Thánh vịnh 83 là một lời than van công cộng. Nó dễ nhận ra vì nội dung cũng như các yếu tố đặc thù của nó bao gồm việc kêu lên Thiên Chúa là Đấng xem ra bất động, trình bầy trường hợp, và khẩn nài sự can thiệp của Ngài. Tình trạng rất giống thánh vịnh 2 nhưng với vài khác biệt. Thật thế, trong khi thánh vịnh 2 nói về Đấng được thánh hiến của Thiên Chúa, là vì vua nhà Đavít, bị dân chúng ồn ào náo loạn đe dọa, thì ở đây là dân được tuyển chọn nói chung. Trong thánh vịnh 2 các thù địch không được nhắc tới, ở đây trái lại chúng ta có cả một danh sách các quốc gia, trong đó có nhiều nước được biết tới trong lịch sử Israel và có các tương quan xung khắc chống đối, không hoà bình với dân được tuyển chọn. Còn một khác biệt nữa đó là ở đây thánh vịnh 83 nhắc tới các cử chỉ vinh quang oai hùng Thiên Chúa đã làm cho Israel trong quá khứ: Ngài đã không bất động lặng thinh, nhưng ra tay hoạt động để cứu giúp Israel. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều dữ kiện lịch sử dịa lý ngoại thường, các nhà chú giải kinh thánh đã không thể đi tới chỗ khám phá ra hoàn cảnh lịch sử chính xác thánh vịnh ám chỉ. Có lẽ thánh vịnh 83 quy chiếu các sự kiện không được ghi chép bởi các nguồn tài liệu hợp quy. Nhưng đó cũng có thể là một trường hợp kiểu mẫu một cách ít nhiều khác nhau được kiểm thực trong mọi thời đại của lịch sử Israel. Dù sao đi nữa việc nhắc tới Assur ở câu 9 khiến nghĩ tới thời sáng tác có thể là trước năm 612 trước công nguyên, là năm thành Nivivê thủ đô của đế quốc Assiria bị tàn phá và kết thúc đế quốc.
Văn thể là lời than van công cộng. Thánh vịnh gồm lời kêu gọi mở đầu, câu 2; việc trình bầy trường hợp, các câu 3-9; lời cầu nguyện chống lại các thù địch, các câu 10-18; và phần kết luận, câu 19.
Thánh vịnh được mở đầu với lý do riêng là đặc tính của các lời than van, qua đó tác giả muốn đánh thức Giavê Thiên Chúa khỏi tình trạng xem ra bất động của Ngài, để Chúa chú ý tới tình trạng hiểm nguy mà dân Ngài đang phải đối phó.
“Lạy Thiên Chúa, xin đừng làm thinh, xin đừng nín lặng ngồi yên, lạy Thiên Chúa.”
Đây cũng là lời mở đầu thánh vịnh 28: “Lạy Giavê là núi đá cho con trú ẩn, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ. Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng, thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ.” (Tv 28,1); hay như trong thánh vịnh 35: “Lạy Giavê, Ngài thấy rồi, xin đừng nín lặng,
lạy Chúa, xin đừng nỡ đứng xa.” (Tv 35,22).
Các câu 3-9 trình bầy trường hợp: có nhiều dân tộc liên minh với nhau (cc.7-9) chống lại dân Thiên Chúa và muốn tàn phá cả kỷ niệm về nó nữa (c. 5). Nói cho cùng đó là liên minh chống lại chính Thiên Chúa (c. 6) và các quốc gia ấy là các thù địch của Ngài (c. 3). Vì thế Thiên Chúa không thể thờ ơ.
“Kìa kẻ thù Chúa ồn ào náo động, bọn ghét Ngài đang ngóc đầu lên.Chúng lập kế chống lại dân Ngài, bày mưu chống những kẻ Ngài bảo trợ. Chúng rằng: “Nào ta hãy diệt bọn đó đi, để chúng không còn là một dân tộc nữa và chẳng ai còn nhắc đến tên tuổi Ít-ra-en.” Chúng đồng lòng bày mưu lập kế, liên minh chống lại Ngài: Nào là dân Ê-đôm cùng với Ít-ma-ên, Mô-áp và Ha-ga. Nào là dân Gơ-van, Am-mon, A-ma-lếch và Phi-li-tinh cùng dân thành Tia nữa. Cả Át-sua cũng vào hùa với chúng và tiếp tay cho dòng dõi Lót.”
