Người Công giáo nên đọc Kinh thánh như thế nào? Như một cuốn tiểu thuyết? Hoặc như một cuốn sách khoa học?
Có một số cách để đọc Kinh Thánh. Một trong những điều đầu tiên người Công giáo nên tìm kiếm là những chú thích ở đầu mỗi chương hoặc ở cuối trang cho biết các bản văn tương tự khác trong Kinh thánh. Điều này giúp người đọc hiểu từng câu cụ thể theo ngữ cảnh, thay vì một cách riêng rẽ. Kinh thánh cần được đọc trong tổng thể và không bao giờ được đưa ra khỏi ngữ cảnh. Đó là điều mà Satan đã cố làm với Chúa Giêsu nơi sa mạc theo Mátthêu chương 4 – Lấy từng câu ra khỏi ngữ cảnh, cố gắng sử dụng chúng để ám chỉ điều gì đó mà chúng thực sự không có.
Phương pháp đó vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, bởi những người không phải Công giáo, dù có ý ngay lành, nhưng bị hướng dẫn sai. Bằng cách sử dụng phần chú thích ở đầu mỗi chương hoặc ở cuối trang, bạn có thể chuyển sang một câu tương tự và xem coi câu đó được sử dụng như thế nào.
Một quy tắc khác cần tuân theo là bạn phải đọc kinh thánh theo ý nghĩa của Truyền thống, những gì tác giả ban đầu muốn nói, chứ không phải những gì bạn nghĩ. Nếu bạn là Nguyễn Du, tác giả của “Truyện Kiều”, chắc chắn bạn sẽ không muốn ai đó 2000 năm sau nghĩ ra cách giải thích rằng Thúy Kiều là một cô gái Tây nguyên hoặc Tây Nam bộ! [1] Tương tự như vậy, chúng ta cũng không nên đưa ra những diễn giải dựa trên những gì chúng ta “nghĩ” hoặc những gì chúng ta “cảm thấy” ngày hôm nay.
Quy tắc thứ ba cần tuân theo là không có cách giải thích nào về kinh thánh có thể mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội, vì Kinh thánh là tác phẩm của Giáo hội. Điều đó cũng giống như nói rằng một tài liệu của chính phủ mâu thuẫn với tài liệu mà một cơ quan của chính phủ phát hành.
Một điểm quan trọng cần nhớ khi đọc Kinh thánh là sự cứu độ của chúng ta không gì khác hơn là quyền làm con Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu. Quá nhiều giáo phái biến Chúa Giêsu thành một loại thẩm phán nào đó trong phòng xử án tuyên bố chúng ta có tội hay không có tội, nhưng Thiên Chúa là Cha yêu thương của chúng ta, và một người Cha yêu thương đòi hỏi rất nhiều ở con cái của mình, nhiều hơn một thẩm phán nghiêm khắc trong phòng xử án. Nếu chúng ta muốn thừa hưởng Nước Thiên Chúa ở trên trời, thì chúng ta phải làm việc với tư cách là con cái trong công việc làm ăn của gia đình ngay trên trái đất NGAY BÂY GIỜ – xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa trên trái đất mà Chúa Giêsu đã thiết lập: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4: 17).
Trong nhiều trường hợp, bài đọc Tân Ước được báo trước trong Cựu Ước. Chẳng hạn, khi đọc thấy rằng khuôn mặt của Chúa Giêsu tỏa sáng như mặt trời trong Mátthêu chương 17, bạn có thể giở lại Cựu Ước và thấy rằng khuôn mặt của Môsê cũng tỏa sáng trong Xuất hành chương 34. Ý nghĩa sâu xa hơn ở đây là Môsê là một “mẫu người” trong Kinh thánh, hay là điềm báo trước về Chúa Giêsu – Môsê là người ban hành luật trong Cựu Ước; Chúa Giêsu là nhà lập pháp của Tân Ước. Môsê lên núi đem Lời Chúa xuống cho dân của Giao Ước Cũ trong Xuất Hành chương 34; Chúa Giêsu đã đưa ra Bài Giảng Trên Núi trong Mátthêu chương 5, đó là Lời của Thiên Chúa cho Giao Ước Mới.
