Việc lựa chọn hành động của con người trở thánh một sự lựa chọn thưc sự tự do, khi nó đâm rễ trong các tầng lớp sâu xa nhất của bản vị con người. Cần phải phân biệt các lựa chọn giữa nhiều đối tượng đặc biệt có thể bị xác định bởi bản năng, với sự lựa chọn trong tương quan với tổng thể cuộc sống, liên quan tới ý nghĩa của chính cuộc sống, và trong đó toàn con người dấn thân một cách vô điều kiện. Chúng ta gọi sự lựa chọn này là ”sự lựa chọn nền tảng”.
Lựa chọn là rộng mở chính mình trong việc tiếp nhận sự trở thành với tất cả mọi liều lĩnh chờ đón, hay là tự khép kín trong chính mình, trong việc khước từ sự liều lĩnh, và như thế khước từ việc thực hiện chính mình.
Khi nhập thể vào trong thực tại của lịch sử, việc lựa chọn nền tảng sẽ phải tiếp cận với dữ kiện tâm thể lý, và như thế lãnh nhận tất cả các xác định điều kiện hóa việc sử dụng nó. Và khi dấn thân tiếp nhận chúng, chúng ta dấn thân chúng một cách tự do vào trong các nguy cơ và các liều lĩnh mới. Sự lựa chọn khách quan liên tục, mà việc nhập thể này kéo theo, sẽ chỉ thực sự là sự lựa chọn tự do, trong mức độ, theo đó nó tham dự vào sự tự do của lựa chọn nền tảng. Từ quan điểm luân lý hay tôn giáo chỉ có mức độ này của của sự tham dự sẽ cho phép định nghĩa các hành động riêng rẽ như là tốt lành hay như là tội lỗi.
Cũng cần ghi nhận thêm rằng trên quan điểm tâm lý, nỗi khổ đau mà con người cảm thấy vì sự bất lực không thực hiện đựơc chính mình, phát xuất từ chính sự kiện việc điều kiện hóa các phức cảm của nó đụng chạm với một thực tại trái nghịch, không thể là gì khác, nếu không phải là sự tư do sáng tạo, khiến cho nó ý thức được sự bất lực ấy. Đàng khác, mọi liệu pháp chữa trị tâm lý bao gồm việc tìm cống hiến cho sự lựa chọn tự do khả thể rộng mở ra cho nó một con đường xuyên qua hệ thống của các thuyết quyết định hướng tới chỗ bóp nghẹt nó.
Đặt để trong các điều kiện hoàn toàn trừu tượng, vấn đề tự do sẽ luôn luôn là đối tượng thảo luận không có câu trả lời rốt ráo. Chỉ có thể tìm ra giải pháp đích thực, khi cái nghi ngờ về sư hiện hữu của tự do đưa chúng ta tới chỗ ý thức được rằng sự tự do là quyềm bẩm sinh của mọi người, nhưng đồng thời cũng là điều phải tìm hiểu, thực thi đúng đắn và tiếp tục xây đựng, phát triển. Và điều đầu tiên mà con người phải hiểu đó là tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà là làm những gì đúng đắn, có lý, có thiện ích cho tôi và cho tha nhân, vì sự tự do của cá nhân tôi kết thúc ở ranh giới nơi bắt đầu sự tự do của người khác. Sự tự do không là điều tức khắc, nhưng là điều được môi giới; nó không phải là một nguồn suối, mà là một dấn thân, dấn thân trở thành tự do hơn, mặc dù có rất nhiều hạn hẹp và chướng ngại.
Dẫn đưa con người tới một sự tự do lớn hơn đó luôn luôn là một nhiệm vụ nòng cốt của mọi cơ cấu xã hội trong cuộc sống con người. Các cơ cấu trong cuộc sống xã hội được thành lập chính là để bảo vệ và hướng dẫn con người thực thi các quyền tự do của con người trong thái độ sống biết tôn trọng sự tự do của người khác, vì thiện ích chung và cho thiện ích chung, cũng là thiện ích của từng người. Loại bỏ một người khỏi trách nhiệm có nghĩa là lấy mất đi của họ khả thể hành động, biến đổi chính mình và tiến triển. Nhưng trái lại trao ban cho con người ý thức và tâm tình trách nhiêm của họ có nghĩa là cho phép họ vượt thắng qúa khứ của họ và tiến triển, tự rộng mở cho tương lai, trong một viễn tượng của một sự giảng hòa thực tế hơn. Đây cũng là ý nghĩa đích thật hơn của việc thừa nhận và xưng thú lỗi lầm của mình, không phải trong nghĩa tiêu cực, mà chúng ta đã miêu tả khi nói về tâm tình lỗi lầm, mà trong nghĩa tích cực và khích lệ của từ này.
Bây giờ chúng ta bước sang chiều kích tinh thần hay thiêng liêng của tội lỗi và cuộc đối thoại của tình yêu.
Cho tới nay chúng ta đã định nghĩa bình diện tinh thần kitô như là nơi gặp gỡ của con người với Tình Yêu tuyệt đối, xây nền cho luân lý của tình yêu thương đại đồng có giá trị đối với tất cả mọi người, như nơi gặp gỡ với Thiên Chúa, là Đấng Tuyệt Đối duy nhất. Mọi vật phải được đem về cho Người và mọi vật phải sống cho Người. Và chúng ta cũng đã ghi nhận việc phải phân biệt một cách rõ ràng tội trong nghĩa tôn giáo của từ này, với các biểu lộ khác nhau của tâm tình hay cảm giác lỗi lầm. Chỉ có thể nói tới tội khi quy chiếu về Thiên Chúa và các luật lệ tôn giáo. Ngoài ra thì chỉ là tâm tình hay cảm quan về lỗi lầm. Ở đây chúng ta hãy lấy lại hai điểm đã được khai triển trên bình diện luân lý đạo đức, để thiết định mức độ có thể của trách nhiệm lỗi lầm đối với con người: đó là sự tư do và luật lệ.
Trước hết tội như là sự thất bại của con người trong việc sử dụng sự tự do của mình. Chúng ta đã ghi nhận trên bình diện luân lý đạo đức rằng không thể giản lược lỗi lầm vào sự hạn hẹp đồng bản thể với chính con người, nhưng có ]ỗi lầm khi đối tượng tức thì của ước muốn, như là có tận, bị tuyệt đối hóa, và đánh mất đi mục đích tuyệt đối trong sự siêu việt của nó.
Trong nhãn quan của đức tin, Đấng Tuyệt Đối đó hiện hữu thực sự và một cách tích cực, và tự vén mở như là một Sự Hiện Diện bản vị, có thể được gọi bằng tên và được kêu cầu. Như thế hành động tốt của con người trong tương quan sống động với Thiên Chúa có Thiên Chúa như là mục đích cuối cùng và như là nguồn gốc đầu tiên.
Phạm tội không có nghĩa là hướng hành động của con người tới một sự hư vô như thể là nó hiện hữu một cách tích cực và khác biệt với Thiên Chúa, nhưng là làm cho hành động của con người mất đi sự siêu việt của nó đối với Thiên Chúa. Hậu qủa là tội lỗi cũng đụng chạm tới chính nội dung của hành động được hoàn thành, không phải trong tính cách vật chất của việc thực thi nó, nhưng trong kiểu, qua đó chủ thể sống nó một cách tâm lý và tinh thần.
Ngoài chuyện là tiếng nói ”không” với Thiên Chúa tội lỗi cũng là một tiếng nói ”không” với con người: nó là sự thất bại của ước muốn khép kín trên chính quyền lực bị hạn hẹp của mình, và như thế là thất bại như là sự tự do. Thái độ khước từ này là điều định nghĩa tội trọng.
Ở đây chúng ta có thể lấy lại một cách ngắn gọn sự phân biệt cổ điển giữa tội trọng và tội nhẹ để đưa nó ánh sáng đúng đắn. Nền luân lý cổ điển đã nhấn mạnh trên tính cách vật chất của hành động bằng cách lấy việc sắp xếp các tội như tiểu chuẩn hầu như duy nhất. Suy tư hiện đại phản ứng ngược lại bằng cách hướng tới chỗ đánh giá qúa cao các yếu tố trạng huống và các đòi buộc của một dấn thấn phù hợp với sự tự do, mà hầu như không có tình trạng nào của con người có thể thực hiện được. Khi quy chiếu về những gì được nói liên quan sự tự do trên bình diện luân lý đạo đức, chúng ta có thể khẳng định rằng sự nghiêm trọng của một hành động tùy thuộc nơi mức độ tham dự vào sự lựa chọn nền tảng. Một cách rõ ràng tội trọng sẽ bị hạn hẹp nơi các lựa chọn định đoạt, nơi các thời điểm quyết định, trong đó con người có lẽ xác định toàn cuộc sống còn lại của mình.
Dù có khó biện minh và giải thích, sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ được hiểu ngầm trong mọi định nghĩa về tội. Tội nhẹ là nhẹ bởi loại suy trong nghĩa nó thực hiện một cách không hoàn toàn ý muốn và các hiệu qủa của tội trọng. Trên bình diện luân lý đạo đức người ta chỉ gán cho tội trọng định nghĩa đề tài hóa ước muốn tuyệt đối nơi các đối tượng hữu hạn và trên bình diện thần học, nó là hành động, qua đó con người coi một thiện ích hạn hẹp như là ý nghĩa cuối cùng trong cuộc sống của mình, bằng cách đòi quyền độc lập đối với Thiên Chúa.
Dù sao đi nữa với mức độ trầm trọng khác nhau của nó tội lỗi luôn luôn là bằng chứng của sự tự do, nghĩa là biến cố nguy hiểm, trong đó con người đo lường giá cả các lưạ chọn trước đó của mình, và khám phá ra khả thể sai lầm của mình, nhưng đồng thời trong đó sự tự do của con người được vén mở. Sự tự do luôn luôn giả thiết khả năng lựa chọn. Cho dù có bị hạn chế và gặp rất nhiều chướng ngại điều kiện hóa, con người vẫn cò khả năng lựa chọn trong chính các hạn chế điều kiện hóa đó, và vì thế vẫn có trách nhiệm đối với các lựa chọn của mình. Chính khả thể sai lầm với các hậu qủa nắc mỏ của nó vén mở cho thấy sự tự do của mỗi người đối với cuộc sống của mình.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1161)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV