Trong hai buổi nói chuyện trước đây chúng ta đã duyệt xét nhiều yếu tố hạn chế, ngăn cản hoặc điều kiện hóa sự tự do của con người. Đó là các yếu tố địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo, một phần có tính cách ”tình cờ” tạo thành môi trường sống mà mỗi người chúng ta phải nhận chịu, khi sinh ra và lớn lên trong đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có một số yếu tố rất tân tiến và tinh vi, do các chính quyền cố ý đưa ra và theo đuổi duy trì dưới dạng luật lệ nhằm hạn chế các quyền tự do của người dân. Các luật lề này cũng thường đi ngược lại Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà các chính quyền đã ký nhận và cam kết thi hành.
Như đã biết ngày 10 tháng 12 năm 1948, Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền trình bầy các quyền mà mọi người đều được hưởng khi sinh ra làm người trên thế giới này. Bối cảnh của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền là các hậu qủa thê thảm do Đệ Nhị Thế Chiến để lại, với các thiệt hại về nhân lực 55 triệu người chết, phân nửa là các thường dân, và về vật chất, hằng chục quốc gia bị bom đạn tàn phá tan hoang.
Trong những năm tang thương ấy đã xảy ra hàng loạt các cuộc bách hại chính trị quy mô rộng lớn. Với chủ thuyết Ariane tinh tuyền chính quyền Đức Quốc xã đã hoạch định cả một phương án chi tiết nhằm tiêu diệt người Do thái, loại bỏ người du mục và thủ tiêu các người yếu đuối tàn tật, mà họ cho là không thuộc dòng máu Ariane. Cũng trong thời gian này kỷ nguyên hạt nhân bắt đầu. Với hai qủa bom nguyên tử đầu tiên nổ tại Hiroshima và Nagasaki khiến cho mấy trăm ngàn người chết ngay tức khắc, và hàng triệu người chết vì các vết thương và bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư trong các năm sau đó, thế giới biết được sức tàn phá kinh khủng của vũ khí nguyên tử. Và cũng từ đó nảy sinh ra cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử giữa các cường quốc thuộc hai khối đông tây, và hiểm họa của chiến tranh nguyên tử ngày nay vẫn đe dọa thế giới một cách trầm trọng hơn bao giờ hết.
Chính bối cảnh tang thương đó cho thấy cần phải khẳng định các quyền tự nhiên, đại đồng, không thể phân chia, bất khả nhượng và không thể tước bỏ. Chúng được đúc kết trong mấy chục khoản bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Chúng thiết định các quyền cá nhân, mà mọi người nam nữ hay trẻ em đều được hưởng: quyền sống, quyền được giáo dục, săn sóc sức khỏe, quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do diễn tả, tự do hội họp, tự đo đi lại, quyền an ninh cá nhân, không bị giữ làm nộ lệ, không bị tra tấn dưới bất cứ hình thức nào, được xét xử công bằng trước một tòa án độc lập và không thiên vị, quyền lập gia đình, có tài sản, tự do tham gia chính quyền trực tiếp hay gián tiếp qua các lựa chọn của mình. Ngoài ra mỗi người còn được quyền hưởng an ninh xã hội, có công ăn việc làm, được trả lương xứng đáng, quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ các quyền lợi của giới công nhân, quyền nghỉ ngơi, có mức sống đầy đủ bảo đảm sức khỏe và hạnh phúc, được trợ giúp trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, tàn tật hay già nua, quyền của chức làm mẹ, và quyền của trẻ em. Trên bình diện quốc gia thì các dân tộc có quyền tư quyết vv…
Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng ngày nay tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, một cách rất trầm trọng như trong các quốc gia có chính quyền cộng sản độc tài đảng trị; hay các quốc gia A rập coi Hồi giáo là quốc giáo và áp đặt luật Sharia trên toàn xã hội; hoặc khối các quốc gia có chính thể quân phiệt độc tài, trong đó người dân không có tiếng nói. Chính quyền của các nước này đã ký nhận và phê chuẩn bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, nhưng không thi hành và liên tục chà đạp các quyền ấy. Mỗi khi vấn đề tôn trọng nhân quyền được nêu lên đối với họ, thì các chính quyền này luôn luôn khẳng định rằng đó là chuyện nội bộ của họ, không ai được can thiệp. Đây đã luôn luôn là thái độ chai lỳ của Nhà nước Trung Quốc. Nhưng không cần phải lấy thí dụ đâu xa, cứ nhìn vào cung cách cai trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đủ hiểu. Bản Hiến Pháp ”quái đản” đầy mâu thuẫn, vô lý, mà họ đang giả vờ thu thập ý kiến để tu chính, là một bằng chứng hiển nhiên nhất.
Trong các nước A Rập có Hồi giáo là quốc giáo Hiến Pháp được soạn thảo lấy luật Hồi giáo làm tiêu chuẩn, vì thế nó vi phạm nặng nề tới quyền của các tín hữu các tôn giáo khác, không phải là Hồi giáo. Điển hình là A Rập Sauđi, trong đó cảnh sát tôn giáo có quyền bắt và bỏ tù tín hữu của các tôn giáo khác khi họ thực hành đạo như tụ tập nhau đọc kinh cầu nguyện hay chia sẻ Thánh Kinh vv… Ý thức hệ hồi giáo khiến cho họ tôn giáo hóa cả đất đai, và quan niệm rằng đất của họ là đất hồi nên tín hữu các tôn giáo khác không có quyền hành đạo, và tín đồ hồi cũng không có quyền theo các đạo khác.
Nhưng đây cũng là thái độ của giới lãnh đạo Ấn giáo trong nhiều bang tại Ấn, qua các luật lệ cấm các tín hữu ấn theo các tôn giáo khác. Đồng hóa tôn giáo với quốc gia và duy trì độc quyền tôn giáo cũng đã từng là lập trường của hàng lãnh đạo Chính thống Nga và chính thống Hy Lạp qúa khích, cho rằng chỉ có Chính Thống giáo là tôn giáo hợp pháp mà thôi.
Tuy nhiên, không phải chỉ có các nước cộng sản độc tài hay hồi giáo hoặc ấn giáo dùng luật để vi phạm nhân quyền, mà cả các nước vẫn tự hào là dân chủ tân tiến cũng đưa ra các luật lệ vi phạm quyền tự do của người dân. Điển hình như luật sức khỏe do tổng thống Barack Obama ban hành, bắt buộc các chủ nhân hay tổ chức cho việc làm phải cung cấp thuốc ngừa thai, trả chi phí phá thai hay làm tuyệt đường sinh sản cho các nữ nhân viên của mình, nếu không sẽ phải trả tiền phạt hay bị đóng cửa. Luật này bảo vệ quyền của thiểu số phụ nữ muốn ngừa thai, phá thai hay làm tuyệt đường sinh sản, nhưng lại vi phạm trắng trợn và trầm trong quyền tự do lương tâm và tư do tôn giáo của toàn dân Mỹ. Hàng trăm nhà thương và các cơ sở giáo dục bao gồm cả các đại học của Giáo Hội công giáo bị bó buộc hoặc phải thi hành một luật ngược với giáo lý luân lý công giáo và các giá trị Tin Mừng. Nhưng nếu không tuân hành sẽ bị phạt hay bị đóng cửa. Tuy vô lý và vô luân như thế, nhưng luật này vẫn được quốc hội Mỹ bỏ phiếu chấp thuận và được tổng thống Obama ban hành. Trên bình diện này chính quyền dân chủ Hoa Kỳ cũng đang bức tử quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo của người dân, không kém các chính quyền độc tài khác.
Nằm trong cùng chiều hướng đó là các luật phá thai, ngừa thai, làm tuyệt đường sinh sản, trợ tử, hôn nhân đồng tính, mà các nước tây âu theo nhau đưa ra để thỏa mãn các đòi hỏi của một số người, nhưng lại xúc phạm tới quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo của đa số, gồm các tín hữu kitô cũng như của các tôn giáo khác.
Tuy nhiên, trường hợp điển hình nhất đã gây phẫn nộ trong dư luận Hòa Kỳ và các nước tây Âu trong các tuần qua là vụ tổng thống Barack Obama cho phép tổ chức mật vụ liên bang FBI kiểm soát đường dây điện thoại và hộp thư điện tử của hàng triệu người dân Mỹ, cũng như của người dân và các chính quyền tây âu. Báo chí thế giới gọi vụ xì căng đan gián điệp tin học này là ”datagate”. Các cơ quan tình báo Mỹ đã có thể vào trong trung ương dữ kiện của 9 mạng lưới Internet quốc tế không lồ để lấy ra các video, các hình ảnh và các tài liệu, cũng như mật mã địa chỉ của những người sử dụng hệ thống của 9 mạng lưới này. Và Tòa Bạch Ốc còn kiểm soát được cả thẻ tín dụng của họ nữa.
Tin này đã được nhật báo ”The Guardian Người canh gác” của Anh quốc tiết lộ ngày mùng 6-6-2013. Theo đó qua cánh tay của ”Tổ chức An ninh quốc gia NSA”, chính quyền Hoa Kỳ đã bắt buộc hãng điện thoại Verizon mỗi ngày phải nộp danh sách các cuộc điện đàm của các khách hàng sử dụng hệ thống viễn thông này, bất kể đó là các cú điện thoại có đường dây hay các điện thoại di động bên trong biên giới Hoa Kỳ và tại cả các quốc gia khác nữa.
Chính quyền Hoa Kỳ đã có thể làm được điều này nhờ một tòa án bí mật gọi là ”Tòa án kiểm soát tình báo nước ngoài”, được canh tân và mở rộng cứ ba tháng một lần, băt đầu từ năm 2006. Lệnh nới rộng cuối cùng được ban hành ngày 25 tháng 4 và hết hạn vào ngày 19 tháng 7 năm 2013. Việc thu thập các dữ kiện liên quan tới số điện thoại, vị trí địa lý và thời gian của cuộc điện đàm.
Các chương trình kiểm soát gọi là ”vì lý do an ninh quốc gia nhằm chống khủng bố” này đã do chính quyền của tổng thống George Bush đề ra sau vụ khủng bố tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, và đã được chính quyền của tổng thống Barack Obama nới rộng hơn nữa. Luật ”Yêu nước Patriot Act” do tổng thống George Bush đưa ra nới rộng một luật của năm 1978 như là ”dụng cụ nền tảng để bảo vệ Hoa Kỳ chống lại khủng bố phá hoại”. Lần này với tổng thống Obama nó vượt ranh giới Hoa Kỳ để đi vào dò xét tất cả những gì xảy ra trong các trung ương của các hệ thống liên mạng Google, Facebook và Apple. Vụ xì căng đan này cho thấy hình ảnh của một chính quyền tự do sử dụng tất cả các dụng cụ mình có để thu thập tin tức nhằm mục đích gọi là ”để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi nạn khủng bố phá hoại.” Vụ khủng bố phá hoại 11 tháng 9 năm 2001 đã tạo ra một hệ thống pháp luật đặt an ninh quốc gia trước các quyền tự do liên quan tới cuộc sống riêng tư của người dân.
Vụ xì căng đan này đã gây sóng gió trong đảng Dân Chủ, và khiến cho Tòa Bạch Ốc bối rối không ít, vì nó chứng minh cho thấy chính quyền Hoa Kỳ dùng luật để vi phạm các quyền con người khắp nơi trên thế giới. Nó đã khiến cho giới lãnh đạo Âu châu vô vùng phẫn nộ, nhưng trong cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện nay các chính quyền như Pháp và Đức cũng không còn sức để phản kháng trước sự đã rồi của cuộc chiến gián điệp ngày càng tinh vi. Tất cả đều chứng minh cho thấy trên thế giới ngày nay các quyền tự do của con người bị hạn hẹp và ngăn chặn rất nhiều.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1160)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV