Thánh vịnh 91

Khởi hành từ một lời tuyên xưng các ân huệ của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh muốn cống hiến cho người đọc một bài học khôn ngoan liên quan tới niềm tin với các loan báo kiểu ngôn sứ, ca tụng sự mau mắn sẵn sàng Thiên Chúa tỏ lộ cho những người tin tưởng chạy đến với Ngài. Với bài học được xác nhận ở cuối bởi một lời sấm, tác giả thánh vịnh có ý thông truyền cho tín hữu sự chắc chắn Thiên Chúa có thể và muốn giải thoát hay che chở họ khỏi mọi hiểm nguy và mọi tấn công của các lực lượng sự dữ, trên bình diện thể lý tự nhiên cũng như tinh thần và không tự nhiên. Tuy nhiên, cần nhớ rằng không thiếu các nhà chú giải tân thời trông thấy nơi lời kêu khởi đầu “Ai ở dưới sự chở che của Đấng Tối Cao”, việc chỉ định một vì vua của nhà Giuđa, mà vương quyền được thực thi dưới bóng của Giavê tại Giêrusalem. Trong trường hợp đó toàn thánh vịnh sẽ được coi là thuộc các thánh vịnh vương quyền, cùng kiểu như hai thánh vịnh 21 và 22.

Tưởng cũng nên ghi nhận rằng nếu có các yếu tố văn chương và đề tài khiến cho thánh vịnh gần gũi với các thánh vịnh vương quyền, thì xem ra không phải toàn thánh vịnh 91 phải quy chiếu về một lãnh vực thu hẹp và chuyên biệt, như vương quyền của nhà Giuđa. Thánh vịnh 91 được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước một cách che dấu như trong các văn bản Marco 16,18 và Lc 10,19, liên quan tới sứ mệnh của các môn đệ khẳng định rằng: “Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” (Mr 16,18). “Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.” (Lc 10,18-19). Đặc biệt trong chương 4 Phúc Âm thánh Mátthêu liên quan tới cơn cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc: “Quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Mt 4,6).

Văn thể là loại thánh vịnh khôn ngoan với các yếu tố tạ ơn cá nhân trong phần đầu và một lời sấm trong phần cuối. Thánh vịnh gồm phần tuyên xưng trong lời khích lệ mở đầu, các câu 1-2; lời dậy dỗ ngôn sứ và khôn ngoan, các câu 3-13; và xác nhận của Thiên Chúa trong lời sấm kết thúc, các câu 14-16.

Trong hai câu mở đầu tác giả hướng tới một cá nhân đã sống kinh nghiệm các ân huệ lòng lành của Thiên Chúa, vào trong đền thờ để tuyên xưng, tạ ơn và khích lệ mọi người công khai tuyên bố rằng Giavê đã là nơi trú ẩn và chở che đáng tin cậy hoàn toàn đối với ông trong quá khứ cũng như trong tương lai.

“Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.”

“Ai ở dưới sự che chở của Đấng Tối Cao”: trong lời mời gọi có sắc thái khôn ngoan này phù hợp với phần chính của thánh vịnh, tác giả muốn nêu bật tình trạng, điều kiện an ninh trường tồn tín hữu được Thiên Chúa đặt để trong đó.

“Đấng Tối Cao … Đấng Toàn Năng Elyôn , Shaddai” là hai tính từ gọi Thiên Chúa đồng nghĩa với nhau, phát xuất từ thế giới tôn giáo Canaan, có trước thời dân Do thái đánh chiếm đất Palestina. Được dùng để gọi Giavê Thiên Chúa chúng được gắn liền với môi trường phụng tự của đền thánh Giêrusalem. Đây là hai tước hiệu cũng được dùng trong nhiều văn bản khác (Elyon: Is 14,14; Shaddai:  Tv 68,15; St 17,1; 28,3).

“Hãy nói với Giavê”: là lời khích lệ việc tuyên xưng thường được đặt ở đầu các thánh vịnh tạ ơn cá nhân cũng như cộng đồng. “Ngài là nơi trú ẩn và là pháo đài của con”: là các kiểu nói diễn tả sự tin tưởng phát xuất từ một tâm hồn tràn đầy niềm biết ơn tươi vui, như viết trong thánh vịnh 18: “Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.” (Tv 18,4).

Các câu 3-13 là phần chính của thánh vịnh 9, trong đó tác giả hướng tới một môn đệ giả thiết, như thường thấy trong nền văn chương khôn ngoan, ban lời dậy dỗ bằng cách khai triển đề tài, đã được loan báo trong lời khích lệ dẫn nhập với các điểm sau đây: Giavê là nơi cứu thoát cho người bị bách hại (cc.3-4); là đồn luỹ chống lại các quyền lực đen tối của sự dữ (cc.5-6); là nơi trú ẩn chắc chắn chống lại mọi hiểm nguy (cc.7-13).

“Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn. Mở mắt coi, bạn liền thấy rõ thế nào là số phận bọn ác nhân. Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long.”

“Dây của kẻ săn”: đây là hình ảnh săn bắt thường gặp trong các lời than van cá nhân ám chỉ sự bách hại người công chính phải gánh chịu, như viết trong thánh vịnh 38: “Kẻ tìm giết con bủa giăng cạm bẫy, đứa mưu hại con buông lời độc địa, suốt ngày chúng nghĩ kế phỉnh gạt con.” (Tv 38,13)

“Lời dẫn đưa tới chỗ đổ nát”: dịch sát nghĩa là “lời của sự đổ nát” chắc chắn ám chỉ các tố cáo có khả năng dẫn tới việc kết án tử hình kẻ vô tội, tới chỗ sát hại họ, như tả trong thánh vịnh 17: “Kẻ thù con lòng chai dạ đá, mở miệng ra là ngạo mạn khinh đời. Rầm rập tới, kìa chúng đã bao quanh, mắt trừng trừng, như muốn quật con xuống đất, thật giống loài sư tử chực nuốt sống ăn tươi, hệt như con mãnh thú rình rập ở bụi bờ.” (Tv 17,9-12).

“Với các đỉnh cao… dưới cánh của Ngài”: ám chỉ sự chở che  của Thiên Chúa trong đền thánh và quy chiếu các cánh của các thiên thần Kerubim che trên Hòm Bia Giao Ước trong nơi cực thánh, như viết trong thánh vịnh 17: “Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở” (Tv 17,8) hay thánh vịnh 36: “Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao! Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.” (Tv 36,8).

“Đêm …ngày”: cùng với hai từ song song “bóng tối và giữa trưa” ám chỉ các lúc khác nhau, có nghĩa là luôn luôn, trong đó con người bị phơi bầy cho các tấn công của các quyền lực sự dữ. Trong các “kinh hoàng” ban đêm ám chỉ các sức mạnh quỷ ma. Các từ “dịch hạch” và “lây lan”, con quỷ ban trưa, trong quan niệm của người xưa cũng diễn tả các quyền lực của sự dữ.

“Hàng ngàn người ngã quỵ”: cũng như những người gục ngã trong câu tiếp theo: hàng ngàn hàng vạn” là những kẻ gian ác bách hại người công chính, như viết trong thánh vịnh 3: “ Tôi chẳng còn phải sợ lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi.” (Tv 3,7). Các kẻ gian ác bách hại người công chính sẽ nhận được phần thưởng chính đáng cho sự gian ác của họ. Trái lại người công chính thì được Thiên Chúa che chở phù trì.

“Lều của ngươi”: là từ thơ văn diễn tả nơi ở, nhà và quy chiếu cuộc sống du mục thời các tổ phụ của dân Do thái.

“Ngài sẽ ra lệnh cho các thiên thần của Ngài”: khẳng định này cho thấy hành động chở che của Thiên Chúa không hạn hẹp trong một nơi chốn, trong khuôn viên đền thờ Giêrusalem, nhưng nó hữu hiệu đối với cả bên ngoài nữa. Hành động che chở của Giavê đi theo tín hữu trong mọi di chuyển của họ trên thế giới. Thiên Chúa có các sứ giả của Ngài, và đó là ý nghĩa đầu tiên của từ thiên thần, là các vị có nhiệm vụ đem sự cứu trợ của Thiên Chúa tới nơi, tới địa phương, khi cần. Đây cũng là tư tưởng của thánh vịnh 34: “Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người.” (Tv 34,8). Đây là câu Satan cũng trích lại để cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc (Mt 4,6; Lc 4,10-11).

“Gìn giữ ngươi trong mọi bước đi của ngươi”: Thiên Chúa gửi sứ thần của Ngài xuống để hướng dẫn như lời tổ phụ Abraham nói với đầy tớ khi sai ông về quê hỏi vợ cho Igiaác, như kể trong sách Sáng Thế chương 24: “Giavê là Chúa Trời, Đấng đã đưa tôi ra khỏi nhà cha tôi, khỏi quê hương tôi, Đấng đã phán với tôi và thề với tôi rằng: “Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này”, chính Người sẽ sai sứ thần Người đi trước mặt chú, để từ nơi đó chú cưới vợ về cho con tôi” (St 24,7). Đặc biệt là trường hợp của ông Tobia, như kể trong các chương 4-10. Thiên Chúa sai sứ thần Raphael xuống đồng hành và hướng dẫn ông Tobia.

Tuy nhiên, Thiên Chúa chở che tín hữu cả bên ngoài đền thánh như viết trong thánh vịnh 23: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23,4).

“Các thiên sứ sẽ cầm lấy ngươi”, dịch sát nghĩa là “sẽ đem ngươi đi”, để không có hòn sỏi nào làm vấp chân ngươi.

“Sư tử và rắn độc” là các hình ảnh trong tranh vẽ tôn giáo vùng Đông phương cổ ám chỉ các quyền lực ma quỷ, nhưng tác giả bảo đảm với tín hữu rằng họ sẽ thắng vượt được chúng. Chúa Giêsu lấy lại tư tưởng này, khi sai các môn đệ ra đi truyền giáo, như kể trong Phúc Âm thánh Luca: “Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10,19).

Hai câu 14-15  là lời Thiên Chúa xác nhận đối với bài học khôn ngoan và khẳng định rằng người gắn bó với Chúa với tất cả sự chân thành và mạnh mẽ sẽ được trông thấy quyền năng cứu độ của Chúa.

”Chúa phán: “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban.”

“Ai yêu Ta”, dịch sát chữ là gắn bó với, bị cột buộc vào, diễn tả tương quan tình yêu được thiết lập một cách vững bền chứ không phải tình cờ và tạm bợ giữa người nam và người nữ mà họ lấy làm vợ.

Cùng với kiểu nói theo sau “Hiểu biết danh Ta” nó cho thấy trong Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước tôn giáo không phải là cái gì hời hợt hình thức, nhưng là một mối dây nối kết sâu thẳm trong tâm hồn con người được thiết lập bởi và vì tình yêu thương. Trong chương 10 thánh Gioan cũng cho thầy sự tương ứng yêu thương này giữa các con chiên và Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,14): Chúa Kitô biết chiên và chiên biết Ngài và lắng nghe tiếng Ngài gọi tên từng con một.

“Khi nó sẽ kêu Ta Ta sẽ trả lời; Ta sẽ ở với nó trong cuộc mạo hiểm”: đó cũng là điều Thiên Chúa hứa như viết trong thánh vịnh 50: “Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn, Ta sẽ giải thoát, và ngươi sẽ làm hiển danh Ta…. “Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ sẽ làm hiển danh Ta. Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.” ” (Tv 50, 15.23).

“Cuộc sống dài”: dịch sát chữ là “sự dài của các ngày”. Sống lâu, sống thọ là một trong các phúc lành mà cộng đoàn Israel chờ đợi nơi Thiên Chúa cho vì vua của Ngài. Chúa cho vua tuổi thọ miên trường (Tv 21,5; 61,7). Nhưng nó cũng là một trong các ơn quý báu nhất được hứa cho người đã đạt sự khôn ngoan và thực hành các giáo huấn của nó (Cn 3,2.16). Nó là một thiện ích thuộc trật tự thời gian, nhưng vì là kiểu diễn tả ơn cứu rỗi của Thiên Chúa như là việc tham dự vào cuộc sống hoàn thiện của chính Thiên Chúa, tuổi thọ được bảo đảm hay được hứa cho người đạo đức hướng tới chỗ vượt các ranh giói của cuộc sống trên trần gian này, ít nhất là trong các thánh vịnh, để bước vào quan niệm phong phú hơn của cuộc sống vĩnh cửu mai sau, trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa.

Linh Tiến Khải

RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts