Lần trước chúng ta đã duyệt xét một số các hạn hẹp và chướng ngại đối với quyền tự do của con người trên bình diện địa lý, chính trị và kinh tế. Chúng ta đã lấy hai mẫu xã hội để so sánh: xã hội dân chủ tự do văn minh, biết tôn trọng nhân quyền, thăng tiến an sinh cho dân, và xã hội độc tài đảng trị giáo điều, dốt nát và gian ác, tước đoạt mọi quyền tự do của nhân dân, làm tụt hậu và băng hoại xã hội. Tuy nhiên, sự tự do của con người cũng còn bị hạn chế và điều kiện hóa trong các lãnh vực khác như tâm lý, văn hóa, xã hội và tôn giáo nữa.
Trong một xã hội dân chủ tự do tân tiến, trẻ em được giáo dục về quyền lợi và bổn phận công dân rất kỹ lưỡng, biết tự trọng và tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm cao, và biết sống nhân ái, đặc biệt là đối với các người già cả, các người yếu đuối tàn tật và trẻ em. Khi đi du lịch các nước Tây âu tân tiến điều đầu tiên bạn nhìn ra đó là sự thứ tự sạch sẽ ngoài đường phố hay cả đường làng. Dân chúng không xả rác. Không có rác rưởi bẩn thìu trên đường cũng như hai bên đường. Ở các vùng như bắc Italia, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Áo và Hòa Lan, trên các bao lơn hay cửa sổ nhà người dân thường trồng rất nhiều hoa đẹp. Thứ hai là cung cách đối xử của họ rất lịch sự. Hai tiếng xin lỗi và cám ơn được sử dụng thường xuyên. Thấy khách ngoại quốc ngơ ngác tìm đường, họ tới hỏi ngay xem có thể giúp được gì không và chỉ đường cho bạn. Thấy một người xách đồ vật nặng họ tới xin giúp một tay, thấy một người bị ngã xe hay gặp tai nạn, họ tới nâng dậy, hỏi han và giúp gọi xe cứu thương. Người dân chân thành quan tâm tới tha nhân, sống tốt và có tình người. Sở dĩ được như thế là vì tình yêu thương liên đới, các giá trị nhân bản, luân lý đạo đức, ý thức công dân và giáo dục của họ rất cao.
Có lẽ đây là điều bạn ít hay không thấy trong các xã hội độc tài cộng sản, nơi con người bị bó buộc phải ăn gian nói đối, luồn cúi, lươn lẹo để sống còn, nơi giới chức lãnh đạo và công an cán bộ của đảng tự cho mình quyền sinh sát và hành khổ nhân dân. Các xã hội đó là nơi nhà nước bắt buộc người dân tuân hành mọi thứ luật lệ rất vô lý và vô nhân, nhân dân chỉ có bổn phận chứ không có quyền lợi, và phải có cung cách ăn nói rập khuôn như cái máy. Các xã hội đó là nơi mọi người đều nghi ngờ, dè chừng, sợ hãi nhau và thờ ơ lạnh lùng vô cảm đến khủng khiếp, là nơi muốn được yên thân và xong việc phải hối lộ từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Phải sống trong các môi trường xã hội liên tục bị tìm kẹp, dồn nén ức hiếp và khủng bố tinh thần khốn khổ như thế, người dân không thể có tâm lý lành mạnh và bình thường được. Và chúng ta hiểu được sự tự do của họ bị tước đoạt, ngăn chặn và giới hạn đến mức nào.
Vì con người là sản phẩm của môi trường gia đình và xã hội, nên bất cứ gì tiêu cực xảy ra trong các môi trường này đều ít nhiều ảnh hưởng trên tâm lý và là chướng ngại cho sự tự do của nó. Các tình trạng tâm lý sợ hãi, âu lo, kinh hoàng, bất ổn, thù ghét, đều có thể gây ra các chẩn thương tinh thần, phản ứng và cung cách hành xử không tự do.
