Thánh vịnh 100 là một thánh thi ngắn có cấu trúc “điệp ca” quy chiếu việc cộng đoàn cầu nguyện bước vào trong bầu khí sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa, nghĩa là vào trong đền thánh để tham dự một buổi cử hành phụng vụ tạ ơn. Đây là điều được nói lên ngay trong tựa đề của thánh vịnh
“Thánh vịnh để tạ ơn”. Thánh vịnh 100 có các đề tài khác nhau giống phần đầu của thánh vịnh 95 (cc.1-7a) và trình bầy một cấu trúc sóng đôi bao gồm một loạt các lời mời dẫn nhập (cc. 1b-2 và 4) với các lý do (cc. 3 và 5). Lược đồ “lời mời-lý do” này cũng giống như trong thánh vịnh 117: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Giavê, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Ha-lê-lui-a.”
Thánh vịnh 100 giống thánh vịnh 117 trên bình diện hình thái cũng như trong nội dung. Trong thánh vịnh 100 nơi các lời mời cũng như các lý do chúng ta thấy cô đọng tất cả niềm tin của dân Israel nơi Giavê, là Thiên Chúa thật duy nhất, là Đấng Tạo thành họ, và là “sự chiếm hữu là vua” của họ, mà lòng lành và sự quảng đại sẽ kéo dài đến muôn thuở muôn đời.
Văn thể là thánh thi. Thánh vịnh gồm phần thứ nhất, các câu 1b-3 và phần thứ hai, các câu 4-5.
Trong phần đầu tiên các câu 1b -3 lý do niềm vui nổi bật trong các lời mời khởi đầu được biện minh bởi nội dung tôn giáo của giao ước: Giavê là Thiên Chúa của dân Ngài và Israel là đoàn chiên của Thiên Chúa.
“Hãy tung hô Giavê, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Giavê với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo. Hãy nhìn nhận Giavê là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.”
Phần này của thánh vịnh 100 giống thánh vịnh 95: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Giavê, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn. Bởi Giavê là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần, nắm trong tay bao vực sâu lòng đất, giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao. Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa, lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người. Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Giavê là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95,1-7a).
“Hãy tung hô”: đây cũng là lời mời của thánh vịnh 66:” Cả trái đất, hãy tung hô Giavê, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh!”. Thánh vịnh 95 cũng mời gọi như sau: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Giavê” (Tv 95,1).
“Hãy phục vụ Giavê”: Việc phục vụ Thiên Chúa nói tới ở đây trước tiên quy chiếu hành động tạ ơn Giavê trong đền thánh. Tuy nhiên, nó cũng bao gồm việc cương quyết định hướng đời sống luân lý của mình theo con đường của giao ước. Giao ước dân Israel đã ký kết với Giavê Thiên Chúa tại núi Sinai qua trung gian ông Môshê khiến cho họ trở thành dân riêng Chúa chọn và Giavê là Thiên Chúa duy nhất của họ. Từ sự tuỳ thuộc nhau đó phát xuất ra tất cả mọi bổn phận, mọi đòi buộc, họ phải tuân giữ và các quyền lợi họ được hưởng.
“Hãy tự giới thiệu mình” hãy trình diện, dịch sát nghĩa là “hãy đến”, “hãy bước vào”, là từ chuyên biệt diễn tả việc cộng đoàn phụng vụ bước vào lãnh vực thánh thiêng của Thiên Chúa, như viết trong thánh vịnh 96:” Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Giavê là Đấng dựng nên ta.”. Trong chương 1 ngôn sứ Isaia ghi lại lời Thiên Chúa trách dân Israel như sau: “Giavê phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi,
đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? “ (Is 1,11-12)
Kể lại biến cố ông Môshê vào lều trình diện với Thiên Chúa sách Xuất Hành viết trong chương 33: “Khi vào trước nhan Giavê để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra; ông trở ra và nói lại với con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh ông đã nhận được. Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa.” (Xh 33,34-35).
“Ngài là Thiên Chúa”: thánh vịnh 95 viết: “Bởi Giavê là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần” (Tv 95,3).
“Ngài đã dựng nên ta”: đây là lời tuyên xưng đức tin của dân Israel. Nhưng kiểu nói này cũng quy chiếu hành động tạo dựng nói chung, cách riêng sự kiện dân Israel được Thiên Chúa tạo thành và vì thế thuộc về Chúa một cách đặc biệt, khác với tất cả mọi dân tộc khác trên thế giới. Thánh vịnh 95 viết: “Giavê là Chúa dựng nên ta”.
“Là dân Người và là đoàn chiên Người chăn dắt”: đây đã là ý thức rõ ràng của dân Israel, như viết trong thánh vịnh 79:” Phần chúng con là dân của Ngài, đoàn chiên Ngài chăn dắt, chúng con sẽ tạ ơn Ngài mãi mãi và dâng lời ca tụng đến muôn thuở muôn đời.” (Tv 79,13). Thánh vịnh 95 cũng mời gọi như sau: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Giavê là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95,6-7)
Các câu 4-5 là phần hai của thánh vịnh 100 song song với phần thứ nhất như điệp khúc trả lời, do phần bên kia của ca đoàn hát đáp lại.
”Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người. Bởi vì Giavê nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.”
“Hãy vượt qua các cửa của Ngài với các thánh thi tạ ơn”: tác giả thánh vịnh 24 cũng mời gọi như sau: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào. Đức Vua vinh hiển đó là ai? Là Giavê mạnh mẽ oai hùng Giavê oai hùng khi xuất trận. Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào.” (Tv 24,7-9). Tiếp đến là lý do của việc cảm tạ ấy: “Bởi vì Giavê tốt lành, lòng thương xót Ngài vĩnh cửu”. Đó cũng là điều được tác giả thánh vịnh 104 nói lên ngay trong câu đầu: “Hãy tạ ơn Giavê vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 106,1). Tác giả thánh vịnh 107 cũng lập lại cùng lời mời gọi đó: “Hãy tạ ơn Giavê vì Giavê nhân từ, muôn ngàn đời Giavê vẫn trọn tình thương.” (Tv 107,1). Chương 5 sách Sử Biên II tả lại cảnh di chuyển Hòm Bia Giao Ước và viết tiếp: “Sau đó, các tư tế ra khỏi Cung Thánh. Quả thật, tất cả các tư tế có mặt đều đã được thánh hoá, không theo thứ tự ban nhóm. Các thầy Lê-vi làm ca viên có mặt đầy đủ: A-xáp, Hê-man, Giơ-đu-thun, cùng với con cháu và anh em của họ. Họ mặc trúc bâu, mang não bạt, đàn sắt, đàn cầm, đứng phía đông bàn thờ; cùng với họ có một trăm hai mươi tư tế thổi kèn. Họ thổi kèn và ca hát, cùng nhau cất tiếng tung hô và ngợi khen Giavê. Họ cất tiếng hát cùng với tiếng kèn, tiếng não bạt và các nhạc cụ khác, để tung hô Giavê: “vì Chúa nhân từ, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Vậy khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ Giavê” (2 Sb 5,11-13). Ngôn sứ Mikha cũng viết trong chương 7: “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.” (Mk 7,18-20).
Chúc tụng lòng lành của Giavê Thiên Chúa là một khiá cạnh khác trong niềm tin của dân Israel: lòng thương xót quảng đại và nhân lành của Thiên Chúa không bị hạn hẹp trong không gian và thời gian. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” là điệp khúc của thánh vịnh 136, trong đó tác giả duyệt lại mọi công việc diệu kỳ Thiên Chúa đã làm cho dân Israel: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Thần các thần, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Chúa các chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, tầng trời cao, Chúa tạo dựng tài tình, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, trải mặt đất này trên làn nước bao la, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Người làm ra những đèn trời to lớn muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, cho thái dương điều khiển ban ngày, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Người sát hại các con đầu lòng Ai-cập, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, dang cánh tay uy quyền mạnh mẽ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, dẫn Ít-ra-en ra khỏi xứ này, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Nước Biển Đỏ, Chúa phân làm hai khối, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, đưa Ít-ra-en lối giữa băng qua, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, xô xuống biển Pha-ra-ô cùng binh tướng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, sát hại bao lãnh chúa hùng cường, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, tiêu diệt những quân vương hiển hách, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, vua Xi-khôn của dân tộc E-mô-ri, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, và vua Ốc miền Ba-san nữa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Người chiếm đất họ, ban làm gia sản, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, gia sản cho tôi tớ Người là Ít-ra-en, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, gỡ ta thoát khỏi tay thù địch, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
Linh Tiến Khải