủa của một sự dốt nát tôn giáo to lớn, và bởi vì việc rao truyền Tin Mừng bị giảm thiểu xuống hàng dậy dỗ tôn giáo, và được coi như là sự lựa chọn mục vụ đầu tiên và ưu tiên cần làm để đưa tín hữu tới chỗ đánh giá đúng đắn việc lãnh nhận các bí tích.
Trong tình trạng này nhiệm vụ đích thật mà nền thần học hiện đại phải chu toàn là nhiệm vụ bù đắp sự thiếu sót do nền thần học sau thời công đồng chung Trento để lại, và tái suy tư ý niệm về đức tin và bí tích để thỏa mãn hai đòi buộc. Đòi buộc thứ nhất là miêu tả tương quan đức tin bí tích như phát xuất từ bản chất của chúng, trước khi phát xuất từ nhiệm vụ của chúng, và đòi buộc thứ hai là trao ban một gương mặt và một mô thức thống nhất hơn cho sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1184)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV