Khi đọc thánh vịnh 89 chúng ta nhận ra ngay nó gồm nhiều yếu tố khác nhau: cử hành thánh thi, các câu 6-19; loan báo ngôn sứ, các câu 20-39; than van tập thể và cá nhân, các câu 40-52. Sự kiện này khiến cho vài nhà chú giải tân tiến chủ trương cắt thánh vịnh thành hai hay ba hoặc bốn sáng tác độc lập với nhau. Tuy nhiên, trước hết chúng ta ghi nhận sự tương ứng và bổ túc giữa phần ba than van và phần hai sấm ngôn, được chỉ dẫn một cách rõ ràng bởi các kiều diễn tả dẫn nhập “Trước kia” (c. 20), “Nhưng Ngài” (c.39) giả thiết một “trước kia” và “sau này”, nghĩa là cái trước kia của lời hứa và cái sau này của sự chờ đợi thành toàn. Liên quan tới đoạn đầu thật không khó nhận ra phần dẫn nhập, các câu 2-5 và các yếu tố của của một bài thánh thi, các câu 6-19, gồm phần nhập đề, phần chính và kết luận, Nó là một sáng tác có tính cách cổ xưa của vài đề tài, không dính dáng gì với sấm ngôn của phần hai, và không có gì liên hệ tới lời than van của phần ba.
Dựa trên các nhận xét này đa số các nhà chú giải cho rằng thánh vịnh 89 ban đầu đã gồm một lời than van, một phần cho nhà vua, một do chính nhà vua liên quan tới việc lật đổ nghiêm trọng bởi một vua Giuđa, trong đó tác giả nhắc lại với Thiên Chúa lời đã hứa với vua Đavít liên quan tới sự trường tồn của ngai vua để Thiên Chúa can thiệp cứu vớt. Tiếp theo sau đó vì sự chú ý nhiều của cộng đoàn cầu nguyện đối với việc trung thành với các lời hứa cùng Đavít, hay vì khuynh hướng nào đó của các lời than van công cộng sử dụng các đề tài thánh thi với mục đích thuyết phục (x. 74,12-17; 77,12-19; Is 63,11-14), người ta đã lồng vào trong lời sấm một thánh thi cổ ca tụng các việc kỳ diệu Giavê Thiên Chúa đã làm trong công trình tạo dựng và lòng trung thành của Ngài trong việc dẫn dắt dân Do thái, là các lý do thần học hoà tan với các lý do nền tảng của sấm ngôn (cc 6. 25.29.34 và 2-3 của phần dẫn nhập). Việc nới rộng như thế trong trí của soạn giả cuối cùng phải trao ban cho sấm ngôn của lời hứa với vua Đavít một nội dung thần học mạnh mẽ hơn, đồng thời giúp chuẩn bị cho lời xin cứu giúp của các câu 47-52 một lý do thuyết phục hữu hiệu và vững chắc hơn. Thánh vịnh 89 kết thúc sưu tập III của sách Thánh Vịnh.
Văn thể là thánh vịnh vương quyền. Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập, các câu 2-5; thánh thi, các câu 6-19; lời sấm, các câu 20-38; và lời than van, các câu 39-52.
Phần dẫn nhập các câu 2-5 trình bầy mục đích tác giả nhắm tới là ca tụng các việc diệu kỳ của Thiên Chúa (c. 2) là đề tài đặc thù của loại thánh thi, và một trình bầy trước lời sấm (cc.3-5). Sự không chắc chắn của truyền thống văn bản ở đây có lẽ do việc thích ứng thánh vịnh qua việc lồng thánh thi vào đó, các câu 6-19.
“Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Vâng con nói: “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.” Xưa Chúa phán: “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”
“Các kỳ công của Chúa”: lời than van công cộng trong chương 63 sách ngôn sứ Isaia cũng mở đầu một cách tương tự: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa của Giavê, dâng lời ca tụng Người vì tất cả những gì Giavê đã thực hiện cho chúng tôi, vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Israel, vì những gì Người đã thực hiện , bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa đầy ân” (Is 63,7). Trong chương 55 ngôn sứ Isaia lập lại một lời sấm khác qua đó Thiên Chúa nhắc cho dân Israel bị đi đầy biết các xót thương Ngài đã trung thành dành cho nhà Đavít: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít. Này, Ta đã đặt Đa-vít làm nhân chứng cho các dân, làm thủ lãnh chỉ huy các nước (Is 55,3-4).
“Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn”: dịch sát chữ là “Ta đã cắt một giao ước” là công thức chuyên biệt diễn tả việc ký kết giao ước tại núi Sinai (Xh 23,32; 34,12.15).