“Bởi vì này đây”: Trường hợp được trình bầy như một lý do của lời kêu cầu lên Thiên Chúa.
“Ồn ào náo động” dịch sát chữ là “run rẩy”.
“Chúng ngẩng đầu” là dấu chỉ của sự kiêu căng và xác tín về chiến thắng của mình, như diễn tả trong thánh vịnh 27: “Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý, nhìn quân thù vây bủa chung quanh. Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện, lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng, tôi sẽ đàn ca mừng kính Giavê.” (Tv 27,6).
“Chúng họp thành liên minh chống lại Chúa”: giống như các vua của trái đất trong thánh vịnh 2 chống lại Giavê và đấng được xức dầu phong vương của Ngài.
“Các lều”: là từ thơ văn ám chỉ “các quốc gia”. Người Edomiti là dòng dõi của Eđôm con của Edau anh cả của tổ phụ Giacóp (St 36,8.43) chiếm hữu vùng núi ở miền nam đất Palestina, cũng còn gọi là vùng núi Seir (St 36). Người Ismaliti là dòng dõi của Ismael con của tổ phụ Abraham và nàng hầu Agar người Ai Cập (St 16,15; 21,18), cùng với người Agareni là từ chung phát xuất từ Agar mẹ của Ismael. Họ là các bộ lạc A rập sống trong sa mạc ở mạn nam Biển Chết. Moab cùng với Ammon trong sách Sáng Thế được coi như con của ông Lot cháu tổ phụ Abraham (St 19,37-38). Moab và Ammon sống trong vùng nam và bắc Trasgiordania, bên kia sông Giordan.
“Gebal” ở đây là tên của một bộ lạc sống trong vùng sa mạc mạn nam Biển Chết, chứ không phải là thành phố Biblos của dân Phênêxi, tiếng A rập là Jebail, tiếng Accadic là Gubla.
“Amalech” là dân sống trong sa mạc Negheb hay vùng tây bắc sa mạc Sinai, được Thánh Kinh nhắc tới nhiều lần (Xh 17,8; Tp 3,13).
Filistea là vùng của người Philitinh sống dọc bờ biển miền nam Địa Trung Hải, trong khi dân Tiro ám chỉ các dân tộc sống dọc bờ Địa Trung Hải nhưng ở mạn bắc Palestina. Việc nhắc tới người Phênêxi của Tiro, theo truyền thống là bạn của dân Israel (x. 1 V 5,1), có lẽ tương đương với một tiêu chuẩn văn chương địa lý, chứ không phải là tiêu chuẩn lịch sử chính trị.
“Cho tới cả Assur” để bổ túc và đóng lại danh sách các quốc gia và dân tộc thù địch tứ phiá buả vây dân Do thái: người Edomiti và các bộ lạc A rập từ miền nam; người Moabit và Ammonit từ phiá tây; nguời Philitinh và người Phênexi từ phía tây nam; và sau cùng là người Assiri từ phía tây bắc.
Các câu 10-18 là phần hai của thánh vịnh 83 trong đó tác giả xin Thiên Chúa ra tay hành động can thiệp cứu Israel khỏi nguy hiểm như Ngài đã làm trong quá khứ. Nguy hiểm ấy cũng là nguy hiểm đối với chính Thiên Chúa. Vì thế Ngài phải ra tay chống lại các thù địch với tất cả sự kinh hoàng (cc.14-17) như đã làm đối với dân Canaan thời nữ thủ lãnh Deborah (cc.10-11), hay chống lại quân Madianít thời thủ lãnh Gedeon (cc.12-13) cho tới khi chúng bị tận diệt (c. 18).
“Xin Ngài xử với chúng như đã xử với dân Ma-đi-an, với hai tên Xi-xơ-ra và Gia-vin tại khe suối Ki-sôn; hai tên này đã bị tiêu diệt tại Ên Đo
và thành phân bón ruộng. Xin làm cho vua quan của chúng phải đồng số phận cùng Ô-rếp và Dơ-ếp, cho thủ lãnh của chúng cùng chung vận mạng với De-vác và Xan-mun-na; những tên này đã nói: “Ta hãy chiếm lãnh địa Thiên Chúa! ” Lạy Thiên Chúa con thờ, xin làm cho chúng như chiếc lá quay cuồng, như cọng rơm trước gió.Giống như lửa thiêu rừng, tựa hoả hào đốt núi, xin Ngài cho nổi cơn dông tố đuổi chúng đi, cho bừng lên trận bão làm chúng hoảng sợ. Xin cho chúng phải bẽ mặt ê chề, để chúng tìm kiếm danh Ngài, lạy Giavê. Xin cho chúng phải muôn đời nhuốc nhơ hoảng sợ, phải xấu hổ diệt vong.”
“Madian” gợi lại trận chiến của thủ lãnh Gedeon chống lại người Madianít và Amalecít như kể trong hai chương 7-8 sách các Thủ Lãnh. Họ chuyên cướp bóc và đánh phá Israel và bị đánh bại gần các nguồn nước Ein Harod , với tên các thủ lãnh của họ bị giết chết là Oreb và Zeeb (Tl 7,25), Zebach và Salmana (Tl 8,21)
“Sisara và Sábin” ám chỉ trận đánh của Baraq chống lại quân đội của Jabin, vua Canaan ở thành Khasor, do tướng Sisara chỉ huy, như kể trong hai chương 4-5 sách các Thủ Lãnh. Tướng Sisarra bị thua trận gần suối Qishon (Tl 4,13), từ đồng bằng Esdrelon chảy ra Địa Trung Hải ở mạn bắc dẫy núi Carmel.
“Phân bón cánh đồng” là kiểu nói sống sượng Thánh Kinh dùng để ám chỉ các xác chết của quân thù bị bỏ lại trên chiến trận, không được ai chôn cất (x. 2 V 9,37; Gr 8,2; 9,21). Chúng sẽ là mồi cho muông thú hay tan rữa thành phân bón cánh đồng.
Sự tàn bạo sát phạt quân thù được xin trong lời cầu là một diễn tả thơ văn, nhưng cũng là sự thật chống lại các thù địch của Thiên Chúa, tùng áp bức đối xử tàn bạo với dân Israel và đầy đọa họ.
“Giông tố bão bùng” là các yếu tố diễn tả sự tỏ hiện vinh quang của Giavê Thiên Chúa chiến sĩ, như miêu tả trong thánh vịnh 18: “Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che Người. Trước mặt Chúa, kìa chớp loé mây bay, mưa đá lẫn than hồng tuôn đổ. Giavê nổi sấm vang trời, Đấng Tối Cao lớn tiếng. Người bắn tên, khiến địch thù tán loạn, phóng chớp ra, làm chúng phải tan tành.” (Tv 18,12-15). Trong thế giới Canaan cổ xưa các yếu tố này được dùng cho thần Baal, là thần của bão táp.
“Ước chi chúng kiếm tìm danh Ngài”: tác giả thánh vịnh 18 khẳng định: “ Chúng kêu cứu mà không ai cứu chữa, kêu đến Chúa nhưng Chúa chẳng đáp lời.” (Tv 18,42). Tiếng kêu cứu ở đây không phải là tiếng kêu cứu của sự hoán cải, mà là tiếng kêu cầu tuyệt vọng vô ích, vì số phận của các kẻ thù nghịch cùng Thiên Chúa sẽ là sự tiêu diệt hổ nhục.
Câu kết thánh vịnh là việc thừa nhận sự thống trị tối cao của của Thiên Chúa Israel trên toàn trái đất, trên bình diện chính trị tôn giáo, được coi như kết quả luận lý cái chiến thắng của Ngài trên các thù địch nổi loạn: “để chúng nhận biết rằng chỉ có Ngài mang danh Giavê, Đấng Tối Cao trên khắp địa cầu.” “Chúng sẽ nhận biết rằng “ dưới ánh sáng của toàn thánh vịnh kêu cầu Thiên Chúa tận diệt các thù địch của dân Israel và của chính Thiên Chúa chủ động từ ở đây không thể là các thù địch bị thua, nhưng đây là số nhiều không ngôi vị có giá trị đại đồng và có thể ám chỉ người ta sẽ nhận biết Giavê là Thiên Chúa Tối Cao.
TV 83
Linh Tiến Khải
Radio Vatican