Khung cảnh sống trong gia đình và ngoài xã hội, với tất cả các sắc thái riêng biệt của chúng liên quan tới các tập tục, cung cách giao tiếp, các quan niệm, các thói quen truyền thống và tất cả những gì diễn tả văn hóa của một dân tộc không phải chỉ có văn chương, mà bao gồm cả nghệ thuật làm bếp, cách nấu các món ăn và dùng gia vị đều thuộc gia tài văn hóa của con người sống trong xã hội đó.
Tất cả mọi yếu tố này đều ảnh hưởng trên cuộc sống con người và sự tự do của nó. Đơn sơ nhất như thói quen ăn uống. Một đứa trẻ sống trong các nước vùng nhiệt đới thì quen ăn các thứ rau trái của vùng nhiệt đới, và ít hay không biết đến các thứ rau trái của các nước Tây âu có khí hậu mát và lạnh hơn. Và ngược lại trẻ em các nước Tây âu chỉ quen ăn các thứ rau trái có trong các vùng của mình mà ít hay không biết tới các loại rau trái của các nước nhiệt đới. Dĩ nhiên, trong nền kinh tế toàn cầu và với các phương tiện di chuyển tối tân nhanh chóng ngày nay, người dân các nước Tây âu cũng có thể ăn rau trái của các dân tộc sống trong vùng nhiệt đới, nếu họ thích. Nhưng thói quen ăn uống cũng hạn chế sự tự do của họ.
Không kể các trường hợp tâm bệnh, tính tình và tâm lý của từng người trong chúng ta cũng khiến cho sự tư do bị ảnh hưởng và chịu các hạn chế. Trong bầu khí xã hội toàn cầu duy hưởng thụ, duy tiêu thụ và tương đối hóa luân lý đạo đức ngày nay, sự tự do của con người không chỉ có nguy cơ bị hạn hẹp và điều kiện hóa, mà còn có nguy cơ mất tự do nữa. Lý do là ví nó chỉ sống theo dư luận, theo quan điểm và tâm lý của đa số và các sở thích của đám đông, các mô thức thời thượng, hào nhoáng, bề ngoài, giả tạo. Khi sống như thế vô tình con người trở thành nô lệ của các sở thích hời hợt chóng qua này.
Nền văn hóa đang thống trị trên thế giới hiện nay là nền văn hóa của chết chóc, của phá thai, ngừa thai, giết người êm dịu, tuyển lựa các thai nhi lành mạnh, sa thải các thai nhi có dấu hiệu tàn tật ngay từ trong lòng mẹ. Ngoài ra nó còn là một nền văn hóa tương đối hóa luân lý đạo đức, một nền văn hóa chủ trương hưởng lạc và ăn chơi tháo thứ. Nó khuyến khích con người sống theo bản năng hơn là theo lý trí, và làm tất cả những gì người ta ưa thích, mà không cần nghĩ tới trách nhiệm luân lý đạo đức, hay đặt vấn nạn liên quan tới các hệ lụy tiêu cực có thể gây ra cho các người sống chung quanh.
Sau cùng trên bình diện tôn giáo, tín ngưỡng và lương tâm, là chiều kích sâu xa hay cao nhất trong cuộc sống con người, vì liên quan tới các thực tại siêu việt ở bên trên và ở bên ở kia cuộc sống chóng qua đời này, sự tự do của chúng ta cũng có thể bị hạn chế hay gặp chướng ngại cản trở.
Hạn hẹp đầu tiên đó là rất thường khi chúng ta nhận được gia tài niềm tin tôn giáo từ gia đình hay từ môi trường xã hội như một món qùa từ ngày còn bé, và cũng ít khi hay không bao giờ đặt vấn nạn liên quan tới các lý do của niềm tin đó. Nghĩa là chúng ta đã không tự do lựa chọn niềm tin đó với tất cả ý thức như trong trường hợp của những người xin theo một đạo khi họ đã lớn hay trưởng thành.
