Khi tìm hiểu giáo huấn của các ngôn sứ, chúng ta cũng gặp gương mặt của ”Người Tôi Tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa”, Đấng gánh lấy mọi tội lỗi của trần gian, và dùng chính cái chết của mình để mưu cầu ơn tha tội cho nhân loại. Đây là một khúc quanh cách mạng trong nền thần học Do thái. Vì trong suốt thời cựu ước dài, nền phụng tự do thái có nhiều loại lễ tế, trong đó có các lễ tế toàn thiêu để xin ơn tha tội. Người ta tin rằng máu của súc vật có sức tẩy rửa tội lỗi cho con người trước mặt Thiên Chúa. Chính vì thế một trong các nhiệm vụ chính của các tư tế thời cựu ước là dâng các lễ tế tạ tội như trình bầy trong chương 4 sách Lêvi. Cả khi không cố ý cũng phải dâng lễ tế tạ tội.
Có bốn trường hợp phạm tội không cố ý, vì thế có bốn loại lễ tạ tội: tạ tội cho chính tư tế (cc.3-12); tạ tội cho cộng đồng con cái Israel (13-21); tạ tội cho một đầu mục (22-26); và tạ tội cho một thường dân (27-35).
Trong hai trường hợp đầu toàn dân đều có lỗi, vì chính cộng đoàn đã phạm tội hay vì liên lụy với trách nhiệm của tư tế là thủ lãnh tinh thần, đại diện cho cộng đoàn. Hai trường hợp còn lại liên quan tới tội của một kỳ mục tức thủ lãnh đời, và liên quan tới tội của một thường dân.
Sự trầm trọng của hai trường hợp đầu đòi buộc một loại lễ nghi của máu phải thực thi bên trong Thánh điện, trong ”Nơi Thánh”, và trong hai trường hợp kia thì thực thi trong sân trước Nơi Thánh, nơi sát tế vật toàn thiêu. Ở đây chúng ta thấy tội lỗi không có tính cách khách quan, nhưng nó tùy thuộc nơi địa vị của người phạm tội, và vì thế nó cũng liên lụy tới ảnh hưởng lớn hơn hay nhỏ hơn, mà cung cách hành xử của người đó gây ra trên cộng đoàn. Vì con người là thành phần của cộng đoàn và của xã hội, nên mọi tư tưởng, lời nói và hành động của nó đều gây ảmh hưởng và để lại các hậu qủa tích cực hay tiêu cực trên cộng đoàn. Chính từ đó phát xuất ra trách nhiệm tập thể và tinh thần đồng trách nhiệm.
Tội lỗi của con người đặc biệt trái nghịch với nơi thánh thiêng nhất của trái đất là ”Thánh Điện”. Vì các đặc tính thanh tẩy và giải thoát của nó, máu được đưa vào trong Thánh Điện, nhưng không phải trong phòng cuối cùng là ”Nơi cực thánh” chứa đựng Hòm Bia Giao Ước, mà là nơi ở phía trước tức ”Nơi Thánh” thôi. Tại đây máu được rảy bẩy lần phía trước màn trướng chia đôi hai phần của Lều Hội Ngộ, và máu được bôi lên trên các góc cong của bàn thờ dâng hương thơm trong Lều Hội Ngộ. Ở đây cần chú ý không được lẫn lộn với bàn thờ dâng hy lễ toàn thiêu, lộ thiên ở trong sân trước Thánh Điện. Viêc dùng máu ở đây có tầm quan trọng đặc biệt: theo văn bản chương 17 câu 11 sách Lêvi Thiên Chúa đồng ý cho con người dùng máu để xá tội: ”Vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống” (Lc 17,11).
Tất cả mọi thứ lễ tế mà chúng ta đã tìm hiểu trong sách Lêvi cho thấy việc tế tự trong thời Cựu Ước dùng máu súc vật để đổi lấy ơn tha tội cho con người, một cách máy móc, nhưng không trao ban cho con người sức mạnh nội tâm, giúp hoán cải và sống thánh thiện hơn. Phải đợi tới thời Tân Ước với hiến tế của chính Chúa Giêsu Kitô, loài người mới có được lễ nghi đền tội vĩnh viễn, có sức cách mạng và thánh hóa cuộc sống con người.
Tuy nhiên, hiến tế này đã được ngôn sứ Isaia nhắc tới khi trình bầy gương mặt ”Người Tôi Tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa”. Những gì ngôn sứ miêu tả cho chúng ta thấy gương mặt yêu thương dịu hiền ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, được Thiên Chúa tuyển chọn, tự nguyện gánh lấy tội lỗi của trần gian và hiến mạng sống mình đền tội thay cho muôn người. Ngôn sứ Isaia viết trong bài ca thứ nhất chương 42: ”Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và qúy mến hết lòng; Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn đân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu nhục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo… Ta là Giavê, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi để gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chỗ tối tăm” (Is 42,1-7).
Trong bài ca thứ hai ở chương 49 ngôn sứ Isaia nói về ơn gọi của Người Tôi Trung như sau: ”Giavê đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người… Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người” (Is 49,1-2). Giavê muốn dùng Người Tôi Trung để biểu lộ vinh quang của Ngài, vì vậy Ngài nói: ”Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6).
Trong bài ca thứ ba ở chương 52 và chương 53 ngôn sứ Isaia tả hình ảnh Người Tôi Tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa trong cuộc khổ nạn và cái chết hiến tế của Người như sau: ”Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ” (Is 52,14-15). ”Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Giavê đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. Giavê đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Giavê sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,2-12).
Tất cả những gì ngôn sứ Isaia miêu tả trên đây đều đã được hiện thực nơi Đức Giêsu Kitô, ngôn sứ thành Nagiarét, như chúng ta có thể đọc trong các trình thuật cuộc khổ nạn cái chết và sự phục sinh của Người.
Trong ba năm công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết số phận cứu thế của Người. Thánh sử Mátthêu viết trong chương 16: ”Từ lúc đó Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi phải chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21; Mc 8,31-33; Lc 9,22). ”Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilea, Đức Giêsu nói với các ông: ”Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy” (Mt 17,22-23; Mc 9,30-32; Lc 9,43b-45). ”Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: ”Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,17-19; Mc 10,32-34; Lc 18,31-34).
Thánh sử Luca khi ghi lại lời tiên báo lần thứ ba này viết trong chương 18 như sau: ”Đức Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: ”Này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Qủa vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người và ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Lc 31-33). Nhưng các môn đệ không hiểu, vì cũng như mọi người do thái thời đó họ trông chờ một Đấng Cứu Thế chính trị, nổi lên lãnh đạo dân Do thái đánh đuổi đế quốc Roma, thống trị các dân nước khác và khôi phục vương quốc nhà Đavít. Các trình thuật cuộc khổ nạn của Đức Giêsu sau đó chứng minh cho thấy sự trùng hợp chi tiết điều các ngôn sứ đã nói và những gì xảy ra cho Đức Giêsu Kitô, Đấng hoàn toàn thánh thiện và vô tội, nhưng đã tự nguyện gánh lấy mọi tội lỗi của trần gian và chấp nhận cái chết bất công hổ nhục để cứu chuộc muôn người. Đó là điều thánh Phêrô đã công khai rao giảng, sau khi nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi nói với người Do thái tại Giêrusalem: ”Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Cv 2,23-24). Đó là Tin Mừng và là đức tin Giáo Hội tiếp tuc rao giảng cho muôn dân cho đến ngày tận thế.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1151)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV