Thánh vịnh 95 là một trong những thánh vịnh quen thuộc nhất của sách Thánh Vinh, vì được dùng như thánh vịnh mở đầu các lời chúc tụng của buổi kinh sáng. Nó gồm hai phần khác nhau trong giọng điệu cũng như trong nội dung. Phần thứ nhất, các câu 1-7a, có các sắc thái của thánh thi chúc tụng sự vĩ đại cao cả của Giavê Thiên Chúa của dân Israel, là Đấng Tạo hoá, là Chúa của vũ trụ và là núi đá cứu độ của dân Ngài. Phần hai, các câu 7b-11, là một lời sấm, qua đó Thiên Chúa nhớ lại cung cách sống của thế hệ trong sa mạc, một “dân cứng đầu cứng cổ và có con tim sai lạc” và cảnh cáo cộng đoàn đừng bắt chước gương xấu đó để không bị cùng một loại trừng phạt là mất đất hứa, nơi nghỉ ngơi Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân Ngài.
Tuy có sự khác biệt triệt để như trên, nhưng không thể nói rằng chúng ta đang đứng trước hai thánh vinh hay hai mảnh thánh vịnh được nhập làm một, nhưng là một sáng tác duy nhất – ít nhất là trong hình thái biên soạn cuối cùng của nó – và được hiểu như phụng vụ chúc tụng lòng thành tín của Thiên Chúa, giống như thánh vịnh 81, cả khi nó có ít yếu tố hơn thánh vịnh 81. Thật ra, một trong các đặc tính của các phụng vụ loại này là sự đa diện và các phần khác nhau trong việc sáng tác chúng.
Văn thể là phụng vụ chúc tụng lòng trung thành của Giavê. Thánh vịnh gồm lời mời long trọng cử hành trong hình thái thánh thi, các câu 1 tới 7a; lời cảnh cáo dưới hình thức lời sấm, các câu 7b tới 11.
Phần đầu của phụng vụ thường bao gồm lời mời tham dự tích cực và tươi vui vào hành động phụng tự. Nó bao gồm một lời mời kép (cc. 1-2.6), được di kèm bởi một lời tuyên xưng kép trong hình thái thánh thi, được dẫn nhập bởi từ “ki” bởi vì (cc. 3.7)
“Hãy đến đây ta reo hò mừng Giavê, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn. Bởi Giavê là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần,
nắm trong tay bao vực sâu lòng đất, giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao. Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa, lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người. Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Giavê là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.”
“Anh em hãy đến đây, chúng ta hãy vỗ tay…”: lời mời tươi vui tham dự là đặc thái của các thánh vịnh cử hành sự trung thành của Giavê. Tác giả thánh vịnh 81 viết: “Reo lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta! Hò vang dậy đi nào kính Chúa nhà Gia-cóp! Đàn hát lên nào, hoà nhịp trống cơm, bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt.” (Tv 81,2-3). Tác giả thánh vịnh 105 thì thúc giục: “Ha-lê-lui-a. Hãy tạ ơn Giavê, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân. Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người. Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.” (Tv 105,1-3). Lời mời này cũng là đặc thái của các thánh thi cử hành sự cao cả vĩ đại của Thiên Chúa. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 47 mời gọi các dân nước như sau: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!” (Tv 47,1). Tác giả thánh vịnh 100 thì mời gọi: “Hãy tung hô Giavê, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Giavê với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.” (Tv 100,1-2).
”Núi đã cứu độ”: là đề tài của sách Đệ Nhị Luật nhưng cũng gặp trong các phụng vụ loại này. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 78 nhắc tới sự khi gặp khốn khó hiểm nguy và khổ đau dân Do thái: “ mới nhớ rằng: Thiên Chúa là núi đá họ ẩn thân, Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ.” (Tv 78,35). Nhưng nhiều thánh vịnh vương quyền cũng có kiểu diễn tả như vậy( TV 18,2; 89,27).
“Với các hành động tạ ơn”: tôđốt trong tiếng Do thái ám chỉ các lễ tế tạ ơn Thiên Chúa đặc biệt ưa thích. “Thiên Chúa cao cả”: như sự cao cả của vương quyền Ngài.
“Trên tất cả mọi thần minh” là kiểu nói của niềm tin của Israel liên quan tới sự duy nhất hay siêu việt của Thiên Chúa mình, loại trừ mọi thần linh khác đua tranh với Ngài. Đây là đề tài chuyên biệt của các thánh vịnh vương quyền, như viết trong thánh vịnh 96: “Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần, vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn Giavê, Người sáng tạo trời cao.” (Tv 96,4-5). Vì niềm tin đó là điều kiện đầu tiên của giao ước do Thiên Chúa áp đặt cho Israel, việc nhắc tới chuyện thực thi nó là một điểm bắt buộc của các phụng vụ chúc tụng lòng trung thành của Giavê Thiên Chúa, như viết trong thánh vịnh 81: “Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo, Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta, thì đừng đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang, chớ hề cúng bái.” (Tv 81,9-10).
“Các vực sâu của đất ở trong quyền lực của Ngài”: đây là đề tài tạo dựng thường gặp trong các thánh vịnh tạo dựng như các thánh vị 8; 19; 29, 104. Nó cũng là một đề tài của nền văn chương đệ nhị luật (Đnl 10,14; 33,13-15).
“Hãy đến đây chúng ta hãy phủ phục”: giống như lời mời đầu tiên, được dùng cho việc tuyên xưng Giavê như Thiên Chúa thật duy nhất và là Chúa tối cao của thụ tạo (cc.3-5). Lời mời thứ hai này chuẩn bị cho việc tuyên xưng lần thứ hai Giavê là mục tử của dân Ngài (c.7a). Việc phủ phục là cử chỉ kính trọng đối với nhà vua như dấu chỉ sự thừa nhận sự thần phục và tuỳ thuộc của mình. Được đưa vào trong lãnh vực phụng tự, cử chỉ próskynesis – tiếng Latinh là adoratio thờ lạy – ám chỉ việc dân chúng nhận biết sự thống trị tối thượng của Thiên Chúa trên thế giới nói chung và trên dân Ngài nói riêng.
“Bởi Ngài là Thiên Chúa chúng ta và chúng ta là dân Ngài chăn dắt”: là công thức quen thuộc của giao ước, qua đó Israel thuộc về Giavê và Giavê thuộc về Israel, như ngôn sứ Giêrêmia viết trong chương 31: “Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của Giavê. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (Gr 31,33). Hình ảnh Giavê hay nhà vua là mục tử của dân Israel cũng rất quen thuộc trong vùng Đông Phương và thời xa xưa, dịch sát chữ là “đàn chiên của tay Ngài” (Tv 23,1-2; 78,71-72).
Các câu 7b-11 là phần hai của phụng vụ bao gồm lời cảnh cáo, dưới hình thái lời sấm, với sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa là Đấng nói chuyện với dân Ngài trong ngôi thứ nhất. Lời cảnh cáo của Thiên Chúa được dẫn nhập bằng một lời mời lắng nghe tiếng Chúa, được diễn tả trong hình thái bầy tỏ nguyện vọng. Khác với lời cảnh cáo tương tự trong thánh vịnh 81,9-17, ở đây trong thánh vịnh 95 không có các lời Thiên Chúa hứa theo sau, vì tất cả tập trung nơi ký ức của thế hệ bất trung trong sa mạc, và sự trừng phạt làm gương qua việc bị loại trừ khỏi Đất Hứa.
”Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! [Người phán]: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán, Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta, nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.”
“Ôi nếu hôm nay các ngươi nghe tiếng Ngài”: câu này vừa mời gọi lắng nghe vừa làm thành điều kiện; chỉ khi biết lắng nghe tiếng Thiên Chúa Israel mới có thể tránh được sự trừng phạt đã đổ trên đầu thế hệ cha ông của họ thời lang thang trong sa mạc.
“Ngày hôm nay” là xác định thời gian phát xuất từ việc thời sự hoá phụng tự, và là một đặc tính của lời khích lệ đệ nhị luật (Đnl 4,40; 6,6; 10,13…). Gần gũi với văn bản của chúng ta nhất là văn bản chương 27 sách Đệ Nhị Luật viết rằng: “Ông Mô-sê cùng với các tư tế Lê-vi nói với toàn thể Ít-ra-en rằng: Anh (em) hãy nghe tiếng Giavê, Thiên Chúa của anh (em), và đem ra thực hành những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay.”(Đnl 27,9-10).
“Đừng cứng con tim của các ngươi”: cứng lòng và cứng đầu cứng cổ là lời Thiên Chúa thường trách dân Israel, không phải chỉ liên quan tới thế hệ trong sa mạc qua lời của ông Môshê (Xh 32,9; Đnl 9,6.13…), mà cũng liên quan tới các các thế hệ khác qua các ngôn sứ nữa. Thiên Chúa trách dân Israel thuộc các thời đại sau này (Ed 2,4; 3,7; Is 48,4). Để cho thái độ cứng lòng này chiến thắng có nghĩa là sự hư hại của dân nước được tuyển chọn, thắng vượt được nó có nghĩa là được cứu rỗi, như viết trong thánh vịnh 81: “Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời, Ít-ra-en nào đâu có chịu. Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá, muốn đi đâu thì cứ việc đi! “Ôi dân Ta mà đã nghe lời, Ít-ra-en chịu theo đường Ta chỉ, thì hết những địch thù của chúng, những kẻ hà hiếp chúng xưa nay, Ta tức khắc trở tay quật ngã” (Tv 81,13-16).
“Meriba … Massa” : việc nhắc lại Massa có nghĩa là thử thách và Massa có nghĩa là phản đối như cung cách sống của dân Do thái trong sa mạc là một trong các yếu tố đặc thù của các buổi cử hành phụng vụ chúc tụng lòng trung thành của Giavê (Tv 74,4.18; 81,8; 106,32), cũng như của các khích lệ đệ nhị luật (Đnl 6,16; 8,2; 33,8).
“Cha ông các ngươi đã thử thách Ta”: trái với thánh vịnh 81 câu 8 trong đó thử thách “nước tại Meriba” đã là một chứng cớ Thiên Chúa làm trên dân để thanh tẩy niềm tin, ở đây sự kiện Massa và Meriba được trình bầy trong cùng cách thức như trình thuật trong chương 17 câu 1 tới 7 sách Xuất Hành và chương 20 câu 1 tới 13 sách Dân Số như là tội biểu tượng của dân Israel trong sa mạc, nghĩa là sự kiện họ thiếu lòng tin nơi Thiên Chúa, đến độ bị phạt không được vào Đất Hứa.
“Nhưng chúng đã kinh nghiệm công việc của Ta”, dịch sát chữ là trông thấy việc Thiên Chúa làm. Israel đã nghi ngờ khả năng thực sự của Thiên Chúa cứu giúp họ trong các điều kiện sống cam go trong sa mạc, nhưng họ đã thấy quyền năng của Ngài cho họ ăn uống no đủ. Chính thái độ thiếu lòng tin ấy khiến cho dân Do thái kéo đổ trên họ các đánh phạt của Thiên Chúa, như viết trong thánh vịnh 81: “Họ được ăn, ăn thật no nê, thèm thứ gì, Người đãi cho thứ đó. Nhưng khi họ chưa kịp đã thèm,
khi miếng ăn còn chưa kịp nuốt, thì cơn giận Chúa Trời đã bừng lên phạt họ. Chúa giết ngay những người khoẻ nhất Ít-ra-en. Chúa giết liền bọn trai trẻ ấy. Thế mà dân cứ phạm thêm bao tội lỗi, chẳng buồn tin việc lạ Chúa làm” (Tv 81, 29-32). Đặc biệt thánh vịnh 106 nhắc lại những gì dân Do thái đã phải gánh chịu vì thái độ cứng lòng tin của họ.
“Suốt bốn mươi năm”: là thời gian dân Do thái lang thang trong sa mạc. Truyền thống đệ nhị luật coi nó như thời gian Thiên Chúa lo lắng săn sóc dân Do thái (Đnl 1,2; 2,7; 8,2; 29,5; Ds 13,33; Am 2,10). Ở đây trong thánh vịnh 95 nó diễn tả sự chán ngán buồn nôn của Thiên Chúa trước các nổi loạn vô ơn lập đi lập lại của dân Ngài, vì họ có con tim sai lạc. Các thế hệ trong sa mạc cũng như các thế hệ đến sau không hiểu các đường lối của Thiên Chúa, nghĩa là việc hành xử của Ngài không chỉ qua các bằng chứng mà nhất là qua các ân huệ ngoại thường Ngài làm để cho họ tin tưởng và gắn bó yêu thương Ngài.
“Vì thế Ta thề trong sự phẫn nộ của Ta”: Thiên Chúa quyết định cho toàn thế hệ nổi loạn chết hết trong sa mạc trước khi dân được tuyển chọn vào đất Canaan (Ds 14,22-35). Lời thề là của truyền thống đệ nhị luật (Đnl 1,34; 2,15).
“Chúng sẽ không đạt đến chốn yên nghỉ của Ta”: Đất hứa là nơi nghỉ ngơi Thiên Chúa dành cho dân Ngài sau bao nhiêu biến chuyển khác nhau.
Linh Tiến Khải
RV