Những người đã lớn hay trưởng thành có thời giờ để tìm hiểu so sánh giữa niềm tin tôn giáo mà họ nhận được từ gia đình hay môi trường xã hội với các tôn giáo khác. Và sau khi đã tìm hiểu, cân nhắc chín chắn, họ mới thay đổi niềm tin và gia nhập một tôn giáo khác. Cũng có người có cảm tình với một tôn giáo và muốn theo tôn giáo đó, nhưng họ lưỡng lự hay đôi khi bỏ cuộc, vì thấy cung cách sống đạo không tốt của một số tín hữu của đạo đó. Cung cách sống đạo phản chứng này ngăn cản sự tự do lựa chọn của họ.
Thế rồi khi đã theo một tôn giáo, tức là bạn chấp nhận tất cả các đòi buộc của tôn giáo đó, sống theo giáo lý và tuân giữ các tín điều hay các luật lệ của tôn giáo mình. Các luật lệ và tín điều ấy cũng hạn chế sự tự do của bạn. Chẳng hạn như nếu bạn gia nhập Giáo Hội công giáo thì bạn phải tin các tín điều được tóm tắt trong Kinh Tin Kính, tuân giữ Mười Điều Răn của Chúa, 6 điều răn của Hội Thánh, và các luật lệ của Giáo Hội trong mọi lãnh vực cuộc sống. Chúng được trình bầy trong một số kinh rất hay và súc tích, mà tín hữu vẫn đọc hằng ngày, hay đọc trước các thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng.
Những hạn chế và chướng ngại ngăn cản tự do tôn giáo chống lại các kitô hữu cũng thường xảy ra trong các nước có Hồi giáo hay Ấn giáo hoặc Phật giáo là quốc giáo. Đây là trường hợp của các nước hồi giáo A Rập trong các vùng Trung Đông, Cận Đông, Bắc Phi, hay vài nước Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia. Nó cũng xảy ra tại Ấn Độ mơi các tín hữu Ấn giáo cuồng tín liên tục sách nhiễu bách hại và kỳ thị các tín hữu kitô trong nhiều tiểu bang khác nhau. Nó cũng xảy ra tại Sri Lanka, nơi có phong trào phật giáo cuồng tín kỳ thị các kitô hữu. Trong các trường hợp này tôn giáo thường bị các nhóm và phe phái chính trị lèo lái sử dụng cho các mưu toan củng cố quyền bính của họ. Cũng có những trường hợp tín hữu các tôn giáo hay của cùng một tôn giáo kỳ thị, sách nhiễu, bách hại nhau, vì tranh giành quyền lợi, ganh tị nhau hay vì nhiều lý do hoàn toàn xa lạ với tôn giáo. Điển hình như cuộc chiến tôn giáo tại Âu châu giữa các tin hữu công giáo và tin lành, hay chiến tranh giữa các người Hồi của hai hệ phái Sunnít và Sciít tại nhiều nước A rập như Irak hiện nay.
Tại Ấn Độ ngoài các lý do hoạt đầu chính trị và kỳ thị giai cấp, rất thường khi các tín hữu Ấn cuồng tín ghen tương với các tín hữu Kitô thành công hơn trong công việc làm ăn buôn bán.
Tuy bị hạn chế và phải nhận chịu ảnh hưởng của tất cả mọi yếu tố làm thành khung cảnh sống của mình, trong một nghĩa nào đó, con người vẫn có thể tự do lựa chọn sống liêm chính, tốt lành, thánh thiện hay sống gian tham, dối trá và ác độc. Chính các yếu tố hạn hẹp hay ngăn cản sự tự do của con người giảm thiểu phần trách nhiệm của một người đối với các hành động tội lỗi của mình, nhưng đàng khác lại khiến cho sự lựa chọn của họ mang sắc thái tự do hơn vì xác tín hơn và dám liều lĩnh. Tuy nhiên, rất khó xác định mức trầm trọng của một hành động không hoàn toàn tự do. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu dậy các môn đệ không được xét đoán ai hết, vì không ai hiểu biết tường tận tất cả mọi yếu tố ảnh hưởng trên hành động của người khác.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1159)
Linh Tiến Khải