Ngoài nhiệm vụ thỉnh ý Giavê Thiên Chúa và dạy dỗ dân chúng, các tư tế còn có nhiệm vụ dâng các lễ tế cho Thiên Chúa. Chương 33 sách Đệ Nhị Luật miêu tả nhiệm vụ ấy như sau: ”Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Giacóp, luật của Ngài cho Israel. Họ dâng hương thơm để Ngài thưởng thức, và lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài” (Đnl 33,10).
Tuy nhiên các trình thuật kinh thánh chứng minh cho thấy vào thời ban đầu việc tế lễ cho Thiên Chúa không phải là nhiệm vụ dành riêng cho các tư tế. Bằng chứng là các tổ phụ Abraham và Giacóp đã dâng các lễ vật lên cho Thiên Chúa, dù các vị không phải là các tư tế. Chương 22 sách Sáng Thế kể lại vụ tổ phụ Abraham vâng lệnh Thiên Chúa sát tế Igiaác trên núi Morigia. Nhưng khi ông rút dao tính giết con làm lễ toàn thiêu, thì thiên sứ đã can thiệp bảo ông đừng sát tế Igiaác, vì Thiên Chúa chỉ thử lòng trung thành của ông để xem ông có kính sợ Người hay không thôi. Thật ra Thiên Chúa không cần lễ toàn thiêu Igiaác, mà chỉ cần lễ toàn thiêu ý riêng của tổ phụ Abraham. Người không muốn cái chết của Igiaác, nhưng muốn ”cái tôi” của tổ phụ chết đi, để từ lòng trung thành và sự vâng lời tuyệt đối đó Thiên Chúa gầy dựng một dân tộc cho riêng Người. Israel, dân riêng Chúa chọn, là hoa trái của đức tin toàn vẹn vô điều kiện ấy của tổ phụ Abraham. Khi ấy Abraham quay lại thấy một con cừu đực mắc sừng trong bụi cây, ông liền bắt lấy và sát tế con cừu làm lễ toàn thiêu cho Giavê Thiên Chúa, thay cho con mình là Igiaác (St 22,13).
Sách Sáng Thế chương 31 cũng kể rằng sau khi ký kết giao ước hòa bình với bố vợ là ông Laban, tổ phụ Giacóp dâng lễ trên núi và mời anh em họ hàng đến dùng bữa và nghỉ đêm trên núi (St 31, 54). Đó là vào thế kỷ thứ XIX trước công nguyên.
Chương 13 sách Các Thủ Lãnh cũng kể rằng vào thế kỷ XI trước công nguyên ông Manôác, cha của thủ lãnh Samson, cũng đã bắt một dê tơ và lấy tế phẩm để dâng làm lễ toàn thiêu trên tảng đá kính Giavê, Đấng đã thực hiện những kỳ công, vì đã sai sứ thần tới báo cho vợ ông biết bà sẽ có thai và sinh con trai, và nó sẽ là người được thánh hiến cho Thiên Chúa. Bà phải kiêng cữ không uống rượu và thức có men, và không được ăn mọi thứ không thanh sạch. Sửa soạn các lễ vật xong, ông Manôác và vợ đứng nhìn. Khi ngọn lửa từ bàn thờ bốc lên, thì sứ giả của Thiên Chúa cũng lên theo trong ngọn lửa của bàn thờ, trước sự chứng kiến của ông Manôác và vợ ông.
Vào thế kỷ thứ X hai vua Đavít và Salomon cũng đã dâng các hy lễ cho Giavê Thiên Chúa. Chương 6 sách Samuel II kể lại biến cố vua Đavít tổ chức cuộc rước Hòm Bia Giao Ước từ nhà ông Obed Edom lên thành Giêrusalem, trong bầu khí lễ hội rất tươi vui, giữa tiếng hò reo với tiếng tù và. Khi những người khiêng Hòm Bia của Giavê đi được sáu bước, thì vua Đavít sát tế một con bò và một con bê béo. Vua Đavít quấn Êphốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan Giavê. Người ta đưa Hòm Bia đặt vào chỗ đã dọn giữa Lều vua Đavít đã dựng sẵn. Vua Đavít dâng lên trước nhan Giavê những lễ toàn thiêu và những lễ kỳ an. Khi đã hoàn tất việc dâng các lễ toàn thiêu và những lễ kỳ an, vua Đavít nhân danh Giavê các đạo binh chúc phúc cho dân. Rồi vua phân phát cho toàn dân, cho tất cả đám đông Israel, đàn ông cũng như đàn bà, mỗi người một cái bánh ngọt, một phần thịt và một cái bánh nho.
Phần cuối chương 8 sách các Vua I trình thuật biến cố vua Salomon dâng hiến tế trong ngày cung hiến Đền Thờ Giêrusalem và viết như sau: ”Vua cùng toàn thể Israel dâng hy lễ trước nhan Giavê. Vua Salomon sát tế hai mươi ngàn con bò và một trăm hai mươi ngàn con chiên làm lễ kỳ an dâng lên Giavê; vua và toàn thể con cái Israel cung hiến Đền Thờ Giavê. Ngày hôm ấy vua thánh hiến cửa giữa tiền đình ở trước nhà Giavê; chính tại đây vua dâng lễ toàn thiêu, lễ phẩm và mỡ của lễ kỳ an, vì bàn thờ bằng đồng trước nhan Giavê qúa nhỏ không đủ chứa lễ toàn thiêu, lễ phẩm và mỡ của lễ kỳ an. Dịp này vua Salomon cùng với toàn thể Israel mừng lễ trước nhan Giavê là Thiên Chúa chúng ta trong bảy ngày, rồi bảy ngày nữa là mười bốn ngày. Thật là một công hội vĩ đại quy tụ lối vào cửa ải Khamas tới suối Ai Cập. Ngày thứ tám vua giải tán dân. Họ cầu chúc vua khang an rồi ai nấy trở về lều mình, lòng vui mừng hân hoan vì mọi sự tốt lành Giavê đã làm cho Đavít tôi tớ Người và Israel dân Người” (1 V 8,62-66).
Nhưng từ từ nhiệm vụ dâng các lễ vật được dành cho hàng tư tế. Trong sách Sử Biên II có đoạn kể rằng vua Ozia bị Thiên Chúa phạt vì đã cả gan vào trong thánh điện của Chúa để đốt hương trên bàn thờ. Vua Ozia lên ngôi khi mới 16 tuổi, nhưng đã tìm kiếm Thiên Chúa nên Thiên Chúa cho vua được thành công, chiến thắng người Philitinh và có một lực lượng quân binh thiện chiến. Vua trở nên hùng mạnh và nổi tiếng nơi xa. Chương 26 sách Sử Biên II viết: ”Nhưng hùng mạnh rồi, vua sinh lòng tự đại đến nỗi ra hư hỏng. Vua xúc phạm đến Giavê Thiên Chúa của vua, vì đã cả gan vào Đền Thờ của Giavê đốt hương trên bàn thờ dâng hương. Tư tế Azaria đã cùng với tám mươi tư tế khác của Giavê theo vua đi vào. Họ là những người can đảm. Họ đứng lên chống lại vua Ozia mà nói: ”Này vua Ozia vua không có quyền đốt hương kính Giavê. Chỉ các tư tế thuộc dòng dõi Aharon là những người được thánh hiến mới có quyền này. Vua hãy lui ra khỏi Nơi Thánh, vì vua đã phản nghịch! Vua không còn đáng tham dự vào vinh quang của Giavê là Thiên Chúa nữa!” Nghe thế, vua Ozia nổi giận, đang lúc tay cầm bình hương để đốt hương; và trong lúc nổi giận với các tư tế, thì trán vua bị cùi ngay trước mặt các tư tế, trong nhà Giavê, bên cạnh bàn thờ dâng hương. Ông Azaria đứng đầu các tư tế, và toàn thể các tư tế khác quay về phía vua; và này vua bị cùi ở trên trán. Họ vội vàng trục xuất vua ra khỏi đó; ngay chính vua cũng vội vã đi ra, vì đã bị Giavê đánh phạt. Vua Ozia mắc bệnh cùi cho đến ngày chết” (2 Sb 26,16-21).
Việc tìm hiểu sâu xa về sự thánh thiện của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu rằng chỉ có người đã được đặc biệt thánh hiến cho Thiên Chúa mới có thể dâng lễ vật lên cho Thiên Chúa và được vui nhận.
Sách Lêvi chương 1 đến chương 7 trình bầy các lễ tế mà dân Israel phải dâng lên cho Giavê Thiên Chúa qua tay các tư tế. Chương 1 trình bầy lễ toàn thiêu. Thú vật được chọn cho lễ toàn thiêu là bò hay chiên dê và là một con đực toàn vẹn. Nếu là bò thì phải tiến dâng nó ở cửa Lều Hội Ngộ, đặt tay trên đầu nó, và nó sẽ được đoái nhận để cử hành nghi thức xá tội cho người dâng lễ vật toàn thiêu. Người ấy sẽ sát tế con bò tơ trước Lều Hội Ngộ, và các tư tế là các con Aharon sẽ tiến dâng máu; chúng sẽ rảy máu chung quanh bàn thờ đặt ở giữa Lều Hội Ngộ. Người ấy sẽ lột da con vật làm lễ toàn thiêu và xẻ nó ra từng mảnh. Các con Aharon là các tư tế sẽ nhóm lửa trên bàn thờ và xếp củi trên lửa, và xếp các mảnh thịt, cùng với đầu và mỡ trên củi đặt trên lửa ở bàn thờ. Còn lòng và chân người ấy sẽ lấy nước mà rửa, rồi tư tế sẽ đốt tất cả cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Giavê.
Tiếp đến chương một sách Lêvi xác định việc dâng chiên dê làm lễ toàn thiêu như sau. Nó cũng phải là một con đực toàn vẹn. Người dâng lễ sẽ sát tế con vật bên cạnh bàn thờ về phía bắc, trước nhan Giavê, và các con cái Aharon là các tư tế sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ. Người ấy sẽ xả nó ra từng mảnh, rồi tư tế sẽ xếp những mảnh ấy cùng với dầu và mỡ, trên củi đặt trên lửa ở bàn thờ. Còn lòng và chân người ấy sẽ lấy nước mà rửa, rồi tư tế sẽ tiến dâng tất cả và đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Giavê.
Ngoài bò chiên dê ra, cũng có thể dâng chim gáy hoặc bồ câu non làm lễ toàn thiêu. Tư tế sẽ tiến dâng nó tại bàn thờ, cấu đầu nó và đốt nó cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, máu thì bóp vào thành bàn thờ. Tư tế sẽ lấy cái diều và bộ lông ra, ném bên cạnh bàn thờ về phía đông, vào chỗ đổ tro. Người ta sẽ chặt đôi nó ở giữa hai cánh, nhưng không tách hẳn ra; tư tế sẽ đốt nó cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, trên củi đặt trên lửa. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Giavê.
Chương 2 sách Lêvi trình bầy lễ phẩm. Nó có thể là tinh bột, bột nhào nướng lò hay nướng chảo. Nếu là tinh bột, thì người dâng lễ sẽ rưới dầu lên trên và đổ nhũ hương vào, và đưa lễ phẩm tới cho các tư tế là con cái Aharon. Tư tế sẽ bốc một nắm đầy tinh bột, dầu và tất cả nhũ hương, rồi đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, làm kỷ vật dành cho Giavê. Đó là lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Giavê. Phần còn lại của lễ phẩm thì thuộc về Aharon và các con nó; đó là phần rất thánh lấy từ các hỏa tế dâng Giavê.
Khi dâng bột nhào nướng lò làm lễ tiến, thì phải là tinh bột làm thành bánh ngọt, không men nhào với dầu, và làm thành bánh tráng không men phết dầu.
Nếu lễ tiến là một lễ phẩm nướng chảo, thì phải là tinh bột nhào với dầu, không men. Người dâng lễ phẩm phải bỏ nó ra từng miếng và rưới dầu lên trên. Nếu lễ tiến là một lễ phẩm nấu trong nồi, thì phải làm bằng tinh bột với dầu. Và sách xác định: Các ngươi sẽ đem đến dâng Giavê lễ phẩm làm bằng các thứ ấy, người ta sẽ dâng tiến cho tư tế, tư tế sẽ đem đến gần bàn thờ. Từ lễ phẩm ấy, tư tế sẽ lấy ra phần kỷ vật dành cho Giavê, đem đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là lễ hỏa tế, là hương thơn làm vui lòng Giavê”.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1113)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican