Thánh vịnh 93

Thánh vinh 93 thuộc sưu tập nhỏ các thánh vịnh cử hành vương quyền của Giavê, đuợc quy tụ trong cuốn IV của sách Thánh Vịnh, trừ thánh vịnh 47 lạc lõng trong sưu tập Core. Nó cử hành vương quyền bất diệt và vĩnh cửu của Giavê Thiên Chúa  của Israel. Vương quyền này của Thiên Chúa được coi như sự giãi toả uy nghi và quyền năng siêu việt của Ngài trên một thế giới giờ đây bị phơi bầy cho các lực luợng phá tán của sự dữ, như trong thời khai nguyên vũ trụ. Việc sử dụng các yếu tố văn chương riêng tư của thế giới tôn giáo canaan ở đây cũng như trong Thánh vịnh 29, khiến người ta có thể cho rằng thánh vịnh đuợc sáng tác vào các năm đầu tiên của chế độ quân chủ của Israel.

Văn thể là loại thánh thi chúc tụng vương quyền của Giavê. Thánh vịnh gồm việc công bố mở đầu, câu 1a, phần chính, các câu 1b-4; và công bố kết luận, câu 5.

“Chúa là Vua hiển trị, “Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai.”

Câu mở đầu thánh vịnh giới thiệu vương quyền của Thiên Chúa được bao bọc bằng sự oai nghiêm và quyền năng của Ngài. “Yahweh malak” Trong thánh vịnh 47 câu 9 và trong văn bản chương 52 câu 7 sách ngôn sứ Isaia là “malak Yahweh” được hiểu trong nghĩa bước vào, khai mào, bắt đầu: “Giavê đã bắt đầu cai trị”. Ở đây trong thánh vịnh 93 cũng như trong các thánh vịnh 96; 97 và 99 từ “malak” có giá trị nguyên thuỷ “là vua”, và có ý khẳng định vương quyền của Thiên Chúa trong nghĩa “Giavê là vua” được nhìn trong sự vĩnh cửu và ổn định của chức là vua. Nhiệm vụ của vua là cai trị. Chính vì thế tác giả thánh vịnh 96 mời gọi mọi dân nước như sau: “Hãy dâng Chúa, hỡi các dân các nước, dâng Chúa quyền lực và vinh quang hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người. Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.” (Tv 96,7-10). Thánh vịnh 97 thì khẳng định ngay trong câu mở đầu: “Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!” (Tv 97,1). Tác giả thánh vịnh 99 cũng mở đầu với cùng khẳng định và đưa ra lời kêu mời như sau: “Chúa là Vua hiển trị: chư dân phải rụng rời; Người ngự trên các thần hộ giá: địa cầu phải chuyển rung. Ở Xi-on, Chúa quả là vĩ đại, Người trổi vượt trên tất cả mọi dân. Chư dân hãy xưng tụng danh Ngài, danh vĩ đại khả tôn khả uý, danh thánh thiện dường bao!” (Tv 99,1-3).

“Chúa mặc oai phong…  thắt lưng bằng dũng lực”: đây là một đặc tính của ngôn ngữ kinh thánh nói về các đặc quyền của sự thiên linh cũng như các đức tính luân lý của con người, với các hình ảnh của áo mặc và mũ giáp. Trong chương 11 ngôn sứ Isaia miêu tả vị minh quân thuộc dòng tộc Đavít như sau: “ Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí của Giavê sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê. Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.” (Is 11,1-5). Trong chương 59 ngôn sứ tả: “Người lấy đức công chính làm áo giáp hộ thân, lấy ơn giải  cứu làm mũ chiến đội đầu, Người dùng báo oán làm áo mặc, và lấy ghen tương làm áo choàng.” (Is 59,17).

Trong thư gửi tín hữu Ephêxô thánh Phaolô nói tới cuộc chiến thiêng liêng và khuyên nhủ tín hữu như sau: “Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.

Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (Ep 6,10-17).                                                                     

Các câu 1b tới 4 là phần chính của thánh vịnh 93 ca tụng sự chắc chắn vững bền vương quyền thống trị của Giavê trên thế giới, được suy luận ra từ sự vững chắc trong công trình tạo dựng của Thiên  Chúa  cũng như từ quyền năng siêu việt Thiên Chúa dùng trong đó để chống lại các sức mạnh của sự hỗn mang thời nguyên thuỷ.

“Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển. Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời. Sóng nước đã gầm lên, lạy Chúa, sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào. Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất. Nhưng hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng, hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả, Chúa oai hùng ngự trị chốn cao xanh.”

 

“Ngài đã làm cho thế giới chắc chắn”: công trình tạo dựng được nhìn dưới khía cạnh của sự ổn định như là tiền đề cho khẳng định sự ổn định của chính ngai vua của Thiên Chúa của câu tiếp theo, nhưng cũng như thể sự đối nghịch với sức mạnh đảo lộn của các con sông vũ trụ, biểu tượng cho sự chống tạo dựng. Tất cả phần này cùng với công thức mở đầu được lập lại trong thánh vịnh 96: “Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.” (Tv 96,10).

“Sẽ không lay chuyển” là khẳng định sự vững vàng chắc chắn, phát xuất từ chiến thắng của Thiên Chúa trên tất cả mọi quyền lực của sự hỗn loạn và của sự dữ.

“Từ luôn luôn từ vĩnh cửu”: là kiểu nói rõ ràng nhấn mạnh trên thời nguyên thuỷ, trong nghĩa tiêu cực nó ám chỉ tình trạng của thế giới trước thời hiện tại,  và trong nghĩa tích cực trước thời tạo dựng nó qua cuộc chiến thắng trên sự hỗn mang. Với chiến thắng này Thiên Chúa đặt định ngai vương quyền của Ngài trên thế giới.

“Sông nước đã gầm lên” là kiểu diễn tả lập lại 3 lần tựa như trong thánh vịnh 29: “Hãy dâng Chúa hỡi chư thần chư thánh, dâng Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người và thờ lậy Chúa uy nghiêm thánh thiện” (Tv 29,1-2). Đây là lược đồ đặc thù của thơ văn Ugarit: abc-abd-abe. Các con sông, cũng như các làn nước gây kinh hoàng, và các sóng của biển cả diễn tả các sức mạnh hoang dại của thiên nhiên, mà trong huyền thoại đông phương cổ chúng nhân cách hoá các quyền lực quái đản của sự hỗn loạn bị thống trị sau cuộc chiến đấu cam go của các thần linh sáng tạo. Trong văn bản của chúng ta ở đây không có nhắc nhớ nào tới một cuộc chiến đấu loại này. Giavê ngự trị trên trời với uy quyền siêu việt của Ngài và với sự thống trị không bị chống đối của Ngài trên mọi sự và mọi người.

Trong câu 5 kết thúc thánh vịnh vương quyền siêu việt của Thiên Chúa trên trời được nối liền với vương quyền thực thi trên dân Ngài qua ý muốn luật lệ của Ngài và qua sự hiện diện của Ngài, là sự hiện diện thánh thiện và thánh hoá trong đền thờ.

“Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là bền vững, nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện triền miên qua mọi thời.”

“Các thánh chỉ”: Giống như các chế độ quân chủ lờn của Đông phương cổ, Giavê thực thi vương quyền của Ngài trên dân Israel bằng cách áp đặt trên họ các quy chế, các luật lệ của Ngài.

Sự trung thành, trong nghĩa tiêu cực cũng như trong nghĩa tích cực với các điều luật của Thiên Chúa, được tác giả thánh vịnh 19 tả như sau: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.  Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh, thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất. Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.” (Tv 19,8-12).

Tác giả thánh vịnh 119 ca ngợi luật lệ của Thiên Chúa như sau: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người. Họ không làm điều ác, nhưng cứ đường lối Chúa mà đi. Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh, truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn. Ước mong sao con hằng vững bước theo thánh chỉ Ngài ban. Để con không xấu hổ khi nhìn lại các mệnh lệnh của Ngài. Con thành tâm dâng lời cảm tạ vì được biết những quyết định công minh. Thánh chỉ Ngài, con xin tuân giữ, xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con. Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.  Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa…

Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại, các quyết định miệng Ngài phán ra. Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể. Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa. Con vui thú với thánh chỉ Ngài chẳng quên lời Ngài phán. Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây để con được sống và tuân giữ lời Ngài. Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao. Ở trên đời, con là thân lữ khách, mệnh lệnh Ngài, xin đừng nỡ giấu con. Hồn con những khát khao mòn mỏi, hằng chờ mong quyết định của Ngài.  Mặc quan quyền họp nhau mưu hại, tôi tớ Ngài đây cứ gẫm suy thánh chỉ. Vâng, thánh ý Ngài làm con vui sướng thoả thuê, chỉ bảo con như những người cố vấn…xin dạy cho con biết thánh chỉ Ngài. Con thiết tha với thánh ý Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải nhục nhã ê chề. Được Chúa thương mở lòng mở trí, con chạy theo đường mệnh lệnh của Ngài. Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng.  Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.” 

Linh Tiến Khải

Chia sẻ Bài này:

Related posts