“Ta đã thề”: giao ước nói cho cùng là một lời hứa long trọng được xác nhận bởi một lời thề, như viết trong thánh vịnh 110: “ Giavê đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” (Tv 110.4). Nó là một lời thề hứa với nhà Đavít, tôi tớ Chúa như viết trong thánh vịnh 132: “Giavê đã thề cùng vua Đa-vít và sẽ không thất tín bao giờ, thề rằng: “Chính con ruột của ngươi,
Ta sẽ đặt lên thừa kế ngai vàng.” (Tv 132,11). “Tôi tớ” là một tước hiệu danh dự đuợc gán cho vua Đavít như viết trong thánh vịnh 78: “Chúa chọn Đa-vít, người tôi trung, cất nhắc ông, thuở còn là mục tử, cho vời đến, lúc đang giữ bầy chiên, để chăn dắt dân Người là Gia-cóp, và Ít-ra-en sản nghiệp của Người.” (Tv 78,70-71. x. 1 Sm 10,24) Đây là đề tài được khai triển rộng rãi trong chương 7 sách Samuel II.
“Ta sẽ thiết lập… Ta sẽ xây dựng”: cũng là những từ tìm thấy trong lời Thiên Chúa hưá với vua Đavít như viết trong chương 7 sách Samuel II: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (Sm 7,12-13)
Các câu 6-19 của thánh vịnh 89 là bài thánh thi tiên khởi. Nó bao gồm câu đẫn nhập, câu 6, phần cử hành sự siêu việt của Giavê được chứng minh trong công trình tạo dựng, các câu 7-17, và trong niềm hạnh phúc của dân Israel đang bước đi dưới sự hướng dẫn của ngài, các câu 16-19, và sau cùng là một khẳng định kết thúc, câu 19. Sự hiện diện có từ trước của đoạn này diễn tả một sáng tác tách rời. Nó được gợi ý bởi nội dung cũng như bởi tính cách cổ xưa của các lý do, như hội nghị các thần, các câu 7-8, và cuộc chiến đấu của Thiên Chúa tạo dựng chống lại các thuỷ quái, các câu 10-11, mang tính cách thần thoại tỏ tường.
“Lạy Chúa, thiên đình xưng tụng những kỳ công của Chúa, cộng đoàn chư thánh ca ngợi lòng thành tín của Ngài. Trên cõi trời cao, nào có ai sánh tày Giavê? Trong hàng thần thánh, hỏi có ai giống Chúa được chăng? Thiên Chúa oai phong giữa triều thần thánh, vô cùng lẫm liệt trên hết cả quần thần. Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, nào ai được như Chúa? Lạy Chúa quyền năng, đức thành tín hầu cận quanh Ngài. Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn. Chính Ngài giày xéo thủy thần Ra-háp, như giày xéo tử thi, tay mạnh mẽ đập tan quân thù. Trời là của Chúa, đất cũng là của Chúa, hoàn vũ với muôn loài, chính Chúa dựng nên. Ngài sáng tạo phương trời Nam Bắc; núi Ta-bo cùng với đỉnh Khéc-môn hò reo kính danh Ngài. Cánh tay Ngài, cánh tay hùng dũng, đầy quyền năng đã mạnh mẽ dương oai. Bệ ngai vàng: này công minh chính trực, quân tiền phong: đây tín nghĩa ân tình. Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy Chúa. Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở; bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang. Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài, hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con. Đấng bảo vệ chúng con là người của Giavê, vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en.”
“Các tầng trời ca tụng những kỳ công của Chúa”: việc chúc tụng các kỳ công của Thiên Chúa ở đây được các tầng trời yêu cầu, khác với việc cử hành chúc tụng mà thụ tạo, tức trời và bầu trời, kể lại cho trái đất, với ngôn ngữ thinh lặng nhưng hùng biện của chúng, như viết trong thánh vịnh 19: “ Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Chúa căng lều cho thái dương tại đó” (Tv 19,2-5). Song song với hội nghị các thánh” các tầng trời ở đây ám chỉ các đấng siêu việt làm thành triều thần thiên quốc. Trong quan niệm thần học mới hơn sau này của Thánh Kinh Cựu Ước, nhất là nền văn chương khải huyền, các vị là các thiên thần (x. Dc 14.5; Dn 8,13). Nhưng ở đây dấu nhấn trên “các con cái của Thiên Chúa” hay các “thần minh” trong câu tiếp theo, cũng như trong các đề tài thánh thi khác (cc. 0-12) dẫn đưa chúng ta tới với môi trường văn chương tôn giáo tiền Israel, từ đó phát xuất ra văn bản này, cũng như các văn bản thơ văn khác. Thánh vịnh 148 cũng mở đầu với lời chúc tụng tương tự: “Ha-lê-lui-a! Ca tụng Chúa đi, tự cõi trời thăm thẳm, ca tụng Người, trên chốn cao xanh. Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa, ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh!” (Tv 146,1-2).
“Trên các đám mây” là từ thơ văn ám chỉ phần cao nhất của tầng trời, nơi Thiên Chúa ngự như viết trong thánh vịnh 57: “ Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm.” (Tv 57,11), hay trong thánh vịnh 68: “Hãy nhìn nhận sức uy hùng của Thiên Chúa, ánh quang huy của Người chiếu toả trên Ít-ra-en, sức uy hùng xuất hiện trên mây thẳm.” (Tv 68,35). Trong các văn bản thơ văn kinh thánh cũng như trong các văn bản Ugarít người ta nói Thiên Chúa “cỡi các đám mây” như viết trong thánh vịnh 68: “Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người, hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân. Danh Người là Giavê; trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở.” (Tv 68,5)
“Ai sánh được như Ngài”: Thiên Chúa siêu việt trên mọi thần linh ngoại giáo như khẳng định trong thánh vịnh 85: “Lạy Giavê là Thiên Chúa con thờ, những kỳ công Ngài đã thực hiện và những điều Ngài dự định cho chúng con: thật là nhiều vô kể! Không một ai sánh được như Ngài. Dầu con muốn loan đi kể lại, nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!” (Tv 40,6)
“Giữa các con cái Thiên Chúa” bene elim là kiểu diễn tả gắn liền với kiểu diễn tả Ugarít “các con cái của El” ám chỉ các thần linh bé hơn trong danh sách các thần của dân Canaan.
“El” là Thiên Chúa, đồng thời ám chỉ Thiên Chúa tối cao của các dân tộc Semít tây phương. “Kinh khủng” dịch sát chữ là “đuợc kính sợ” vì sự oai phong vô cùng của Ngài, cùng với “vĩ đại” và “kinh khủng” là các tính từ diễn tả sự siêu việt của Giavê.
“Trong cộng đoàn các thánh” besôd qedoshim là kiểu nói song song với biqehal qedoshim ám chỉ cộng đoàn các thánh.
“Sự kiêu căng của biển”: ở đây cũng như tại nhiều nơi khác trong Thánh Kinh kiểu nói này mang dấu vết ảnh hưởng văn chương của các huyền thoại đông phương, đặc biệt là huyền thoại Medopotania và Ugarít, miêu tả cuộc chiến của Đấng Tạo Hoá chống lại sự hỗn mang nguyên thuỷ, gọi là “vực sâu” tiếng Akkadic là Apsu, tehom trong tiếng Do thái.
“Ngài chà đạp Rahab” cũng là cử chỉ thần Marduk của Babilonia làm đối với xác của nữ thần Tiamat bị thua trận. Trong các văn bản thơ văn kinh thánh Rahab được coi như một thuỷ quái nguyên thủy (x. Is 51,9; G 9,13; 26,12) cùng với con rồng Tannin (Is 51,9) và Leviathan (x. Tv 74,14) Trong các văn bản khác nó ám chỉ Ai Cập như trong thánh vịnh 87.
“Các tầng trời là của Chúa”: Thiên Chúa Tạo Hoá là chủ cuả vũ trụ và muôn vật muôn loài (Tc 24,1; 50,12).
“Bắc Nam” safoon uramin là các từ ám chỉ các phương hướng và diễn tả toàn thể trái đất.
“Tabor và Hermon” là các núi tiêu biểu. Tabor nằm trong đồng bằng Esdrelon và Hermon nằm ở mạn cực bắc đất Palestina, có đỉnh cao nhất toàn vùng Vành trăng phì nhiêu chạy từ Ai Cập sang cho tới Medopotamia. Cả hai đều diễn tả lời chúc tụng Thiên Chúa Tạo Hoá. Trong vùng Trung Đông Cổ các ngọn núi cao là các nơi thờ tự đối với Thiên Chúa từ phía dân Do thái, cũng như đối với các thần linh từ phía các dân ngoại.
“Là bệ ngai của Ngài”: bên Medopotamia công lý và quyền lợi kittu u mesharu là hai vị thần phụ tá thần Samash là thần công lý, ở đây chúng là hai tính từ của Thiên Chúa và là bệ hay là các kẻ mang ngai của Thiên Chúa trên vai. Tác giả thánh vịnh 85 nhân cách hoá các tính từ ấy như sau: “ Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.” (Tv 85,11-14).
“Phúc thay dân biết ca ngợi tung hô”: việc cử hành Thiên Chúa Tạo Hoá gắn liền với việc cử hành Thiên Chúa cứu độ và ủi an dân Ngài. “Biết tung hô Chúa”: đây là kiểu dân Israel tưng bừng tung hô tiếp đón Thiên Chúa của mình và tháp tùng Ngài ngự trên ngai.
“Ngài là Đấng làm ngẩng trán chúng con” dịch sát chữ là “sừng” của chúng con, có nghĩa biểu tượng cho sức mạnh. “Ngài là thuẫn đỡ của chúng con. Đấng Thánh của Israel là vua chúng con”
Linh Tiến Khải
RV