Có rất nhiều ví dụ nói về Chúa Giêsu trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Chúa Giêsu được gọi là Con vua Đavít trong Mátthêu chương1. Đavít là Vua Do Thái khi xưa, Chúa Giêsu là Vua Do Thái hôm nay. Kinh thánh nói rằng Đavít là một người chăn cừu trong 1 Samuel chương 16 và 30 tuổi trong 2 Samuel chương 5 khi ông trở thành Vua của người Do Thái. Đavít cũng đến từ Bêlem trong1 Samuel chương 17. Điều này báo trước chính xác về Chúa Giêsu, cũng là Đấng Chăn Nhân Lành của tất cả chúng ta, theo Gioan chương 10, bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài lúc 30 tuổi, theo Luca chương 3, và cũng sinh ra ở Bêlem theo Mátthêu chương 2. Cựu Ước, trong Sáng thế ký chương 37, kể câu chuyện về Giuse, người đã bị chính những anh em của mình lột hết quần áo và bán cho chính quyền ngoại bang. Sau đó, Giuse đã tha thứ cho chính những người đã bán ông làm nô lệ. Chúa Giêsu cũng bị bán cho chính quyền ngoại bang bởi chính đồng bào của Ngài trong Mátthêu chương 26, và bị lột quần áo trong Mátthêu chương 27. Chúa Giêsu cũng tha thứ cho những người đã giết Ngài. Giuse vô tội bị tống vào tù; Chúa Giêsu vô tội bị bỏ tù. Giuse trở thành cánh tay phải của Pharaoh; Chúa Giêsu ngồi bên hữu Chúa Cha. Giuse đưa bánh cho Israel để cứu các anh mình; Chúa Giêsu ban cho chúng ta Bí Tích Thánh Thể để cứu chúng ta, những người anh em của Ngài. Nói cách khác, mọi người và các sự kiện trong Cựu Ước đều chỉ ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Có rất nhiều ví dụ khác nói về sự tiên báo trong Kinh thánh. Một cuốn Kinh thánh có nhiều chú thích rõ ràng sẽ chỉ ra tất cả những điều này.
Các con số cũng được sử dụng trong Kinh thánh. Con số bảy – ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi sau quá trình Sáng tạo của Ngài trong Sáng thế ký – là con số của sự hoàn hảo. Con số 6 là con số của sự không hoàn hảo. Chúng ta cũng thấy rằng Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu tại Tiệc cưới Cana vào ngày thứ 3 trong trình thuật của Gioan chương 2. Gioan, vốn bắt đầu sách Tin mừng của mình bằng 3 từ giống như sách Sáng thế ký đã bắt đầu bằng 3 từ “Lúc khởi đầu”, cố gắng nói với chúng ta ở đây rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, và rằng bây giờ có một Giao ước mới, một công cuộc tạo dựng mới. Con số 6 được dùng để ám chỉ tên con thú trong Khải huyền chương 13, ám chỉ Caesar Nero. Gôliát trong sách 1 Samuel chương 17 cao 6 cubits -1 cubit = 45,72 centimét.
Có 4 cấp độ cơ bản để hiểu sách thánh: Nghĩa văn tự (nghĩa đen), nghĩa ẩn dụ (ngụ ý), nghĩa luân lý (đạo đức) và nghĩa thần bí (bí nhiệm, thiêng liêng).
Nghĩa văn tự là những gì hầu hết mọi người dừng lại khi đọc kinh thánh. Nghĩa văn tự tức là khi người ta đọc về một ngôi đền trong kinh thánh, người ta hiểu là một tòa nhà lớn nơi mọi người đến thờ phượng. Đây là điều mà những người Pharisêu nghĩ rằng Chúa Giêsu đang nói đến trong Gioan chương 2 khi Chúa Giêsu nói: “Hãy phá đền thờ này đi và ta sẽ xây lại nó trong ba ngày.”
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đang nói về ý nghĩa ẩn dụ, tức là cách bản văn đề cập đến Chúa Giêsu và việc Thân Mình Ngài là Đền thờ mới.
Ý nghĩa luân lý của sách thánh là cách câu này áp dụng cho chúng ta và đạo đức cá nhân của chúng ta. Kinh thánh nói rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần trong 1 Côrintô chương 6, nên chúng ta không nên được để một giây nào để làm ô uế đền thờ của mình bằng cách say rượu, xem phim ô uế, phá thai, chửi rủa, v.v. Sự phá hủy đền thờ là những gì đã bắt đầu toàn bộ cuộc nổi dậy của anh em nhà Maccabê trong 1 Maccabê.
Cấp độ cuối cùng, ý nghĩa thần bí, đề cập đến cảm thức về thiên đàng. Chúng ta biết rằng sau khi Chúa Giêsu tái lâm sẽ có một ngôi đền mới trên trời, trong sách Khải huyền chương 21, và đất cũ cùng tất cả các giáo đường và đền thờ của nó sẽ qua đi.
Người trung bình đọc kinh thánh sẽ được trở nên phong phú nếu họ tập trung vào ý nghĩa luân lý – câu kinh thánh áp dụng cho cá nhân bạn như thế nào. Chẳng hạn, khi Mẹ Maria dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa Cha trong Đền Thờ, ở sách Tin mừng Luca chương 2, cá nhân bạn có sẵn sàng để Mẹ Maria dâng bạn cho Thiên Chúa Cha không? Khi Mẹ Maria và thánh Giuse mất Chúa Giêsu và tìm thấy Ngài trong Đền thờ, ở sách Tin mừng Luca chương 2, bạn có tìm kiếm Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể tại Nhà thờ khi bạn cảm thấy lạc lối và bị bỏ rơi không? Khi đôi mắt của Chúa Giêsu bị máu và mồ hôi của chính Ngài từ mạo gai phủ mờ, chúng ta có nhận ra rằng những ý nghĩ tội lỗi trong đầu đã làm chúng ta ra mù quáng trước quyền năng cứu độ của máu và nước từ cạnh sườn của Ngài trên thập giá không? Những ý nghĩ tội lỗi này là một danh sách dài vô tận.
Và cuối cùng, chúng ta không bao giờ nên đưa cách giải thích cá nhân của mình vào kinh thánh, trừ khi cách giải thích đó phù hợp với Truyền thống của Giáo hội Công giáo. Chính Thánh Phêrô đã cảnh báo chống lại lối thực hành này trong thư thứ 1, 2 và 3. Sau hơn 1600 năm lịch sử Kinh thánh Công giáo [2] – Đức Giáo Hoàng Damasô I và Giáo hội Công giáo đã phê chuẩn Kinh thánh quy điển vào cuối thế kỷ thứ IV – các học giả vĩ đại về kinh thánh như Thánh Giêrônimô, Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô đã luận giải mọi thứ cho bạn. Nếu chúng ta tin rằng những bộ óc nhỏ bé của thế kỷ 21 của chúng ta có thể luận ra được những câu Kinh thánh vài ngàn năm tuổi vốn được viết bằng một ngôn ngữ và trong một nền văn hóa rất khác, trong một thời đại rất khác, với những cách diễn đạt và ý nghĩa thành ngữ rất khác thì sự tự hãnh của chúng ta cao quá. Liệu chúng ta cũng có thể nói rằng mình có thể tự hiểu vật lý mà không cần đọc trước các tác phẩm của Einstein và Newton không? Đó là lý do tại sao cần có Huấn quyền để giải thích sách thánh.
Một ví dụ điển hình về lý do tại sao cần phải có người giải nghĩa sách thánh là câu sau đây: “Tôi chưa bao giờ nói rằng bạn không cần phải cho tôi nhiều tiền”. Ý định của người viết câu này có thể là “tôi chưa hề nói ra, nhưng tôi đã nghĩ đến điều đó rồi”. Câu nói đó cũng có thể có nghĩa là “tôi mong bạn đền đáp lại cho tôi bằng một đặc ân thay vì tiền bạc”. Nó cũng có thể có nghĩa là “tôi chưa bao giờ nói điều đó, nhưng bạn ấy đã cho tôi tiền”. Nó cũng có thể có nghĩa là “tôi mong đợi một khoản tiền hơn là một món quà”. Nó cũng có thể có nghĩa là “tôi mong đợi một ít tiền, nhưng không nhiều”. Nếu không có Huấn quyền giải thích sách thánh cho chúng ta qua lăng kính của Truyền thống thánh thiêng, thì có đủ mọi cách để giải thích sai những gì các tác giả ban đầu đã nghĩ đến. Ví dụ, ý nghĩa thích hợp của câu này sẽ là gì: “Bạn chưa bao giờ nói đừng bắt con dơi xuống”. Tất cả sẽ phụ thuộc vào vị trí nhấn âm trong câu – “Bạn chưa bao giờ nói đừng bắt con dơi xuống” nhưng mẹ bạn đã nói thế. Hoặc, “Bạn chưa bao giờ nói đừng bắt con dơi xuống” nhưng bạn đã viết điều đó ra cho tôi. Hoặc “Bạn chưa bao giờ nói đừng bắt con dơi xuống” nhưng bạn đã nói hãy để nó ở yên một chỗ. Và chính xác thì câu đó có nghĩa gì? Nếu không có một người giải thích phù hợp cho câu đó, thì không thể biết tác giả nghĩ gì trong đầu. Và nếu ai đó đề cập đến tác phẩm “Những kẻ khốn nạn” đã từng được Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1926 từ tên của tác phẩm “Les Misérables” của đại văn hào Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862, thì ý nghĩa của cụm từ đó có nghĩa hoàn toàn khác vào 100 năm trước so với ngày nay. Nghĩa ngày nay của “khốn nạn” là: “Hèn mạt, không còn chút nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa. Ví dụ: “Đồ khốn nạn!”; nhưng nghĩa xưa kia của nó lại là: Khốn khổ. Đó cũng là trường hợp của Kinh Ông Thánh Giuse “Kính lạy Ông Thánh Giuse; chúng con là kẻ khốn nạn chạy đến cùng Ông Thánh Giuse…” [3]
Bốn điều cơ bản cần nhớ khi bạn đọc kinh thánh:
- Đầu tiên, phải luôn ghi nhớ rằng Kinh Thánh phải được đọc qua lăng kính “Thiên Chúa là Cha yêu thương của chúng ta”. Ngài là Cha của TẤT CẢ chúng ta – người Hồi giáo, Do Thái, Kitô giáo, Người vô thần, v.v., và Ngài sẽ luôn làm điều tốt nhất cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta coi điều đó là không tốt. Xét cho cùng, một người cha tốt lành uốn nắn con mình theo kỷ luật và không cho phép chúng có mọi thứ chúng muốn!
- Thứ hai, Quyền Làm Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã trao ban tất cả con người của Ngài cho bạn và cho tôi, và Ngài là Con Một của Thiên Chúa. Và nếu chúng ta hết lòng tin tưởng nơi Ngài và làm theo ý muốn của Ngài, thì chúng ta chia sẻ địa vị của Ngài là Con Thiên Chúa!
- Thứ ba, Giao ước. Các giao ước là cách thức của Thiên Chúa mặc khải chính Ngài cho chúng ta và cách thức chúng ta trở thành một phần của gia đình Ngài. Không giống như một hợp đồng trong đó tiền được trao đổi để lấy hàng hóa và dịch vụ, mối ràng buộc theo giao ước là mối quan hệ gia đình, và đó chính xác là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành, Gia Đình của Ngài!
- Thứ tư, Giáo hội là Nước Chúa trên khắp trần gian! Chúa Giêsu lấy Nước Thiên Chúa khỏi tay người Do Thái, trong Mátthêu 21:43, và trao nó cho Hội thánh, trong Mátthêu 16:19. Ngài nói: “Hãy sám hối, vì Nước Thiên Chúa Đã Đến Gần!”
Vì vậy, hãy mua một cuốn Kinh thánh Công giáo tốt với các chú thích rõ ràng cho biết các bản văn tương đương. Hãy đọc Kinh Thánh như thể Chúa Giêsu đang nói chuyện riêng với bạn. Hãy tìm những hình mẫu Chúa Giêsu trong Kinh Thánh Cựu Ước như Ađam, Môsê và Giuse. Đừng lấy những câu sách thánh ra khỏi ngữ cảnh. Và nếu việc học hỏi Kinh Thánh không khiến bạn trở thành một người yêu thương, tử tế và dịu dàng hơn, thì bạn đang làm sai. Kết quả cuối cùng của việc bạn nghiên cứu Kinh thánh không nên biến bạn thành một người kiêu căng biết tất tần tật. Việc nghiên cứu Kinh thánh cần làm cho bạn nên giống Chúa Giêsu hơn.
Phêrô Phạm Văn Trung,
tổng hợp từ catholicbible101.com
Chú thích:
[1] [3] Người dịch chọn những ví dụ có nội dung tương đương với bản văn gốc nhưng phù hợp với độc giả Việt Nam.
[2] Người dịch chú thích: từ thế kỷ XIII TCN – khoảng năm 1250 TCN – cho tới khi ĐGH Đamaso I ủy nhiệm cho Thánh Giêrônimô dịch Kinh Thánh sang La ngữ năm 382, và được quyết định trong các Công Nghị Hippo năm 393 và Carthage năm 397 sau Công nguyên. https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Kinh-Thanh-Duoc-Viet-Khi-Nao.html và https://aleteia.org/2017/07/16/where-did-the-bible-come-from/