Chương 4 sách Lêvi trình bầy các lễ tạ tội phải dâng trong trường hợp phạm tội không cố ý và kín ẩn trong một thời gian nào đó. Ý niệm về tội giả thiết ở đây là một yếu tố cổ xưa, nhưng được duyệt xét lại trong chìa khóa thần học kinh thánh.
Có bốn trường hợp phạm tội không cố ý, vì thế có bốn loại lễ tạ tội: tạ tội cho chính tư tế (cc.3-12); tạ tội cho cộng đồng con cái Israel (13-21); tạ tội cho một đầu mục (22-26); và tạ tội cho một thường dân (27-35).
Trong hai trường hợp đầu toàn dân đều có lỗi, vì chính cộng đoàn đã phạm tội hay vì liên lụy với trách nhiệm của tư tế là thủ lãnh tinh thần, đại diện cho cộng đoàn. Hai trường hợp còn lại liên quan tới tội của một kỳ mục tức thủ lãnh đời, và liên quan tới tội của một thường dân.
Sự trầm trọng của hai trường hơp đầu đòi buộc một loại lễ nghi của máu phải thực thi bên trong Thánh điện, trong ”Nơi Thánh”, và trong hai trường hợp kia thì thực thi trong sân trước Nơi Thánh, nơi sát tế vật toàn thiêu.
Ở đây chúng ta thấy tội lỗi không có tính cách khách quan, nhưng nó tùy thuộc nơi địa vị của người phạm tội và vì thế nó cũng liên lụy tới ảnh hưởng lớn hơn hay nhỏ hơn, mà cung cách hành xử của người đó gây ra trên cộng đoàn. Vì con người là thành phần của cộng đoàn và của xã hội, nên mọi tư tưởng, lời nói và hành động của nó đều gây ra ảmh hưởng và để lại các hậu qủa tích cực hay tiêu cực trên cộng đoàn. Chính từ đó phát xuất ra trách nhiệm tập thể và tinh thần đồng trách nhiệm.
Tính cách ổn định phụng tự, vị trí phụ thuộc của thủ lãnh đời đối với tư tế cho phép chúng ta nghĩ rằng văn bản đã được soạn thảo sau thời lưu đầy.
Giavê phán với ông Môshê rằng: ”Hãy nói với con cái Israel: Khi có người nào vô ý phạm tội trái với một trong các mệnh lệnh của Giavê và làm một trong những điều không được làm, nếu là tư tế đã được xức dầu tấn phong mà phạm tội, khiến dân cũng mắc tội, thì vì tội đã phạm, nó phải tiến dâng một con bò tơ toàn vẹn lên Giavê làm lễ tạ tội”. Người đó sẽ đưa con bò đến cửa Lều Hội Ngộ, sẽ đặt tay trên đầu con bò và sát tế nó. Tư tế đã được xức dầu tấn phong sẽ lấy một phần máu con bò và đưa vào Lều Hội Ngộ. Tư tế sẽ nhúng ngón tay vào máu và rảy máu đó bẩy lần trước nhan Giavê, phía trước màn trướng thánh điện. Tư tế sẽ bôi máu lên các góc cong của bàn thờ dâng hương thơm đặt trong Lều Hồi Ngộ, trước nhan Giavê, rồi đổ tất cả máu bò còn lại xuống chân bàn thờ dâng lễ toàn thiêu đặt ở cửa Lều Hội Ngộ.
Còn tất cả mỡ của con bò dâng làm lễ tạ tội, nó sẽ trích riêng ra, đó là lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, tất cả lớp mỡ ở trên bộ lòng, hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài, gần lưng, và khối mỡ trên gan mà nó sẽ tách ra cùng với các trái cật – giống như phần trích riêng ra từ con bò dâng làm hy lễ kỳ an – rồi tư tế sẽ đốt những thứ ấy cho cháy nghi ngút trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu. Còn da con bò, tất cả thịt của nó, cùng với đầu, chân, lòng và phân của nó, tóm lại tất cả con bò thì tư tế sẽ đưa ra ngoài trại, ở một nơi thanh sạch, chỗ đổ tro, và thiêu trên củi đang cháy; nó sẽ được thiêu tại chính nơi đổ tro.
Tội lỗi của con người đặc biệt trái nghịch với nơi thánh thiêng nhất của trái đất là ”Thánh Điện”. Vì các đặc tính thanh tẩy và giải thoát của nó, máu được đưa vào trong Thánh Điện, nhưng không phải trong phòng cuối cùng là ”Nơi cực thánh” chứa đựng Hòm Bia Giao Ước, mà là nơi ở phía trước tức ”Nơi Thánh” thôi. Tại đây máu được rảy bẩy lần phía trước màn trướng chia đôi hai phần của Lều Hội Ngộ, và máu được bôi lên trên các góc cong của bàn thờ dâng hương thơm trong Lều Hội Ngộ. Ở đây cần chú ý không được lẫn lộn với bàn thờ dâng hy lễ toàn thiêu, lộ thiên ở trong sân trước Thánh Điện. Việc dùng máu ở đây có tầm quan trọng đặc biệt: theo văn bản chương 17 câu 11 sách Lêvi Thiên Chúa đồng ý cho con ngươi dùng máu để xá tội: ”Vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống” (Lc 17,11).
Việc thiêu tất cả con bò ở đây không có tính cách tế lễ, nhưng nhằm hủy bỏ một con vật, mà lễ nghi đã khiến cho nó có tiếp xúc với thế giới tiêu cực của tội lỗi. Vì thế, việc thiêu hủy con bò đó phải xảy ra bên ngoài nơi ở của dân chúng, nhưng phải là nơi thanh sạch, bởi vì con vật đó đã được dâng cho Thiên Chúa.
Trường hợp thứ hai là dâng lễ tạ tội cho dân. Chương 4 sách Lêvi viết như sau: ”Nếu toàn thể cộng đoàn Israel vô ý phạm tội và đại hội không nhận thấy điều đó, nếu chúng làm một trong những điều mà mệnh lệnh Giavê cấm làm, khiến chúng mắc lỗi, nhưng rồi chúng biết được tội đã phạm, thì đại hội phải tiến dâng một bò tơ làm lễ tạ tội, và sẽ đưa nó đến trước Lều Hội Ngộ. Các kỳ mục của cộng đồng sẽ đặt tay trên đầu con bò, trước nhan Giavê, và người ta sẽ sát tế con bò trước nhan Giavê.
Tư tế đã được xức dầu tấn phong sẽ đem một phần máu con bò vào Lều Hội Ngộ. Tư tế sẽ nhúng ngón tay vào máu và rảy bẩy lần trước nhan Giavê, phía trước màn trướng. Tư tế sẽ bôi máu vào các góc cong của bàn thờ đặt trong Lều Hội Ngộ, trước nhan Giavê, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ dâng lễ toàn thiêu đặt ở cửa Lều Hội Ngộ.
Còn tất cả mỡ, tư tế sẽ lấy riêng ra và đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Nó sẽ tế con bò này như đã tế con bò dâng làm lễ tạ tội; tư tế sẽ tế nó như vậy. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho chúng và chúng sẽ được tha. Tư tế sẽ đưa con bò ra ngoài trại và thiêu nó như đã thiêu con bò trước. Đó là lễ tạ tội cho đại hội” (Lv 4,13-21).
Lễ nghi xá tội như thế bao gồm việc loại trừ các yếu tố tiêu cực và tiếp nhận trở lại vào trong tình trạng tích cực. ”Chúng sẽ được tha” là một kiểu diễn tả việc Thiên Chúa tha tội cho dân Israel với động từ ở thể thụ động, để cố ý tránh không nêu danh Thiên Chúa vì kính trọng. Đây cũng là điều rất thường gặp trong các Phúc Âm (Mc 2,5.9; Mt 12,32; Lc 7,47), trong sách Targum Neofiti, và trong nền văn chương rabbi thời hậu lưu đầy.
Trường hợp thứ ba là lễ tạ tội cho một đầu mục. Chương 4 sách Lêvi viết: ”Nếu một đầu mục phạm tội, và vô ý làm một trong những điều mà mệnh lệnh Giavê Thiên Chúa của nó, cấm làm, khiến nó mắc lỗi, nếu người ta cho nó biết tội nó đã phạm, thì nó phải đưa đến một con dê làm lễ tiến, một con đực toàn vẹn. Nó sẽ đặt tay trên đầu con dê và sát tế trước nhan Giavê, ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Đó là lễ tạ tội. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu lễ vật tạ tội và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu. Còn tất cả mỡ, tư tế sẻ đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, như mỡ của hy lễ kỳ an. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy khỏi tội của mình, và người ấy sẽ được tha” (Lv 4,22-26).
Trường hợp thứ bốn là lễ tạ tội cho một thường dân. Chương 4 sách Lêvi viết: ”Nếu một thường dân vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà mệnh lệnh của Giavê cấm làm, khiến nó mắc lỗi, nếu người ta cho nó biết tội nó đã phạm, thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê làm lễ tiến, một dê cái toàn vẹn. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ. Còn tất cả mỡ, tư tế sẽ tách ra như người ta tách mỡ ra khỏi hy lễ kỳ an, rồi tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ thành hương thơm làm vui lòng Giavê. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha.
Nếu người ấy đem dâng tiến một con chiên làm lễ tạ tội, thì phải đem đến một con chiên cái toàn vẹn. Người ấy sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế làm lễ tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu lễ vật tạ tội và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ. Còn tất cả mỡ, tư tế sẽ tách ra như người ta tách mỡ của con chiên dâng làm hy lễ kỳ an, rồi tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, bên trên các lễ hỏa tế dâng Giavê. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, vì tội người ấy đã phạm, và người ấy sẽ được tha” (Lc 4,27-36).
Tất cả mọi thứ lễ tế, mà chúng ta đã tìm hiểu trong sách Lêvi cho tới nay, cho thấy việc tế tự trong thời Cựu Ước dùng máu súc vật để đổi lấy ơn tha tội cho con người, một cách máy móc, nhưng không trao ban cho con người sức mạnh nội tâm giúp hoán cải và sống thánh thiện hơn. Phải đợi tới thời Tân Ước với hiến tế của chính Chúa Giêsu Kitô, loài người mới có được lễ nghi đền tội vĩnh viễn có sức cách mạng và thánh hóa cuộc sống con người.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1116)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican