Thánh vịnh 85 trình bầy ba đề tài liên quan với nhau nhưng không theo một trật tự có luận lý. Đề tài thứ nhất là ân huệ Thiên Chúa dành cho dân được tuyển chọn trong quá khứ, các câu 2-4; đề tài thứ hai là lời cầu dâng lên Chúa xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ chống lại Israel trong hiện tại, các câu 5-8; và đề tài thứ ba là lời loan báo một kỷ nguyên công bằng và hoà bình, kỷ nguyên cứu độ, các câu 9-14.
Từ thánh vịnh không thấy nổi bật các dữ kiện rõ ràng cho phép xác định một trạng huống lịch sử chắc chắn nào, nên có thể nghĩ đây là một tình trạng điển hình, có thể gặp trong mọi thời đại của lịch sử, đặc biệt và một cách tổng quát của dân Israel. Giải thích nông nghiệp coi thánh vịnh 85 là một thánh thi tạ ơn về một năm tốt lành đã qua, và là một lời cầu khẩn nài các phúc lành tương tự khác cho tương lai. Dầu sao đi nữa thánh vịnh 85 có các đề tài và lý do giống hai thánh vịnh 77 và 126 khiến cho chúng ta nghĩ tới thời đại của việc tái thiết tươi vui, nhưng chậm chạp khó khăn sau thời lưu đầy. Ý hướng này phù hợp với các đề tài và lý do riêng của nền văn chương ngôn sứ quy chiếu về thời đó, chẳng hạn như “Cuốn sách ủi an” của ngôn sứ Isaia II, nhất là các chương 56-66, các lời tiên tri của ngôn sứ Khắc Gai hay Ageo và của ngôn sứ Dacaria.
Văn thể là lời than van công cộng, với việc khai triển các lý do thánh thi trong phần mở đầu và các lý do ngôn sứ ủi an trong phần kết luận. Thánh vịnh 85 miêu tả các ân huệ Thiên Chúa ban cho dân Israel trong quá khứ, các câu 2-4; lời than van liên quan tới tình hình hiện nay, các câu 5-8; và viễn tương tươi sáng trong tương lai, các câu 9-14.
Trong khung cảnh mở đầu thánh vịnh 85 nhắc tới các ân huệ và phúc lành Thiên Chúa đã ban cho dân Israel trong quá khứ không xa lắm. Sau khi bão táp cơn thịnh nộ của Ngài đã qua, vì các tội lỗi của nhà Israel đã khơi dậy, Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho dân Ngài, và tái hội nhập họ vào việc chiếm hữu “Đất của Ngài”.
“Lạy Chúa, Ngài đã tỏ lòng thương thánh địa, tù nhân nhà Gia-cóp, Ngài dẫn đưa về.Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm, cũng phủ lấp đi.
Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ.”
“Ngài đã tái thiết các số phận”: ám chỉ việc Thiên Chúa can thiệp cứu vớt và lại đem Israel từ một điều kiện thất vọng vào trong tình trạng tốt (x. Đnl 30,3; Ed 16,53; Tv 53,7). Vì sự giống nhau giữa thanh và ý nghĩa của hai từ shabah shebít “dẫn theo một đám tù” như tả trong thánh vịnh 68 câu 19, trong truyền thống truyền khẩu cuả văn bản do thái Masoretic câu này thường quy chiếu việc dân Israel trở về từ kiếp sống đầy ải bên Babilonia. Shub trong tiếng do thái là trở về, trở lại. Dân Do thái được trở về quê cha đất tổ, được hồi hương. Thánh vịnh 126 miêu tả biến cố này như sau: “Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.” (Tv 126, 2-3).
“Ngài đã tha thứ tội ác của dân Ngài”: Sách ủi an của ngôn sứ Isaia II cũng mở đầu với cùng đề tài như viết trong chương 40: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Giavê giáng phạt gấp hai lần tội phạm.” (Is 40,1-2). Tiếp theo sau là tiếng hô hãy mở đường cho Giavê để qua đó các kẻ đi đầy sẽ trờ về từ Babilonia.
Phần hai của thánh vịnh các câu 5-8 ghi lại lời cầu cộng đoàn Israel hướng tới Thiên Chúa và khẩn nài sự can thiệp xót thương của Ngài, bởi vì họ chưa cảm thấy hoàn toàn được giải thoát khỏi các đánh phạt thịnh nộ của Thiên Chúa, vì vẫn còn đang bị đè bẹp bởi các khó khăn âu lo đủ loại. Đó cũng là các khó khăn gây âu lo cho những người hồi hương, như ngôn sứ Isaia miêu tả trong chương 59: “ Vì thế, đức chính trực vẫn còn xa chúng ta, lẽ công chính không gần chúng ta được! Chúng ta mong ánh sáng, thì này đây bóng tối, mong xán lạn huy hoàng, lại bước đi trong mù mịt tối tăm. Tựa như người mù men theo tường, chúng ta mò mẫm, mò mẫm như người không có mắt. Chúng ta lảo đảo cả trưa lẫn chiều, đang sung sức mà như người đã chết. Tất cả chúng ta gầm gừ như gấu, chỉ biết rầm rì chẳng khác bồ câu. Mong được xét xử, mà đâu có thấy, mong được cứu thoát, nhưng sao quá xa vời!” (Is 59,9-11); hay như ngôn sứ Khác Gai viết trong chương 1: “Vậy giờ đây, Giavê các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng.” (Kg 1,5-6), cũng như nhiều văn bản khác thời Tái thiết hậu lưu đầy.
”Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con, xin dẫn chúng con về, đừng hận chúng con nữa. Phải chăng Ngài giận mãi không thôi, đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ? Nào chẳng phải chính Ngài sẽ lại làm cho chúng con được sống để dân riêng được hoan hỷ trong Ngài? Lạy Giavê, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con.”
“Xin phục hồi chúng con”: Israel xin Thiên Chúa tái đưa họ vào trong ánh quang rạng ngời xưa kia, đó là lời van xin của tác giả thánh vịnh 80: “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ…Lạy Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ…Lạy Giavê là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.” (Tv 80,4.8.20).
“Phải chăng đến muôn đời Ngài sẽ giận chúng con?”: đấy cũng là tâm tình khắc khoải của tác giả thánh vịnh 77: “Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái? Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn và thánh ngôn chấm dứt đời đời? Hay Thiên Chúa đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm?” (Tv 77,8-10). Ngôn sứ Dacaria cũng ghi lại lời sứ thần hỏi Chúa: “Lạy Giavê các đạo binh, Ngài không thương Giê-ru-sa-lem và các thành Giu-đa cho đến mãi bao giờ? Ngài thịnh nộ với chúng nay đã bảy mươi năm!” (Dc 1,12).
“Phải chăng Chúa sẽ không tái ban sự sống cho chúng con?”: qua ngôn sứ Edekiel Thiên Chúa đã báo cho dân Do thái bị đi đầy bên Babilonia, là những xương khô bị chôn vùi, biết Ngài sẽ mở các huyệt mộ của họ và sẽ dẫn họ về quê cha đất tổ. Ngài sẽ đặt thần khí của Ngài vào trong họ và họ sẽ sống (Ed 37,12-14). Cộng đoàn cầu nguyện giờ đây xin Chúa thành toàn lời hứa ấy. Ngoài ra cũng nên ghi nhận rằng các từ sự sống và cái chết dùng trong các câu cứu rỗi ở đây có nghĩa cá nhân và tập thể (x. Tv 80,19; Hs 6,1-2).
Các câu 9-14 diễn tả câu Thiên Chúa trả lời cho lời cầu nguyện âu lo của cộng đoàn, qua trung gian một ngôn sứ phụng tự, là người nhận thức được tiếng nói của Thiên Chúa và canh tân lời hứa cứu độ (c. 10) qua việc rộng ban công lý và hoà bình như hoa trái lòng thương xót và trung thành của Ngài.
“Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người.
Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.”
“Tôi muốn nghe”: đây là một cá nhân thông dịch ý muốn cứu độ của Thiên Chúa đối với cộng đoàn cầu nguyện (Tv 81,6). Giavê nói tới hoà bình. Đề tài hoà bình là một trong các điểm đặc thù nhất của các lời tiên tri của ngôn sứ Isaia II, chẳng hạn ngôn sứ viết trong chương 57: “ Vì tội nó ham lợi mà Ta giận dữ, Ta đã đánh nó, đã ẩn mặt trong cơn giận dữ, nhưng nó vẫn ngỗ nghịch, theo con đường nó muốn. Những nẻo đường nó đi, Ta đều thấy cả, nhưng Ta sẽ chữa nó cho lành, sẽ dẫn nó đi và cho nó đầy tràn an ủi; còn những kẻ khóc thương nó, Ta sẽ làm cho môi miệng chúng hoan ca: “Bình an! Bình an cho khắp xa gần! Giavê phán: Ta sẽ chữa lành cho nó.” (Is 59,17-19).
“Ơn cứu độ gần rồi”: sứ điệp ngôn sứ không chỉ xác nhận việc thành toàn các lời đã hứa như câu trả lời cho sự chậm trễ bề ngoài, mà còn chỉ cho thấy nó tới gần, và hơn thế nữa đã bắt đầu như viết trong chương 51: “Đức công chính của Ta đã gần kề, ơn cứu độ của Ta sắp xuất hiện, cánh tay Ta sẽ lãnh đạo muôn dân muôn nước, muôn đảo đặt hy vọng nơi Ta và mong chờ Ta ra tay hành động” (Is 51,5); hay trong chương 56: “Giavê phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.” (Is 56,1).
“Vinh quang của Ngài sẽ lại ở với họ”: Theo chương 10 sách ngôn sứ Edekiel, Thiên Chúa đã rời bỏ Giêrusalem vì tội lỗi của dân Do Thái. Ngài bỏ dân được tuyển chọn cho số phận của nó bị đi đầy sang Babilonia. Với biến cố các người đi đầy trở về quê cha đất tổ Giavê cũng trở lại với họ (x. Is 40,3-5.9-11). Nhưng đứng trước công trình tái thiết khó khăn dân Do thái mất tin tưởng và than van như sau: “Vì thế, đức chính trực vẫn còn xa chúng ta, lẽ công chính không gần chúng ta được! Chúng ta mong ánh sáng, thì này đây bóng tối, mong xán lạn huy hoàng, lại bước đi trong mù mịt tối tăm.” (Is 59,9). Nhưng Thiên Chúa an ủi họ như sau: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Giavê như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Giavê như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.” (Is 60,1-2). Đây cũng là điều được ngôn sứ Edekiel khai triển rộng rãi trong chương 43.
“Lòng thương xót và sự tín trung” hay tín nghĩa ân tình ở đây là các tính từ của Thiên Chúa được nhân cách hoá (Tv 43,3; 89,15), nhưng chúng cũng là các nhân đức xã hội (Is 59,14).
“Giavê sẽ tặng ban mọi phúc lộc và đất sẽ cho hoa trái của nó”: chi tiết này làm nảy sinh ra giải thích nông nghiệp coi đây là lễ nghi tạ ơn về muà màng đã qua (cc.2-4); lời than van vì các dự đoán xấu cho năm đang sống (cc.5-8) và lời sấm ủi an (cc.9-14) như trong các thánh vịnh 65; 67. Nhưng bối cảnh lịch sử của đề tái tái thiết thời hậu lưu đầy được ngôn sứ Khác Gai xác nhận: “Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm… Các ngươi mong đợi nhiều, nhưng mùa màng chẳng được bao nhiêu. Các ngươi có đem được những thứ đó về nhà, Ta cũng sẽ thổi bay đi hết. Vì sao vậy? Sấm ngôn của Giavê các đạo binh – vì Nhà của Ta vẫn còn tan hoang, trong khi đó các ngươi ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng của mình. Bởi thế, trời đã không nhỏ sương xuống cho các ngươi và đất cũng không sinh hoa màu.” Trái lại, sau khi đền thờ được tái thiết, lời hứa của Thiên Chúa trấn an hơn: “Kho lẫm có còn thiếu hạt giống không, cây nho, cây vả, cây lựu, cây ô-liu lại đã không sinh hoa trái phải sao? Kể từ nay, Ta sẽ ban phúc lành.” (Kg 2,19).
“Công lý đi trước mặt Ngài, sự ngay thẳng trên con đường của bước chân Ngài”: chúng là hoa trái của lòng thương xót cứu độ của Chúa. Một hình ảnh kép khác cũng đã được ngôn sứ Isaia miêu tả trong chương 58: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Giavê bao bọc phía sau ngươi.” (Is 58,8).
TV 85
Linh Tiến Khải
RV