Lần trước chúng ta đã nói rằng nền thần học bí tích của thánh Agostino không có tính cách hệ thống. Chính vì thế trong các thế kỷ sau đó nó đã bị giải thích nhiều cách khác nhau, khiến cho tư tưởng của thánh nhân bị giản lược khá nhiều. Dầu sao đi nữa từ thế kỷ thứ V trở đi tất cả truyền thống thần học tây phương sẽ vĩnh viễn coi như thủ đắc được rằng các buổi cử hành bí tích là một dấu chỉ, và giữa cử chỉ nghi thức và hành động thánh hóa của Thiên Chúa có tương quan kiểu mẫu di chuyển giữa dấu chỉ và thực tại được ám chỉ.
Bên trong truyền thống liên tục không bị gián đoạn này, giáo huấn của giáo phụ Isidoro thành Siviglia, sống khoảng hai thế kỷ sau thánh Agostino, xem ra là một luật trừ. Giáo phụ miêu tả sự kiện bí tích như sau: ”Người ta nói tới các bí tích, khi dưới bức màn của các sự vật hữu hình quyền năng của Thiên Chúa thực hiện sự cứu rỗi một cách bí mật. Như thế từ bí tích bắt nguồn từ sự bí mật hay từ sự thánh thiêng” (Etymologiae, I.6,c. 19,40; PL 82,255). Định nghĩa này xem ra thu hồi được ý niệm nhiệm mầu của bí tích, là ý niệm thường hằng, cả khi nó đã không bao giờ được soạn thảo một cách rõ ràng trong nền giáo phụ học đông phương. Nhưng trên thực tế luận thuyết của thánh Agostino đã đâm rễ sâu trong xác tín chung, đến nỗi các thần học gia thời thượng trung cổ sẽ tiếp tục trích dẫn các văn bản của tác phẩm ”Etymologiae” của giáo phụ Isidoro, như thể là ở trên cùng một đường hướng hoàn toàn tiếp nối tư tưởng của thánh Agostino. Điều này cũng không khiến cho chúng ta ngạc nhiên, bởi vì cả trong thời đại gần với thời đại của chúng ta hơn, khi người ta nhận ra rằng sự tiếp nối giữa hai thần học gia không phải là điều đương nhiên, thì nhiều tác giả khác nhau, dù không ra khỏi đường nét truyền thống, cũng đã vội vã kết luận rằng tư tưởng của giáo phụ Isidoro thành Siviglia cấu tạo một sự thụt lùi so với nền thần học của thánh Agostino.
Ở đây không thể đưa ra một phân tích chi tiết về các lợi ích và các điều kiện hóa, mà nền thần học bí tích sẽ rút tỉa ra được từ nguồn gốc Agostino của nó. Chắc chắn là các điều kiện hóa nặng nề nhất nảy sinh từ một giải thích giản lược tư tưởng của thánh Agostino hơn là từ tư tưởng đích thật của thánh nhân. Khi định tính hành động bí tích như là một dấu chỉ, thánh Agostino đã không có ý biến nó thành một cơ cấu thông tin đơn thuần về một hành động cứu độ nhiệm mầu và không thể đạt tới được một cách có thể cảm nhận được. Thánh nhân lại càng không có ý cống hiến cho các nhà thần học một dịp đọc hiểu siêu hình và cho các chuyên viên giáo luật cớ đọc hiểu cử chỉ bí tích trong nhãn quan luật pháp. Việc đọc hiểu biểu tượng các bí tích kitô của thánh Agostino có một chiều kích rộng rãi hơn, và duy trì tất cả sự mạnh mẽ cần thiết giúp tiếp nhận trong biểu tượng không đến độ hay chỉ đơn sơ là một dụng cụ giúp hiểu biết một thực tại không thể biết được một cách tức khắc, nhưng một nhiệm cuộc điều hành các can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, và nó trao ban một mô thức chuyên biệt cho chính cuộc sống kitô.
Tính cách bí tích đã không được thánh Agostino hiểu chỉ như là hoạt động cứu rỗi siêu nhiên ”được có nghĩa”, mà cũng còn như là lịch sử cứu độ ”có ý nghĩa”. Chỉ cần nghĩ rằng trong viễn tượng của thánh nhân, bí tích Rửa Tội không phải là một nghi thức chóng qua, mà là sự mới mẻ của cuộc sống kitô trở thành có ý nghĩa đối với một thế giới cũ phải được canh tân và cứu rỗi.
Sau thời gian ứ đọng thần học, từ cuối thế kỷ thứ V tới thứ IX nền thần học Agostino xem ra tìm lại được các dịp tái sinh, nhưng rất tiếc là đã liên lụy tới hai biến cố, thay vì tạo thuận lợi cho sự phát triển thì chúng lại làm cho nó trở thành nghèo nàn hơn, ít nhất một cách gián tiếp. Đó là cuộc cải cách thời hoàng đế Charles Magne và cuộc tranh luận Berengario.
