Trong các nhiệm vụ khác nhau của mình các tư tế cũng có bổn phận xác nhận mức độ ô uế hay trong sạch của các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân phong cùi. Đây là bệnh ô uế nhất theo luật Do thái. Sách Lêvi dành ra hai chương 13 và 14 để đề cập tới bệnh này và một số bệnh khác, mà các tư tế có nhiệm vụ khám xét, quan sát và tuyên bố chúng thanh sạch hay ô uế.
Tác giả viết trong chương 13: ”Giavê phán với ông Môshê và ông Aharon: ”Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì ngời ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế Aharon hoặc với một trong các tư tế, con của Aharon. Tư tế sẽ khám vết thương trên da thịt nó: nếu lông ở vết thương đã chuyển sang mầu trắng và vết thương xem ra lõm vào da thịt, thì đó là vết thương phong hủi; sau khi khám, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế. Nếu là đốm trắng trên da thịt, mà xem ra không lõm vào da, mà lông không chuyển sang màu trắng, thì tư tế sẽ cô lập người mắc vết thương trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ tám, tư tế sẽ khám nó: nếu chính mắt tư tế thấy vết thương vẫn y nguyên, không lan ra trên da, thì tư tế sẽ cô lập nó trong vòng bảy ngày nữa. Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ tái khám nó: nếu vết thương đã mờ đi và không lan ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch.
Nhưng nếu lác cứ lan ra trên da, sau khi người ấy đã được tư tế khám để được tuyên bố là thanh sạch, thì nó phải được tư tế tái khám. Tư tế sẽ khám nếu lác lan ra trên da, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong hủi” (Lv 13,1-8).
Từ các triệu chứng tổng quát và không chắc chắn mà tư tế phải thiết định loại bệnh, phần hai chương 13 sách Lêvi bước sang trường hợp phong hủi rõ ràng bằng cách nghiên cứu các giai đoạn khác nhau của nó và các trường hợp lây bệnh. Văn bản viết: ”Khi trên người nào có vết thương phong hủi, thì phải đưa nó đến với tư tế. Tư tế sẽ khám: nếu ở trên da có nhọt trắng, và nhọt ấy làm cho lông chuyển sang màu trắng, và trong nhọt có thịt đỏ lòm sùi ra, thì đó là bệnh phong hủi kinh niên ở da thịt nó. Tư tế sẽ tuyên bố đó là ô uế; tư tế sẽ không cô lập nó, vì nó là ô uế.
Nhưng nếu phong hủi ấy cứ loang ra trên da và phủ tất cả da người bệnh, từ đầu đến chân, bất kỳ đâu đâu mắt tư tế nhìn thấy, thì tư tế sẽ khám: nếu phong hủi phủ tất cả da, thì tư tế sẽ tuyên bố người bệnh là thanh sạch. Nhưng ngày nào thấy người ấy có chỗ thịt đỏ lòm, thì nó sẽ ra ô uế; tư tế sẽ khám chỗ thịt đỏ lòm và sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; thịt đỏ lòm là ô uế: đó là bệnh phong hủi. Hoặc khi thịt đỏ lòm lại chuyển sang màu trắng, thì nó sẽ đến với tư tế tư tế sẽ khám nó: nếu vết thương đã chuyển sang mầu trắng, tư tế sẽ tuyên bố vết thương là thanh sạch: người ấy thanh sạch” (Lv 13,9-17).
Thứ ba là trường hợp ung nhọt. Văn bản viết: ”Khi người nào có ung ở da mà đã khỏi, nhưng ở chỗ cái ung lại có một nhọt trắng hay một đốm trắng đỏ nhạt, thì nó phải để cho tư tế khám. Tư tế sẽ khám: nếu đốm ấy xem ra ăn sâu vào da và lông đã chuyển sang màu trắng, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là một vết thương phong hủi đã lan ra chỗ cái ung. Nhưng nếu khi tư tế khám mà thấy ở đó không có lông trắng, cái ung không ăn sâu vào da và đã mờ đi, thì tư tế sẽ cô lập nó trong vòng bảy ngày. Nều vết đốm cứ loang ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là một vết thương. Nhưng nếu vết đốm vẫn y nguyên, không lan ra, thì đó là sẹo của cái ung: tư tế sẽ tuyên bố người ấy thanh sạch”.
Thứ bốn là trường hợp phỏng. Văn bản viết: ”Khi người nào có chỗ phỏng lửa trên da và ở chỗ phỏng có đốm trắng đỏ nhạt hoặc trắng, thì tư tế sẽ khám chỗ ấy: nếu lông ở đốm đã chuyển sang màu trắng và vết đốm xem ra lõm vào da, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ phỏng; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là vết thương phong hủi. Nhưng nếu khi tư tế khám mà thấy vết đốm không có lông trắng, không ăn sâu vào da và đã mờ đi, thì tư tế sẽ cô lập người ấy trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ bảy tư tế sẽ khám người ấy: nếu vết đốm cứ lan ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là vết thương phong hủi. Nhưng nếu vết đốm cứ y nguyên, không lan ra trên da, và đã mờ đi, thì đó là một cái nhọt do phỏng gây ra; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch, vì đó là sẹo của chỗ phỏng”.
Trường hợp thứ năm là chốc. Văn bản viết: ”Khi một người đàn ông hay một người đàn bà có vết thương ở đầu hoặc cằm, thì tư tế sẽ khám vết thương; nếu nó xem ra lõm vào da, có lông vàng và nhỏ, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là chốc, tức là phong hủi ở đầu hay ở cằm. Nhưng nếu khi tư tế khám vết thương chốc, mà nó xem ra không lõm vào da và không có lông đen, thì tư tế sẽ cô lập người có vết thương chốc trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ bảy tư tế sẽ khám vết thương: nếu chốc không lan ra, không có lông vàng và chốc xem ra không lõm vào da, thì người ấy phải cạo đầu cạo cằm, nhưng không cạo chỗ chốc, rồi tư tế sẽ lại cô lập người bị chốc trong vòng bảy ngày nữa. Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám chỗ chốc: nếu chỗ chốc không lan ra trên da và xem ra không lõm vào da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch; nó sẽ giặt áo và sẽ ra thanh sạch. Nhưng nếu chỗ chốc cứ lan ra trên da, sau khi người ấy được tuyên bố là thanh sạch, thì tư tế sẽ khám người ấy: nếu chỗ chốc đã lan ra trên da, thì tư tế không phải tìm xem có lông vàng không: người ấy ô uế. Nhưng nếu chính mắt tư tế thấy là chỗ chốc ấy vẫn y nguyên và có lông đen mọc ở đó, thì chỗ chốc đã khỏi và người ấy là thanh sạch; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch”.
Trường hợp thứ sáu là lang ben. Văn bản viết: ”Khi trên da thịt một người đàn ông hay một người đàn bà phát ra những đốm trắng, thì tư tế sẽ khám: nếu những đốm trắng, thì tư tế sẽ khám: nếu những đốm trên da thịt họ trắng đục, thì đó là lang ben đã loang ra trên da: họ thanh sạch.
Trường hợp thứ bẩy là sói đầu. Văn bản viết: ”Người rụng tóc ở đầu là người sói đầu: người ấy thanh sạch. Người rụng tóc phía trước là người sói trán: người ấy thanh sạch. Nhưng nếu chỗ sói đầu hoặc sói trán có vết thương trắng đỏ nhạt, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ sói đầu hay sói trán. Tư tế sẽ khám người ấy: nếu nhọt ở vết thương có màu trắng đỏ nhạt ở chỗ sói đầu hoặc sói trán, trông giống như phong hủi da thịt, thì người ấy bị phong hủi: người ấy ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; nó bị vết thương ở đầu.
Việc nhân diện các từ miêu tả các bệnh khác nhau xem ra không chắc chắn. Các tiêu chuẩn khám và nhận diện bệnh phong hủi dựa trên mầu lông, việc lan ra và đốm đỏ hay sự kiện nó lõm vào da, cũng không được chính xác.
Phần cuối cùng của chương 13 đề cập tới quy chế cho người phong hủi và phong hủi ở quần áo. Văn bản viết: ”Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên ”Ô uế! Ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi ngoài trại” (Lv 13,45-46).
Đây là các điều lệ giúp những người lành mạnh khỏi bị lây. Người bị phong cùi mất quyền chung sống với gia đình và cộng đoàn. Họ bị loại trừ khỏi xã hội. Vào thời Chúa Giêsu họ phải sống chui nhủi trong các nơi hoang vắng, xa cách làng mạc và thành thị. Khi chữa họ lành, Chúa Giêsu cũng bảo họ đi trình diện với các tư tế để được chứng thực là lành bệnh, và được tái tham gia cuộc sống xã hội và tôn giáo.
Đoạn cuối cùng chương 13 sách Lêvi đề cập tới phong hủi ở quần áo. Các trường hợp đưa ra ở đây bị coi là giống bệnh phong hủi, vì dáng vẻ bề ngoài có thể khiến cho người ta hoảng sợ. Có lẽ chúng là các vết mốc hay việc sinh sôi nảy nở của côn trùng. Văn bản viết: ”Khi áo có vết phong hủi, áo len hay áo gai, áo dệt hay áo đan bằng gai hoặc bằng len, hoặc da hay bất cứ đồ vật gì bằng da, nếu vết ấy xanh hay đỏ nhạt trên áo, trên da, trên áo dệt hoặc đan, hay trên bất cứ đồ vật gì bằng da, thì đó là vết phong hủi phải đưa cho tư tế khám. Tư tế sẽ khám xét vết ấy và để riêng đồ vật có vết ra, trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ bảy tư tế sẽ khám vết ấy: nếu vết đã lan ra trên áo, áo dệt hay áo đan, trên da, trên bất cứ đồ vật gì làm làmg bằng da, thì đó là phong hủi dễ lây: vật đó là ô uế. Người ta phải đốt áo dệt hay áo đan bằng len hay bằng gai, hay bất cứ đồ vật gì bằng da có vết, vì đó là phong hủi dễ lây; đồ vật ấy phải bỏ vào lửa mà thiêu.
Nhưng nếu khi tư tế khám, vết ấy không lan ra trên áo, áo dệt hoặc áo đan, hay trên bất cứ đồ vật gì bằng da, thì tư tế sẽ truyền giặt đồ vật có vết, rồi lại để riêng nó ra, trong vòng bảy ngày nữa. Sau khi vết đã được gột rửa, tư tế sẽ khám: nếu vết ấy không thay đổi hình dạng và không lan ra, thì đồ vật ấy là ô uế, các ngươi phải bỏ vào lửa mà thiêu: đó là đồ vật bị ăn thủng mặt phải hay mặt trái.
Nhưng nếu khi tư tế khám, vết ấy đã mờ đi sau khi gột rửa, thì tư tế sẽ xé chỗ đó ra khỏi áo hay khỏi da, khỏi áo dệt hoặc áo đan. Nếu nó lại xuất hiện trên áo, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, thì đó là phong hủi đã loang ra: ngươi phải bỏ đồ vật đó vào lửa mà thiêu. Áo, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, các ngươi đã giặt mà vết đã biến đi, thì sẽ được giặt một lần thứ hai, và sẽ thanh sạch.
Đó là lề luật về vết phong hủi trên áo bằng len hoặc bằng gai, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, để dựa vào đó mà tuyên bố đố vật ấy thanh sạch hay ô uế” (Lv 13,47-59).
Các điều luật chi tiết trên đây chắc chắn khiến cho các tư tế bận rộn không ít trong việc khám xét, nhận định và tuyên bố tình trang thanh sạch hay ô uế, đặc biệt khi có đông bệnh nhân.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1121)
Linh Tiến Khải