Nền thần học bí tích của thánh Agostino đã không bao giờ là một kỹ thuật giải thích trong chìa khóa pháp lý, siêu hình hay nghi thức của một buổi cử hành, nhưng là một suy tư đức tin về một tính cách chuyên biệt của thực tại kitô. Tuy nhiên trong thời đại này nó sẽ gặp nguy cơ rơi vào một cái gì giống như một kỹ thuật.
Mặc dù tầm quan trọng và các lợi thế đáng kể, mà cuộc cải cách của hoàng đế Charles Magne có thể đem lại cho cuộc sống phụng vụ của Giáo Hội trong giai đoạn đầu thời trung cổ, có đúng thật là đối với sự phát triển nền thần học bí tích đã không được hưởng lợi bao nhiêu. Đó là thời đại, trong đó sự đòi buộc luật lệ hóa thực hành phụng vụ bên trong một luật lệ rộng rãi hơn liên quan tới toàn cuộc sống giáo hội, một cách không cảm thấy nhưng không thể tránh được, đưa nền thần học tới chỗ coi các cử hành bí tích trong một viễn tượng duy giáo luật. Trong bối cảnh này thần học bí tích gánh chịu tất cả các điều kiện của một tâm thức pháp lý một cách cụ thể không có khả năng thu nhận vào trong các phạm trù của mình một sự kiện biểu tượng như biểu tượng của bí tích, và không có khả năng thăng tiến một thực tại vượt ngoài các khía cạnh hữu hình và cơ cấu của việc cử hành.
Việc thiếu khả năng nền tảng này sẽ được biểu lộ ra một cảch ồn ào trong cuộc tranh luận với Berengario. Berengario nhấn mạnh trên biểu tượng bí tích và yêu sách phục hồi tư tưởng của thánh Agostino trong sự toàn vẹn của nó, nhưng cố gắng của ông sẽ thất bại. Sự thất bại này có nhiều lý do.
Trước hết toàn ngôn ngữ của Berngario không luôn luôn rõ ràng, khiến cho người đọc không lãnh hội được ngay lập tức các nội dung của những gì ông trình bầy. Thứ hai, là kiểu khá tự do trong việc quy chiếu giáo huấn của thánh Agostino. Cả khi bối cảnh văn hóa không luôn luôn có thể phản đối ông về điều đó, chímh Berengario gán cho thánh Agostino vài định nghĩa bí tích không thể tìm thấy trong các tác phẩm của thánh nhân. Thứ ba, sự kiện muốn đọc trong chìa khóa biểu tượng bí tích Thánh Thể, là bí tích ít thích hợp hơn các bí tích khác cho một giải thích loại này. Nhưng lý do nền tảng là một tâm thức một cách nòng cốt chặn đường đối với việc đọc hiểu biểu tượng thực tại, đến độ cho rằng không thể hòa hợp ý niệm của tính cách biểu tượng với ý niệm thực tại: điều biểu tượng thì không có thật, và điều có thật thì không biểu tượng. Tâm thức này bị gia tăng bởi phản ứng đối với các luận thuyết của Berengario: nếu bí tích phải là một dấu chỉ, thì nó sẽ chỉ là dấu chỉ trong nghĩa nhiệm vụ là làm cho hiểu biết một thực tại ở bên kia dấu chỉ. Dấu chỉ chỉ là một nhiệm vụ thuần túy, không dính dáng gì tới thực tại được ám chỉ. Nền thần học bí tích thời đó – nếu còn có thể nói tới thần học – bị thống trị bởi ý niệm nhiệm vụ của dấu chỉ, sẽ phát triển một diễn văn chính yếu là phân tích các yếu tố khác nhau của cử chỉ bí tích, của các sự vật được dùng, hơn là biến cố cứu độ liên lụy tới cuộc sống kitô. Và nó sẽ chồng chất các điều của một chủ trương duy biểu tượng, thường giả tạo và xa rời mầu nhiệm cử hành.
Dầu sao đi nữa, cuộc tranh luận với Berengario, ít nhất một cách gián tiếp, sẽ tỏ ra ích lợi, bởi vì nó sẽ dấy lên một chú ý từ từ đối với việc cử hành các bí tích, và sẽ dọn đất cho sự phát triển thần học bí tích của thời kỳ kinh viện.
Nền thần học bí tích đã tìm thấy trong kinh viện một thời điểm đặc biệt may mắn, ít nhất vì hai lý đo. Thứ nhất, bởi vì các tổng hợp thần học lớn và các nỗ lực đầu tiên trong việc cơ cấu hóa tín lý kitô, nảy sinh trong thời kỳ này, nối kết một suy tư sâu rộng hơn về các bí tích. Thứ hai, bởi vì qua nỗ lực công thức hóa một ý niệm thích hợp về bí tích, người ta thành công trong việc phân biệt các bí tích kitô trong nghĩa hẹp với một đống các nghi thức trở nên thành phần của phụng vụ giáo hội.
Việc khởi đầu một nền thần học bí tích có hệ thống đã chậm chạp và không chắc chắn. Tưởng cũng không nên quên rằng trong thời gian này nói chung nền thần học từ việc đọc hiểu bước qua việc cật vấn, và nó gặp không ít vất vả để tìm ra quy chế phương pháp của mình. Chính trong bầu khí mò mẫm đó mà có hai loại thần học bí tích khác nhau, ít nhất là trong một thời gian nào đó. Nền thần học bí tích thứ nhất được gợi hứng một cách rộng rãi bởi sự lo lắng mục vụ và đào tạo trên bình diện tôn giáo, với học giả tiêu biểu là Ugo di San Vittore. Nền thần học bí tích thứ hai đã được hướng dẫn bởi sự lo lắng suy tư do Pietro Lombardo chủ xướng.
Các dữ kiện hay nhất trong nền thần học bí tích của Ugo di San Vittore là tính cách độc đáo và chiều hướng mục vụ của nó.
Tuy các nhà sử học của nền thần học bí tích đã chú ý nhiều hơn tới ý niệm bí tích mà Ugo di San Vittore đã thông truyền cho chúng ta, và định nghĩa mà ông đã đưa ra, có lẽ là điều hay hơn nữa, khi nhớ rằng trong tác phẩm chính tựa đề ”De sacramentis christianae fidei” Ugo di San Vittore nhìn trong chià khóa bí tích tất cả các can thiệp cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử, từ việc tạo dựng vũ trụ và loài người cho tới biến cố nhập thể của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Cái nhìn rộng rãi hơn này về thần học bí tích đôi khi điều kiện hóa, khiến cho ông coi là bí tích cả một vài nghi thức trong thực tế không đáng được gọi là bí tích.
Nhưng nó không ngăn cản Ugo di San Vittore nhận diện các bí tích trong nghĩa hẹp, và nhất là nó cho phép ông cống hiến cho chúng ta một miêu tả khá giáo dục và và rất nhậy cảm đối với nhiệm vụ lịch sử của các bí tích.
Đối với Ugo di San Vittore các bí tích là một ”sửa chữa”: một sửa chữa cho con người có tội, hơn là đối với tội lỗi; một sửa chữa không chỉ để cho con người có được ơn cứu rỗi cánh chung, nhưng có mục đích tái trật tự hóa lịch sử mà con người đã làm sai hướng. Trong thứ ngôn ngữ đơn sơ nhưng cô đọng, Ugo di San Vittore nói với chúng ta rằng các lý lẽ nền tảng do đó Thiên Chúa đã thích đưa chúng ta tới ơn cứu rỗi, qua các cử chỉ bí tích, hơn là bằng cách đến với chúng ta một cách trực tiếp qua hành động cứu độ của Người. Chúng gồm ba mục đích là để con người sống khiêm tốn, hiểu biết cao rộng và rèn luyện (1.1, p. 9, c.3; PL 176,319).
Con người tin rằng mình có thể tự cứu qua việc tự diều hành thụ tạo, tìm thấy nơi các bí tích khả thể học hỏi dùng các thụ tạo một cách đúng đắn, và vai trò đích thật mà nó phải có trong thụ tạo: con người đã ở trong bóng tối của dốt nát, không ý thức được Thiên Chúa và phẩm giá con người, chính vì nó nghĩ có thể một mình phân định sự thiện sự ác, qua các bí tích tái khám phá ra ánh sáng của sự thật, cho phép nó nhận diện các dấu vết của Thiên Chúa trong thế giới và trong lịch sử. Con người tin tưởng nơi sự cần mẫn của mình tới độ nghĩ rằng nó có thể tạo ra các thần linh theo nó muốn, có thể tìm thấy nơi các bí tích ý thức đúng đắn về sự lạc quan siêng năng của nó và tính cách tôn giáo đích thật của công việc làm.
Sự hạn hẹp trong nền thần học của Ugo di San Vittore, đã được nhận diện trong việc kiên trì miêu tả các bí tích như là một ”sửa chữa”. Điều này đúng. Tuy nhiên đáng tiếc là các suy tư của ông liên quan tới ý niệm và nhiệm vụ của thần học bí tích trong lịch sử cửu rỗi hầu như bị lãng quên bởi các trào lưu thần học thời đó, và chúng đã không tìm được vài khả năng tháp nhập mà chúng đáng được.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1176)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV